samedi 24 juillet 2021

Võ Xuân Sơn - Hãy đừng ngoan cố

 

Hôm nay, ngồi đọc một số comment trong một số bài viết của tôi về dịch viêm phổi Vũ Hán thời gian qua, mới nhận ra, có lẽ một số bạn hiểu lầm, cũng có thể một số người cố ý, khi cho rằng tôi mâu thuẫn trong ý kiến về phương pháp chống dịch. Và từ đó phủ nhận các ý kiến của tôi.

Đề xuất của tôi mang tính nới lỏng kiểm soát, nới lỏng phong tỏa, nới lỏng cách ly, không có nghĩa là thả nổi cho dịch tự do lây lan. Trên thực tế, chúng ta đang phong tỏa bừa bãi, cách ly bừa bãi. Một F0 ghé vô một cửa hàng, mắc mớ gì mà cách ly toàn bộ những người lui tới cái cửa hàng đó trong khung giờ F0 ghé qua.

Đã thế còn cách ly cả những người tiếp xúc với người có mặt trong khung giờ và địa điểm nơi F0 ghé qua, gọi là F2. Phong tỏa cũng vậy. Cứ có một F0 là phong tỏa cả con hẻm, cả tòa nhà. Phong tỏa như vậy là dựa trên cơ sở nào? Đó là cách ly bừa bãi, đó là phong tỏa bừa bãi.

Vấn đề thứ hai là dân sinh. Mỗi lần cách ly, phong tỏa, là người dân mất việc làm, doanh nghiệp mất nhân công, dẫn đến người dân không có thu nhập, doanh nghiệp bị thiệt hại. Nhà nước không tính đến các thiệt hại đó. Nhà nước chỉ làm một việc, là cấm, cấm, và cấm, với hy vọng không bị lây lan. Một số bạn nói vì cấm nên bây giờ mới lây lan mức độ ít như vậy, chứ không cấm thì bây giờ lây nhiễm nhiều hơn nhiều rồi.

Tôi cho là ngụy biện. Rõ ràng là chính quyền tưởng rằng cấm sẽ có hiệu quả, nên mới cấm trong 15 ngày, rồi 15 ngày tiếp, rồi thi đua giảm F0, đưa F0 về 0. Nhưng càng cấm thì số nhiễm càng tăng. Và, đã bao giờ nhà nước này, chính quyền này dự kiến là con số nhiễm đã như bây giờ chưa? Nếu đã tính đến rồi, thì sao bây giờ lại thiếu đủ thứ, tại sao lại để bao nhiêu người chết khi chưa đến được các bệnh viện?

Ngoài ra, nếu phong tỏa, cách ly như cách mà chúng ta đang làm mà hiệu quả thật sự, thì chính quyền phải dự đoán được con số nhiễm sẽ tăng như bây giờ. Vậy tại sao chính quyền không cho nhân viên y tế tư nhân chích vaccin. Như bản thân tôi, đề nghị được chích vaccin thì gạt tên tôi ra (cả điều dưỡng trưởng của tôi cũng bị gạt ra nữa), để đến mức tôi phải đưa cả nhà chạy lên Đà Lạt trốn dịch.

Nếu nhà nước tính được là sẽ đến lúc con số lây nhiễm tăng lên như bây giờ, đến mức phải kêu gọi người về hưu, kêu gọi y tế tư nhân tham gia chống dịch, thì đã phải lo cho họ chích vaccin như họ tuyên bố ưu tiên rồi chứ. Thực ra là các vị nghĩ rằng, các vị sẽ không cần đến bọn chúng tôi, nên mới không quan tâm đến đội ngũ ấy. Tức là các vị tưởng rằng, cách chống dịch của các vị sẽ không bao giờ để dịch lây lan mạnh.

