Ngày 19 tháng Năm năm 1989, thủ tướng Trung Quốc
Lý Bằng quyết định huy động quân đội để đàn áp các sinh viên biểu tình.
Đây là khởi đầu cho biển máu ngày 4 tháng Sáu. Tác giả Arnaud Vaulerin
trên Libération hôm nay 20/05/2019 trong bài viết «Thiên An Môn : 30 năm sau đêm đất trời đảo lộn », thuật lại chi tiết theo lời kể của một giáo sư triết Trung Quốc đang tị nạn tại Pháp.
…Một tia sáng lóe lên trong ánh nhìn, như một thoáng cười từ thẳm sâu kỷ niệm, sau hai tiếng đồng hồ tâm sự trước ly cà phê đen và một chai Orangina, trong một quán cà phê ở quảng trường Denfert-Rochereau, Paris. Mùa xuân đã đến rồi. Nó gợi lại những hình ảnh luôn bền bỉ về một mùa xuân khác, vào năm 1989, tại Trung Quốc.
Thái Sùng Quốc (Cai Chongguo) nhớ lại : «
Bạn không thể tưởng tượng được sự sôi nổi vào thời đó, với hàng triệu
người tham gia vào thời điểm đặc biệt ấy. Trong suốt nhiều tuần lễ,
chúng tôi đã sống qua thời khắc tự do duy nhất trong lịch sử Trung Quốc,
dưới cái nhìn của toàn thế giới. Lần đầu tiên phương Tây nhận ra rằng
người Trung Quốc có thể biểu tình và chỉ trích các nhà lãnh đạo ».
Đó
là tia sáng đã làm rạng rỡ khuôn mặt người thầy giáo dạy môn triết, đã
phải chạy trốn khỏi đất nước sau vụ đàn áp năm 1989, khi những chiếc xe
tăng của quân đội đè bẹp phong trào Thiên An Môn đêm 3 rạng 4 tháng Sáu.
Thời điểm này đã cắt làm đôi cuộc đời của Thái Sùng Quốc, cũng như đã
để lại « một sự chia rẽ vô cùng sâu sắc nơi người dân Hoa lục ».
Ba mươi năm sau, người cựu đảng viên gương mẫu của đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tị nạn tại Pháp lấy làm tiếc với « sự cấm kỵ tuyệt đối về Thiên An Môn » tại Trung Quốc. Trong thời kỳ hậu đàn áp và chứng mất trí nhớ phổ quát này, nhà ly khai nhìn thấy sự xuất hiện của «
một xã hội do đồng tiền và dùi cui điều khiển. Trung Quốc của Tập Cận
Bình không chỉ là một chế độ độc tài, mà còn là chủ nghĩa tư bản hoang
dã, một kiểu chế độ toàn trị mới – muốn kiểm soát tất cả, định vị và
nhận diện mọi người ».
Biến cố năm 1989 đã « tập trung nỗi sợ bị đàn áp và phá vỡ cấm kỵ ». Thái Sùng Quốc nói : «
Chúng tôi đã thấy quân đội không ngần ngại giết người. Trước năm 1989,
chúng tôi tin rằng họ không bao giờ vượt qua lằn ranh đỏ này ».
Sự
thay đổi đã xảy ra cách đây vừa đúng 30 năm. Trong đêm 19 rạng 20 tháng
Năm, chính quyền cứ khăng khăng, đối thoại bế tắc. Bắt đầu một bước
ngoặt, và đây là điểm đã đảo ngược hẳn mùa xuân Bắc Kinh.
…Đã từ
một tháng qua, cả nước luôn sôi sục. Hôm 15 tháng Tư, loan báo về cái
chết bất ngờ do lên cơn đau tim ngay trong cuộc họp Bộ Chính trị của ông
Hồ Diệu Bang (Hu Yaobang), nhà cải cách bị cách chức tổng bí thư hai
năm trước đó, đã khiến hàng triệu người dân xuống đường. Và dậy lên
những yêu sách về dân chủ hóa, tự do ngôn luận, đấu tranh chống tham
nhũng.
Trong khoảng thời gian từ 17/05/1989 đến 04/06/1989, nhiều sinh viên tuyệt thực đã ngã gục trên quảng trường Thiên An Môn |
« Phương pháp Jaruzelski »
Trong nội
bộ ĐCSTQ, căng thẳng ngày càng tăng lên. Trước cuộc tuyệt thực của sinh
viên khởi đầu từ ngày 13 tháng Năm, tranh cãi lại thêm gay gắt. Thủ
tướng bảo thủ Lý Bằng (Li Peng) và tổng bí thư cải cách Triệu Tử Dương
(Zhao Ziyang) cố tỏ ra đoàn kết. Ngày 18, họ cùng đến bệnh viện thăm
những sinh viên tuyệt thực. Hôm sau, quảng trường Thiên An Môn. Trên
truyền hình, ông Triệu Tử Dương xuất hiện với một bài phát biểu dài, ông
vừa khóc vừa khuyên những người trẻ nên ngưng biểu tình. Ông thổ lộ : « Chúng tôi đã đến quá trễ ». ĐCSTQ rạn nứt.
