jeudi 6 octobre 2011

Thiên An Môn qua Hồi ký của Triệu Tử Dương (1)


Ông Triệu Tử Dương cố gắng thuyết phục sinh viên ở Thiên An Môn.
Triệu Tử Dương (Zhao Ziyang) vốn là lãnh đạo số một Trung Quốc vào thời điểm cuộc nổi dậy của sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Ông chống lại việc đàn áp sinh viên, và sau đó đã bị thanh trừng. Cuốn hồi ký riêng của ông là một bằng chứng lịch sử quý giá. Nhân ngày ra mắt bản dịch tiếng Pháp cuốn sách này tại Paris hôm nay (06/10/2011), tờ Le Monde đã giới thiệu tác phẩm trên trong bài viết mang tựa đề “Tháng 5/1989: Các xe tăng cày nát Thiên An Môn”.

Tại Trung Quốc, báo chí và sách sử luôn tránh nêu tên ông Triệu Tử Dương, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, người đã từ chối áp dụng lệnh thiết quân luật để đàn áp các sinh viên biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn vào tháng 5/1989. Và vì vậy mà ông đã bị phe chủ trương cứng rắn của đảng thanh trừng, qua bàn tay của Đặng Tiểu Bình, người đã từng cất nhắc ông và là cha đẻ của đổi mới kinh tế. 

Triệu Tử Dương bị quản thúc tại gia tại Bắc Kinh và qua đời vào tháng Giêng năm 2005. Cho đến phút cuối, ông vẫn kiên định với nhận định của mình. Sự kiện Thiên An Môn dưới cái nhìn của Triệu Tử Dương đã được ra mắt dưới dạng cuốn nhật ký được xuất bản tại Hồng Kông, do con trai của Bảo Đồng – người từng là cánh tay phải của ông – công bố.

Ghi lại từ 30 tiếng đồng hồ độc thoại, thu trên các cuốn băng cassette kể chuyện cổ tích trẻ em và được bí mật mang sang Hồng Kông, cuốn hồi ký đến từ bên kia thế giới này hôm nay đã được nhà xuất bản Seuil cho ra mắt bản tiếng Pháp. Đây là những lời chứng vô giá cho thấy phương cách nhận thức và giải quyết các sự kiện Thiên An Môn tại trung tâm quyền lực, đồng thời cũng đã soi thêm một ánh sáng mới về vai trò nhập nhằng của Đặng Tiểu Bình. Cuốn hồi ký cũng cho thấy quan điểm của Triệu Tử Dương về sự cần thiết phải cải cách chính trị, một chủ đề đến ngày nay vẫn còn nóng bỏng.

1)    Khởi đầu các cuộc biểu tình của sinh viên:

Bảy năm trước đây, do sợ quên mất một số điều, tôi đã ghi chép về sự cố “ngày 4/6”, một kiểu biên niên. Ngày nay tôi muốn nói trên cơ sở những ghi chép này (…)

Ai đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình sinh viên đó? Bắt đầu là từ các sự kiện kỷ niệm Hồ Diệu Bang ngày 15/04/1989. Ngay buổi tối hôm cái chết của ông được loan báo, các sinh viên Bắc Kinh đã có sáng kiến tổ chức các hoạt động tưởng niệm ông. Họ xuống đường, càng lúc càng thêm đông đảo. Một số vì quá xúc động đã phát biểu hơi quá trớn, nhưng nói chung là mọi việc diễn ra trong trật tự, không có gì là quá khích.

Ngày 19 và 19/4, hàng trăm người đã tụ tập trước Tân Hoa Xã. Tôi đã xem các băng ghi hình của bên công an: các sinh viên ở hàng đầu liên tục hô lên: “Hãy giữ trật tự! Đừng có quá lố!”. Đằng sau họ là một đám đông vô số những người hiếu kỳ. Các sinh viên đòi hỏi được ai đó tiếp, đằng sau thì đám đông xô đẩy, và rồi đã lớn chuyện hơn. Sinh viên bèn cử ra một đội trật tự để kìm lại đám đông.

Ngày 22/4, khi các lễ nghi tưởng niệm chính thức tiến hành, tại quảng trường Thiên An Môn có hơn một chục ngàn sinh viên, họ được phép hiện diện tại đó. Chúng tôi đã cho gắn các loa phóng thanh để có thể theo dõi buổi lễ đang diễn ra. Tình hình là như thế, trước khi xuất hiện bài xã luận của Nhân dân Nhật báo ngày 26/4.

Tại sao sinh viên lại nhiệt tình đến như thế trong lễ tưởng niệm ông Hồ Diệu Bang ? (…)

Trước hết, ông Hồ Diệu Bang có được hình ảnh rất tốt đẹp. Ông đã phục hồi danh dự cho rất nhiều nạn nhân bị oan ức, xưng tụng việc cải cách và mở cửa, nhất là ông không hề ăn hối lộ. Người dân ngày càng ta thán về nạn tham nhũng, và dịp kỷ niệm này là cơ hội để bày tỏ nỗi bất bình đó. 

Thứ đến, nhiều người đã bất mãn, thậm chí phẫn nộ về cách thức mà ông bị truất phế (khỏi chức vụ Tổng bí thư) năm 1987. Một mặt, họ phản đối lại chiến dịch chống mở rộng tự do vào lúc đó, mặt khác, họ không chấp nhận được cái cách thay đổi lãnh đạo như thế, thấy rằng ông Hồ Diệu Bang đã bị đối xử bất công. Lý do thứ ba, vào mùa thu năm 1988 với chủ trương đưa vào khuôn khổ mang tên “tái tổ chức”, chính sách cải cách và mở cửa đã bị chậm lại. Việc cải cách chính trị bị bế tắc, cải cách kinh tế không tiến triển, thậm chí còn thụt lùi.

Giới sinh viên, bất mãn trước thực trạng, đã lợi dụng các lễ kỷ niệm để bày tỏ sự mong đợi của họ trong việc cải cách sâu sắc hơn (…)

2)    Quyết định sử dụng quân đội để trấn áp: (còn tiếp)

Thiên An Môn qua Hồi ký của Triệu Tử Dương (2)

Thiên An Môn qua Hồi ký của Triệu Tử Dương (3)


1 commentaire:

  1. Nguyên nhân chính của Thảm Sát Thiên An Môn là do không đưa ra được một giải pháp 2 bên chấp nhận được trong quá trình biểu tình của sinh viên TQ tại Thiên An Môn. Điều đáng nói hiện nay là vẫn chưa ai nhận thức cần có 1 lộ trình dân chủ thích hợp. Các nhà dân chủ đa đảng luôn luôn đòi hỏi phải đa đảng - điều này dẫn tới tình trạng nhà cầm quyền CS đang áp dụng một chính sách loại trừ dân chủ đa đảng ngay ở mầm mống. Đợi Chờ đưa ra một lộ trình dân chủ 2 giai đoạn - hiện nay vẫn chưa được quan tâm.
    Mọi sự sẽ thay đổi – khi đó Chương Trình Hiện Đại Hóa và Dân Chủ Hóa CNXH sẽ đứng đầu trong danh sách các giải pháp.

    RépondreSupprimer

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.