Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad và đồng nhiệm Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh. Ảnh How Hwee Yong/AP. |
(Cyrille Pluyette, Le
Figaro 22/08/2018) Công du Bắc Kinh, thủ tướng Mahathir Mohamad đã hủy bỏ ba dự
án với Trung Quốc, một đòn đau cho Tập Cận Bình.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường chắc chắn không chờ đợi
một tuyên bố vỗ mặt như thế trong cuộc họp báo trên « sân nhà »,
một sự kiện vốn được chuẩn bị kỹ lưỡng. Nhưng ở tuổi 93, thủ tướng Malaysia,
ông Mahathir Mohamad, đến thăm Bắc Kinh lần đầu tiên kể từ khi bất ngờ đắc cử
hồi tháng Năm, chẳng ngán ai cả !
Rõ ràng là nói về chế độ cộng sản Trung Quốc, nhà lãnh đạo lớn tuổi
nhất thế giới hôm thứ Hai 20/8 đã từ chối « một
phiên bản mới của chủ nghĩa thực dân », theo đó các nước nghèo chịu
thiệt thòi về thương mại so với các nước giàu có.
Rất kiên quyết, hôm sau ông khẳng định việc hủy bỏ ba dự án
đã thỏa thuận với Trung Quốc, có tổng giá trị 22 tỉ đô la. Nổi bật nhất là dự
án xây dựng một tuyến đường sắt từ biên giới Thái Lan và Kuala Lumpur. Hai dự
án khác liên quan đến các đường ống dẫn dầu trên đảo Bornéo.
Thủ tướng Malaysia biện minh : « Các dự án này khiến chúng tôi phải vay tiền quá nhiều. Chúng
tôi không thể tự cho phép làm như thế, vì không thể trả nổi nợ ». Ông
muốn giảm dần số nợ khổng lồ 250 tỉ đô la, tuy vậy vẫn không gác lại khả năng tái
thúc đẩy các dự án này trong một bối cảnh thích hợp hơn.
Là người chiến thắng một liên minh đã ngự trị liên tục kể từ
khi Malaysia giành được độc lập từ thực dân Anh, « Bác sĩ M » không hề thay đổi mục tiêu. Ông không ngừng
tố cáo các hợp đồng khổng lồ ký kết với Trung Quốc, bởi người tiền nhiệm Najib
Razak, đã bị khởi tố vì tội tham nhũng. Ông Mahathir nhận định những hợp đồng
này bất lợi cho đất nước, đặc biệt là tỉ lệ lãi vay, chỉ làm lợi cho các công
ty và công nhân Trung Quốc.
Cha đẻ của « phép
lạ kinh tế » Malaysia từng lãnh đạo đất nước một cách độc đoán từ năm
1981 đến 2003, tuy vậy vẫn hy vọng thương lượng lại một số hợp đồng trong
chuyến công du. Nhưng người khổng lồ châu Á rõ ràng không sẵn sàng thảo luận.
Việc hủy bỏ này là một cú đá giò lái cho Trung Quốc, vốn
muốn biến Malaysia thành một trong những điểm chính của « Con đường tơ lụa mới ». Sáng kiến chủ đạo trong chính
sách đối ngoại của chủ tịch Tập Cận Bình chủ yếu nhằm triển khai các cơ sở hạ
tầng đại quy mô tại khoảng sáu chục nước.
Lại càng dễ dàng hơn cho tân lãnh đạo
Kuala Lumpur khi chỉ trích « sự ngu
xuẩn » của các hợp đồng được người tiền nhiệm - bị cáo buộc biển thủ
hàng tỉ đô la từ quỹ đầu tư 1MDB - và bộ sậu ký nháy trước đó. Tân chính phủ
còn cho rằng một trong những nghi can của vụ này, nhà tài phiệt Malaysia Low
Taek Jho, đang được Trung Quốc chứa chấp – theo báo chí Mỹ.
Nhưng ông Mahathir không nêu điểm này ra với Bắc Kinh. Không
có chuyện đi quá xa, vì chuyến công du còn nhằm củng cố quan hệ kinh tế với đối
tác thương mại hàng đầu của mình - ngoài những hợp đồng gây tranh cãi. Hôm thứ
Bảy ông còn gặp Mã Vân (Jack Ma), người sáng lập tập đoàn bán hàng trên mạng
Alibaba, mà các tham vọng tại Malaysia, theo ông, mang lại lợi ích cho người
dân địa phương.
Sự cứng rắn của ông Mahathir làm vui lòng công luận. Chỉ hơn
100 ngày từ khi quay lại nắm quyền, nhân vật đã hứa hẹn sẽ cải cách đất nước
rất được lòng dân. Người Malaysia hoan nghênh việc bắt giữ Najib Razak, và hủy
bỏ một sắc thuế tiêu thụ rất bị kêu ca.
Nhưng theo một số chuyên gia, tình hình thuận lợi này có thể
sẽ không còn nữa khi chính phủ chuẩn bị các biện pháp kinh tế. Giáo sư James
Chin của trường đại học Tasmania, Úc dự báo : « Còn phải mất nhiều năm nữa để chấn chỉnh lại những quản lý tồi
tệ thời chính quyền Najib, đặc biệt trong lãnh vực kinh tế mà tham nhũng đã
thành lệ ».
Còn hiện tại, ma thuật của nhà lãnh đạo mới mà cũ này vẫn
hiệu quả. Trừ phi với Trung Quốc, có lẽ thế…
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.