Sân ga nhộn nhịp. Mọi người háo hức chuẩn bị bước lên chuyến tàu bốn toa, tượng trưng cho cuộc cách mạng công nghiệp hiện đại hóa phiên bản 4.0. Vẻ mặt người nào cũng vui vẻ.
Xen lẫn âm thanh
ồn ào là tiếng rao hàng vang dội, bằng song ngữ, tiếng Hoa trước rồi tiếng Việt
sau. Bọn trẻ bán hàng rong thế mà “hội nhập” nhanh thật. Nhốn nháo một lúc, thế
rồi, mọi người ngoảnh đầu về phía chiếc loa to, đang vang vang kêu gọi hành
khách nhanh chóng lên tàu cho kịp giờ khởi hành. Loa cũng phát bằng song ngữ.
Hoa trước, Việt sau.
Đoàn tàu chuyển
bánh. Nó lướt êm nhẹ, với vận tốc đều đều 35 km/giờ, đủ chậm để hành khách
chiêm ngưỡng cảnh trí bên dưới lẫn bên hông tàu. Hà Nội nhìn từ độ cao này
trông thật lãng mạn và thi vị.
Thành phố đang
ngập. Có vài thiếu nữ xinh xinh đang nghịch nước. Bọn trẻ con thì hớn hở lặn
ngụp bắt cá. Ô, có con cá to thế nhỉ! Bên trong tàu, nhân viên đường sắt bắt
đầu đi soát vé. Các cô nhân viên trắng trẻo nói tiếng Hoa bằng chất giọng lảnh
lót như diễn viên Kinh Kịch.
Một cụ già, trông
hao hao cụ già lái xe đạp té sóng soài đổ mớ cam ra đường mà hôm nọ được các
anh công an tử tế có mặt kịp thời nâng lên, quay sang một cậu thanh niên trẻ
vừa tốt nghiệp đại học nhưng chưa tìm được việc làm, giờ tay đang cầm quyển “Tự học tiếng Hoa trong 24 giờ”.
Cụ hỏi: “Cô ấy nói gì thế cháu?”. Cậu thanh
niên nhanh nhẩu lễ phép trả lời: “Vâng,
cô ấy nói, chào mừng mọi người đến với chuyến tàu 4.0. Mọi người vui lòng cho
kiểm tra vé”. Ra thế. Chiếc vé của chuyến tàu 4.0 in bằng song ngữ. Mà cụ
già hom hem mắt mũi kèm nhèm không đọc được. Lại còn là vì tiếng Hoa họ in
to quá. Nhìn hoa cả mắt.
Đoàn tàu tiếp tục đi. 35 km/giờ. Không quá nhanh để no
nê ngắm cảnh. Tàu bắt đầu chạy ngang ngôi làng ung thư. Nghe nói ngôi làng tội
nghiệp này toàn người ung thư cả. Mà chẳng riêng gì làng này. Nếu con tàu 4.0
có băng xuyên Việt thì nó còn chạy ngang khối làng ung thư khác. Ung thư vì
thực phẩm. Ung thư vì bụi khói. Ung thư vì ô nhiễm. Đủ các kiểu ung thư.
Phía bên phải, một cậu bé 12 tuổi chỉ tay nói với mẹ,
mẹ có thấy cái sợi chỉ đen đen xa tít đằng kia không? Nó là con sông đấy mẹ ạ.
Chỗ đó có các nhà máy nhiệt điện xả xỉ than đen òm hàng bao năm nay đấy mẹ. Ấy
thế mà hôm trước cô giáo bảo bọn con làm bài văn mẫu tả giòng sông ấy. Phải tả
là trong sạch và thơ mộng nữa. Con cãi lại thì bị cô cho điểm không.
Minh họa cho lời giải thích của cậu là lớp lớp ống
khói cao ngất nghễu xả ra cơ man luồng khói đen kịt. Trên thân ống khói, dù
chạy lướt ngang, người ta vẫn còn thấy kịp các cột chi chít chữ Tàu. Chắc là tên công ty đầu tư.
Đoàn tàu vẫn lướt
đi. Ngắm cảnh mỏi mắt, hành khách quay trò chuyện. Đất nước hạnh phúc nhất nhì
thế giới có khác. Bất chấp ngoài kia là ngôi làng ung thư hay giòng sông ô
nhiễm đen kịt, ai ai cũng cười tươi như hoa cả. Có vẻ như mọi thứ đã có người
khác lo thay. Cậu thanh niên dí mắt vào quyển sách học tiếng Hoa, mồm lẩm nhẩm “Ni hao ma?”. Cụ già hom hem ngủ gật tự
nãy giờ. Đầu óc cụ còn xoay xoay như chong chóng với những hàng chữ Hoa và
những câu tiếng Hoa.
Bỗng có tiếng ồn
ào. Hóa ra có cuộc cãi nhau giữa một cô son môi đỏ choét với một bác trung niên
mà trông rõ thị là nông dân. Họ tranh nhau đi vệ sinh. Phòng vệ sinh ghi bằng
tiếng Hoa mà không có tiếng Việt. Chắc là ông đường sắt sơ suất. Hoặc cố ý thế,
chẳng biết chừng. Không biết bên nào là nam bên nào là nữ nên mới có cuộc hiểu
nhầm. Thật là. Cứ bé xé ra to. Hôm nọ nghe đâu có bọn tranh nhau hát karaoke
còn chém nhau chết thảm. Cuộc tranh cãi được nhân viên đường sắt dàn xếp nhanh
chóng.
Mọi người lại vui
vẻ tán chuyện. Chuyến tàu vẫn chạy đều đều. 35 km/giờ. Bỗng nó giật thắng thật
mạnh. Mọi người chúi nhũi. Suýt chút nữa thì cụ già ngã nhào ra phía trước nếu
không có cậu thanh niên nhanh tay đỡ kịp. Nhanh y như các anh công an
hôm nọ ấy. Trong cơn nửa mê nửa tỉnh, cụ hét toáng lên: 4.0 cái tiên sư chúng
mày. Tàu thế này mà cũng là tàu 4.0 à! Tao sống đến ngần này rồi giờ mới thấy
chúng mày là lũ như thế nào. 4.0 cái tiên sư chúng mày!
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.