Đăng ngày:
L’Express tuần nàyphân tích « Miến Điện : Sau vụ đảo chính, Trung Quốc duy trì nhiều phương án ». Tờ báo chú ý đến sự kiện ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gặp tướng Min Aung Hlaing tại thủ đô Miến Điện mới đây. Liệu ông có biết vị tướng sắp về hưu ba tuần nữa sẽ đảo chính, và bắt giữ bà Aung San Suu Kyi hay không ? Một dấu hiệu mang tính cảnh báo : tướng Min khi gặp ông Vương đã phàn nàn về cuộc bầu cử « gian lận ».
Mặc cho phương Tây phản đối, Trung Quốc vẫn chặn một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, nhân danh chủ trương « không can thiệp vào chuyện nội bộ » của nước khác. Báo chí Hoa lục thì tuyên truyền rằng cuộc đảo chính chỉ là « một sự cải tổ nội các » quan trọng của Miến Điện.
Trung Quốc đầu tư nhiều vào quan hệ với bà Aung San Suu Kyi
Dù vậy Bắc Kinh không thực sự vui mừng khi giai đoạn dân chủ ngắn ngủi bị khép lại. Aaron Connelly, nhà nghiên cứu của International Institut for Strategic Studies (IISS) ở Singapore cho biết : « Tuy duy trì liên lạc với các tướng lãnh, Bắc Kinh đã đầu tư rất nhiều vào mối quan hệ với bà Aung San Suu Kyi trong những năm gần đây ». Năm 2016 khi vừa lên nắm quyền, bà đã dành chuyến công du đầu tiên cho Trung Quốc ; còn ông Tập Cận Bình chính thức thăm Miến Điện tháng Giêng 2020, chuyến công du cuối cùng trước khi đại dịch bùng nổ.
Bắc Kinh lăng xê « hành lang kinh tế » đại quy mô trong khuôn khổ «Con đường tơ lụa », gồm một đường ống dẫn khí và đường ống dẫn dầu nối Vân Nam với một cảng nước sâu ở vùng Vịnh Bengale. Những công trình quan trọng này giúp đưa dầu khí đến Hoa lục mà không cần đi que eo biển Malacca, giữa Malaysia và Indonesia.
Giải Nobel hòa bình xích lại rất gần với Bắc Kinh, dù chế độ cộng sản đã ủng hộ tập đoàn quân sự khi bà bị quản thúc đến năm 2010. Cuộc khủng hoảng Rohingya năm 2017 là một bước ngoặt. Sau khi bênh vực quân đội trước cáo buộc « ý đồ diệt chủng » của Liên Hiệp Quốc, « Lady » quay sang với láng giềng Trung Quốc, vốn không hề lên án Miến Điện.
Bắc Kinh khôn khéo thích ứng, tuy quân đội Miến Điện nghi kỵ
Nghịch lý là Bắc Kinh phải lo âu hơn đối với những nhà lãnh đạo mới : quân đội tự coi là người bảo vệ chủ quyền quốc gia, không muốn lệ thuộc vào Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất và là nhà đầu tư thứ nhì vào Miến Điện. Quan hệ trở nên căng thẳng vào năm 2011, khi các tướng lãnh cho ngưng một dự án đập thủy điện khổng lồ của Trung Quốc và hai lần tiếp đón tổng thống Mỹ Barack Obama, năm 2012 và 2014.
Tình trạng căng thẳng sau đó vẫn tiếp diễn. Tatmadaw (quân đội Miến Điện) năm ngoái còn tố cáo Bắc Kinh vũ trang cho các nhóm sắc tộc nổi dậy ở miền bắc. Trong bối cảnh nghi kỵ này, các tướng lãnh sẽ phải cố gắng đa dạng hóa về ngoại giao, và theo chuyên gia Connelly, Nhật Bản cũng như Ấn Độ sẽ không cắt đứt cầu nối với Miến Điện hay trừng phạt, vì những lợi ích chiến lược và kinh tế.
