mardi 21 août 2018

Mùa Xuân Praha bị đàn áp, cách đây 50 năm


Biểu tình trước nhà ga Zurich, Thụy Sĩ cuối tháng 8/1968 phản đối quân Liên Xô tràn vào Tiệp Khắc và đàn áp tàn bạo Mùa Xuân Praha. Ảnh STR/Keystone/MAXPP.

(Audrey Parmentier, LaCroix 21/08/2018) Ngày 21/08/1968, những chiếc xe tăng của Liên Xô đã đè bẹp cuộc nổi dậy ở Praha, Tiệp Khắc cũ. Cuộc cách mạng này là điềm báo cho sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản gần 40 năm sau đó.

Chúng ta đang ở vào năm 2018, và những bức ảnh đen trắng được chuyền trên các mạng xã hội.

Năm mươi năm sau, cuộc đàn áp Mùa Xuân Praha hôm 21/08/1968 vẫn luôn hiện diện trong ký ức người Tiệp Khắc. Sự kiện này cũng làm rung chuyển đời sống chính trị của toàn bộ các quốc gia Trung Âu.

Bắt đầu là Tiệp Khắc. Kể từ năm 1968, Praha lao vào một loạt cải cách dưới sự thúc đẩy của Alexander Dubcek, tổng bí thư đảng Cộng sản Tiệp Khắc. Sự tự do hóa này không làm Leonid Brejnev, người đứng đầu Liên Xô hài lòng, và căng thẳng không ngừng tăng lên.

« Chủ nghĩa xã hội mang khuôn mặt nhân văn » do ông Alexander Dubcek chủ xướng đã bị đè bẹp vào ngày 21/08/2018, với khi Tiệp Khắc bị xâm lăng bởi quân đội Liên Xô và các nước trong Hiệp ước Vacxava.

Tháng Tư năm 1969, Alexander Dubcek bị mất chức, người thay thế là Gustav Husak, thuộc phe bảo thủ của đảng Cộng sản Tiệp Khắc. Đó là khởi đầu của tiến trình « bình thường hóa », và những quyền tự do đã đạt được một năm trước đó bị xóa sổ. 

Nhà nghiên cứu Roman Krakovsky, giáo sư môn lịch sử Trung Âu và Đông Âu tại trường đại học Genève nói : « Từ một chính phủ tự do, đã biến thành chính phủ bảo thủ và sự thay đổi này thật khó khăn ».

Sự thay đổi ý thức hệ quan trọng

Vào giữa thập niên 70, nhiều nhà ly khai đặt lại vấn đề tính hiệu quả của mô hình cộng sản. Năm 1977, một bản kiến nghị mang tên Hiến chương 77 được rất nhiều nhà trí thức Tiệp Khắc ký tên, trong đó có nhà văn Vaclav Havel. Vụ đàn áp cuộc nổi dậy Praha đã khiến người ta ý thức được rằng chủ nghĩa cộng sản là không thể cải cách nổi. 

Roman Krakovsky nói : « Mười năm sau, chúng tôi đều có ý định ra khỏi chủ nghĩa cộng sản. Đối với tôi, việc bức tường Berlin sụp đổ năm 1989 không phải là một bước ngoặt, mà bước chuyển thực sự là trong thập niên 70 ».

Sự thức tỉnh lan rộng sang các nước khác như Ba Lan, với sự thành lập công đoàn Đoàn kết (Solidarnos) năm 1980. Jacques Rupnik, nhà chính trị học chuyên về Trung Âu và Đông Âu nhận định : « Dù là ở Tiệp Khắc, Ba Lan hay Hungary, tất cả các phong trào ly khai đều có điểm chung là đề cao Nhà nước pháp quyền hay dân chủ. Đó là một sự thay đổi ý thức hệ quan trọng ».

Hai mươi năm sau, nhà lãnh đạo xô-viết Mikhail Gorbatchev tung ra một chương trình cải cách cho Liên Xô, lấy ý từ chính sách của Alexander Dubcek. Nhiều người thân cận của ông Gorbatchev từng sống ở Praha, và vẫn giữ lại những ấn tượng sâu sắc về không khí của thời kỳ đó.

Cũng theo Jacques Rupnik : « Nhưng những cải cách ấy đã bị trễ đến 20 năm. Vụ xâm lăng Praha đã giáng một đòn chí tử vào tất cả những ý định cải cách ở Liên Xô. Khi nêu ra vụ đàn áp Mùa Xuân Praha, Gorbatchev đã tuyên bố : Chúng ta không chỉ bóp chết hy vọng của người Tiệp Khắc, mà cũng đã tự bóp cổ chính mình ».

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.