dimanche 2 juin 2019

Đoàn Bảo Châu - Nhà báo muốn « bưng bô » cũng cần có kiến thức



Ông Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, phát biểu trong khi thảo luận tổ của Quốc hội về kinh tế - xã hội vào tháng 5/2019: 

“Bây giờ nhà báo cứ nhăm nhăm đi chụp ảnh nhà của ông này, ông kia đưa lên mạng rồi đặt ra câu hỏi tiền ở đâu ra để làm nhà. Trong khi đó, tài sản của cá nhân được pháp luật bảo vệ và việc chứng minh nguồn gốc tài sản là của cơ quan chức năng. Nhưng mạng cứ đưa tràn lan mà không ai xử lý, vi phạm pháp luật mà không ai xử lý!”

Nếu một người dân lao động, ít hiểu biết phát biểu câu này tôi sẽ bỏ qua, nhưng với vị trí của ông Thuận Hữu thì tôi phải có mấy ý: 

1. Trong bối cảnh tham nhũng tràn lan như hiện nay, người dân hay phóng viên có quyền đặt câu hỏi về nguồn gốc tài sản của "ông này, ông kia" và đặt câu hỏi tiền ở đâu ra để làm nhà.

Trong tương lai, khi đất nước đã trở thành một đất nước văn minh thì việc chứng minh nguồn gốc đồng tiền là một điều bình thường ai cũng phải làm. Tiếc thay, ở Việt Nam thì điều này còn là một việc còn rất xa. 

2. Tài sản cá nhân được pháp luật bảo vệ chỉ khi tài sản ấy là tài sản có nguồn gốc chính đáng, một kẻ tham nhũng thì cần tịch thu tài sản bất minh để bù vào ngân quỹ. Tuy nhiên, việc ông nói cũng chỉ là một vế của sự thật, có thể tài sản của quan chức thì được pháp luật bảo vệ chứ của người dân thì không. 

Bằng chứng là người dân như ở Thủ Thiêm bị hất ra khỏi nhà của chính mình, những kẻ lợi dụng chức vụ, nhân danh dự án để cướp tài sản của họ. Luật pháp nào bảo vệ họ? Tôi sợ rằng khi luật pháp bảo vệ được tài sản của họ thì nhiều người trong số họ đã không còn trên cõi đời này nữa. 

3. Là chủ tịch Hội Nhà báo thì ông nên chịu học hành thêm. Việc chụp ảnh một ngôi nhà không bao giờ là vi phạm pháp luật. Nếu phóng viên đột nhập vào phòng ngủ của ông, chụp hình mà đưa lên mạng xã hội thì là phạm luật. Còn bên ngoài ngôi nhà là hình ảnh công luận được xem bất cứ lúc nào, đấy không phải là thông tin riêng tư hay bí mật cá nhân mà được gọi là phạm luật. Ông Thuận Hữu bảo việc ấy là vi phạm pháp luật, sự hiểu biết của ông về luật pháp quá kém cỏi. 

Giờ tôi mới nói về bản chất đằng sau lời phát biểu của ông:

Trong khi cả xã hội đang bị nạn tham nhũng hoành hành ở mọi cấp độ thì đáng nhẽ ra, với tư cách là một nhà báo, hay cao hơn nữa là Chủ tịch Hội Nhà báo thì ông phải động viên các phóng viên năng nổ trong việc đấu tranh chống tham nhũng. Đấu tranh chống tham nhũng có nghĩa là đứng về phía nhân dân, bởi tiền tham nhũng là tiền tiền thuế của dân. Nhưng ông Hữu đã thể hiện tư tưởng bưng bô, bảo vệ quan chức và ông bảo vệ một cách rất trời ơi đất hỡi. Ông không bảo vệ được bởi trình của ông quá thấp. 

Thưa ông chủ tịch, bưng bô cũng cần có kiến thức, đâu phải cứ hăng hái thể hiện là thành công trong sự nghiệp ấy đâu. Ông rất cần học hỏi thêm về nghiệp vụ bưng bô bên cạnh nghiệp vụ báo chí. 

Người như ông sẽ khiến xã hội chậm phát triển. Mà với tư cách là chủ tịch Hội Nhà báo thì ông sẽ khiến báo chí Việt Nam cùn mòn thêm. Chỉ có phóng viên dốt nát mới học lời dạy của ông.

ĐOÀN BẢO CHÂU 02.06.2019 (Tựa bài do Thụy My đặt)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.