Xin thông báo với các bạn hữu của gia đình Nguyễn Tường cùng các văn hữu, độc giả tập san Văn Hóa Ngày Nay của ông Nhất Linh Nguyễn Tường Tam thập niên 1960.
Một trong các cộng tác viên chủ chốt của Văn Hóa Ngày Nay là nhà văn Duy Lam, Nguyễn Kim Tuấn, tác giả tập truyện vui được nhiều độc giả thời đó ưa thích là Gia Đình Tôi, vừa qua đời sáng Jan. 4-21 tại bệnh viện ở Virginia, miền Đông Hoa Kỳ, thọ 89 tuổi.
Duy Lam là trưởng nam của bà Nguyễn thị Thế, em gái của hai ông Nhất Linh và Hoàng Đạo và là chị của Thạch Lam. Truyện Hai Đứa Trẻ của Thạch Lam chính là câu truyện nhà văn viết về chính mình và bà chị này.
Duy Lam động viên khóa 3 hay 4 Thủ Đức, cấp bậc cuối cùng, Trung tá Quân đoàn I, tù cải tạo gần 13 năm. Trong tù anh đã bị cùm tới bị thương thối cổ chân. Những năm tháng mới sang Hoa Kỳ theo diện HO vợ chồng anh sống tại Orange County, Nam California, sinh hoạt văn nghệ với nhiều thân hữu địa phương. Sau đó ba người con gái của anh đã đón vợ chồng anh về sống tại Virginia, miền Đông Hoa Kỳ.
Tại đây, anh chuyện về hội họa. Căn phòng riêng của anh trưng bày la liệt các họa phẩm của anh. Dần dần trí nhớ của anh có giảm sút...cuối cùng anh bị ngã. Được các con đưa vào nhà thương, không lâu sau anh qua đời vì các căn bệnh khác của tuổi già.
Các tác phẩm của Duy Lam gồm có:
Chồng Con Tôi (tập truyện ngắn, 1960)
Gia Đình Tôi (tập truyện ngắn, 1962)
Cái Lưới (truyện dài, 1964)
Nỗi Chết Không Rời (truyện ngắn, cùng viết với Thế Uyên, 1966)
Ngày Nào Còn Đàn Bà (tập văn vui, 1967)
Lột Xác (truyện dài, 1968)
Tuyển Tập Truyện Mới (tập truyện ngắn, 1995)
Thi tập Chân Mây (thơ, 1996)
Em Phải Sống (tập truyện ngắn, 1996)
Where The Cloud Ends (cùng viết với An Nhiên, 2007)
Ngoài ra trong tù ông có một bài thơ cảm động mà nhạc sĩ Xuân Điềm đã phổ nhạc, Anh Xuân Điểm kể về bài tù khúc “Chiếc kẹo nhỏ trong bàn tay người chết”:
“Nhà văn Duy Lam từ Bắc chuyển trại về Nam có tặng bài thơ nội dung nói về cái chết tức tưởi của đại tá Nguyễn Khoa Doánh, là bào đệ của thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam.
Nhà văn Duy Lam là người tù canh giữ trạm xá nơi đại tá Nguyễn Khoa Doánh kiệt sức đang nằm chờ chết. Hôm ấy, đại tá Doánh thều thào với nhà văn Duy Lam rằng ông thèm ngậm một viên kẹo trước khi lìa đời. Sau khi tìm được kẹo về thì đại tá Doánh cầm chặt viên kẹo trong tay tỏ vẻ vui mừng nhưng không ngậm được nữa vì giờ chết gần kề. Khi nhà văn Duy Lam vuốt mặt lần cuối cho người bạn tù thì viên kẹo rơi ra khỏi tay và nằm trên ngực áo, Ôi! Thương thay, đến chết mà ước mơ thật nhỏ bé cũng không thành sự thật”. (Xuân Điềm)
Chiếc kẹo nhỏ trong bàn tay người chết
Nắm không buông như níu kéo cuộc đời
Chiếc kẹo nhỏ trong bàn tay người chết
Người bạn tôi vừa từ bỏ cuộc đời
Mới vừa đây trong tiếng rên hấp hối
Anh đã xin “hãy tìm hộ cho anh
Một chiếc kẹo” vì đã thèm chất ngọt
Nhiều tháng năm chỉ chờ đợi phút này
Chiếc kẹo nhỏ trong bàn tay người chết
Phút chia ly tôi vuốt mắt bạn hiền
Chiếc kẹo nhỏ rơi nằm trên ngực áo
Kẹo còn đây mà người đã lìa đời…
Thế là thôi trong nỗi vui phút cuối
Anh chết đi chiếc kẹo còn trong tay
Đầy cẩn trọng trong nỗi niềm vô vọng
Nhiều tháng năm chỉ chờ đợi phút này
CODA: Tiễn đưa anh những bạn tù đói rách
Chiếc áo thô tẩm liệm cuối đời tù
Khóc cho anh và cho cả chúng ta
Rồi ngày nao cũng sẽ đến lượt mình
Theo nhà thơ Luân Hoán, Duy Lam là thành viên ban sáng lập và chấp hành hội Bút Việt, sau đổi tên là Văn Bút Quốc Tế Việt Nam (Nhất Linh, Ðỗ Ðức Thu, Vũ Hoàng Chương, Ðái Ðức Tuấn, Hiếu Chân, Nguyễn Thị Vinh...).
Trên một trang báo Người Việt tại Nam California, nhà văn Lâm Túy Mĩ đã viết thế này “Quyển tiểu thuyết đầu đời tôi được đọc là quyển “Gia Đình Tôi” của nhà văn Duy Lam, ông là hậu duệ của gia đình Nguyễn Tường. Ông thuộc nhóm “Tự Lực Văn Đoàn nối tiếp”, mẹ ông là em gái của nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo và chị gái nhà văn Thạch Lam.
Mùa Hè 1960, ba tôi lấy quyển tiểu thuyết “Gia Đình Tôi” của Duy Lam, một loại tuyển tập truyện ngắn, ông bắt tôi đọc, và nói rằng ba nghĩ con sẽ thích…”
Trong hình đính kèm Duy Lam chụp chung với các thành viên Văn Bút Việt Nam mà anh cùng ông Nhất Linh và một số nhà văn, thơ khác đồng sáng lập thập niên 1960 tại Saigon.
TAMNGUYEN 04.02.2021
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.