Tôi lật lại danh sách người mù từ năm ngoái. Những hàng chữ lướt qua, từng gương mặt quen dần hiện lên. Tháng 4/2020, trong đợt giãn cách đầu tiên ở Sài Gòn, họ gọi chúng tôi kêu cứu...
**
Đó là gia đình cô Trương Thị Tuyết Anh, 58 tuổi, bị mù, chân yếu nên hầu như nằm một chỗ gần 20 năm nay. Người anh thứ của cô bị tâm thần. Mọi gánh nặng đè lên vai người anh cả là Nguyễn Văn Phước, 67 tuổi.
Để nuôi thân, nuôi hai em bệnh tật, ông Phước chỉ biết dựa vào nghề chạy xe ôm và hơn 1 triệu Nhà nước hỗ trợ cho hai người em khuyết tật. Mà chạy xe ôm truyền thống thì bữa đói, bữa no. Hôm nhiều được trăm mấy, hai trăm, hôm ít được vài chục, có khi mấy ngày liên tục không có cuốc nào. Căn phòng nhỏ 12 mét vuông là chốn nương náu quý giá nhất của ba anh em.
Khao khát lớn nhất của ông là được ai đó cho làm bảo vệ, kiếm được 4, 5 triệu/tháng để ba anh em có cái ăn chống đói. Nhưng khó ai chịu thuê ông lão gần 70 tuổi, lại không thể trực đêm (vì đứa em mù lòa không thể nào chăm sóc đứa bị tâm thần nếu ông vắng nhà).
Năm ngoái qua thăm, thấy bi đát quá, chúng tôi gởi ông ít tiền và quà. (Sau đó, thỉnh thoảng lại ghé, gởi ông vài trăm xài đỡ).
Năm nay hẻm 15 đường Cô Bắc (P. Cầu Ông Lãnh, Q.1) có hơn 20 người nhiễm covid nên bị cách ly liên tục. Vì thế mà cuộc nói chuyện giữa tôi và ông Phước đều phải qua hàng rào kẽm gai và dây chăng, cách nhau chừng 5 mét.
Hỏi bây giờ trong túi còn nhiêu tiền?, ông Phước lộn túi trái túi phải ra: “Hông còn đồng nào chú ơi”. Vậy chú ăn gì? “Phường có cho cơm, với lại gạo, trứng ăn chưa hết, còn thùng mì gói nữa. Chắc cũng không sao”. Có lẽ đã quá quen với những cảnh đói no như vậy, nên ông nói giọng nhẹ tênh...
**
Cơn bão cúm Tàu cũng không buông tha cho cô Nguyễn Thị Hai, 64 tuổi, và Nguyễn Thị Lý, 63 tuổi. Hai người mù bẩm sinh, sống chung với nhau từ bé trong trại mồ côi. Mấy chục năm nay hai cô bán vé số kiếm sống.
Phòng trọ vách ván chừng 8 mét vuông (hẻm 369 đường Lý Thái Tổ, Q.10) và điện nước chừng 2 triệu, đủ ngốn gần hết số trợ cấp của Nhà nước dành cho người mù. Giãn cách đến nay đã hơn 1 tháng rưỡi khiến hai người thật sự chới với. Số tiền 1,5 triệu/người từ Phường hỗ trợ người bán vé số đã hết từ lâu.
Gạo, cơm nhà hảo tâm cho, họ cũng phải...ăn nhín.
Nhưng mối lo nhất hiện nay là họ đang ăn lẹm vào chút tiền để dành còm cõi. “Hai đứa tụi tui đều bị tiểu đường, huyết áp, tim. Sắp tới mà có bị gì không biết xoay sở làm sao. Thôi, tới đâu hay tới đó”. Hai bà cười nhưng sao mắt buồn thiu...
**
Mấy ngày này đường phố vắng tanh, chỉ thấy chốt chặn, rào kẽm gai, dây giăng khắp lối, thi thoảng vài chiếc xe vụt qua thật lẹ như thể sợ…con covid chạy theo. Trên đường Lũy Bán Bích (khúc gần bùng binh Hòa Bình), một anh mù ngồi lặng thinh, trơ trọi.
Chúng tôi chạy xe vụt qua anh một đoạn, nhưng phải bần thần rồi...quay xe lại. Anh tên Trương Hán Long, 42 tuổi, trước thuê phòng trọ ở Hóc Môn, mỗi ngày đi xe buýt xuống nội thành bán vé số. Sài Gòn mới bị phong thành có một ngày anh đã bị đẩy ra khỏi phòng trọ vì không trả đủ tiền thuê. Anh bèn về tá túc nhà một bạn mù nghèo khác ở Gò Vấp.
Mình nghèo, bạn cũng nghèo, không lẽ suốt ngày ngồi nhà chờ ăn chực. Xe buýt không có, anh bèn rờ rẫm ra đường …ăn xin. Đường vắng thế này, ai ra ngoài cũng vội vã lo thân mình, mấy ai chú ý đến một thân phận mù lòa, cô độc đang chờ đợi lòng thương của người khác như anh bây giờ?
**
Ngày trước, giữa đêm đông tuyết phủ, cô bé bán diêm của Andersen run lên vì đói và rét. Cô ngồi quẹt từng que diêm để sưởi ấm, để thắp lên giấc mơ của mình. Ngày nay, trong bóng đêm vĩnh cửu, ai sẽ thắp cho người mù một que diêm?
NGUYỄN TẬP 17.07.2021
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.