Suốt
cả ngày 19 tháng Năm, đài phát thanh truyền đi các cuộc tranh luận sôi
nổi giữa ông Lý Bằng và các sinh viên tập họp tại Đại sảnh đường Nhân
Dân ở Bắc Kinh. Thái Sùng Quốc hồi tưởng : « Thật khó thể tưởng
tượng nổi, tất cả đều được phát trực tiếp ! Các nhà lãnh đạo phải trả
lời những câu chất vấn của sinh viên ».
Ngày hôm đó, người
thầy dạy triết đi xe lửa đến Bắc Kinh, tai dán chặt vào chiếc radio.
Nguyên quán ở Vũ Hán, cách thủ đô 1.200 km về phía nam, ông đến nhà xuất
bản để trao tập cuối của bản thảo cuốn sách nói về Mao Trạch Đông, Cách
mạng văn hóa và lịch sử Trung Quốc.
Anh kể :
« Khi đến Bắc Kinh, một điều làm tôi sững sờ : hàng mấy chục xe vận tải
quân sự đậu dọc theo đường xe lửa. Rổi tôi quên đi, thẳng đường đến
Thiên An Môn. Quảng trường đen đặc người. Người ta tranh luận, một số
gào thét, số khác nhảy nhót. Một khu trại hình thành với những xe buýt
và những chiếc lều, thật chưa từng thấy. Công an hầu như biến mất. Nhưng
cũng có sự căng thẳng, lo ngại ».
Đêm 19 tháng Năm, cuộc khủng hoảng càng sâu sắc, và Lý Bằng chuyển sang thế tấn công trong đêm. Thủ tướng bảo thủ đã «
cầu viện đến phương pháp được gọi là Jaruelski, theo tên nhà lãnh đạo
cộng sản cuối cùng của Ba Lan : biểu dương ồ ạt lực lượng quân đội kèm
theo sắc lệnh thiết quân luật » - theo phân tích của nhà sử học Laurence Badel trong tạp chí Histoire.
Quân dân cá nước hay đối đầu ?
Quân đội chuẩn bị hành động, tiến vào trung tâm Bắc Kinh. «
Tôi nhớ có một cặp vợ chồng cao niên đã xuống đường, hô hào dân chúng
biểu tình, bảo vệ những sinh viên trẻ tuổi vốn được người dân vị nể.
Người ta mang đồ ăn thức uống đến cho sinh viên ».
Điều không thể tưởng tượng nổi đã xảy ra vào sáng 20 tháng Năm, khiến Thái Sùng Quốc vẫn luôn kinh ngạc : «
Ngày càng có nhiều người dân tràn ra đường phố. Quân đội đang trên đà
tiến phải dừng lại. Người già, người trẻ nằm la liệt trước đầu xe tăng,
bao vây các xe quân sự, nói chuyện với các binh lính ».
Thái
Sùng Quốc soạn nội dung cho các tờ rơi, phụ trách làn sóng đài phát
thanh trường đại học Nhân Dân, thảo ra các câu khẩu hiệu và tăng cường
cho ủy ban tổ chức biểu tình để tránh khả năng phong trào ngả sang bạo
lực. Ông cũng cố gắng duy trì đối thoại giữa chính quyền và sinh viên.
Trong
vòng bốn ngày, Trung Quốc sống trong một tình trạng kỳ lạ. Người biểu
tình và binh lính cùng « sống chung hòa bình », trao đổi, thảo luận với
nhau. Kể từ ngày 24 tháng Năm, quân đội rút lui. Nhưng mọi việc đã diễn
biến rất nhanh. « Tất cả đã quá trễ », theo cách nói của ông Triệu Tử Dương.
Người thầy môn triết kể lại : «
Chúng tôi nghĩ rằng đã giành được chiến thắng, và đã thành công trong
việc chấm dứt tình trạng thiết quân luật. Rồi tôi bắt đầu lo ngại một
cuộc thảm sát : không thể có việc Đặng Tiểu Bình, nhà lãnh đạo quyền lực
của Trung Quốc, bị mất mặt trước sinh viên ».
