Trịnh Xuân Thanh hôm 22/01/2018 tại Hà Nội, sau khi bị kết án chung thân. Ảnh FAZ |
(Blaise Gauquelin, LeMonde 08/08/2018)
Theo các nhà điều tra Đức, cựu quan chức cộng sản Trịnh Xuân Thanh đã cùng với
những người bắt cóc ông ta rời khỏi châu Âu trên một chiếc máy bay của chính
phủ Slovakia.
Câu chuyện xứng tầm một tiểu thuyết gián điệp. Đối với các
nhà điều tra Đức, được nhật báo FrankfurterAllgemeine Zeitung ngày 31/7 trích dẫn, đó là nhờ sự trợ giúp – tự nguyện
hoặc không – của chính quyền Slovakia, mà cơ quan tình báo Việt Nam đã thành
công trong việc đưa đi một trong những công dân nước mình đã bị bắt ở Berlin
vài ngày trước đó.
Trịnh Xuân Thanh, một cựu cán bộ đảng Cộng sản ở Hà Nội đã
bị thất sủng, bị bắt cóc tại thủ đô nước Đức nơi ông ta ngỡ rằng sẽ được tị
nạn, hôm 23/07/2017. Ông Thanh tái xuất hiện tại quê nhà hai tuần sau đó, và đã
bị kết án chung thân vì tội tham nhũng.
Nhưng bên kia bờ sông Rhin, cảnh sát chẳng bao giờ tin vào
tuyên bố của chính quyền Việt Nam, theo đó vị quan chức bỏ trốn đã tự nguyện
quay về châu Á để ra tòa. Trong một báo cáo hồi tháng Sáu, cảnh sát Đức viết
rằng Trịnh Xuân Thanh đã bị buộc phải rời không gian Schengen, trên một chiếc
máy bay của chính phủ Slovakia.
Thông tin này do tờ Frankfurter
Allgemeine Zeitung tiết lộ đã gây sững sờ tại quốc gia là thành viên Liên
hiệp Châu Âu từ năm 2004. Bởi vì sự kiện trên xảy ra chỉ năm tháng sau cái chết
của Jan Kuciak, một nhà báo đang điều tra về mối quan hệ giữa mafia và chính
phủ liên minh phe dân túy cánh tả (đảng SMER-SD) và phe cực hữu (đảng SNS).
Vụ này liên quan đến cựu bộ trưởng Nội vụ Robert Kalinak,
nhân vật gây tranh cãi của cánh tả Slovakia, bị nghi ngờ tham nhũng và đã phải
rời chức vụ trước áp lực của đường phố, sau vụ ám sát nhà báo. Ba ngày sau vụ
bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, văn phòng bộ đã đáp ứng yêu cầu của đồng nhiệm Việt
Nam là ông Tô Lâm.
Cưu bộ trưởng Nội vụ Slovakia, Robert Kalinak hôm 12/03/2018. Ảnh Tomas Benedikovic/AFP |
Theo ông Kalinak, ông Trịnh Xuân Thanh đang bị kẹt tại Cộng
hòa Sec với những người đi cùng, do bị hủy chuyến bay. Ông ta tìm cách trở về
Việt Nam càng sớm càng tốt. Slovakia bèn cho mượn một trong những phi cơ của bộ
Nội vụ. Chiếc máy bay được điều sang Praha để chở đoàn Việt Nam, đưa họ đến
Bratislava, rồi từ thành phố này bay đến Matxcơva, sau một cuộc gặp ngắn ngủi
giữa hai bộ trưởng Kalinak và Tô Lâm trong một khách sạn.
Tuy nhiên báo chí Slovakia đã tìm được lời chứng của một
cảnh sát nước này được giao nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho phái đoàn. Viên cảnh
sát khẳng định trong khi chờ đợi tại bãi đậu xe, anh nhận được lệnh từ trưởng
ban nghi thức của ông Kalinak, là để cho một người đàn ông khoảng năm chục
tuổi, đi đứng loạng choạng, được hai người dìu hai bên, cùng với phái đoàn Việt
Nam lên xe rồi lên máy bay sang Nga.
Và cảnh sát tư pháp Đức hầu như chắc chắn người đó là Trịnh
Xuân Thanh – đang dưới ảnh hưởng của thuốc mê – và hai nhân viên tình báo Việt
Nam : sự hiện diện của chiếc xe tải nhẹ trước Bôrik Hotel, đồng thời với
cuộc gặp giữa ông Kalinak và Tô Lâm, đã được dữ liệu định vị GPS xác nhận. Chiếc
xe mang bảng số Cộng hòa Sec trước đó đã được nhận ra ở Đức, tại địa điểm xảy
ra vụ bắt cóc.
Tổng thống Slovakia đòi mở điều tra
Ngoài ra ông Lê Hồng Quang, một doanh nhân Slovakia gốc
Việt, cố vấn của thủ tướng thời đó là Robert Fico, cũng có mặt trên chuyến bay
từ Praha sang Bratislava, cùng với bộ trưởng Tô Lâm. Sau đó ông Lê Hồng Quang
được bổ nhiệm là đại biện Slovakia tại Hà Nội, một chức vụ ngoại giao mà nay
ông không còn giữ.
Berlin đã thông báo cho các nước thuộc không gian Schengen
mà Slovakia cũng là thành viên, về vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh. Ông Robert
Kalinak lẽ ra phải thận trọng hơn trước yêu cầu đáng ngạc nhiên, từ trên trời
rơi xuống của phái đoàn Việt Nam. Hơn nữa việc ông Tô Lâm đến Praha cũng được
tổ chức vào phút chót. Ông đi trên một chuyến bay thương mại cùng với ba người
Việt khác, trong đó có một người ngồi hạng bình dân vì tất cả ghế ngồi hạng
thương gia đều đã kín. Bốn vé máy bay được mua vào hôm trước đó, từ Cộng hòa
Sec – theo nhật báo Dennik N. của
Slovakia.
Tổng thống Slovakia, ông Andrej Kiska (theo xu hướng độc
lập), người luôn đấu tranh cho sự thật, đã yêu cầu mở điều tra, và đòi đương
kim bộ trưởng Nội vụ Denisa Sakova phải từ chức. Bộ trưởng Sakova bị nghi ngờ cản trở
điều tra để bảo vệ người tiền nhiệm. Tổng thống Kiska cũng lo ngại cho thanh danh của
Slovakia tại châu Âu.
*Tựa gốc : « Slovakia liên can đến vụ bắt cóc một người
Việt tại Đức »
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.