dimanche 16 juin 2019

Ngô Nhân Dụng - Trump có thể dùng Hồng Kông đối đầu với Tập


Các biểu ngữ chống luật dẫn độ trong cuộc biểu tình đại quy mô tại Hồng Kông ngày 16/06/2019.

(Người Việt 14/06/2019) Bộ Ngoại Giao Cộng Sản Trung Quốc mới triệu phó đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh tới để “Yêu cầu nước Mỹ không can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc.” Lần chót Trung Cộng hành động triệu tập như vậy là Tháng Mười Hai năm ngoái, khi Đại Sứ Terry Branstad được mời tới nghe Trung Cộng phản đối việc Canada bắt bà Mạnh Vãn Chu của công ty Huawei, sau khi Mỹ yêu cầu dẫn độ.

Nước Mỹ dính dáng gì đến những cuộc biểu tình của dân Hồng Kông; khi họ chỉ chống dự luật cho phép dẫn độ người Hồng Kông vào Trung Quốc xử án? Tổng Thống Donald Trump chưa lên tiếng, ông chỉ nói “thông cảm với những người biểu tình” và hy vọng họ và Trung Cộng sẽ tìm được một thỏa hiệp. Nhưng Quốc Hội Mỹ nêu rõ lý do, là họ muốn bảo vệ những quyền tự do căn bản mà dân Hồng Kông đang hưởng nhờ quyền tự trị, cũng bảo vệ cả những người Mỹ khi họ đến lãnh thổ này.

Các đại biểu Quốc Hội Mỹ tỏ thái độ hơi trễ so với nhều nước. Tháng trước, Bộ Ngoại Giao Anh Quốc và Canada đã đưa ra một tuyên cáo chung, tỏ ý quan ngại về ảnh hưởng của dự luật dẫn độ mới trên sự an toàn và việc kinh doanh của công dân các nước này ở Hồng Kông. Đại biểu Quốc Hội nhiều nước Âu Châu đã lên tiếng phản đối bản dự luật, dân chúng tại 29 thành phố trên thế giới đã biểu tình ủng hộ dân Hương Cảng.

Bởi vì, nếu dự luật này được ban hành, không riêng gì người dân bản xứ mà bất cứ ai đi qua phi trường Hồng Kông cũng có thể bị giữ, đưa vào trong lục địa, nếu Trung Cộng nói rằng họ đã “vi phạm luật pháp” và đòi dẫn độ.

Sau cuộc biểu tình lớn ngày Chủ Nhật, 9 Tháng Sáu, người công khai phản ứng đầu tiên ở Mỹ là bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ Viện, bà nói rằng với luật dẫn độ mới; tính cách tự trị của Hồng Kông sẽ mất, các nghị sĩ Cộng Hòa ở Thượng Viện cũng đồng ý.

Hôm Thứ Tư, 12 Tháng Sáu, một dự luật được đưa ra để tu chính đạo luật về Hồng Kông năm 1992. Năm đó, trước viễn tượng thuộc địa của Anh Quốc sắp trả về cho Trung Quốc sau 99 năm, giới kinh doanh Mỹ đã vận động, làm một đạo luật nói rằng sau năm 1997 quy chế về việc giao thương với Hồng Kông vẫn không thay đổi, nghĩa là vẫn khác với Trung Quốc.

Dự luật mới của Quốc Hội sẽ tu chính, từ nay yêu cầu Bộ Ngoại Giao Mỹ mỗi sáu tháng phải phúc trình Quốc Hội về tính chất tự trị của Hồng Kông, xem còn đáng hưởng quy chế đặc biệt của đạo luật năm 1992 hay không. Chính phủ Mỹ cũng phải phúc trình Quốc Hội nếu Trung Cộng cưỡng bách công dân các quốc gia khác đưa sang Tàu xét xử.

Có 14 đại biểu Quốc Hội, như bà Nancy Pelosi và Nghị Sĩ James Risch, trưởng Ban Ngoại Giao Thượng Viện, ủng hộ dự luật này; trong đó họ còn viết rõ là các công dân Hồng Kông bị bắt, bị tù vì chống Trung Cộng sẽ không bị từ chối visa vào nước Mỹ chỉ vì hồ sơ tư pháp.

