samedi 13 février 2021

Nguyễn Đình Bổn - Hoa mai nào ?


Tôi là người miền Nam, tôi thích hoa mai hơn hoa đào trong dịp Tết. Và tôi cũng thấy hoa mai phong phú, nhiều loại, cả hoa và cành, sắc vàng rực rỡ hay trắng tinh khiết đều rất đẹp.

Hoa đào có lẽ chỉ đẹp trong cái lạnh của mưa phùn gió bấc Hà Nội. Khi đưa vô Nam, gặp nắng nóng nụ đào cúp lại, màu không ra màu, có lẽ chỉ thích hợp với những người Bắc xa quê, mua về chưng trong phòng khách để hoài niệm.

Văn thơ nhạc họa ca tụng hoa mai đã nhiều (và hay) nhưng lưu ý các bạn không vì yêu mai quá mà lôi cả thơ cổ vào, để nói về mai miền Nam.

 Ví dụ câu của Cao Bá Quát (là tương truyền thôi, chớ cũng chưa chắc của ông) : "Thập tải luân giao cầu cổ kiếm/ Nhất sinh đê thủ bái mai hoa". Dịch nghĩa : Mười năm kết bạn đi tìm gươm báu/ Một đời chỉ biết cúi đầu trước hoa mai.

Hoặc của Mãn Giác Thiền Sư trong câu kệ : "Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/Đình tiền tạc dạ nhất chi mai". Dịch nghĩ a: Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một nhành mai.

Thưa các bạn, mai trong các câu này là mai... Tàu (ta gọi là mơ), không phải mai miền Nam của chúng ta.

Theo quan điểm của người quân tử (tàu) thì mai là hình ảnh tiêu biểu của họ : Tiết tháo, trung tín, ngoan cường, khí phách. Trung Hoa mùa đông đầy băng tuyết, nhiều loài hoa héo rủ, nhưng mai vẫn sống kiên cường. Dù cành trơ trụi khô khan, nhưng chỉ cần một đêm mưa xuân, khí trời ấm lại, là sáng hôm sau đã có hàng trăm nụ hoa thức tỉnh, và đâm chồi nẩy lộc...

Người đời cho rằng Cao Bá Quát dùng thơ để nói cái chí khí của mình. Chỉ cúi đầu trước mai là cúi đầu trước biểu tượng của người quân tử, cúi đầu trước khí phách hiên ngang, bất khuất chớ không cúi đầu trước cường quyền (và ông đã sống như vậy khi tham gia khởi nghĩa chống triều đình).

Nhưng ông, cũng như Mãn Giác thiền sư là những nhà nho học. Mai trong câu chữ của họ (nếu đúng của họ) là mai trong điển tích Trung Hoa, không phải mai vàng của chúng ta (chắc hai ông chưa từng thấy mai vàng miền Nam).

Có lẽ trong cuộc thiên di về Nam, cha ông ta đã bắt gặp cả rừng mai vàng nở khi Tết đến và họ đã cắt cành về chưng Tết hoặc bứng nguyên gốc đem về trồng trước sân. Hàng trăm năm trôi qua, ngày nay ngoài mai rừng, chúng ta có rất nhiều loại mai đẹp trồng trong sân nhà, chậu kiểng, bonsai...đa dạng hơn hẳn hoa đào ; và khi Tết đến trở thành một biểu tượng lộng lẫy của người miền Nam.

NGUYỄN ĐÌNH BỔN 13.02.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.