Một em bé trước tác phẩm của nghệ sĩ David Cerny nhằm kỷ niệm 50 năm "Mùa Xuân Praha", khi xe tăng Liên Xô tràn vào thủ đô Tiệp Khắc. Ảnh chụp ngày 21/08/2018. |
Tháng Tư năm 1968, ông Alexandre Dubcek,
tổng bí thư đảng Cộng sản Tiệp Khắc loan báo về « chủ nghĩa xã hội mang khuôn mặt người », cho phép tự do báo chí và đa đảng. Toàn thể dân tộc Tiệp Khắc tràn trề hy vọng về làn gió tự do. Tuy
vậy ngay từ tháng Tư, Brejnev đã ra lệnh chuẩn bị cho cuộc xâm lăng
Tiệp Khắc. Tổng bí thư Liên Xô tuyên bố đầy đe dọa : « Mỗi đảng Cộng sản có
thể tự do áp dụng các nguyên tắc mác-xít lênin-nít và chủ nghĩa xã hội
tại nước mình, nhưng không thể tự do đi chệch khỏi các nguyên tắc này
nếu còn muốn là cộng sản ». Đảng
đứng trên Tổ quốc, đó là nguyên tắc của nhà nước toàn trị độc đảng do
Lênin áp đặt kể từ ngày 07/11/1917.
Nhà sử học tên tuổi Stéphane Courtois chuyên nghiên cứu về chủ nghĩa cộng sản, tác giả cuốn « Lênin, người sáng tạo chủ nghĩa toàn trị » (NXB Perrin, 2017), trên báo Le Figaro đã thuật lại vụ đàn áp Mùa Xuân Praha cách đây vừa đúng 50 năm, ngày 21/08/1968.
Vào
lúc quá nửa đêm 20/08/1968, một đạo quân hùng hậu gồm 450.000 binh lính
từ Liên Xô, Hungary và Đông Đức, 6.300 chiến xa, 800 phi cơ và vô số
khẩu đại bác, tràn vào Tiệp Khắc, quốc gia nhỏ bé có 15 triệu dân.
Sáng sớm 21/08, người dân Praha chết lặng khi thấy thủ đô tràn ngập những người lính Nga đến để « giải phóng » dân Tiệp khỏi « chủ nghĩa phát-xít ».
Đến lượt những chiến binh này ngạc nhiên khi bị bao vây bởi một đám
đông khổng lồ dân Tiệp Khắc, trẻ có già có, phẫn nộ và tuyệt vọng. Người
dân Tiệp cố giải thích cho họ - bằng tiếng Nga, ngôn ngữ đã trở thành
bắt buộc trong chế độ cộng sản - là không có « tên phát-xít » nào ở đây, và họ nên quay về Matxcơva.
Vài
vụ đụng độ và những phát súng lẻ tẻ đã làm cho gần một trăm người thiệt
mạng, trong đó có vài người bị xe tăng cán chết. Ông Alexandre Dubcek,
tổng bí thư đảng Cộng sản Tiệp Khắc đã kêu gọi không chống cự.
Mỗi
người dân Tiệp Khắc đều nhớ đến cuộc cách mạng ở Hungary năm 1956, đã
bị Hồng quân Nga dập tắt trong biển máu : 35.000 người chết, hàng ngàn
người bị bắt giam và 200.000 người phải bỏ đi biệt xứ, ở đất nước chỉ có
8 triệu dân.
Hơn
nữa, tất cả những người dân Tiệp trên 40 tuổi không quên cái ngày
15/03/1939, khi xé bỏ các hiệp ước Munchen ký kết vào tháng 9/1938,
Hitler đã đưa quân Đức quốc xã sang Tiệp Khắc. Còn lần này có cả sự tham
gia của quân Đông Đức…
Cuộc chiến tranh lạnh đang ở giai đoạn cao
trào, với cuộc xung đột Israel-Palestine và chiến tranh Việt Nam.
