dimanche 11 juillet 2021

Ấn Độ-Thái Bình Dương trong chiến tranh lạnh thế kỷ 21 với Trung Quốc


Đăng ngày:


Nếu Đại Tây Dương từng là trung tâm của thế kỷ 20 và hai cuộc đại chiến thế giới, thì Ấn Độ-Thái Bình Dương đóng vai trò hàng đầu trong thế kỷ 21. Khái niệm này không mang tính địa lý – có nhiều định nghĩa khác nhau về phạm vi khu vực từ Ấn Độ đến Djibouti – nhưng về địa chính trị.

Ấn Độ-Thái Bình Dương, thành trì đối phó Trung Quốc

Ấn Độ-Thái Bình Dương đã thay thế cho khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong những năm 2010, với ba sự thay đổi. Đó là cán cân dân số và kinh tế đã nghiêng sang một khu vực chiếm 60% dân số, 40% sản xuất và 30% thương mại toàn cầu. Bên cạnh đó là một Trung Quốc phát triển vượt bậc, hướng tới mục tiêu thống trị thế giới vào khoảng năm 2049, còn phương Tây đã yếu đi cần phải phối hợp với Ấn Độ và Nhật Bản để ngăn chận Bắc Kinh.

Trên thực tế, chính Tập Cận Bình đã khiến phải sinh ra khái niệm Ấn Độ-Thái Bình Dương. Từ khi « lên ngôi » tháng 11/2012, ông ta thúc đẩy sùng bái lãnh tụ, ý thức hệ mao-ít, muốn trị vì trọn đời, bành trướng khắp mọi nơi để áp đặt sự thống trị của Trung Quốc – như đã nhắc đến nhân kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng Sản vừa qua.

Chính sách này đi kèm theo sức mạnh quân sự đáng ngại, với việc siết  chặt bàn tay sắt ở Hồng Kông bất chấp các cam kết lúc được trao trả, và xây dựng một « Vạn lý Trường thành » trên Biển Đông, đe dọa Đài Loan, tấn công Ấn Độ ở Ladakh. Bắc Kinh cũng lập ra khu vực tự do mậu dịch rộng lớn giúp xuất khẩu các tiêu chí và công nghệ Trung Quốc. Kèm theo đó là một mạng lưới hạ tầng quan trọng với việc chiếm lĩnh, thậm chí kiểm soát các cơ sở này, thông qua bẫy nợ với các nước như Cam Bốt, Sri Lanka, Montenegro, nhằm bao vây phương Tây.


Bắc Kinh là nguyên nhân của chiến tranh lạnh mới

Trung Quốc trong thời Tập Cận Bình là mối đe dọa mang tính hệ thống cho dân chủ, nguy hiểm hơn cả Liên Xô cũ vì đang đóng vai trò trung tâm trong chuỗi giá trị kỹ nghệ và ngấp nghé ngoi lên trong các công nghệ hàng đầu : kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo, y sinh học. Bắc Kinh là nguyên nhân của cuộc chiến tranh lạnh mới trong đó sân khấu không còn là châu Âu mà là Ấn Độ-Thái Bình Dương, nơi tập trung nguồn lực tăng trưởng cùng với nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân, tấn công tin học, Hồi giáo cực đoan, biến đổi khí hậu.

Thế nên Ấn Độ-Thái Bình Dương là ưu tiên của các đại cường, và từ năm 2019 là nơi hoạt động chính của lực lượng Mỹ trước khi trở thành trung tâm chiến lược của Biden : tái cam kết với các đồng minh châu Á và thực dụng với Nga để tách khỏi ảnh hưởng Trung Quốc. Theo tác giả Baverez, sự quay lại của Hoa Kỳ được Nhật Bản của ông Shinzo Abe chuẩn bị qua việc xích gần lại với Ấn Độ.

