Tôi biết anh 6 năm trước, khi có người thuê tôi khám cho một bệnh nhân ở Cần Thơ. Anh ấy đại diện cho nhóm từ thiện để đi cùng tôi. Thật tiếc là bệnh nhân ấy không muốn chữa bệnh. Bệnh nhân muốn để tình trạng bệnh tật để còn dễ… xin tiền, nên chỉ chấp nhận cho các bác sĩ điều trị nửa vời.
Thế rồi tôi bắt đầu để ý đến anh ấy. Cứ cuối tuần là anh ấy đi. Hết miền Đông đến Miền Tây, hết Sài gòn đến miền Trung… Anh chuyển tiền, gạo, đồ ăn, thuốc men… mà các nhà hảo tâm nhờ anh tặng cho những mảnh đời bất hạnh. Thường thì anh gặp họ, rồi đăng lên, và các nhà hảo tâm nhờ anh chuyển. Cứ thế, đã 6 năm nay, tuần nào tôi cũng thấy anh đi như vậy.
Thế rồi dịch đến. Khi thấy mình ở Đà Lạt, mà bà con Sài Gòn không thể mua được rau. Tôi đã mua rau chuyển xuống. Anh là người tôi nghĩ đến đầu tiên. Không ngờ, anh không làm như xưa nữa. Anh đi hàng ngày, và anh lo cho hàng mấy trăn người dân Vĩnh Lộc, từ ăn sáng, ăn trưa, ăn chiều, từ bánh mì, đến gạo, nước mắm, nước tương, cá, rau…
Suốt mấy tháng trời, ngày nào anh cũng đến với những người dân không có bất cứ nơi nào để bấu víu. Đó là anh Phạm Văn Dũng. Những người chưa bao giờ biết anh có thể sẽ hơi khó chịu, khi anh hay chêm “Mô Phật”, hay “hoan hỉ” khi nói chuyện. Nhưng nếu biết những gì anh làm suốt thời gian qua, thì không chỉ thay đổi suy nghĩ về anh, mà là cả một sự khâm phục.
Đó là em ruột của cô bạn gái thời tôi còn sinh viên. Tôi cũng không để ý về cuộc sống của em lắm, mãi cho đến khi tôi đăng lên xem ai cần rau, và tôi gởi cho em vài trăm ký theo yêu cầu của em. Thì ra cả một thời gian dịch vừa qua, em đã chạy đầu này đầu kia, xin về khi thì rau, khi thì gạo, cho mấy trăm hộ dân khu vực em ở, một xóm nghèo ở Hóc Môn.
Khi tôi đăng lên Facebook việc cần giải cứu cho các nhà vườn Đà Lạt, và chuyển rau cho bà con Sài Gòn, nhiều người đóng góp, tôi mua được những lượng rau lớn hơn. Tôi biết đến một nhóm mấy anh em, gọi là nhóm Sài Gòn vùng ven. Ba tháng nay, kể từ khi tôi biết đến các anh em, ngày nào cũng thấy các anh em, đi hết nhà trọ này đến nhà trọ khác. Không biết bao nhiêu con người đã nhận được những phần quà đủ để duy trì cuộc sống cho họ khoảng một, hai tuần.
Hôm qua, trong khi tôi đang cảm thấy khó chịu vì bị đau chỗ chích vaccin, thì khi mở Facebook ra, tôi thấy tất cả những người nói trên đang tổ chức Trung Thu cho các cháu bé, ở những khu trọ của công nhân, của người lao động, ở những vùng ven.
Qua công việc cung cấp oxy cho người bệnh, tôi lại được biết thêm những con người khác. Đó là anh Tấn Hùng, của cơ sở sang chiết oxy Vạn Tấn Phát. Suốt mấy tháng trời, anh bơm oxy miễn phí cho bất cứ ai đến chỗ anh, cung cấp cho rất nhiều bệnh viện dã chiến nguồn oxy, tức là nguồn sống của những con người cận kề với cái chết.
Hay anh Danh, thông qua giới thiệu của anh Tang A Pau, đã sẵn sàng cho chúng tôi mượn chiếc xe tải suốt một thời gian dài. Rồi các anh em tình nguyện viên, mỗi người mỗi nghề khác nhau, tự chia nhau thời gian, để có thể mang đến những bình oxy cho người cần nó. Có bác sĩ vừa buông dao mổ là chạy ra, luồn lách vào các con hẻm nhỏ đầy dây thép gai, chở những bình oxy mang đến sự sống cho những người dân đang thoi thóp thở.
Rồi những bạn ở nhiều nơi trong nước, từ Trà Vinh đến Long An, từ Lâm Đồng đến Bình Thuận, cùng nhau tham gia vào chương trình cung cấp oxy cho người bệnh. Có bác sĩ khi biết mình bị nhiễm, cũng vẫn tham gia trực, hướng dẫn cho người bệnh. Chắc không mấy người biết rằng, bác sĩ đang tư vấn cho mình, là một bác sĩ đã về hưu, và cũng đang bị nhiễm.
Đó là còn chưa nói đến những nhà hảo tâm, đã đóng góp tiền bạc, vật phẩm cho những tổ chức từ thiện tự phát, giống như của anh Dũng, của Sài Gòn vùng ven, của Oxy cho sự sống, và hàng ngàn tổ chức khác cung cấp từ những bữa ăn, đến nước uống, từ khẩu trang đến máy thở, cho hệ thống bệnh viện chống dịch, thiếu thốn kể cả những thứ nhỏ nhặt nhất.
Tôi không biết những đồng nghiệp của tôi từ miền Bắc vào Thành phố Hồ Chí Minh, cùng với lực lượng quân đội súng ống đầy mình, cứu được bao nhiêu người dân Sài Gòn. Mà một thằng khốn nạn mang danh bác sĩ, mang danh nhà báo, kể công rằng nếu không có họ, sẽ có nửa triệu dân Sài Gòn chết. Thực ra, tôi cho rằng họ đang sửa sai cho những kẻ đã đẩy Sài Gòn vào thảm họa.
Tôi biết rằng, những con người từng đến với Sài Gòn nói trên, cùng với hàng ngàn, hàng vạn người dân Sài Gòn khác, đã cứu sống, không phải nửa triệu, mà là nhiều triệu người dân Sài Gòn thoát chết. Những con người đó đã hạn chế thiệt hại, do những kẻ không biết là vì lý do gì, đã góp phần cùng con virus Vũ Hán gây ra thảm họa cho người dân Sài Gòn.
VÕ XUÂN SƠN 22.09.2021
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.