Leonid Brejnev, tổng bí thư đảng Cộng sản Liên Xô cho rằng cần khẩn cấp
siết chặt hàng ngũ hệ thống cộng sản quốc tế. Ông ta đã nhận ra mối nguy
từ Praha.
Nếu tại Hungary năm 1956 đã diễn ra một cuộc cách mạng
chống cộng, thì phong trào phản kháng ở Tiệp Khắc lại nảy sinh ngay
trong nội bộ đảng Cộng sản Tiệp. Từ giữa năm 1967, ê-kíp nắm quyền theo
chủ nghĩa Stalin đã bị các nhà lãnh đạo trẻ - ý thức được ngõ cụt của
chế độ - làm cho chao đảo.
Phong trào phản kháng diễn ra trên
nhiều mặt. Về kinh tế, với các dự án cải cách của Ota Sik, chủ trương
tái lập nền kinh tế thị trường. Về văn hóa, với các nhà văn nổi tiếng
Milan Kundera, Pavel Kohout, và kịch tác gia trẻ Vaclav Havel. Nhưng
nhất là về chính trị.
Ngày 05/01/1968, với sự đồng ý của Brejnev,
ông Dubcek lên thay khuôn mặt cứng rắn Novotny, làm tổng bí thư đảng
Cộng sản Tiệp Khắc. Đến tháng Tư, ông loan báo về « chủ nghĩa xã hội mang khuôn mặt người », cho phép tự do báo chí và đa đảng. Toàn thể dân tộc Tiệp Khắc tràn trề hy vọng về làn gió tự do.
Tuy
vậy ngay từ tháng Tư, ông Brejnev đã ra lệnh chuẩn bị cho cuộc xâm lăng
Tiệp Khắc. Và trong một cuộc họp với ông Dubcek ở Bratislava hôm 03/08,
tổng bí thư Liên Xô tuyên bố đầy vẻ đe dọa : « Mỗi đảng Cộng sản có
thể tự do áp dụng các nguyên tắc mác-xít lênin-nít và chủ nghĩa xã hội
tại nước mình, nhưng không thể tự do đi chệch khỏi các nguyên tắc này
nếu còn muốn là cộng sản ».
Người dân thủ đô Praha vây quanh các xe tăng Liên Xô, ngày 21/08/1968. |
Đảng đứng trên đất nước
Đảng
đứng trên Tổ quốc, đó là nguyên tắc của nhà nước toàn trị độc đảng do
Lênin áp đặt kể từ ngày 07/11/1917. Nhà lãnh đạo xô-viết cũng loan báo
thuyết « chủ quyền giới hạn » đối với các Nhà nước vệ tinh trực thuộc Liên Xô, được gọi là « học thuyết Brejnev ». Học thuyết này sau đó đã giúp hợp pháp hóa việc đè bẹp Mùa Xuân Praha, bảo đảm sự vững chắc của « cộng đồng xã hội chủ nghĩa ».
Tuy vậy nó cũng không ngăn cản được sự sụp đổ của bức tường Berlin 20 năm sau đó. Và đến tháng 11/1989, « Cuộc cách mạng nhung »
Tiệp Khắc đã dẫn đến việc tổng thống đầu tiên được bầu lên một cách dân
chủ là ông Vaclav Havel – cựu phát ngôn viên của Hiến chương 77, tổ
chức tập hợp các nhà ly khai Tiệp.
Việc Mùa Xuân Praha bị chà đạp
không gây ra các phản ứng đáng kể ở phương Tây. Đảng Cộng sản Pháp chỉ
phản ứng nhẹ nhàng, và sau đó im lặng dưới áp lực của các khuôn mặt
stali-nít trong đảng, đứng đầu là Jeannette Thorez. Ngoại trưởng Mỹ Dean
Rusk tuyên bố : « Các sự kiện ở Đông Âu không đặt lại vấn đề chiến tranh và hòa bình giữa chúng tôi và Liên bang Xô viết (…) ».
