mercredi 17 février 2021

Đặng Bích Phượng - Vừa ức, vừa buồn cười


Mấy anh chị em bảo nhau, ngày mai 17/2, chưa chắc đã yên ổn ra khỏi nhà để thắp hương, tưởng nhớ các liệt sĩ. Ra lư hương cụ Lý, hay đài liệt sĩ Bắc Sơn, nó lại hốt về đồn, mất toi cả hoa như mọi năm thì chán lắm. Thôi "ăn chắc", cứ giỗ sớm một ngày cũng không sao.

Hẹn hò, rủ rê nhau được hơn chừng chục "mống" ra nghĩa trang liệt sĩ Tây Tựu. Trên đường đi, bác Khang Phan bảo, nguồn tin "quần chúng" vừa cung cấp, rất đông an ninh đang tập trung ở nghĩa trang này.

Té ra quần chúng này là an ninh, và nói thế để các bác "rét" mà quay về, không đi nữa chăng? Vì ra tới nơi, chả thấy có "lực lượng" nào ở đó, nhõn một chú bịt khẩu trang, lượn lờ trong đó.

Mọi người ôm hoa ra đài liệt sĩ, chụp ảnh trước khi đi rải hoa lên các phần mộ. Khi chít băng rôn lên đầu, và cầm cái biểu ngữ con con, không thấy ai ra "nhắc nhở", ngăn cản. Thậm chí còn nhờ chú an ninh chụp hộ cả "đoàn" cho đông đủ. Chú an ninh còn cho đây là việc làm tốt.

Việc thắp hương, đặt hoa diễn ra suông sẻ, không ồn ào vì phải cãi cự với những kẻ ngăn cản. Mọi người bảo nhau, năm nay có vẻ có sự thay đổi. Hy vọng đây là dấu hiệu tốt.

ĐẶNGBÍCH PHƯỢNG 17.02.2021

Nhà em xin đăng lại bài viết của Nguyễn Thị Hậu

THÁNG HAI - KHÔNG AI QUÊN !

1/ Tháng Hai thường là tháng giêng âm lịch. Xuân đã về nhưng giá rét ngày đông chưa bớt. Trên vùng cao đào mận bắt đầu nhú lộc xanh non giữa sương mù bên những hàng rào đá dọc con đường cheo leo ngoằn ngoèo dốc đứng. Năm nào cũng vậy, tháng Hai đến là những ký ức nóng bỏng của cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 lại tràn về trong trái tim trong trí óc mỗi chúng ta...

Những năm 1977 - 1978 chúng tôi đang học đại học. Khi cả nước còn đang ngổn ngang khó khăn sau cuộc chiến 30 năm thì ở phía Nam đã có nhiều đợt nhập ngũ cho chiến trường biên giới Tây Nam.

Bất ngờ, ngày 17/2/1979 một “sự phản bội ghê tởm nhất lịch sử” đã xảy ra : Trung Quốc tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam. Mượn bày tay kẻ khác dùng dao rựa dùng cán cuốc gậy gộc giết người Việt chưa thỏa, Trung Quốc đã trực tiếp gây chiến giết hại hàng trăm ngàn thường dân Việt Nam, hàng chục ngàn người lính Việt đã ngã xuống trong cuộc chiến anh dũng bảo vệ biên cương... Máu đã đổ trong những ngày tháng Hai 1979, và kéo dài nhiều năm sau đó.

Và từ đó, hàng năm người Việt Nam không ai quên tháng Hai. Cũng từ đó người Việt đã biết về Hoàng Sa 19/01/1974, về Gạc Ma 14/03/1988. Và cũng sẽ không bao giờ quên !

2/ Cuối năm 2011, tôi nhận được tin nhắn từ gia đình bạn học cùng thời phổ thông đã hy sinh vào tháng Hai 1979 “đơn vị của nó đã cùng về nghĩa trang Vị Xuyên (Hà Giang), con có dịp ra Bắc thì lên thăm nó ... ”.

Đúng ngày 17 tháng Hai 2012 tôi đã đến đây. Nghĩa trang vắng lạnh, chỉ có vài vòng hoa đã không còn tươi, nhang khói lơ thơ vài ngôi mộ. Từ rất nhiều năm trước không hiểu vì sao vào ngày này đến một vòng hoa, một nén nhang cho nơi đây cũng không thể ! Nước mắt chúng tôi tràn ra ... Chúng tôi cùng vài người khách viếng nghĩa trang lặng lẽ đi đến từng ngôi mộ, thắp một nén nhang tạ lỗi với Các Anh ...

Chỉ đến gần đây một số nghĩa trang của chiến tranh biên giới phía Bắc mới được ấm áp khói nhang vào ngày 17/02, ngày 27/07, lễ tết, Quốc khánh, ...

Nhưng nhân dân thì không bao giờ quên những người đã hy sinh, đã đổ máu xương bảo vệ đất nước. Trên mạng xã hội là hình ảnh những bông hoa sim, những chuyến xe với những gương mặt trẻ măng đi lên biên giới phía Bắc, và bài hát “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới” cùng nhiều bài hát khác lại vang lên ...

Bốn mươi năm đã qua, hẳn những người đã ngã xuống luôn cảm thấy ấm áp rất nhiều vì họ mãi sống trong trái tim trong tấm lòng người dân. Còn hơn có những người nằm trong cái nghĩa trang “cao cấp” mà lạnh lẽo muôn kiếp vì không bao giờ được nhân dân nhớ đến.

3/ Năm nay 2019, sau 40 năm xảy ra cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, truyền thông đã “được tháo khoán” để đăng nhiều loạt bài về sự kiện này : Chứng tích tội ác, Diễn biến những trận chiến, Ký ức những con người tham gia cuộc chiến, ... Nhưng còn thiếu vắng những công bố chính thức về hồ sơ, tài liệu lịch sử và công trình nghiên cứu giai đoạn và sự kiện này.

CHỪNG NÀO LỊCH SỬ CHƯA ĐƯỢC CÔNG KHAI MINH BẠCH, THÌ CHỪNG ĐÓ CÒN NGUY CƠ LẶP LẠI CHIẾN TRANH VÀ TỘI ÁC NHƯ CUỘC CHIẾN THÁNG HAI NĂM 1979 !

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.