(Người Việt 12/06/2019) Một thành kiến về dân Hồng Kông: Họ chỉ
lo làm ăn, họ không quan tâm đến chính trị.
Những người Trung Hoa này đã sống 99 năm
trong chế độ thuộc địa Anh Quốc. Chưa thấy ai đổ máu đòi độc lập bao giờ. Được
trả lại cho Trung Cộng, họ còn 50 năm chưa phải sống dưới chế độ độc tài. Cộng
Sản Trung Quốc chấp nhận nguyên tắc “nhất quốc lưỡng chế,” một quốc gia,
hai thể chế khác nhau, cho tới năm 2047.
Nhưng Chủ Nhật vừa qua, hơn nửa triệu người
Hồng Kông đã xuống đường biểu tình phản đối một dự luật về dẫn độ. Chính quyền
bất chấp, sẽ cho nghị viện biểu quyết vào ngày Thứ Tư. Ngày đó, mấy trăm ngàn
người bỏ không coi cửa tiệm, ngưng công việc làm, nghỉ học, lại xuống đường bao
vây tòa nhà lập pháp (LegCo), ngăn các nghị viên không vào họp được.
Bà Carrie Lam là vị “hành chánh trưởng
quan” thứ tư từ năm 1997 khi Hồng Kông trở về với Trung Quốc. Tuy xuất thân là
một công chức trong chế độ thuộc địa từ năm 1980, bà Lâm Quách Nguyệt Nga (林鄭月娥, Lín-Zhèng Yuè’é) cương quyết bảo vệ dự luật dẫn độ vì đó là một
sáng kiến của chính mình, và bà được Bắc Kinh hoan nghênh.
Nhưng tại sao dân Hồng Kông lại quyết tâm
chống dự luật này như vậy?
Bà Carrie Lam đưa ra dự luật dẫn độ vì một
vụ án giết người ở Đài Loan năm ngoái. Một người Hồng Kông, Trần Đồng Giai (Chan
Tong-kai, 陳同佳) đã giết cô bạn gái trong khi đang du lịch, rồi trốn về. Giữa Hồng
Kông với Đài Loan không có hiệp ước dẫn độ, nên không thể đưa anh ta qua bên đó
xử. Tòa án Hồng Kông lại không có thẩm quyền xử một tội phạm xảy ra ở nước
khác. Để “bảo vệ tinh thần thượng tôn luật pháp,” như bà Carrie Lam nói, bà đề
nghị tu chính đạo luật về dẫn độ, cho phép từ nay chính quyền được dẫn độ các
nghi can qua nước khác, dù hai bên không ký hiệp ước dẫn độ.
Dự luật này được áp dụng hồi tố, cho những
vụ án trong quá khứ (như vụ Trần Đồng Giai), cho nên ảnh hưởng sẽ rất lớn. Người
dân Hồng Kông lo sợ: Nếu chính quyền Trung Cộng, vin vào luật mới này, đòi dẫn
độ những người mà họ coi là phạm pháp thì sao?
Bao nhiêu nhà kinh doanh ở Hồng Kông đã
làm ăn trong lục địa. Nếu Trung Cộng buộc họ vào tội hối lộ quan chức thì họ có
bị dẫn độ hay không? Ai làm ăn trong một nước Cộng Sản mà không hối lộ? Doanh
nhân Hồng Kông có thể bị các công ty trong lục địa khởi tố các tội như vậy, chỉ
vì cạnh tranh. Các thương gia đều có thể bị áp lực, nhất là khi họ cũng làm ăn
với Mỹ.
Các giáo hội Thiên Chúa Giáo cũng phản đối.
Họ vẫn gửi Kinh Thánh vào phổ biến trong lục địa, một điều Trung Cộng vẫn cấm.
Bao nhiêu di dân mới từ lục địa qua Hồng Kông tị nạn cũng lo sợ. Trung Cộng đã
từng bắt cóc những người bán sách ở Hồng Kông, vì họ phổ biến sách viết về cuộc
tàn sát Thiên An Môn.
Bà Carrie Lam đã sửa đổi một số điều
trong dự luật để dân bớt lo. Thí dụ, trong danh sách các tội có thể bị dẫn độ
bà đã xóa bớt nhiều thứ “tội” lên quan đến thương mại và các người chuyên nghiệp,
để giới kinh doanh thôi chống đối.
Nhưng còn những người dân Hồng Kông khác
thì sao? Họ không thể nào yên tâm khi biết rằng dự luật này sẽ mở cửa cho chính
quyền Cộng Sản Trung Quốc, khi nào họ muốn, có thể áp dụng pháp luật của họ
trên dân cư Hồng Kông!
Từ năm 1997, do quy tắc “nhất quốc lưỡng
chế,” dân Hồng Kông vẫn sống với hệ thống luật của Anh Quốc. Người Anh để lại
hệ thống tư pháp độc lập, bảo vệ quyền tự do cá nhân và giới hạn quyền hành
quan chức. Tòa án Hồng Kông vẫn theo truyền thống Anh, được người dân kính trọng
và tin tưởng. Ông Chris Patten, người Anh cầm đầu Hồng Kông sau cùng khi thương
thuyết với Trung Cộng, nhận xét về cuộc biểu tình ngày Chủ Nhật: “Cả Hồng
Kông và Trung Quốc đều biết rằng phải có một ‘bức tường lửa’ ngăn cách hai hệ
thống pháp luật.”