Về phía Bắc Kinh luôn quan sát diễn biến tình hình và sức bật của phong trào phản kháng Miến Điện. Tôn Vận (Sun Yun), đồng giám đốc chương trình châu Á của Stimson Center, một think tank ở Washington bình luận : « Vụ đảo chính là tin xấu cho Trung Quốc, chiến lược khu vực của họ đòi hỏi sự ổn định chính trị và môi trường thuận lợi cho đầu tư ». Nhưng cũng như từ 1949, Trung Quốc cộng sản luôn biết thích ứng với các ông chủ mới. Nếu quân đội ngự trị được lâu dài, Bắc Kinh sẽ cố tỏ ra thân thiện, nhưng cũng không đóng hẳn cánh cửa với giả thiết bà Aung San Suu Kyi quay lại.
Quân đội đảo chính do không thương lượng được ?
Vẫn về Miến Điện, bài viết « Một tương lai cũng giống như quá khứ », của báo Nhật Nikkei Asia được Courrier International dịch lại, nhận định với cuộc đảo chính ngày 01/02, tiến trình chuyển đổi dân chủ khởi đầu năm 2011 nay hoàn toàn bị chôn vùi. Liệu có thể tránh được việc quay lại với những năm dài u ám ?
Theo tờ báo, biến cố này là kết quả của sự sụp đổ lòng tin, không còn liên lạc giữa quân đội và đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (LND) của bà Aung San Suu Kyi. Cho rằng đối tác dân sự đã lợi dụng quá nhiều thỏa thuận phân chia quyền lực, các tướng lãnh quyết định thay đổi luật chơi.
Lý do của sự rạn nứt này vẫn chưa rõ. Nhiều nguồn tin nói rằng tướng Min Aung Hlaing muốn trở thành tổng thống sau cuộc bầu cử tháng 11, còn bà Suu Kyi vẫn là cố vấn nhà nước – chức vụ được đo ni đóng giày vì một điều khoản Hiến Pháp cấm bà làm tổng thống. Một số yếu tố khác cũng có thể làm cho các vị tướng bực tức. Nhất là LND từ chối không muốn thường xuyên họp Hội đồng Quốc phòng An ninh Quốc gia, hay tổ chức bầu cử vào cuối 2020 tại bang Arakan (nơi một bộ phận người Rohingya sinh sống), dù Nhật đã làm trung gian giữa quân đội và đại diện quân đội Arakan. Khó thể biết được bà Aung San Suu Kyi và LND lẽ ra có thể tránh được vụ đảo chính hay không, và đã phải trả giá ra sao.
Tương lai cũng giống như quá khứ : Mèo lại hoàn mèo !
Trong suốt hai thập niên, cộng đồng quốc tế đã cố gắng dùng củ cà rốt và nhất là cây gậy trừng phạt để làm quân đội Miến Điện thay đổi thái độ, nhưng tác động chỉ hạn chế. Nếu các tướng lãnh rốt cuộc đã chấp nhận phân chia quyền lực, đó là vì họ muốn đối phó với ảnh hưởng kinh tế ngày càng lớn của Trung Quốc. Với biến cố vừa rồi, Tatmadaw chừng như sẵn sàng từ bỏ những lợi ích ngoại giao, thương mại và tài chính trong mười năm qua để nắm lại quyền kiểm soát trong nước.
Một số người lo ngại những cuộc biểu tình sẽ bị đàn áp như hồi năm 1988 hay « Cuộc cách mạng màu nghệ » của giới sư sãi năm 2007. Quân đội sẽ điều những binh lính tinh nhuệ đến đập tan, và hiện một số khuôn mặt chính khách cũng như xã hội dân sự đã bị bắt. Vụ đảo chính năm 1962 được biện minh bằng việc ngăn ngừa ly khai, năm 1988 để tái lập trật tự, còn nay với lý do gian lận bầu cử.
