Show room công nghệ 5G tại trụ sở Hoa Vi (Huawei) ở Thâm Quyến, 29/05/2019. |
(Người Việt 11/06/2019) Cuộc Chiến Tranh Lạnh của thế kỷ 21 giữa
Trung Quốc và Hoa Kỳ không thể tránh được; nhưng suốt 30 năm qua các chính
khách “lễ độ” không ai muốn nói trắng ra. Tổng Thống Donald Trump phá lệ.
Ông mở trận chiến mậu dịch với mục tiêu
khiêm tốn là cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước. Nhưng sau khi ông Trump
cho nổ “phát súng thuế quan,” bao nhiêu mâu thuẫn vẫn được ngấm ngầm bỏ qua
cùng xuất hiện. Và những mâu thuẫn này rất lớn, lớn hơn chuyện khiếm hụt mậu dịch,
lớn hơn nhiệm kỳ một ông tổng thống hay ông tổng bí thư đảng.
Mâu thuẫn chính là quan niệm về trật tự
thế giới của Trung Quốc và các nước Tây phương, là lối sống và suy nghĩ của hai
nền văn minh.
Từ hơn nửa thế kỷ nay, các nước Âu Châu
và Mỹ đã tỏ ý “ân hận” về những lầm lỗi mà các “đế quốc” phương Tây đã phạm
trong các thế kỷ trước, khi họ bành trướng sang Á Châu, Phi Châu và Châu Mỹ La
Tinh. Không thấy người Trung Hoa nào tỏ ra ân hận về hành động bành trướng của
các đế quốc thời Hán, Đường, Minh, Thanh. Trái lại, họ thấy đó là những thời đại
huy hoàng chỉ mong lập lại.
Tập Cận Bình vẽ ra “Giấc Mộng Trung Quốc”
nhắm giành lại địa vị huy hoàng đó. Ông đánh đúng tâm can của người Trung Hoa,
để cho hơn một tỉ người chấp nhận sống dưới ách độc tài đảng trị.
Chương trình “Một Vành Đai, Một Con Đường,”
công bố năm 2013 là tham vọng thiết lập một khối kinh tế Âu-Á Châu (Eurasia)
theo gương các hoàng đế nhà Đường.
Eurasia sẽ trở thành một khối kinh tế lớn
trên thế giới, vượt nước Mỹ. Hiện nay thương mại giữa hai lục địa này đã lên tới
$2,000 tỉ mỗi năm, gấp đôi thương vụ trao đổi giữa Âu Châu và Mỹ Châu. Khi Tổng
Thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi TPP (Hợp Tác Kinh Tế Xuyên Thái Bình Dương),
Trung Quốc là nước duy nhất có kế hoạch lâu dài bao gồm cả hai lục địa này, lập
ra một “trật tự thế giới” trong thế kỷ 21.
Các nước Tây phương muốn một thế giới sống
với các quyền tự do, chế độ dân chủ, minh bạch công khai, tôn trọng luật pháp,
kinh tế do tư nhân quyết định. “Nhất Đới, Nhất Lộ” theo một mô hình
khác. Nhà nước đóng vai chủ động, luật pháp không quan trọng bằng quyền lực
chính trị, giới lãnh đạo quyết định trong bí mật, người dân thường không cần biết.
Cuộc đối đầu giữa Donald Trump với Tập Cận
Bình chỉ là mặt nổi của mối xung khắc giữa hai quan niệm sống đó. Khi yêu cầu
Trung Cộng thay đổi cơ cấu kinh tế mới chấm dứt cuộc chiến thuế quan, chính quyền
Mỹ đã đụng tới các quy tắc sống căn bản của họ. Giáo Sư Thì Ân Hoằng (Shi
Yinhong, 時 殷弘), Đại Học Nhân Dân ở
Bắc Kinh, nhận xét rằng riêng trong vấn đề quyền sở hữu tri thức, Mỹ đã đưa ra
hàng trăm vụ vi phạm của các công ty Trung Quốc; muốn chấm dứt thì phải thay đổi
hệ thống luật lệ. Không phải thay đổi một, hai điều luật mà thay đổi hàng trăm
thứ luật.