Ngày Thứ Năm, một dự luật khác tái xuất hiện sau khi đã bị Quốc Hội Mỹ bỏ qua hai lần vì không đủ phiếu để đem ra thảo luận. Năm 2015, dự luật này được đưa ra sau vụ công an Trung Cộng bắt cóc mấy nhà bán sách ở Hồng Kông đem vào lục địa, vì họ phổ biến những sách về Trung Cộng, đặc biệt về cuộc tàn sát Thiên An Môn năm 1989. Theo dự luật này thì chính phủ Mỹ sẽ “phong tỏa kinh tế” những người hoặc cơ quan nào phạm tội bắt cóc như vậy. Năm 2017 dự luật đã được đưa ra lần nữa nhưng vẫn chưa được ghi vào nghị trình.

Hai dự luật của Quốc Hội Mỹ, trong hai ngày, là những lời cảnh cáo đối với Bắc Kinh. Vì nếu đạo luật năm 1992 bị rút lại, thì ảnh hưởng trên kinh tế Hồng Kông, và gián tiếp trên kinh tế Trung Quốc, sẽ rất nặng. Vì Hồng Kông là một cửa ngõ cho hàng hóa trong lục địa bán ra ngoài, đó cũng là nơi nhiều công ty Trung Quốc đặt trụ sở để được Mỹ coi như mang “quốc tịch” Hồng Kông.

Nếu mất quy chế đặc biệt trong đạo luật năm 1992 thì hàng xuất cảng từ Hồng Kông sang Mỹ sẽ bị đánh thuế giống như hàng Trung Cộng. Ai cũng biết Tổng Thống Trump đang tăng thuế quan trên hàng Trung Quốc, và dọa còn đánh mạnh hơn. Nước Mỹ là bạn hàng lớn thứ nhì của Hồng Kông, thương vụ giữa hai bên đã lên tới $69 tỉ, năm 2017.

Chế độ đầu tư và chuyển giao kỹ thuật của Mỹ cho Hồng Kông cũng sẽ thay đổi, nếu lãnh thổ này mất tính chất tự trị mà đạo luật 1992 công nhận. Chính quyền Hồng Kông cho biết các công ty Mỹ hiện chiếm hơn 18% trong số các xí nghiệp ngoại quốc đặt trụ sở tại thành phố này.

Quốc Hội Mỹ có thể đánh một đòn nặng trên kinh tế Hồng Kông. Nhưng hai lần trước họ đã không đem ra bàn, chưa nói đến thông qua, vì giới kinh doanh Mỹ phản đối. Thị trường Mỹ béo bở đối với Hồng Kông có nghĩa là giới kinh doanh Mỹ cũng được hưởng rất nhiều. Phòng Thương Mại Mỹ ở Hồng Kông sẽ đưa người về nước vận động bỏ qua hai dự luật mới.

Nhưng dù Quốc Hội không thông qua được hai dự luật này thì Tổng Thống Trump vẫn có quyền ký một nghị định với kết quả tương tự.

Chính phủ Trump có thể dùng mối đe dọa này trong cuộc mặc cả, khi Donald Trump gặp Tập Cận Bình vào cuối Tháng Sáu ở Osaka, Nhật, bên lề Hội Nghị G20. Nhưng không biết ông Trump sẽ đề cập chuyện Hồng Kông với ông Tập hay không?

Bà Kellyanne Conway, cố vấn Tòa Bạch Ốc, mới bảo rằng có thể ông Trump sẽ nói, hai ngày trước, trước khi Bộ Ngoại Giao Trung Cộng yêu cầu Mỹ đừng xía vô! Cùng trong ngày Thứ Năm, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Cộng Cảnh Sảng (Geng Shuang, 耿爽) tuyên bố không chấp nhận cho các quốc gia, cá nhân hay tổ chức nào được can thiệp vô chuyện “nội bộ” của Trung Quốc – xác nhận một lần nữa rằng Hồng Kông vẫn thuộc Trung Quốc!

Không ai có thể đoán trước ông Trump sẽ nói hay không. Mỗi ngày ông có thể “tuýt” các ý kiến khác nhau. Ngay cả chuyện hai ông Trump, Tập có gặp nhau không cũng chưa chắc. Nhưng ông Trump biết rằng trong cuộc thương thuyết gay go về mậu dịch, ông có thêm một vũ khí mới.

Điều lý thú là chính bà Nancy Pelosi là người đưa vũ khí đó vào tay ông Trump! Bà là người Trung Cộng ghét cay ghét đắng. Bà đã gọi đám lãnh đạo của họ là “Bọn đao phủ ở Bắc Kinh!” Năm 1991, hai năm sau vụ Thiên An Môn, là một đại biểu Quốc Hội Mỹ, bà đã tới quảng trường này trương biểu ngữ “Hãy tưởng nhớ những người đã chết vì tự do dân chủ!”

NGÔ NHÂN DỤNG

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.