Nhưng
đối với tất cả các nhà ly khai chế độ cộng sản, cuộc xâm lăng hôm 21
tháng Tám năm 1968 vang vọng như một hồi chuông báo tử. Tại Praha diễn
ra một sự kiện hiếm thấy, là các nhà cải cách trong đảng Cộng sản Tiệp
Khắc đã họp lại ngày 22 tháng Tám trong một nhà máy. Đại hội Đảng bí mật
tập hợp 1.100 đại biểu đã lên án cuộc xâm lược, và đồng thuận với
chương trình cải cách của tổng bí thư Dubcek.
Ngay tại Matxcơva,
hôm 25 tháng Tám, trước lăng Lênin, bảy nhà ly khai xô-viết đã có can
đảm biểu tình, và bị bắt ngay. Ngày 8 tháng Chín, một người Ba Lan là
Ryszard Siwiec tự thiêu phản đối trước sự chứng kiến của 100.000 người
tại một sân vận động ở Vacxava. Và ngày 25 tháng Giêng năm 1969, anh
sinh viên Jan Palach tự thiêu trên các bậc thềm của Viện bảo tàng quốc
gia, ở quảng trường Wenceslas, thủ đô Praha.
Cũng từ ngày
21/08/1968 ấy, đã có gần 100.000 công dân Tiệp bỏ trốn khỏi đất nước,
trong khi người dân chìm đắm vào tình trạng trầm cảm tập thể. Công cuộc « bình thường hóa »
do những nhân vật thân Liên Xô chủ trương là những cú đòn giáng xuống
các nhân tố của Mùa Xuân Praha. Họ bị tống giam rồi bị tước các chức vụ
trong trường đại học hoặc cơ quan văn hóa, sau đó phải lưu vong và bị
tước quốc tịch Tiệp Khắc.
Đó là trường hợp của hai người bạn nhà sử học Stéphane Courtois, từng làm việc cho tạp chí Chủ nghĩa cộng sản,
thành lập năm 1982 cùng với Annie Kriegel – người nằm trong số những
nhà tổ chức Đại hội Đảng bí mật hôm 22/08/1968. Trước hết là Lubomir
Sochor, nhà vật lý kiêm lý thuyết gia đã nhấn mạnh : một xã hội dân sự
trong một nhà nước độc đảng cộng sản là bất khả. Ông sống lưu vong ở
Paris, và tự kết liễu cuộc đời năm 1986. Rồi đến Karel Bartosek, nhà sử
học, cũng sang Paris và trở thành giám đốc La Nouvelle Alternative, tạp chí chuyên về đời sống trong các « nền dân chủ nhân dân ». Ông qua đời năm 2004.
Cuộc
xâm lăng Tiệp Khắc ngày 21/08/1968 đã bộc lộ một nghịch lý lớn lao. Vào
lúc các xe tăng xô-viết đè bẹp những ý tưởng dân chủ vừa mới chớm nở,
thì tại Paris, Roma hay Tây Berlin, hàng ngàn sinh viên không biết gì về
chính trị, bị các chính khách lêni-nít– từ trốt-kít, mao-ít cho đến
những người tôn sùng Che Guavara – dẫn dắt, lại xuống đường hát Quốc tế ca, giơ cao nắm đấm và kêu gọi một cuộc cách mạng cộng sản. Họ không nhận ra tính chất toàn trị của chủ nghĩa này.
Hố
sâu ngăn cách giữa một bộ phận giới trẻ các nước dân chủ thịnh vượng,
và tuổi trẻ trong các chế độ mà chủ nghĩa cộng sản đã hủy hoại nền kinh
tế và các quyền tự do, là một trong những nguyên nhân gây ra sự chia rẽ
hiện nay trong Liên Hiệp Châu Âu. Giới tinh hoa xuất thân từ phong trào
phản kháng tháng Năm năm 1968 thích rao giảng đạo đức, trong lúc nhân
dân Trung Âu vẫn còn bị chấn thương sau nửa thế kỷ dưới sự thống trị của
độc tài, cả Quốc xã lẫn Cộng sản.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.