(Người Việt 14/05/2019) Ngày Thứ Sáu Mỹ bắt đầu tăng thuế quan từ
10% lên 25% trên $200 tỉ hàng mua từ nước Tàu, hiệu lực ngay tức khắc. Ngày Thứ
Hai Trung Cộng mới trả đũa, đánh thuế trên $60 tỉ hàng hóa Mỹ, đến đầu Tháng
Sáu mới thi hành. Phản ứng chậm ba ngày và hoãn một tháng rưỡi mới áp dụng, rất
có ý nghĩa. Bắt buộc phải trả đũa, nếu không sẽ mất mặt với dân chúng, nhưng Bắc
Kinh vẫn muốn tỏ ý hòa hoãn.
Nhưng Tổng Thống Donald Trump không hòa
hoãn mà còn đả mạnh hơn: Ra lệnh cho Cơ Quan Đại Diện Thương Mại (USTR, đóng
vai trò một Bộ Ngoại Thương) công bố danh sách những món hàng còn lại nhập cảng
từ bên Tàu, trị giá $300 tỉ, sẽ bị đánh giá 25% nốt.
Trung Cộng đấu dịu, Mỹ cứ tiếp tục găng.
Vì trong trận chiến quan thuế này Mỹ ở thế mạnh, Trung Cộng thế yếu.
Trong bất cứ cuộc chiến tranh thương mại
nào, người mua mạnh hơn kẻ bán, nhất là khi họ có thể mua những thứ hàng đó ở
nhiều nơi khác. Mỹ mua của Trung Quốc nhiều hơn bán cho nước Tàu. Cho nên mạnh
hơn.
Số hàng Mỹ bán cho Tàu không quan trọng
trong nền kinh tế Mỹ, chỉ bằng 0.7% Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP), nếu mất đi
cũng không ghê gớm lắm. Trong khi đó số hàng Tàu bán qua Mỹ chiếm gần 4% GDP,
cao nhất so với số xuất cảng qua các nước khác. Nếu giao thương đứt đoạn thì
bên Tàu sẽ thiệt hại nặng hơn. Người ta đã ước tính nếu chiến tranh thương mại
toàn diện xảy ra kinh tế Mỹ có thể bị tụt giảm, GDP mất từ 0.5% đến 0.7%; còn
Trung Quốc sẽ bị mất khoảng từ 1% đến 1.5%.
Trung Quốc phát triển trong ba chục năm
qua phần lớn nhờ làm hàng rẻ tiền để xuất cảng. Năm vừa qua Trung Quốc bán qua
Mỹ thặng dư gần $400 tỉ, trong khi số thặng dư với cả thế giới chỉ khoảng $300 tỉ.
Nghĩa là ngoài thị trường Mỹ ra cán cân thương mại của Trung Quốc bị khiếm hụt
$100 tỉ so với các nước còn lại. Trong ba tháng đầu năm nay số khiếm hụt đó lại
tăng thêm. Tức là, nếu không bán được cho Mỹ thì cũng khó đi tìm khách hàng mới.
Cuộc chiến thương mại lại diễn ra trong
lúc kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc độ phát triển. Trung Quốc từng phát triển
9%, 10% một năm, gần đây đã xuống 6.5% và năm nay có thể xuống 6%, nếu tụt xuống
dưới 6% thì hàng triệu người sẽ thất nghiệp. Trong khi đó thì kinh tế Mỹ đang
phát triển mạnh. Có thể nói: Nếu Mỹ không “gây chiến” ngay bây giờ thì trong
tương lai sẽ khó tìm ra một cơ hội tốt như vậy.
Giới lãnh đạo nước Tàu cũng biết như thế.
Cho nên họ luôn tỏ ra hòa hoãn. Ông Trump đã lớn tiếng tố cáo Bắc Kinh đã đồng
ý rồi lại rút lời. Ông nói phải ký thỏa hiệp ngay, nếu không sẽ tăng thuế từ
10% lên 25%, chỉ báo trước có năm ngày! Nhưng Tập Cận Bình vẫn gửi Phó Thủ Tướng
Lưu Hạc qua Mỹ nói chuyện tiếp. Đi không lại trở về không, ông Lưu Hạc vẫn
tuyên bố sẽ còn tiếp tục thương nghị.
Trả lời đài truyền hình Phoenix
Television ở Hồng Kông, ông Lưu Hạc nói Trung Cộng không “rút lại” những gì đã
đồng ý với phía Mỹ. Ông giải thích: “Chỉ là bất đồng ý kiến về ngôn từ viết
ra sao mà thôi.”
Nghĩa là, Bắc Kinh sẵn sàng làm theo các
yêu cầu của Mỹ, nhưng cách viết ra những nhượng bộ đó trên giấy thì họ muốn sửa
đổi!
Những yêu cầu nào của Mỹ đã gây ra vụ bất
đồng rắc rối đó?
