vendredi 31 août 2018

Nguyễn Thông - Chuyện 'xem' đá bóng bằng... tai



Loa công cộng một thời giúp nhiều người nghe tường thuật bóng đá - Ảnh: Internet

(MTG 31/08/2018) Cả nước đang chú mục theo dõi từng bước của đội tuyển Olympic Việt Nam, còn gọi là đội U.23, đang thi đấu tại Indonesia.

ASIAD là giải thể thao tổng hợp nhiều môn, nhưng dường như người xứ ta phần đông chỉ quan tâm tới bóng đá. Thậm chí, có những môn thể thao khác, quân ta đã đoạt huy chương vàng (pencak silat chẳng hạn) nhưng bà con chả đoái hoài, cứ gào lên những cái tên Park Hang Seo, Bùi Tiến Dũng, Quang Hải, Văn Toàn…, và cả Quang Huy VTC nữa, hình như thế mới đã.

Thú thực tôi không mê bóng đá lắm. Bà xã tôi bảo thế càng tốt, để thời gian mà rửa bát, nghỉ ngơi, bóng đá bóng điếc gì. Dù tình yêu bóng đá của mình cũng nguội nguội chả bằng ai, nhưng nói chung là không nên cãi, nếu thích thì cứ xem, mở vô lum nho nhỏ là được rồi. Mình cũng giống như mấy cô thí sinh thi hoa hậu, khi vào phần thi oral “vấn đáp”, được hỏi thích gì, ghét gì thì cô nào cũng dõng dạc “em thích hòa bình, em ghét chiến tranh”.

Đầu óc vẩn vơ thế nên ngay cả khi coi trận Việt Nam đá với Hàn Quốc, trong đầu lại vẩn vơ nhớ đã từng coi bóng đá từ gần nửa thế kỷ trước.

Năm 1973, từ khu Mễ Trì tuốt tận gần Hà Đông, tôi diện tàu điện 5 xu vào Bờ Hồ, rồi chịu khó lội bộ tới nhà ông anh họ ở phố Triệu Việt Vương (Hà Nội). Chả là tuần trước anh ấy dặn Chủ nhật chú chịu khó vào, anh lấy xe đạp chở đi coi bóng đá sân Hàng Đẫy. Hôm đó đội Tổng cục Bưu điện đá với đội gì đó lâu quá tôi quên rồi.

Mùa đông rét lắm, mặc lớp trong lớp ngoài vẫn run cầm cập. Hai anh em gửi xe đạp ở nhà dân đường Cát Linh, mò tới cổng sân đã thấy đông nghẹt. Ông anh tôi nhờ quen nhà thơ Tạ Vũ đồng nghiệp thợ quét vôi, được bác ấy mua dùm cặp vé chứ nếu phải chen vào đám quân Nguyên kia chắc tôi nản mà về. Có không ít tay máu bóng đá quá, không đủ tiền mua vé, lột phăng áo len, áo đại cán, mũ cối… ra đổi cho bọn phe vé, cứ vào sân cái đã, rét cũng kệ.

Từ hôm ấy, tôi ngộ ra một điều, không chỉ có đạo Phật, đạo Thiên Chúa, lý tưởng cách mạng mới khiến người ta “tử vì đạo”, mà có thứ còn hơn, đó là bóng đá. Bữa đó, tôi cũng chẳng biết mấy tay lột áo len cầm cái vé run như dẽ vào ngồi hàng ghế xi moong trên khán đài sau gôn sân Hàng Đẫy kia có đủ sức chống chọi cái rét mà coi tới hết 90 phút không, hay lại lăn đùng ra ở góc nào.

Nói tới sân Hàng Đẫy, sân bóng bậc nhất của thủ đô thời ấy, lại nhớ mấy ông anh cùng lớp thời sinh viên thỉnh thoảng chọc nhau “tối nay, trên sân vận động Hàng Chiếu, đội simili màu lông chuột đấu với đội sa tanh mờ”, nói xong liếc về phía đám con gái tủm tỉm đưa đẩy ra chiều rất sướng bởi dùng hình ảnh tán tỉnh có duyên.

Cuối năm 1976, đất nước đã thống nhất, thỉnh thoảng các đội bóng ở miền Nam ra đá ở miền Bắc, còn nhớ có các đội Hải Quan, Cảng Sài Gòn, Công nghiệp thực phẩm…; ngoài Bắc có Thể Công, Công an Hà Nội, Công an Hải Phòng, Bưu điện, Xi măng Hải Phòng, Cảng Hải Phòng, Dệt Nam Định, Than Hồng Gai… Có mùa, chỉ riêng Hải Phòng tới 5 đội tranh giải hạng A, phải nói dân cảng rất máu môn thể thao này, cứ vào sân là đồng thanh gào lên “Hải Phòng đó hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu, trăm trận thắng quê ta kiên cường…”.

Đội bóng thì nhiều nhưng sức chứa của sân có hạn, to nhất chỉ là sân Hàng Đẫy khoảng 5-6 nghìn người, còn lại nhỏ như Lạch Tray, Thiên Trường chỉ vài nghìn, nên coi bóng thì ít mà nghe bóng thì nhiều. Tức là nghe tường thuật bóng đá qua loa đài phát thanh tiếng nói Việt Nam. Cứ tới gần giờ đá, hàng trăm người tụ tập dưới gốc cột điện có treo chiếc loa to, nhiều ông đem theo cả ghế tựa ngồi chễm trệ như ở sân Hàng Đẫy.

