dimanche 19 août 2018

Mai Quốc Ấn - Bất lực



Tối hôm qua tôi đã tự đấm vào tường, rất đau! Cú đấm vào tường ấy ngay khi tôi đọc thông tin xỉ nhiệt điện được đem đi làm nền nhà, nền đường ở Hà Tĩnh. Tôi bất lực trước những cảnh báo của mình rơi vào một khoảng không đáng sợ của sự vô cảm đám đông, của những cán bộ không bao giờ biết nghe dân.

Cảm giác bất lực ấy y chang chiều tối 10/6/2018- ngày nổ ra vụ bạo loạn Bình Thuận. Cơ thể như thoát lực đến mức mệt mỏi, chán chường không muốn ngồi dậy. Bất lực đến mức chỉ muốn tự giải thoát khỏi cuộc đời này... Đúng 45 ngày trước khi xảy ra bạo loạn lần 2 ở Bình Thuận, tôi đã cảnh báo không chỉ trên Facebook mình mà cả một số cơ quan chức năng nguyên văn lời người dân rằng "máu sẽ lại đổ".

Nó cũng là cảm giác bất lực khi tôi đọc thông tin về vụ nổ súng của Đặng Văn Hiến ngày 23/10/2016. Trước đó 9 tháng tôi đã trình bày loạt bài về sự khốc liệt về đất đai ở Tây Nguyên có thể dẫn đến các hậu quả khó lường. Không tờ báo nào tôi đề nghị đồng ý làm vì "Chưa có chuyện gì xảy ra mà?". Lủi thủi ra bờ kè Sài Gòn nốc 4 hơi hết 2 xị rượu để về cưỡng bức mình ngủ say để quên cái cảm giác bẽ bàng ấy...

Tôi đã viết rất nhiều bài để cảnh báo về việc chôn lấp tro xỉ sẽ gây ra các hậu quả khó lường. Ví dụ đem tro xỉ làm đường xuyên miền Tây thì con đường chừng 200km cứ tính bán kính mỗi bên 1km sẽ có 200km2 "đất chết". Nếu đem tro xỉ làm nền chung cư, thật không thể tưởng tượng những đứa trẻ sẽ ra sao nếu đùa nghịch ở sân chung cư ấy.

Và điều đó vẫn diễn ra! Vẫn như một thành trì độc ác mà môi trường và sinh mạng người dân được "quy định" như một thứ "chuột bạch". Kết cục của "chuột bạch" thí nghiệm chỉ có một: Chết trong đau đớn!

Tôi từng thưa với vài người anh lớn trong một buổi thân tình: Các anh có dư điều kiện để uống nước đóng chai cao cấp, ăn bò heo nhập từ Mỹ, Nhật nhưng nhiễm không khí thì các anh, gia đình các anh có hít thở không? Không ai có thể ở trong phòng máy lạnh 24/24 cả. Và bệnh tật từ ô nhiễm không phân biệt ông ủy viên trung ương, tướng lĩnh như các anh hay phó thường dân như em.

Tôi cũng nói về nỗi sợ phải nhìn thấy người Việt tấn công nhau. Người dân bức xúc vì ô nhiễm hay anh chiến sĩ cảnh sát cơ động có nhiệm vụ cũng đều là người Việt kia mà. Đất nước này không thiếu những ví dụ về máu đổ. Máu nào không quý? Sinh mạng nào không phải kết tinh của mẹ cha? Thân phận nào mà không đáng quý?

Khi người Việt tương tàn, chỉ có phương Bắc cười âm hiểm...

Ở một khía cạnh khác, tôi biết những cán bộ có tâm với đất nước cũng trở trăn như vậy. Nhưng họ cũng như tôi, chỉ biết cố hết sức mình. Cơ chế như cái vòng kim cô siết chặt những lời trung ngôn còn những kẻ "ăn tài nguyên" tấn công người lên tiếng không từ thủ đoạn nào. Nhiều người dân lặng im vì chén cơm, manh áo...

Thôi thì phận mình bé mọn, chỉ có những trang viết để lại cảnh báo, lại đớn đau, lại bất lực...

Đi. Đến một quốc gia khác, với tôi, không thiếu cơ hội. Nhưng đi, bỏ nước sao đành?

Tay vẫn còn đau nhưng sẽ lành. Nhưng nỗi đau trong lòng thì khi nào nguôi?

FB MAI QUỐC ẤN 19.08.2018

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.