Mỹ đã yêu cầu Trung Cộng phải cắt bỏ trợ
cấp cho các doanh nghiệp nhà nước, để bắt họ phải cạnh tranh ngang sức với các
xí nghiệp Mỹ. Đây cũng chính là chương trình dài hạn của ông Tập Cận Bình, nhằm
cải thiện chính các xí nghiệp quốc doanh. Nhưng đó là chính sách của chính Tập
Cận Bình, ông ta đã nói ra từ mấy năm nay rồi. Không thể cho dân chúng Trung
Hoa nghĩ rằng Tập Cận Bình bị Mỹ ép cho nên phải theo chính sách đó. Có nhiều
cách để thỏa thuận này được viết ra sao cho hai bên không bên nào bị mất mặt.
Nhưng vấn đề các doanh nghiệp Mỹ vào nước
Tàu làm ăn rắc rối hơn. Mỹ muốn Trung Cộng tôn trọng quyền sở hữu tri thức, bản
quyền các sáng chế kỹ thuật của các xí nghiệp Mỹ. Trung Cộng đồng ý nguyên tắc
này. Nhưng Mỹ còn muốn Trung Cộng phải cho các xí nghiệp Mỹ làm ăn ở bên Tàu phải
có quyền thưa kiện nếu bị lấy cắp hoặc bị ép buộc phải chuyển giao các sáng chế
của mình cho các công ty Trung Cộng cùng làm ăn.
Đến đây thì rắc rối. Có thể tưởng tượng
biết bao nhiêu chi tiết cần ghi trong thỏa hiệp: Thưa kiện ở đâu? Có thể tin
tòa án bên Tàu xét xử công bằng hay không? Thưa kiện tại một tòa án quốc tế hay
tòa án Mỹ được không? Phán quyết sẽ được thi hành như thế nào?
Hai bên có thể đã thỏa hiệp về vấn đề
này, viết cách nào để cho Mỹ an tâm nhưng không làm mất mặt ai cả. Nhưng khi Bộ
Chính Trị Cộng Sản Trung Quốc xem bản dự thảo thỏa hiệp họ thấy không ổn. Họ muốn
phải viết một cách mơ hồ hơn, để đỡ mất mặt! Bởi vì có những điều đã thỏa hiệp
trong bản văn viết nháp nếu đem thi hành thì Trung Cộng phải thay đổi cả luật lệ
thương mại của nước họ.
Ông Tập Cận Bình không dám chấp nhận. Ông
đã lỡ kích động tự ái dân tộc của người dân từ năm, sáu năm nay! Người Trung Quốc
còn nhớ mãi những thỏa hiệp thương mại phải ký với các nước Tây phương trong thế
kỷ 19. Dưới sức đe dọa của họng súng, nhà Thanh đã phải thay đổi nhiều thứ luật
lệ, chỉ dùng cho người Tàu nhưng không được áp dụng với người da trắng.
Vì vậy, Tập Cận Bình muốn sửa đổi lời lẽ
trong bản thỏa hiệp nháp. Đối với người Trung Hoa, những sửa đổi đó không quan
trọng. Nếu tôi đã hứa với anh sẽ làm gì, anh phải tin tôi sẽ làm đúng lời hứa.
Thay đổi một vài câu để “rửa mặt” cho nhau, việc đó không thay đổi lời đã hứa,
vì danh dự của tôi đặt trên chữ Tín!
Người Mỹ không suy nghĩ theo lối đó. Cái
gì cũng phải giấy trắng mực đen. Thế là cuộc đàm phán bế tắc.
Cuộc đàm phán bế tắc vì hai hệ thống pháp
lý nước Tàu và nước Mỹ khác nhau, không thể liên kết được. Người Tàu nghĩ rằng
luật pháp thành văn không quan trọng bằng cách người ta thi hành luật, có thể
luồn lách, gia giảm, tùy theo chính sách của cấp trên. Nếu Tập Cận Bình bảo phải
tôn trọng quyền lợi các công ty Mỹ thì các quan tòa sẽ xử theo lối đó; đâu việc
gì phải lo? Nhưng người Mỹ không có thói quen suy nghĩ như vậy.
Tháng Sáu này Trump và Tập sẽ gặp nhau ở
Osaka, Nhật Bản, bên lề hội nghị G20. Ông Tập sẽ hỏi ông Trump: Tại sao ông bạn
đã đặt hết tin tưởng vào Kim Jong Un mà lại không tin tôi? So sánh những lời lẽ
của ông Trump nói về Bắc Hàn trước đây thì những điều ông đang nói về Trung Cộng
còn nhẹ nhàng hơn nhiều.
Ông Trump có thể sẽ hòa hoãn. Ngày Thứ
Ba, 14 Tháng Năm, ông mới nói rất lạc quan: “Họ muốn ký một thỏa hiệp. Thế
nào cũng có, tuyệt đối!”
Vì tuy trên mặt trận kinh tế nước Tàu rất
yếu so với Mỹ, nhưng vị thế của ông Trump ở Mỹ lại yếu hơn ngôi vua của ông Tập
trong nước Tàu. Nhà nông Mỹ không bán được đậu nành thì kêu trời, còn dân Trung
Hoa thất nghiệp cũng đành chịu. Donald Trump sang năm sẽ phải tái tranh cử, còn
Tập Cận Bình có thể làm chủ tịch nước Trung Hoa Cộng Sản suốt đời!
NGÔ NHÂN DỤNG
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.