vendredi 12 février 2021

Đỗ Duy Ngọc - Ba mươi Tết


Người ta thường nói "30 chưa phải là Tết". Nhất là vừa rồi trong cuộc bầu cử ở Mỹ, khi công bố kết quả kiểm phiếu, cuộc chiến kéo dài và những người Việt Nam ủng hộ, bỏ phiếu cho ông Trump cũng nhắc lại câu này.

Ý của câu tục ngữ này là cái gì chưa đạt tới ngưỡng cần thiết thì chớ vội đốt giai đoạn, chớ bỏ qua, hãy đợi đấy. Nghĩa đen của nó có ý rằng ngay ngày cuối cùng của một năm cũng chưa phải là Tết.

Nhưng thật ra, xét cho kỹ theo nghĩa đen, ngày 30 mới đúng là ngày Tết đúng nghĩa. Dân gian hay nói:

"Khôn ngoan đến cửa quan mới biết

Giàu có ba mươi Tết mới hay"

Theo đó thì ngày cuối của một năm mới là ngày chính của Tết, mới là ngày có đủ mùi vị của Tết nhất.

Ngày 30 là ngày rộn ràng, tất bật ngay từ sớm. Ngày xưa, từ mờ sáng mọi người đã thức giấc dù có khi cả đêm trước phải thức để canh nồi bánh chưng. Người nào việc nấy. Đó là hôm cuối cùng trong việc chuẩn bị, sửa soạn để đón Xuân.

Đàn ông lo xem lại nhà cửa, bàn thờ đã được lau dọn chỉn chu chưa? Bát nhang đã được thay sạch? Mâm ngũ quả đã tươm tất? Đèn đóm đã hoàn tất? Vàng mã đã đủ chưa? Sân vườn phải kiểm tra lần chót đã được quét dọn, các chậu hoa đã để đúng nơi. Rồi cắt tiết con gà, con vịt, có khi lại mổ lợn. Đàn bà, con gái thì tíu tít nấu nướng chuẩn bị mâm cỗ cúng rước ông bà về ăn Tết với con cháu.

Cúng rước ông bà ngày 30 Tết là một nghi lễ mang nặng tính cách tâm linh của người Việt. Vừa mang ý nghĩa của chữ Hiếu với ông bà, vừa là một bước chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Do vậy, trước khi thực hiện nghi lễ, nhà cửa, bàn thờ phải được dọn dẹp, lau chùi sạch sẽ, thức cúng phải được thực hiện, bày biện tinh tươm.

Đó cũng là lúc con cháu nhớ ơn đến công lao sinh thành, dưỡng dục của các đấng bề trên. Nghi lễ thường diễn ra buổi trưa, sau đó các thành viên của gia đình quây quần, vui vẻ ăn cỗ. Nhờ vậy, các thế hệ sẽ có kết nối với nhau, gia tộc có dịp gần gũi với nhau.

Tùy theo từng vùng miền mà lễ cúng rước ông bà cũng khác nhau, nhất là các lễ vật và món làm mâm cỗ. Tuy vậy, những thứ chủ yếu cũng gần giống nhau. Đó là Mâm ngũ quả, tiền vàng giấy, vàng mã, hoa, chuối, trầu cau, rượu trà. Mâm cỗ mặn với đầy đủ các món: Xôi, thịt gà luộc, canh măng, giò, đồ xào, chả giò, bánh chưng, chả lụa, giò thủ, bánh tét...tuỳ địa phương và điều kiện kinh tế của gia chủ. Nếu cúng chay thì mâm cỗ chay với những món thanh đạm, rau củ trái, tàu hủ....

Kể từ khi rước ông bà về, bàn thờ lúc nào cũng phải có đèn sáng, nhang phải thắp đều và mọi người tránh giận hờn, gây gổ, gấu ó lẫn nhau. Cũng kể từ lúc đấy, không được quét nhà, tránh khóc lóc, rên rỉ. Mùi của Tết đã tràn ngập trong không khí gia đình. Bắt đầu sau khi rước ông bà, người ta kiêng đủ thứ: kiêng người dữ vía xông nhà, kiêng chó mèo chạy qua bàn thờ, kiêng hót rác đổ đi, kiêng vay nợ đòi nợ, kiêng những lời nói gở...

