Khi dịch bệnh căng thẳng, nhà cầm quyền nào cũng vậy đều phải thực thi những biện pháp chống dịch chặn dịch (chứ không phải tấn công, tấn thế quái nào được kẻ thù vô hình có "mặt" ở khắp mọi nơi). Một trong những cách ấy là tiến hành phong tỏa, cấm đoán sự đi lại, hạn chế tối đa những hoạt động bị coi là không bức thiết.
Báo chí, nhất là báo chí mậu dịch, đang bị đẩy vào chân tường, nói chính xác là bờ huyệt. Chỉ cần hẩy nhẹ một phát là lăn tòm xuống đáy. Báo điện tử thì còn đỡ, chứ báo in, nếu tình trạng phong tỏa ngăn chặn cấm đoán đi lại - lockdown này kéo dài, gia hạn thêm vài đợt nữa thì vô phương cứu chữa, có đổ thuốc thánh đền bia cũng chịu.
Tôi từng có gần hai chục năm làm báo in, biết rất rõ hệ thống phát hành của nó. Không có đại lý, sạp báo, người bán báo dạo, nhân viên phát hành đi lại thì báo in chỉ còn giá trị ve chai. Thời điểm này là vậy.
Tôi vừa được người bạn cho biết, có tờ báo in vốn khá nhiều bạn đọc (theo thói quen đọc báo giấy, vừa nhâm nhi ly cà phê, vừa chú mục vào tờ báo trên tay). Khi bình thường cũng đạt chục vạn rưỡi bản, giờ lay lắt chỉ dám in vài chục ngàn, mà vẫn ế. Thương đồng nghiệp gặp lúc hoạn hải ba đào, trúng thời khốn khó.
Người tính không bằng trời tính. Có mấy ai nghĩ cảnh dịch bệnh nó ghê gớm tới mức này. Vậy thì đã đến lúc phải thay đổi hẳn tư duy làm báo. Có thể đã đến lúc viết sẵn điếu văn cáo chung báo in, dồn hết lực cho báo điện tử. Chính phủ còn có chủ trương chuyển thành chính phủ số thì lẽ nào báo cứ khư khư bám lấy giấy mực. Ăn nhau ở những cái đầu, cụ thể là tổng biên tập, còn không sẽ vui vẻ cùng nhau chết chùm.
Đó mới chỉ là lý do khách quan. Về chủ quan, báo mậu dịch cứ trung thành với giọng điệu véo von ca hát xưng tụng nhà cai trị thì chết cũng đáng, mà thực ra chết từ khá lâu rồi.
Sự cáo chung kia, không phải nhà cai trị không biết, bằng chứng là họ đang ra đủ mọi thứ quy định để siết internet, mạng xã hội. Họ cứ nghĩ có súng AK thì làm gì cũng được. Hãy nhớ rằng, cưỡng lại quy luật thì sẽ bị bánh xe quy luật nghiền nát, đừng có mà hống hách cả vú lấp miệng em. Xưa nay, thứ gì cũng có thời của nó, kể cả thể chế. "Sở vương đài tạ không sơn khâu", lâu đài của vua Sở từng một thời hoành tráng nhất thiên hạ giờ đây cũng chỉ còn là gò cỏ xanh.
Cả nhà cai trị lẫn người dân hãy hiểu rằng, khi báo chí đã lụi tàn, thì lúc này không gì nâng cao dân trí nhanh chóng và tốt hơn mạng xã hội, chẳng hạn phây búc (Facebook). Chính vì vậy, những kẻ chủ trương thực hiện chính sách ngu dân chỉ nhăm nhăm bới lông tìm vết kết tội mạng xã hội, lên án nó, nói xấu nó. Bản thân "quan tòa" đã không tin vào điều họ đưa ra thì dân chúng đừng nên dại khờ mắc mưu của họ.
NGUYỄN THÔNG 12.07.2021
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.