Với dân số sẽ vượt qua Trung Quốc vào năm 2027 và tiềm năng kinh tế, Ấn Độ có vai trò quan trọng trong việc ngăn chận Trung Quốc. Dù muốn độc lập với phương Tây, nhưng bị Bắc Kinh bao vây bằng Con đường tơ lụa mới và tấn công ở Himalaya, thủ tướng Narendra Modi bèn xích lại gần Washington. Nay Ấn Độ tham gia Đối thoại an ninh của Bộ Tứ (Quad) và các hoạt động tự do hàng hải.


Châu Âu tỉnh thức sau nhiều thập niên mù quáng

Liên hiệp Châu Âu (EU) sau nhiều thập niên mù quáng, qua đại dịch Covid đã mở mắt thấy rằng quá lệ thuộc vào Bắc Kinh trong các mặt hàng thiết yếu, và ảnh hưởng của Trung Quốc lên các thành viên như Hungary. Tuy vậy, EU vẫn bị chia rẽ, đặc biệt do chính sách con buôn của Đức và phương tiện hạn chế để có thể tham gia vào vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Khu vực này có thể ngăn chận được sự bành trướng của tư bản toàn trị Trung Quốc, nhưng còn phải nỗ lực nhiều để biến ý tưởng thành chiến lược hiệu quả. Sự phối hợp giữa Hoa Kỳ, châu Âu và các quốc gia dân chủ châu Á không thể chỉ dựa trên sự tái cam kết của Mỹ như hồi năm 1945, mà mục tiêu là tránh xung đột vũ trang với Bắc Kinh, chủ yếu qua việc làm cho Trung Quốc phải trả cái giá thật đắt nếu xâm lăng Đài Loan. Đồng thời duy trì thế thượng phong về quân sự, công nghệ, bảo vệ luật pháp quốc tế, đa dạng hóa các chuỗi giá trị, đối thoại với xã hội dân sự Trung Quốc.

Tác giả kết luận, sự sống còn của phương Tây được quyết định tại Ấn Độ-Thái Bình Dương nhưng thành công còn tùy thuộc vào khả năng sáng tạo, việc giữ lời hứa và bảo vệ những giá trị của các nền dân chủ.


« Giáo chủ » Tập Cận Bình của Trung Quốc tư bản toàn trị

Cũng về Trung Quốc, giáo sư Chloé Froissart khi trả lời L’Express nhận định, đảng Cộng Sản được đưa lên ngang tầm tôn giáo, tuy nhiên thực tế trong một Trung Quốc rất bất bình đẳng lại ngược hẳn với các khẩu hiệu xã hội chủ nghĩa.

Nhà nghiên cứu nhận thấy có đến trên 80 khẩu hiệu được tuôn ra liên tục hàng ngày trong dịp kỷ niệm hoành tráng. Đảng Cộng Sản khoe khoang thành tích, đồng thời chối bỏ những vết nhơ trong quá khứ. Tất cả những cách nhìn khác với tuyên truyền của đảng đều là cấm kỵ, thậm chí dùng đến biện pháp khó tin là mở đường dây nóng để tố cáo những ai có quan điểm « sai lạc » về lịch sử đảng. Như vậy, đảng được nâng lên tầm tín ngưỡng, trong đó Tập Cận Bình là nhà tiên tri dẫn đường.

Giáo sư luật Hứa Chương Nhuận (Xu Zhangrun), người chỉ trích việc ông Tập hủy bỏ quy định hai nhiệm kỳ, đã bị mất chức và đang bị quản thúc. Vào lúc khởi đầu đại dịch corona, cũng đã có những tiếng nói đòi Tập Cận Bình từ chức.

Khi muốn tại vị tiếp nhiệm kỳ thứ ba, « Tập gia gia » đối mặt với vấn đề mà tất cả các nhà độc tài đều gặp phải. Ông ta đã tống quá nhiều người vào tù, tạo ra quá nhiều kẻ thù, nên nếu mất quyền sẽ là thảm họa cho ông. Một điểm yếu khác của chế độ là Trung Quốc đã trở thành một nước tư bản quá bất bình đẳng, vô số người nghèo khổ sống bên lề xã hội. Chính thủ tướng Lý Khắc Cường năm ngoái nhìn nhận có đến 600 triệu người, tức gần phân nửa dân số Trung Quốc, sống với 1.000 nhân dân tệ (125 euro) một tháng.


