lundi 22 février 2021

Hoàng Linh – Đánh !


Màu báo đỏ như màu máu và trên trang xã luận chỉ có một từ duy nhất : Đánh !

Bài viết rất hay của tác giả Trần Bạch Đằng đăng trên báo Tuổi Trẻ năm 1979. Hay từng câu, từng chữ, hay từ dòng đầu đến dòng cuối- "Chúng ta đi vào trận đánh chống lại kẻ thù TrungQquốc với tình cảm bao lâu sục sôi âm ỉ: căm thù và khinh bỉ".

Phía trên bài báo là câu nói ôn tồn mà đanh thép của chủ tịch Hồ Chí Minh : “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”

Hôm nay ngày 17-2, mạng xã hội nhắc lại sự kiện quân Trung Quốc xâm lược Việt Nam năm 1979 với nhiều cung bậc khác nhau, nhưng ý chung vẫn là nhắc nhau đừng quên. Và đâu đó sâu thẳm trong tâm hồn từng người Việt vẫn là thứ tình cảm căm thù và khinh bỉ.

Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên, người Việt đón nhận thực tế đó mộ cách bình thản, khi mà kẻ láng giềng đại bá mà tiểu nhân, các cuộc chiến tranh xâm lược nhắm vào Việt Nam đều có yếu tố Trung Quốc.


Chợt nhớ Tức sự của một vị vua, đầy hào sảng, uy nghi và khí độ quân tử biết bao khi đặt cạnh kẻ thù to lớn mà khí độ tiểu nhơn

“Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã,

Sơn hà thiên cổ điện kim âu.

Dịch nghĩa :

Trên nền xã tắc hai lần ngựa đá phải mệt nhọc,

Nhưng núi sông nghìn đời được đặt vững như âu vàng.

Ngày 17 tháng 3 năm Mậu Tý (18-4-1288), sau chiến thắng Bạch Đằng, triều đình đem các tướng giặc bị bắt làm lễ dâng thắng trận ở Chiêu Lăng (lăng vua Trần Thái Tông). Tại đây, vua Trần Nhân Tông trông thấy chân mấy con ngựa đá đều lấm bùn (vì trước đó giặc Nguyên đã phá Chiêu Lăng và định đập bỏ ngựa đi mà chưa kịp), tức cảnh ngâm hai câu thơ này.


Đánh.

Đó là thông điệp ngàn năm của đất nước này mỗi khi đất nước bị xâm lược.

Không thể có hành động nào khác.

Không có chọn lựa nào khác.

Như cách mà người Việt đã tồn tại …

Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu

Một trăm năm đô hộ giặc Tây…

Chiến tranh đã đi qua nhưng chưa chịu dừng lại sự tàn khốc của nó, trên báo Tuổi Trẻ hôm nay, 17-2-2021, tác giả Lê Đức Dục và Đức Bình kể một chuyện kinh tâm tâm động phách với chúng ta nhưng lại rất bình thường ở vùng biên ải, một gia đình 3 người nhưng chỉ có tổng cộng 2 cái chân.


(Trích) Suốt đời làm báo của mình, chúng tôi sẽ không thể nào quên hình ảnh ba người thân trong một gia đình ở Nậm Ngặt. Ba người, một già và hai trẻ, ngồi trên chiếc băng ghế trước sân nhà trong một buổi trưa ở góc núi Vị Xuyên.

Người già là ông Bồn Văn Hòn. Năm 2000, trong một lần đi phát nương, ông giẫm phải mìn. Bà con khiêng ông chạy mấy chục cây số ra tới Bệnh viện Hà Giang. Nằm viện mấy tháng thì ông xuất viện với một chiếc chân giả. Cứ nghĩ một người giẫm phải mìn là chuyện hiếm.

Nhưng bốn năm sau, cũng chính ông Hòn, khi dắt trâu đi chăn, một quả mìn gài lại trong cuộc chiến Vị Xuyên đã cướp nốt chiếc chân còn lại của ông. Hai lần dẫm mìn, mất luôn hai chân. Hai người trẻ ngồi cùng ông Hòn trên băng ghế ấy, một người là Triệu Văn Nguyên và người kia là Bồn Văn Đặng.

Nguyên là con rể ông Hòn, cũng dẫm mìn khi đi làm nương và cụt mất một chân. Còn Đặng gọi ông Hòn là cậu ruột, cũng trở thành tàn tật năm 2007 - đúng năm anh tròn 20 tuổi. Bao mơ ước vượt qua những ngọn núi đá, tới những vùng đất mới với chàng trai 20 tuổi khép lại từ đó.

Sự tàn khốc của cuộc chiến có khi được kể bằng những câu chuyện bi hùng, những thước phim ầm ào xe pháo. Nhưng có khi nó chỉ thu gọn trong câu chuyện của một gia đình nhỏ với ba con người chỉ còn lại hai cái chân trong ngôi nhà ông Bồn Văn Hòn.

Tháng 7-2020, chúng tôi lên đây theo anh em đội tìm kiếm, cất bốc và quy tập hài cốt liệt sĩ. Chỉ vài tháng sau, trong quá trình tìm kiếm hài cốt, một quả mìn đã làm hai chiến sĩ trong đội quy tập thương vong. Một người lính trẻ hy sinh khi mới 20 tuổi, anh là binh nhất Bàn Văn Thủy ; người còn lại là binh nhất Hoàng Văn Huỳnh, bị thương phải đoạn chi.

Đi qua những nhà dân ở Nậm Ngặt, trong chúng tôi cứ dấy lên bao nỗi niềm. Bởi hơn ai hết, sống trên vùng đất từng là chiến địa biên thùy, bước chân mỗi ngày còn bị bom mìn hậu chiến rình rập nhưng họ vẫn bám bản, bám biên thì hẳn đó là những người dũng cảm.

Và lòng yêu nước của họ được thể hiện cụ thể từ chính cuộc sống hằng ngày trong góc núi biên cương, mặc dù giờ đây Nậm Ngặt không có điện lưới chiếu sáng, sóng điện thoại vẫn phập phù. Những người dân thương tật tuy có chế độ trợ cấp nhưng cũng không đủ sống, họ vẫn đi làm nương và chăn bò để sống.

(Hết trích)

HOÀNG LINH 17.02.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.