Tôi đề xuất truy vết F1, F2, nhưng chỉ để tập trung xét nghiệm tìm F0. Và chỉ cách ly F0. Như vậy không có nghĩa là thả nổi. Tôi vẫn đề nghị thực hiện giữ khoảng cách, rửa tay, mang khẩu trang và không tụ tập đông người. Bằng chứng là tôi phản đối các lễ hội, tập trung bầu cử, tập trung thi… Tôi cho rằng, điều đó quan trọng hơn nhiều so với phong tỏa, cách ly. Mặc dù nhà nước này không bao giờ công nhận việc tổ chức bầu cử là một trong cách lý do gây bùng phát dịch, nhưng theo tôi, đó chắc chắn là một lý do quan trọng.

Tôi đề xuất để F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà. Như vậy không có nghĩa là tôi đề nghị bỏ mặc họ. Có người lý luận, việc để F0 tại nhà gây ra cảnh người ta trở nặng không kịp cứu, để chết tại nhà. Có thể những người nói như vậy không hiểu hoặc cố tình ngụy biện. Tất cả những người chết tại nhà cho đến giờ, đều là do không có bệnh viện cho người ta vô khi trở nặng. Nếu để F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà, họ đâu có bị thiếu bệnh viện để khi trở nặng là được đưa ngay vô bệnh viện. Thật buồn là trong những ngày qua, số người chết tại nhà không hề ít.

Nếu F0 nào để ở nhà cũng có một bác sĩ ở địa phương tư vấn, và bệnh viện luôn sẵn sàng đón nhận khi họ trở nặng, thì số chết sẽ ít hơn bây giờ. Điều đó là chắc chắn. Tôi không biết con số F0 đang ở trong các bệnh viện bây giờ là bao nhiêu. Có lần tôi đọc được bài báo, TPHCM có hơn 33.000 người F0 trong các bệnh viện, mặc dù lúc ấy, tổng con số nhiễm của TPHCM từ đó đến giờ mới chưa đến 30.000 người.

Nhưng cứ cho là hiện TPHCM có 50.000 người nhiễm, thì số cần nằm viện thực sự sẽ chỉ có khoảng 20.000 người (tính với tỉ lệ trở nặng cao nhất trên thế giới, thực tế tỉ lệ trở nặng của Việt Nam thấp hơn). Với 50.000 giường dành cho người nhiễm, sẽ có nhiều chỗ cho người trở nặng mà không cần đôn đáo gọi, thậm chí mang xe chở tới bệnh viện, mà không có ai chịu nhận. Để khi các bác sĩ tư vấn tìm được oxy cho thở tại nhà thì chết mất rồi.

Tôi được xem những đoạn clip thật đau lòng, khi những người F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ trong các bệnh viện kêu gọi đừng nhập viện. Niềm tin của họ đã bị mất, và họ bất cần. Tôi cũng đã xem một đoạn video một cô gái trẻ khỏa thân tỉnh bơ, mà người xem nghĩ ngay đến việc cô ấy đã bị stress quá nặng, đến mức bất cần gì về hình ảnh của mình trước ống kính cũng như nhân viên y tế và người khác.

Việc tôi đề xuất để F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà, là để phù hợp với khả năng của chúng ta, hạn chế tối đa thiệt hại. Trong một môi trường quá tải, người bị F0 không được tư vấn, điều kiện chăm sóc về vật chất thiếu thốn, ngay cả khi không thiếu thốn, thì môi trường lạ, không phù hợp, cũng gây tác động tiêu cực nặng nề lên tinh thần. Từ đó làm cho sức đề kháng của con người ta kém đi, và dễ trở nặng hơn, có nhiều người chết hơn.

Đã vậy, việc gom tất cả người nhiễm vào một chỗ, làm mật độ virus trong môi trường dày đặc, từ đó, độc tính gia tăng, người bị nhiễm cũng dễ bị trở nặng hơn, và nhiều người chết hơn.

Nếu chính quyền này không nhìn thẳng vào sự thật để thay đổi cho phù hợp với năng lực, để hạn chế thiệt hại, thì thiệt hại sẽ lớn hơn rất nhiều.

VÕ XUÂN SƠN 24.07.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.