Ông Thì Ân Hoằng kết luận: Mỹ muốn Trung
Quốc phải thay đổi cách điều hành nền kinh tế, ở trong nước và ở ngoài. Cuối
cùng, cuộc đấu không còn là vấn đề mậu dịch nữa. Họ muốn Trung Quốc phải theo lối
làm ăn của hệ thống thị trường trong quan niệm tự do từ Tây phương, hậu quả là
chấm dứt chế độ độc đảng.
Đó là mâu thuẫn căn bản mà các cuộc
thương thuyết không thể nào tháo gỡ được, dù hai bên có thể đi tới những thỏa
hiệp tạm thời.
Lối thoát duy nhất của chính quyền Trung
Cộng là đứng một mình, dần dần tách rời hai nền kinh tế khác nhau từ cơ cấu đến
nguyên tắc vận hành. Trung Quốc sẽ tăng cường thương mại với các nước trên lục
địa Á-Âu, qua dự án “Nhất Đới, Nhất Lộ.” Thế giới có thể chia thành hai
khối kinh tế, với hai trung tâm, Mỹ và Trung Quốc, chấp nhận một cuộc Chiến
Tranh Lạnh của thế kỷ 21.
Nhưng dự án đầy tham vọng này khó tiến
hành. Vì hiện nay kinh tế Trung Quốc không đủ sức chạy đua với Mỹ trên các kỹ
thuật và công nghiệp tiên tiến. Vụ Huawei cho thấy yếu huyệt của kinh tế Trung
Quốc. Những công ty đứng hàng đầu về kỹ thuật tiên tiến ở Trung Quốc, như
Huawei, ZTE tùy thuộc vào nguồn tiếp liệu từ Mỹ, từ các vật liệu đến các sáng
chế mà các công ty Mỹ giữ bản quyền.
Báo, đài ở Trung Quốc đang cổ võ Huawei
hãy đứng vững dù bị chính phủ Mỹ tấn công. Họ hô hào cả nước hãy tự lực tự cường,
làm lấy tất cả những thứ gì đang phải mua từ nước Mỹ. Nhưng hệ thống viễn thông
do Huawei chế tạo, từ chất bán dẫn (semiconductors) đến các chương trình phần mềm
(software) nhiều thứ vẫn phải mua từ các công ty Mỹ. Trung Quốc chưa chế được đồ
thay thế. Mà nếu đi mua của Nhật Bản hoặc Đại Hàn thì các nhà cung cấp ở hai nước
đó cũng đang dùng đồ Mỹ hoặc được các công ty Mỹ bán bản quyền. Lệnh cấm của
chính phủ Mỹ không cho phép các công ty này bán cho Huawei. Vì vậy các công ty
Nhật Bản Panasonic và Hitachi mới ngưng trao các bộ phận mà họ vẫn bán cho
Huawei, sau khi Mỹ cấm.
Huawei đã cố gắng mở mang công việc chế
chất bán dẫn, với công ty con HiSilicon, để khỏi phải mua chip từ các công ty Mỹ
như Intel. Nhưng HiSilicon phải mua bản quyền sáng chế cua công ty Anh Quốc ARM
ở Cambridge. Hầu hết các điện thoại di động trên thế giới đều dùng kiểu mẫu do
ARM sản xuất. Ngay sau khi chính phủ Mỹ ra lệnh cấm Huawei, ARM đã cắt đứt quan
hệ với Huawei, vì chính họ cũng đang dùng các bằng sáng chế của Mỹ.
Tập Cận Bình đã hô hào mở cuộc Vạn Lý Trường
Chinh mới để tự túc về kỹ thuật tiên tiến. Nhưng Trung Cộng đã nhiều lần cố gắng
tự túc mà kết quả không như ý muốn.
