mercredi 22 septembre 2021

GS Nguyễn Văn Tuấn - "Vaccin made in Vietnam" và thông tin lẫn lộn

 

Đọc qua vài bản tin liên quan đến vaccin này, không biết đường đâu mà lần mò! Tình trạng nói lên một phần về văn hóa khoa học ở Việt Nam còn hơi khác so với thế giới trong đại dịch này.

Báo Tuổi Trẻ thì viết rằng "Hội đồng đạo đức: Nano Covax có tác dụng với chủng Delta, Alpha" [1]. Báo PLO thì đoán rằng "Nano Covax và cơ hội cấp phép lưu hành trong những ngày tới" [2].

Nhưng đài BBC uy tín thì cho biết "Hội đồng Đạo đức nói chưa đủ dữ liệu đánh giá hiệu lực bảo vệ của Nanocovax" [3], và nhứt quán với báo trong nước "Hội đồng Đạo đức: Vẫn chưa có dữ liệu để đánh giá trực tiếp hiệu lực bảo vệ của vaccin Nanocovax" [4].

Vấn đề là người đọc biết tin ai?

Thật ra, nếu đọc kỹ hơn chút thì sẽ thấy những cái tít như báo Tuổi Trẻ và PLO [1,2] có vấn đề. Vấn đề là không có dữ liệu nào cho thấy vaccin có hiệu quả giảm nguy cơ nhiễm covid-19. Chỉ có dữ liệu ... gián tiếp. Ví dụ như bài báo trên PLO cho biết "Kết quả dù chưa đạt đồng thuận cao nhưng đa số hội đồng đã bỏ phiếu kết luận việc ngoại suy hiệu quả bảo vệ của Nano Covax trên cơ sở tính sinh miễn dịch là đảm bảo tính khoa học".

Tôi không hiểu làm sao có thể ngoại suy (generalize) từ sinh miễn dịch sang số ca nhiễm covid? Nói vậy chẳng khác gì nói tôi không cần biết nhóm can thiệp có bị đột quỵ hay không, tôi chỉ cần biết huyết áp là có thể đánh giá hiệu quả của thuốc về đột quỵ! Nói vậy thì làm nghiên cứu RCT giai đoạn III làm gì? Thật khó hiểu.

Đọc kỹ những bài báo này chúng ta dễ dàng thấy nghiên cứu này chưa có kết quả. Kết quả mà mọi người mong đợi là số ca nhiễm trong nhóm được tiêm vaccin và trong nhóm chứng (được tiêm vaccin giả).


Theo đề cương công bố trên clinicaltrials.gov thì chương trình thử nghiệm lâm sàng sẽ có 2 nhóm: vaccin gốm 8.667 tình nguyện viên, và nhóm chứng 4.333 người.

Mục tiêu là ước tính hiệu quả vaccin. Gọi a là số ca nhiễm trong nhóm vaccin và b là số ca nhiễm trong nhóm chứng. VE có thể ước tính theo công thức sau đây:

VE = 1 - (a / 8667) / (b / 4333)

Mục tiêu cụ thể là VE phải cao hơn 0.50 (hay 50%). Do đó, hai con số a và b là rất quan trọng. Đó chính là 2 con số mà công chúng mong đợi. Còn tất cả các con số khác chỉ là gián tiếp và không phản ảnh vaccin có hay không có hiệu quả giảm lây nhiễm covid.

Trong văn hóa khoa học, có qui ước gọi là 'Ingelfinger Rule'. Đại khái, theo Quy ước Ingelfinger, nhà khoa học không được tiếp xúc báo chí đại chúng khi kết quả chưa qua bình duyệt bởi các chuyên gia, và chưa được công bố trêm một tập san khoa học. Nếu ai công bố trước trên báo chí đại chúng thì tập san khoa học sẽ không bình duyệt bài báo. Quy ước cũng lâu rồi, nhưng tuyệt đại đa số giới khoa học tuân thủ theo.

Hồi đầu năm nay chúng tôi công bố một bài quan trọng trên tập san eLife, và tòa soạn nhắc nhở chúng tôi là không được nói gì với báo chí trước khi kết quả được công bố. Mới đây vài ngày, tập san BMJ cũng nhắc chúng tôi như thế. Nhưng đó là thế giới, còn ở Việt Nam thì có khi người ta công bố trên báo chí phổ thông mà chưa ai thấy dữ liệu hay qua bình duyệt.

Thôi thì trong đại dịch, cũng nên dzu dzi với Qui ước Ingelfinger. Nhưng ít ra nhà báo phải hỏi về dữ liệu thực tế, để đưa tin đáng tin cậy cho công chúng. Còn nếu chưa có con số ca nhiễm trong mỗi nhóm nghiên cứu (số a và b) thì tốt nhứt là đừng có 'ngoại suy' vì điều đó rất ư là sai trái và misleading.

Xin nhắc lại câu nói bất hủ trong khoa học: ”In God we trust. All others must bring data.” (Nếu tin thì chỉ nên tin vào Thượng đế, tất cả còn lại thì phải có dữ liệu).

GS NGUYỄN VĂN TUẤN 20.09.2021

[1] Hội đồng đạo đức: NanoCovax có tác dụng với chủng Delta, Alpha

[2] Nano Covax và cơ hội cấpphép lưu hành trong những ngày tới

[3] VN: Hội đồng Đạo đức nóichưa đủ dữ liệu đánh giá hiệu lực bảo vệ của Nanocovax

[4] Hội đồng Đạo đức: Vẫn chưacó dữ liệu để đánh giá trực tiếp hiệu lực bảo vệ của vaccine Nanocovax

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.