Không khí trên sân bóng thế nào thì dưới gốc loa cũng vậy, chăm chú lắng nghe theo dõi, hào hứng, hồi hộp, chỉ có điều người ta coi, còn mình thì nghe. Người tường thuật cũng khéo, dẻo mồm, biết cuốn người nghe vào trận đấu, kiểu “Giáp phát bóng lên, bóng đã tới chân Thế Anh, anh khéo léo đảo người lách qua đối phương, chuyền cho Quản Trọng Hùng, Hùng bật chuyền lại, anh sút, vào…”. Cả “sân” gào lên: vào… như chợ vỡ.

Tôi nhớ dạo cuối năm 1976, mới chỉ có hơn một năm sau chiến tranh nhưng đã bắt đầu lộ ra những sứt mẻ trong quan hệ hữu nghị anh em Việt - Trung. Đã có những thăm dò và cảnh giác nhau. Trung Quốc đưa đội bóng Thiên Tân sang đấu giao hữu với các đội mạnh Việt Nam. Thiên Tân là thành phố lớn thứ 3 ở Trung Quốc, chỉ sau Bắc Kinh và Thượng Hải.

Cũng nên biết rằng đơn vị hành chính bên Tàu khác với ta. Một hương (xã) ở Trung Quốc lớn hơn một huyện xứ ta, còn một huyện thường to bằng vài tỉnh, một tỉnh (hoặc thành phố) có khi bằng cả nước hoặc nửa nước ta. Thiên Tân lớn như thế, nên đội bóng của nó cũng ngang cơ đội tuyển quốc gia xứ mình. Hồi năm 2015 ở cảng Thiên Tân xảy ra vụ nổ hóa chất long trời lở đất, rất nhiều nhà cao tầng xung quanh bị sụp đổ, hàng mấy nghìn chiếc ô tô trong bãi đậu gần đó bị cháy rụi thành than. Không biết nổ do thứ gì, chỉ biết chính quyền Trung Quốc đã che giấu tối đa, ém nhẹm vụ này.

Lại nói đội bóng Thiên Tân. Trận đầu đá với Thể Công. Khoảng đất dưới chân cột loa bến tàu điện Thanh Xuân trên đường Nguyễn Trãi nối Hà Nội với thị xã Hà Đông bữa ấy đông nghịt, không còn khoảng trống. Hôm ấy cô bạn tôi mời tôi ra dãy quán Thanh Xuân ăn phở gà (lần ăn phở hiếm hoi trong đời, tôi sẽ kể riêng sau trong bài về phở). Ngồi ăn mà cứ nhấp nhổm hóng ra cây cột loa. Ăn vội xong, tôi bảo nàng về trước, để mình nán lại “coi” bóng đá.

Nghe nhà đài tường thuật, giờ còn nhớ đội Thiên Tân có chân sút tiền đạo tên là Mã An Nguyên, thật lạ, cái tên nghe từ hồi đó còn nhớ tới bây giờ, đá khiếp lắm, cứ lăn xả vào cướp bóng quân ta. Những Trọng Giáp, Thế Anh, Quản Hùng (hình như hồi ấy Cao Cường chưa đá) xiêu điêu với nó. Hiệp 2, đang hòa 1 đều thì chả hiểu sao loa tắt lịm. Hàng mấy trăm người ồ lên bực tức. Chẳng biết có tay đầu gấu nào nhặt hòn đá lót đường ray tàu điện ném choang một cái trúng loa. “Sân bóng” tan, cũng không biết cuối cùng tỉ số ra sao.

Đội Thiên Tân vào năm 1977 còn qua Việt Nam lần nữa, đòi đá ở Sài Gòn. Hồi ấy tôi nghe xì xào Trung Quốc cứ đòi cho đội bóng của họ được ở khách sạn tại khu Chợ Lớn nhưng phía ta dứt khoát không cho, bắt ở quận 1, Sài Gòn. Có đồn rằng Tàu đã cài gián điệp trong đội bóng này, họ muốn ở Chợ Lớn để dễ bắt mối với người Hoa, xây dựng cơ sở nhưng chủ nhà đã “nêu cao tinh thần cảnh giác” chặn ngay.

Một chuyện khác. Dân am hiểu những ẩn khuất hậu trường từng kể rằng khi Trung Quốc muốn mở Tổng lãnh sự quán ở TP.HCM, họ cứ nằng nặc xin tòa nhà của Tổng hội người Hoa cũ trên đường Nguyễn Trãi, gần bến xe Chợ Lớn, để làm trụ sở. Tất nhiên là chẳng ai dại cho họ đặt đại bản doanh ngay giữa cộng đồng của họ, mà chỉ cho ở tòa biệt thự góc đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Nguyễn Thị Minh Khai bây giờ) - Phạm Ngọc Thạch, Q.1, chỗ đó dễ kiểm soát. Ở nơi này một thời gian, có lẽ khó mần ăn, họ chuyển về tòa nhà trên đường Hai Bà trưng, vốn là tòa đại sứ cũ của Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) trước năm 1975. Tha hồ rộng, và bên chủ nhà cũng yên tâm.

NGUYỄN THÔNG

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.