Vaccin Trung Quốc kém hiệu quả khiến Mông Cổ lao đao

Trên lãnh vực y tế, L’Express nói về ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc với Mông Cổ, đặc biệt trong việc cung cấp vaccin chống Covid. Đất nước có 3,2 triệu dân nằm giữa Nga và Trung Quốc, từng là vệ tinh của Liên bang Xô viết nên thân Matxcơva hơn là Bắc Kinh. Khi đại dịch Covid tràn đến, Mông Cổ tìm mua 1 triệu liều vaccin Spoutnik V, nhưng chỉ được giao có 60.000 liều, bèn quay sang Trung Quốc. Bắc Kinh không bỏ lỡ cơ hội gây ảnh hưởng với cái giá không đáng bao nhiêu : dân số cả nước Mông Cổ chỉ bằng một thành phố nhỏ của Trung Quốc. Nhờ đó, quốc gia Trung Á này nay nằm trong số hiếm hoi các nước đã tiêm chủng ít nhất một liều cho trên 60% dân số (gồm Canada, Israel, Anh).

Nhưng than ôi, từ giữa tháng Năm, một đợt dịch thứ ba đã diễn ra trên toàn quốc và trong tháng Sáu thêm 1.800 ca nhiễm virus corona, mỗi ngày trung bình có 9 người tử vong. Nhà virus học Jin Dongyan ở trường đại học Hồng Kông nhấn mạnh, vaccin Sinopharm chỉ hiệu quả 50%, thua xa của phương Tây nên không đủ để chặn dịch. Người dân cho rằng chính phủ nên dùng nguồn tiền từ quặng mỏ để mua các vaccin tốt hơn. Ý thức được điều này, Oulan Bator gần đây đã ký hợp đồng mua 2,5 triệu liều của Pfizer nhờ tài trợ của Nhật, một cách để thoát khỏi cái bóng của Trung Quốc.


Xuất xứ Covid : Tình báo Mỹ gặp khó khăn ở Hoa lục

Điểm qua một loạt các cơ quan tình báo quan trọng trên thế giới, Le Point nhận định tình báo Trung Quốc là nỗi đau đầu của CIA, trong khi châu Âu vẫn quá mất cảnh giác trước Bắc Kinh.

Ông Joe Biden hôm 28/05 yêu cầu cơ quan tình báo điều tra nguồn gốc con virus ở Vũ Hán trong vòng ba tháng khiến mọi người ngạc nhiên. Sam Wyman, từng làm việc cho CIA suốt 31 năm ở châu Phi, châu Âu và Cận Đông CIA cho rằng chỉ để trấn an dư luận. Để điều tra, cần phải tiếp cận phòng thí nghiệm Vũ Hán càng sớm càng tốt, dò xét những người đang làm việc, tìm ra những điểm yếu của họ và tuyển mộ, rồi kiểm tra những thông tin của người đó bằng phương tiện kỹ thuật. Việc này phải mất nhiều năm trời chứ không phải 90 ngày.

Nhưng tại sao CIA chưa từng thực hiện ? Đó là do rất khó dọ thám tại Hoa lục. Bắc Kinh xâm nhập được mạng lưới liên lạc của các nhân viên, có nguồn lực gần như vô tận về nhân sự và điện tử. Grant Newsham, cựu sĩ quan tình báo Hải quân Mỹ cho rằng còn khó khăn hơn cả điều tra ở Liên Xô cũ thời chiến tranh lạnh, vì tính chất độc tài của chế độ.