Dự luật của bà Carrie Lam có thể phá vỡ bức
tường lửa đó.
Bà Lam có thể không dụng tâm bắt dân theo
luật lệ Trung Cộng. Bà đã thề không bao giờ phản bội người dân Hồng Kông, mắt
rưng rưng muốn khóc. Nhưng dân Hồng Kông không bao giờ tin tưởng vào chính quyền
Trung Cộng, họ còn khinh bỉ nữa! Trong lúc nửa triệu người đi biểu tình buổi tối
ngày Chủ Nhật, nhiều người Hồng Kông vẫn đi coi trận đá banh với đội cầu Đài
Loan. Khai mạc, ban nhạc cử hai bản quốc thiều, khi nghe thấy điệu quốc ca của
Trung Cộng, cầu trường nổi lên những tiếng la ó chế nhạo!
Người dân Hồng Kông khinh rẻ chế độ độc
tài Cộng Sản. Họ biết chắc chắn là tòa án trong lục địa chỉ là tay sai của đảng.
Với dự luật dẫn độ mới, họ sợ sẽ mất hết những quyền tự do đã được tôn trọng từ
thời thuộc địa.
Từ khi nhà Thanh nhường Hồng Kông cho Anh
Quốc, năm 1897, dân Hồng Kông đã được sống trong một hệ thống luật pháp mới,
thoát khỏi chế độ tham tàn, độc đoán của các quan chức Mãn Thanh. Cũng giống
người Việt ở miền Nam là thuộc địa Pháp, từ giữa thế kỷ 19, đã được hưởng nhiều
quyền tự do hơn đồng bào sống dưới chế độ vua quan nhà Nguyễn. Chỉ có ở Sài Gòn
và Lục Tỉnh các nhà cách mạng như Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu mới có quyền làm
báo tố cáo quan lại tham nhũng, được chỉ trích cả chế độ thực dân Pháp; và Phan
Châu Trinh mới có quyền diễn thuyết về chế độ dân chủ – trong khi cụ bị triều
đình Huế kết án tử hình.
Hồng Kông đã là nơi nuôi dưỡng những hạt
giống tự do, không riêng cho người Trung Hoa mà cũng từng là nơi trú ẩn của những
người Việt làm cách mạng, Cộng Sản cũng như quốc gia. Chế độ thuộc địa của người
Anh đã tập cho dân Hồng Kông sống trong tinh thần thượng tôn pháp luật, những
người cầm quyền cũng phải tuân theo luật lệ. Họ biết bất cứ người dân nào cũng
có một số quyền tự do căn bản, chỉ còn thiếu quyền bỏ phiếu. Đó là một nơi có tự
do dù còn thiếu dân chủ, nhưng vẫn sống dễ thở hơn những chế độ độc tài của nhà
Thanh hay của Trung Cộng. Trong môi trường tự do và luật pháp công minh đó,
kinh tế Hồng Kông đã phát triển hơn tất cả các vùng khác ở Á Đông, trừ nước Nhật.
Chính vì vậy mà dân Hồng Kông quyết tâm bảo vệ quyền sống của họ.
Đây không phải là lần đầu tiên dân Hồng
Kông cho thế giới thấy họ rất quan tâm đến chính trị khi quyền sống căn bản của
họ bị xúc phạm. Năm 2003, sáu năm sau khi thuộc về tay Trung Cộng, dân Hồng
Kông đã biểu tình lớn như lần này, hơn nửa triệu người, phản đối một dự luật về
an ninh, vì nó đe dọa những quyền tự do dân sự. Sau đó, nghị viện lập pháp
LegCo đã phải bỏ không đem ra bàn nữa. Năm năm mới đây, những cuộc biểu tình
trong Phong Trào Che Dù (Umbrella Movement) đã lớn tiếng đòi tự do, dân chủ và
công lý. Chàng thanh niên nổi bật trong cuộc vận động đó, Joshua Wong, hiện
đang bị giam nên không có mặt trong các cuộc biểu tình mới. Nhưng các người đi
biểu tình năm nay, phần lớn là thanh niên, thuộc rất nhiều nhóm dân khác nhau.
Người ta thường nghĩ dân Hồng Kông không
quan tâm đến chính trị, điều này có một phần sự thật. Nhưng chính vì vậy những
cuộc biểu tình, những năm 2003, 2014 và năm nay làm mọi người ngạc nhiên vì tính
chất bột phát, bất ngờ. Cuộc biểu tình ở Thiên An Môn năm 1989 cũng bột phát và
bất ngờ như vậy. Phong Trào Đoàn Kết, Solidarnos ở Ba Lan cũng bột phát, bất ngờ
như vậy!
NGÔ NHÂN DỤNG
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.