- Đọc thêm: Thiên An Môn, nỗi ám ảnh khôn nguôi
Thái Sùng Quốc có linh cảm chính xác, nhờ quá khứ từng đứng trong hàng ngũ ở trường đại học và ĐCSTQ, « một thế hệ hăng hái với chính trị, cải cách và hy vọng hiện đại hóa ». Sinh
năm 1955 tại Vũ Hán, anh bị cuốn vào cuộc Cách mạng văn hóa khởi đầu
năm 1966 để thanh trừng trong đảng và giúp Mao thống trị. Trong thập
niên 70, anh được đưa về nông thôn.
« Chúng tôi phát hiện ra
sự nghèo khổ không thể tưởng, và nhất là người dân quê không hề quan tâm
đến chính trị và những câu khẩu hiệu của Mao về kẻ thù, đấu tranh giai
cấp. Có một sự khác biệt hẳn giữa tuyên truyền với thực tế, một sự cách
biệt giữa tư tưởng Karl Marx và ý thức hệ của ĐCSTQ. Nhưng khổ thay, Mao
không phải là Marx ! »
Anh thanh niên Thái Sùng Quốc đọc
sách, viết ra những bài thơ, tìm hiểu về cuộc Cách mạng Pháp trong một
cuốn sách lấy trộm được. Cuối cùng, anh vào trường trung học. Là học
sinh gương mẫu, anh được đảng chú ý kết nạp, được tuyển dụng vào một nhà
máy về viễn thông của quân đội.
Sau khi Mao qua đời năm 1976, đất nước bước vào « kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa » của người cầm lái mới Đặng Tiểu Bình. Ông Đặng « cố gắng giữ quân bình giữa giữa hai phe bảo thủ và cải cách ».
Người chiến binh của Cách mạng văn hóa đi thi và đậu vào khoa Triết trường đại học Vũ Hán. «
Đó là một thời kỳ giải tỏa. Người ta phục hồi danh dự cho các trí thức,
rút ra cáo bài học từ những năm tháng Mao Trạch Đông. Hết sức cụ thể :
làm thế nào khởi động tiến trình dân chủ hóa, và xây dựng một Nhà nước
pháp quyền thực sự. Vũ Hán là một trung tâm tự do hơn rất nhiều so với
Bắc Kinh ».
Giấc mơ đổi mới
Những
người trẻ nuôi hy vọng hiện đại hóa. Phong trào sinh viên đầu tiên vào
năm 1986 đã thất bại, nhưng tâm trạng phản kháng vẫn bao trùm, được nuôi
dưỡng với cuộc khủng hoảng kinh tế và vật giá gia tăng năm 1988. Một
nhân vật trở thành biểu tượng cho sự thay đổi trong tương lai, nếu không
nói là mô hình để noi theo : ông Mikhail Gortbachev. Trong một Trung
Quốc tham nhũng, được các nhà lãnh đạo già nua điều hành, cha đẻ của
perestroika ở Liên Xô « có ảnh hưởng rất lớn đối với Mùa Xuân 1989 ».
Anh
sinh viên triết là một trong những người tham gia tích cực vào bầu
không khí sôi động ở Vũ Hán. Tranh luận, thành lập một trung tâm nghiên
cứu triết học, lăng-xê một tạp chí, tổ chức một hội nghị quy mô về cải
cách chính trị…Sau khi ông Hồ Diệu Bang qua đời ngày 15 tháng Tư, các
đại tự báo nở rộ trên những bức tường của trường đại học Vũ Hán : « Đặng (Tiểu Bình), ông đã giết chết ông Hồ Diệu Bang »,« Chúng ta hãy đòi hỏi tự do ngôn luận » v.v…
Và
khi Nhân dân Nhật báo, tờ báo chính thức của đảng đăng bài xã luận nổi
tiếng ngày 26 tháng Tư, nhắc lại bài diễn văn mà ông Đặng đọc trước đó
một hôm, Thái Sùng Quốc phẫn nộ trước sự mù quáng của Đặng : ông ta tố
cáo « âm mưu có chuẩn bị kỹ càng để gây rối trật tự công cộng ». Anh nhấn mạnh : « Sinh viên không có ý định lật đổ ĐCSTQ, chúng tôi không dại dột ».
Mùa
Xuân Bắc Kinh đã diễn ra, nhưng không giống như năm 1986, nó không dừng
lại. Và bị đàn áp đẫm máu. Ngày 2 tháng Sáu, Thái Sùng Quốc vẫn còn ở
Bắc Kinh khi phát hiện trước trụ sở của Ủy ban trung ương đảng « mười bao đầy súng ống và cả súng trường ». Một chiếc xe tăng cán nát thây « một cô gái mặc áo đầm màu xanh da trời » ngay trước mắt anh. Ba tuần sau, anh đến Hồng Kông bằng cách bơi qua biển, rồi sau đó sang Pháp tị nạn.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.