Ngày 30 Tết còn một lễ nữa là cúng giao thừa. Giao thừa là thời điểm chuyển tiếp giữa ngày cuối cùng của năm cũ sang ngày đầu tiên của năm mới. Đây là một trong những buổi lễ nhiều ý nghĩa trong tập quán, văn hóa nhiều dân tộc. Theo quan niệm tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Nguyên Đán (buổi sáng đầu tiên trong năm) được tính từ lúc chuyển giao từ ngày Ba mươi tháng Chạp sang ngày Mồng một tháng Giêng. Do đấy, giao thừa là thời khắc rất quan trọng.

Để ghi nhận thời khắc này, người ta thường làm hai mâm cỗ. Một mâm cúng gia tiên tại bàn thờ ở trong nhà mình và một mâm cúng thiên địa ở khoảng sân trước nhà để cúng trời đất. Một số cộng đồng lấy con hổ là vật thờ thì gọi là cúng Ông Ba Mươi. Một số cộng đồng khác thì có một phần cỗ dành để cúng chúng sinh, cúng những cô hồn lang thang, không nơi nương tựa. Đồ cúng lễ thường cũng là hương hoa, bánh trái, bánh chưng, chè mứt...gà luộc, mâm xôi.

Ngày xưa khi chưa có lệnh cấm đốt pháo, đây là giờ khắc khắp nơi râm ran tiếng pháo nổ, khói thuốc pháo làm cho không khí một mùi đặc biệt của Tết. Pháo là để đuổi tà ma, ám khí ra khỏi nhà, mang lại bình an suốt cả năm. Đêm giao thừa còn gọi là đêm trừ tịch (trừ: đi qua, tịch: đêm, trừ tịch: đêm qua đi của năm). Khí hậu lúc này thường lạnh, bầu trời tối và người ta hay nói: "Tối như đêm ba mươi".

Lễ trừ tịch cử hành vào giờ Tý (11 giờ đến 1 giờ), khoảnh khắc bao hàm trong nó một giờ của năm cũ và một giờ của năm mới. Lễ trừ tịch thường được các gia đình thắp hương trước bàn thờ tổ tiên, cúng trừ tịch với mâm xôi với con gà trống luộc hoặc mâm xôi với chân giò lợn. Trong lễ này tại gia đình, người ta nhắc đến công ơn trời đất, tổ tiên, tạ lỗi cùng cha mẹ, làm hòa với nhau, trút bỏ điều xấu và hứa hẹn những điều tốt đẹp sẽ thực hiện.

Sau lễ giao thừa thời khắc đã chuyển qua năm mới. Lúc này người ta sẽ ăn mặc chỉnh tề, chọn hướng xuất hành, đến đền, chùa hái lộc đầu năm, thắp nén nhang để cầu mưa thuận gió hoà, cuộc sống bình an, gia đình an vui, khoẻ mạnh.

Qua ngày mồng một và những ngày tiếp theo chỉ là những ngày đi chúc Tết, thăm hỏi nhau, nghỉ ngơi, ăn uống, chơi đùa. Các nghi lễ cũng đã xong, ngoại trừ lễ tiễn ông bà chiều mồng ba. Do vậy, ngày 30 mới đúng là ngày có không khí rộn ràng, có lễ nghi của ngày Tết.

Cho nên nói "30 chưa phải là Tết" chỉ có ý nghĩa về mặt quan niệm sống. Nó nói lên một điều, cái gì chưa đạt tới độ chín cần thiết thì chớ vội bỏ qua, đừng nhanh nhẩu đốt cháy giai đoạn. Còn về mặt ngày Tết, thì 30 đã là Tết rồi. Xong ngày 30 đã là xong Tết.

30 Tết con trâu 2021

ĐỖDUY NGỌC

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.