Có điều Miến Điện ngày nay không còn giống thời trước : dân chúng thường xuyên dùng mạng xã hội, các công ty nước ngoài hiện diện trong lãnh vực viễn thông và hàng tiêu dùng, giai cấp trung lưu mới nổi hiểu được lợi ích của việc mở cửa đất nước. Vụ đảo chính này cộng với sự cô lập do đại dịch, gây lo ngại Miến Điện sẽ quay lại với quá khứ. Mèo lại hoàn mèo.
Hán hóa Tây Tạng : Tẩy não trẻ em, ảnh Tập và Mao thay cho Đạt Lai Lạt Ma
Về Trung Quốc, The Economist nhận xét « Cũng như Tân Cương, Trung Quốc đang siết chặt móng vuốt lên Tây Tạng ». Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh gia tăng nỗ lực nhằm loại hẳn Đạt Lai Lạt Ma ra khỏi đời sống tinh thần của người dân Tây Tạng, đòi hỏi họ phải dành trọn tình yêu cho Tập Cận Bình và đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Quá trình Hán hóa này gợi lại chiến dịch tương tự tại Tân Cương láng giềng để diệt trừ đạo Hồi mà 12 triệu người Duy Ngô Nhĩ đang theo. Tại cả hai khu tự trị, đảng không chỉ tấn công vào tôn giáo mà cả truyền thống văn hóa lâu đời của mỗi dân tộc. Tuy Bắc Kinh có nhẹ tay hơn so với việc tống hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ vào trại cải tạo, nhưng chủ trương Hán hóa không thay đổi. Trong nhà trường, người ta nhấn mạnh đến « giáo dục ái quốc », tiếng quan thoại thay thế tiếng Tây Tạng tại đa số các lớp học. Các mạng lưới điềm chỉ viên báo cáo tin tức cho Nhà nước, điện thoại thông minh bị nghe lén.
Cũng như người Duy Ngô Nhĩ không còn được sang thánh địa Mecca hành hương, từ khi Tập Cận Bình lên ngôi năm 2012, người Tây Tạng bị cấm sang Ấn Độ để nghe những buổi giảng kinh của Đạt Lai Lạt Ma. Dân Tây Tạng vẫn được dùng WeChat, nhưng đăng ảnh nhà lãnh đạo tinh thần có nguy cơ bị lãnh án tù. Tháng 12 vừa rồi, Lhundup Dorjee, một người chăn cừu 30 tuổi đã bị tuyên án một năm tù giam vì đăng lên WeChat lời chúc Tết của Đạt Lai Lạt Ma, với cáo buộc « chia rẽ quốc gia ».
Trong những năm 2000, nhiều người Tây Tạng còn giữ hình Đạt Lai Lạt Ma trong nhà, nay nhiều người treo ảnh Tập Cận Bình và Mao Trạch Đông. Những bức ảnh này được cán bộ phân phát cùng với quà tặng như gạo, quần áo hay tiền bạc, nếu từ chối có thể bị trả thù. Tập Cận Bình còn đòi hỏi phải giảng dạy chủ nghĩa ái quốc nhiều hơn nữa, đảng phải « gieo những hạt giống tình yêu Trung Quốc vào sâu thẳm trái tim của mỗi trẻ vị thành niên ».
Liệu Navalny có thể làm thay đổi nước Nga ?
Hồ sơ của L’Obs nói về việc chọn ngành của sinh viên trong thời kỳ dịch bệnh, Le Point lo lắng về nợ công của nước Pháp, không biết sẽ trụ được bao lâu. L’Express dành số đặc biệt cho nhà báo, nhà văn gây tranh cãi Eric Zemmour mà tờ báo cho là có tham vọng trở thành tổng thống Pháp. Riêng Courrier International nhìn sang nước Nga, đăng hình vẽ một bức tượng mang khuôn mặt của nhà đối lập Alexei Navalny đang giơ cao chiếc búa trên trang bìa, với hàng tựa lớn « Navalny có thể làm thay đổi nước Nga hay không ? »
Nhà đấu tranh đã dám trở về nước, sau khi suýt chết vì bị đầu độc. Ông bị kết án ba năm rưỡi tù giam, nhưng dường như Navalny đều đã tính đến. Ngay sau khi ông bị bắt, ê-kíp Quỹ chống tham nhũng của Navalny đã tung ra video về cung điện bí mật hết sức hoành tráng của Putin bên bờ Hắc Hải, chỉ trong 24 giờ đã thu hút được 21 triệu lượt xem. Những hình ảnh đàn áp hàng chục ngàn người biểu tình đòi trả tự do cho Navalny lan nhanh trên thế giới.