Chuyên gia Matthew Crosston nhận định : « FBI và CIA không nghi ngờ gì là Covid-19 xuất xứ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán, có thể do không áp dụng đúng quy định an toàn. Nhưng họ nghĩ rằng người Mỹ có thể hoảng loạn nếu nói ra như vậy, dù có nhấn mạnh là Trung Quốc không chủ định dùng làm vũ khí tấn công thế giới ». Vấn đề không phải là bảo vệ thông tin mật, mà là những điều họ tin người Mỹ không thể tiêu hóa nổi.


Bắc Kinh nghe lén các định chế châu Âu

Trong bài « Và Bắc Kinh đặt Bruxelles trong tầm nghe lén », Le Point nhận thấy Trung Quốc từ lâu đã lợi dụng sự ngây thơ của châu Âu để sắp đặt những quân cờ.

Tháng 10/2019, Bỉ đã phải cấm cửa giám đốc Viện Khổng Tử Tống Tân Ninh (Song Xinning) do tuyển điềm chỉ viên trong số sinh viên và cộng đồng người Hoa. Nhưng lợi dụng các lỗ hổng trong luật pháp châu Âu, đến tháng 4/2020 ông ta kháng cáo thành công và tự do đi vào không gian Schengen !

Một tháng sau, tháng 5/2020 báo Le Monde tiết lộ rằng tình báo Anh và Bỉ nghi ngờ đại sứ quán Malta ở Bruxelles là nơi tình báo Trung Quốc đặt thiết bị nghe lén các định chế châu Âu. Từ 2007, ngoại giao đoàn Malta đóng tại một tòa nhà đối diện với Ủy ban Châu Âu, và địa điểm quý giá này được chỉnh trang hoàn toàn bằng tiền của Bắc Kinh, ít nhất 21 triệu euro, và như vậy dễ dàng cài các tai nghe điện tử để dọ thám Liên hiệp Châu Âu (EU). Cáo buộc này rơi vào khoảng không vì không thể khám xét một đại sứ quán.

Tháng 6/2020, châu Âu trong cuộc họp thượng đỉnh với Trung Quốc cực lực tố cáo việc tấn công tin học vào các bệnh viện EU. Rồi đến tháng 10/2020, an ninh Bỉ mở điều tra về Fraser Cameron, nhà vận động hành lang là cựu nhân viên MI6 vì có những tiếp xúc với tình báo Trung Quốc. Ngày 01/12/2020, nhóm hữu nghị Trung Quốc-EU bị ngưng hoạt động do tiết lộ của Politico : cộng sự người Trung Quốc Gai Lin của dân biểu Cộng hòa Sec Jan Zahradil đã giấu không khai báo là thành viên một tổ chức do đảng Cộng Sản Trung Quốc chỉ đạo.

Lo ngại gián điệp kinh tế Trung Quốc, EU nay hiểu rằng bản thân nền dân chủ đang bị nhắm đến. Bắc Kinh dùng « tình báo chính trị » để biết được các ý định của Bruxelles nhằm phá hoại. Do tình báo và quốc phòng thuộc về quyền hạn của các Nhà nước thành viên, các định chế châu Âu trở thành gót chân Achilles.


Có đến 250 nhân viên tình báo Trung Quốc tại Bruxelles !

L’Express tả lại một cảnh trước khi xảy ra đại dịch, lúc mà các khách mời được đón tiếp thoải mái ở Nghị viện Châu Âu. Trong cuộc họp của tiểu ban an ninh quốc phòng về chủ đề 5G, một nhóm công dân Trung Quốc bí ẩn chiếm góc cuối phòng họp. Họ tự giới thiệu là sinh viên trong khi đều là những người ở tuổi 50 ! Bà Nathalie Loiseau, chủ tịch tiểu ban an ninh quốc phòng của Nghị viện Châu Âu cảnh báo, đây là nghị viện rộng mở nhất thế giới với hàng ngàn sự kiện và vô số khách mời hàng năm, nên rất dễ xâm nhập.