Từ các thập niên 1990 và 2000 họ đã đầu
tư nhiều tỉ đô la để bắt đầu thành lập kỹ nghệ làm chip điện tử. Người được đưa
ra cầm đầu là Giang Miên Hằng (Jiang Mianheng, 江绵恒), con chủ
tịch Giang Trạch Dân, đứng đầu công ty Grace Semiconductor. Kế hoạch này thất bại,
bây giờ vẫn chỉ là một công ty không cạnh tranh được với ai.
Công ty Jinhua Integrated Circuit ở tỉnh
Phúc Kiến chuyên chú sản xuất loại chip ghi nhớ (memory chip) DRAM năm ngoái đã
sụp đổ sau khi bị Mỹ cấm, vì bị tố cáo đã ăn cắp kiểu mẫu của hãng Micron. Công
ty Yangtze Memory Technologies đã lập từ 12 năm để sản xuất memory chip nhưng
hiện nay vẫn còn chạy sau Samsung của Hàn Quốc hơn năm năm.
Các công ty quốc doanh hoặc được nhà nước
bảo trợ không đuổi kịp các công ty tư bản. Vì vậy sau 20 năm tìm cách chế ra một
hệ thống điều hành (OS, operating system) cho máy vi tính, họ đã thành công với
một OS tương tự như Windows XP của Microsoft. Nhưng lúc đó thì chính công ty Mỹ
Microsoft đã bỏ hệ thống XP, thay thế bằng nhiều hệ thống mới cho khách hàng chọn.
Huawei đang tính làm lấy một OS cho điện thoại thông minh để khỏi lệ thuộc vào
hệ thống Android được Google bán bản quyền và sẽ chấm dứt. Nhưng theo các kinh
nghiệm trên thì hy vọng rất mong manh.
Giấc mộng “tự lực tự cường” trong lãnh vực
kỹ thuật tiên tiến của Tập Cận Bình khó thành công. Chủ nhân sáng lập Huawei,
ông Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei, 任正非) mới thú nhận: “Trung Quốc không thể
thành công nếu trông đợi vào các phát minh sáng chế từ nội địa. Sẽ mất rất nhiều
thời gian!”
Để tự túc trong các kỹ nghệ tiên tiến,
Trung Quốc có thể trông đợi vào các nước thân hữu trên các “đường tơ lụa mới”
Nhất Đới Nhất Lộ hay không? Các nước Âu Châu trao đổi với Mỹ có lợi hơn, và
cũng phụ thuộc vào các quyền sở hữu tri thức trong công nghiệp tiên tiến của Mỹ.
Các nước khác chắc cũng không muốn gia nhập một khối kinh tế lúc nào cũng tiến
chậm hơn Mỹ, Nhật Bản và Nam Hàn hàng chục năm.
Cuộc chiến tranh mậu dịch của ông Donald
Trump lúc đầu nhắm giảm cán cân thương mại khiếm hụt, nhưng đã cho ông Tập Cận
Bình thấy nhược điểm chính yếu của nền kinh tế Trung Quốc. Ông Trump không gây
ra chướng ngại cho tham vọng của ông Tập Cận Bình. Ông vô tình cho họ Tập nhìn
thấy rõ những chướng ngại đó. Giấc mộng tái lập các đế quốc Hán, Đường còn xa,
rất xa.
Nhưng ông Trump có chủ tâm tiêu diệt
Huawei và công nghiệp tiên tiến của Trung Quốc hay không? Chính phủ Mỹ không muốn
tấn công Huawei và các công ty Trung Quốc tới cùng, vì họ không muốn các công
ty Mỹ mất những mối hàng lớn bán cho Trung Quốc. Cuộc chiến tranh mậu dịch nào
cũng gây thiệt hại cho cả hai bên.
Giới tình báo Mỹ đều coi Huawei là một mối
đe dọa về an ninh quốc gia. Trong hội nghị Shangri-La vừa qua, các viên chức Mỹ
đã cảnh cáo rằng Mỹ sẽ không chia sẻ các tin tức tình báo với các quốc gia sử dụng
đồ của Huawei. Nhưng ông tổng thống Mỹ lại mới nói rằng ông có thể nhẹ tay với
Huawei nếu Tập Cận Bình chịu nhượng bộ.
NGÔ NHÂN DỤNG
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.