Hồ sơ của Courrier International điểm qua những bài viết khác nhau. Tuần báo bảo thủ Expert phê phán nhà ly khai không có chương trình hành động thực sự. Theo tuần báo này, Navalny đã độc chiếm phong trào phản kháng tại Nga khiến các khuynh hướng khác khó thể nổi lên. Nhật báo Vedomosti cho rằng Navalny phải nắm cho được phong trào, biết kích thích giới tinh hoa ly khai mới có hy vọng đạt mục đích.
Một nhà cựu đấu tranh Nga khi trả lời Novaia Gazeta nhận xét phe Navalny đã thành công rất lớn, vấn đề là xem Putin sẽ phản ứng ra sao, thỏa hiệp hay đàn áp tiếp ? Daily Telegraph nhận định « Putin phải đối mặt với sự nổi dậy chính trị nghiêm trọng nhất » và có nguy cơ lại bị trừng phạt. Nhật báo Anh giải thích « Vô hiệu hóa Navalny nay khó khăn hơn nhiều cho ông Putin, và có lẽ ông sẽ hối hận vì đã ham hố đầu tư vào một ốc đảo lộng lẫy đập vào mắt người khác như thế ».
Một thế giới đa cực, kẻ mạnh áp đặt luật chơi
Xã luận của L’Obs nói về « Một sự vô trật tự mới của thế giới » với tình trạng « mạnh được yếu thua », mà nước Nga của Putin và Miến Điện của các tướng lãnh là những ví dụ mới nhất.
Việc nhà đối lập Alexei Navalny lãnh án tù và người biểu tình bị đàn áp không làm ai ngạc nhiên. Nhưng điện Kremlin còn độc địa hơn khi lăng nhục người đứng đầu ngành ngoại giao Liên hiệp Châu Âu. Ông Josep Borrell tuy biết trước rằng sẽ thất bại trong việc thuyết phục Nga trả tự do cho Navalny, nhưng không thể nào ngờ được một sự đối đầu như vậy. Navalny lại bị triệu tập ra tòa đúng vào ngày ông đến, bị buộc phải xem một phim về bạo lực cảnh sát ở châu Âu, và chỉ vài phút sau cuộc họp báo thì ba đại sứ châu Âu bị trục xuất. Đó không phải là một sự chối từ, mà là một cái tát !
Tại Miến Điện, các tướng lãnh đã khép lại giai đoạn dân chủ khi lại quản thúc bà Aung San Suu Kyi và ra lệnh thiết quân luật. Châu Âu và Hoa Kỳ đe dọa tái lập trừng phạt, nhưng Trung Quốc đã ngăn cản Liên Hiệp Quốc đi xa hơn từ « quan ngại ».
Bài học đã rõ, ván cờ đã thay đổi với sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự trở lại của Nga. Joe Biden tuyên bố trong bài diễn văn đầu tiên về chính sách đối ngoại ngày 05/02 « America is back », nhưng liệu ông thực sự có đủ phương tiện, và nước Mỹ liệu còn muốn làm « sen đầm quốc tế » ?
Thế giới từ lưỡng cực (Hoa Kỳ-Liên Xô) đã trở thành đơn cực với Mỹ làm bá chủ sau khi bức tường Berlin sụp đổ, và giờ thành đa cực. Nhưng tình trạng hỗn loạn trong những năm vừa qua, mà Donald Trump chỉ là biểu tượng hơn là người chịu trách nhiệm, cho thấy còn xa mới đạt được một trật tự thế giới mới ổn định, và các nhà độc tài tập sự đang hưởng lợi.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.