Theo ước tính, có khoảng 250 nhân viên tình báo Trung Quốc tại Bruxelles, trong khi EU lại không có khả năng chống gián điệp. Ông Nigel Inkster, từng là người đứng đầu MI6 tại Bắc Kinh và nay là nhà nghiên cứu của Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) nhận xét : « Trung Quốc không phải là một Nhà nước có các cơ quan tình báo, mà là Nhà nước gián điệp ».

Ngoài các nhân viên tình báo, có cả 91 triệu đảng viên, và bên ngoài đảng còn có hệ thống Mặt trận Thống nhất, các đại sứ quán, lãnh sự quán, các mạng lưới cộng đồng người Hoa, các công ty Nhà nước và truyền thông đặt dưới sự chỉ đạo của đảng. Công dân và định chế Trung Quốc không có chọn lựa nào khác ngoài việc hợp tác với tình báo, một đạo luật năm 2017 đã quy định rõ.

Ở Bỉ, tập đoàn Alibaba sắp mở một trung tâm logistic rộng đến 220.000 mét vuông ở sân bay Liège, đầu tư 100 triệu euro, được thủ tướng Bỉ Charles Michel, nay là chủ tịch Hội đồng Châu Âu, trải thảm đỏ chào đón hồi năm 2018. Theo luật tình báo 2017 nói trên, các công ty Trung Quốc phải mở cửa cho gián điệp, trong khi Liège nằm gần Bruxelles, Ủy ban Châu Âu và NATO. Bất chấp tranh cãi, Alibaba ở Liège bắt đầu tuyển mộ nhân viên.


Hungary : 97% dân Budapest chống dự án đại học Phục Đán của Trung Quốc

Tại Hungary, L’Express nói về « Gergely Karacsony, đô trưởng Budapest thách thức Orban và Trung Quốc ». Là nhà đối lập chính của thủ tướng Hungary, ông Karacsony từ chối việc đất nước mình trở thành cửa ngõ để Bắc Kinh xâm nhập châu Âu. Đối với đô trưởng Budapest, không thể chấp nhận dự án đại học Phục Đán trị giá 1,5 tỉ euro được Bắc Kinh cho vay. Tham gia cuộc biểu tình hôm 05/06/2021 của người dân thủ đô Hungary chống lại dự án này, ông tuyên bố không chỉ phản đối trường đại học cộng sản Trung Quốc mà cả việc đánh cắp hàng tỉ đồng forint của công quỹ và từ bỏ chủ quyền đất nước.

Ba ngày trước đó, vị đô trưởng ở lứa tuổi 40 cùng với quận trưởng quận 9, quấn khăn choàng Tây Tạng, đã khai trương bốn bảng tên đường mới : « Đường Đạt Lai Lạt Ma », « Đường những người tử đạo Duy Ngô Nhĩ », « Đường Hồng Kông tự do » « Đường Tạ Sĩ Quang» (tức vị giám mục bị bức hại Xie Shiguang). Bốn con đường này bao bọc khuôn viên trường đại học Phục Đán tương lai. Chính quyền thủ đô từ ngày 4 đến 13/06 đã tham khảo ý kiến người dân, kết quả là có đến 97% chống lại dự án trường đại học của Trung Quốc tại Hungary.  

Hồ sơ các tuần báo Pháp

Tuần báo L’Obs bắt đầu mùa hè sớm nhất bằng hình bìa tươi mát : một cô gái đạp xe, chú chó chạy tung tăng phía trước, bờ cỏ xanh bên đường…với hàng tựa « Một mùa hè tại Pháp ». Chiếc xe đạp cũng hiện diện trên trang bìa Courrier International, nhưng hồ sơ của tờ báo phân tích khía cạnh kinh tế : vì sao cung lại không theo kịp cầu, khi đại dịch Covid đã làm nhu cầu xe đạp bùng nổ trên thế giới. 

L’Express điều tra về mạng lưới gây ảnh hưởng trong quân đội Pháp, còn hồ sơ của Le Point gồm một loạt bài nói về « CIA, DGSE, Mossad, Guanbu, FSB : Các cơ quan tình báo nhìn thấy tương lai của chúng ta như thế nào ».

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.