dimanche 19 août 2018

Ngô Nhân Dụng - Tập Cận Bình không dám đánh bom nợ



(Người Việt 17/08/2018) Ông Vladimir Putin đã thử đánh Mỹ bằng thứ bom này vào đầu năm nay. Trong Tháng Tư, 2018, Nga đã bán 84% số công trái của chính phủ Mỹ (US Treasury bonds), trị giá $81 tỉ. Tháng Ba, Nga còn làm chủ $96 tỉ công trái Mỹ, đến Tháng Năm chỉ còn dưới $15 tỉ.


Khi có người bán một thứ gì, bán rất nhiều và trong một thời gian ngắn, thì “món hàng” đó mất giá trên thị trường ngay lập tức. Giá US Treasury xuống, nghĩa là mức lời, gọi là suất lời (yield), của công trái Mỹ tăng lên.

Thí dụ, một công trái mang lãi suất cố định 3%, trước đây bán nguyên giá $1,000, mỗi năm trả $30 thì suất lời, yield cũng là 3%. Nhưng nếu công trái đó mất giá, chỉ còn $960, thì suất lời tăng lên. Chính phủ Mỹ vẫn trả $30, không hơn, nhưng những người chủ mới của công trái lãnh $30 trên số vốn $960 thì suất lời thành 3.75% (30/960).

Chính phủ Nga quyết định tống khứ một số lớn công trái Mỹ ra thị trường cốt để trả đũa Mỹ đánh thuế trên thép và nhôm nhập cảng từ Nga. Sau khi Nga đánh trả đòn, lợi suất của các công trái 10 năm của Mỹ đã tăng vọt lên trên 3%, lần đầu tiên cao như vậy kể từ năm 2014.

Nếu suất lời tăng rồi cứ tiếp tục cao như thế, thì lần sau chính phủ Mỹ đi vay sẽ phải trả lời lãi cao hơn trước.

Nhưng trong Tháng Năm vừa qua, suất lời, yield, trên công trái 10 năm của Mỹ lại xuống ngay dưới 3%, như cũ. Vì vẫn có rất nhiều người muốn mua công trái Mỹ. Con số $81 tỉ Nga bán ra, so với số công trái của Mỹ trị giá gần $21,000 tỉ, cũng như muối bỏ biển, không gây ảnh hưởng nào đáng kể.

Nhưng ông Tập Cận Bình nắm trong tay một số công trái Mỹ “khổng lồ”, hơn ông Putin cả chục lần. Trái bom của ông Putin chỉ là bom thường, Cộng Sản Trung Quốc có thể dùng đến bom nguyên tử.

Nếu ông Tập Cận Bình cũng đánh như ông Putin, thì kinh tế Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nặng. Trên báo, đài của Trung Cộng, đã có người kêu gọi hãy dùng thứ bom này để đe dọa ông Donald Trump. Ông Tập Cận Bình chỉ cần “tuýt” ra một lời tuyên bố sẽ bán rất nhiều công trái Mỹ mà nước Tàu đang giữ, chắc chính phủ Mỹ sẽ phải ngưng cuộc chiến tăng thuế quan ngay, ngồi công bàn chuyện đình chiến!

Nếu ông Tập Cận Bình muốn dùng chiến thuật này, thì bây giờ là lúc thuận lợi nhất. Bởi vì chính phủ Mỹ đang bắt đầu đi vay ngày càng nhiều vì số khiếm hụt ngân sách đã tăng sau khi Quốc hội làm luật cắt giảm thuế cho các công ty. Chính phủ thiếu tiền thì đi vay bằng cách bán công trái. Ngày 30 Tháng Mười Hai, 2016, tổng số nợ nần của chính phủ Mỹ còn dưới $20,000 tỉ. Tháng Tư, 2018, số nợ đã lên tới $21,000 tỉ, và sẽ còn tăng nhanh hơn.

Không ai sắp đi vay nợ lại muốn lãi suất lên cao, chính phủ Mỹ cũng vậy. Cho nên, nếu Trung Cộng tung ra thị trường một số lớn công trái Mỹ, chắc ông Trump sẽ chịu lùi một bước vì một mũi tên sẽ bắn trúng hai mục tiêu!

Thứ nhất là đẩy lãi suất ở Mỹ lên cao. Nếu Trung Cộng tuyên bố sẽ bán mỗi tháng $100 tỉ công trái Mỹ, liên tục trong mươi tháng, thì thị trường sẽ xáo trộn khó lường. Suất lời trên công trái Mỹ ảnh hưởng trên các thứ lãi suất khác, tất cả sẽ theo nhau tăng lên. Các công ty đi vay sẽ tốn kém hơn có thể phải hoãn phát triển; người vay tiền mua nhà cũng tốn hơn, thị trường địa ốc sẽ xuống. Người tiêu thụ sẽ mất tin tưởng, không chi tiền như trước, cả nền kinh tế bị ảnh hưởng.

Một hậu quả thứ khác là giá đồng đô la Mỹ sẽ lên. Khi lãi suất ở Mỹ tăng, nhiều người sẽ đem tiền tới cho vay, và họ phải mua đô la Mỹ. Đồng đô la lên giá sẽ khiến hàng hóa Mỹ bán ra nước ngoài tăng giá khi được bán bằng tiền bản xứ. Các công ty xuất cảng ở Mỹ sẽ phải giảm hoạt động. Các nhà đầu tư thấy lãi suất lên sẽ bán bớt cổ phiếu để mua trái phiếu, làm thị trường chứng khoán tụt xuống. Kinh tế Mỹ sẽ lâm nạn, lúc đó đồng đô la sẽ xuống giá.

Trung Cộng có khả năng gây ra những biến cố trên, vì đang làm chủ các công trái Mỹ trị giá $1,200 tỉ, là chủ nợ lớn nhất của chính phủ Mỹ. Ngoài ra họ cũng mua khoảng $100 tỉ khác nhưng để nhờ ở nước Bỉ. Họ cũng làm chủ các trái phiếu một số cơ quan tín dụng Mỹ được chính phủ bảo trợ, như Fannie Mae, trị giá khoảng $200 tỉ nữa. Tổng cộng, Bắc Kinh có trong tay trái bom $1,500 tỉ giấy nợ của nước Mỹ.

So với số nợ khổng lồ mà chính phủ Mỹ đang vay thì con số $1,200 tỉ cũng chỉ chiếm khoảng 6%. Thực ra, những chủ nợ quan trọng nhất của chính phủ Mỹ, 70% số tiền vay là do dân Mỹ cung cấp, chỉ có 30% là chủ nợ nước ngoài.

Đó là một ưu thế của Mỹ cũng như Nhật Bản, vì hầu hết các chủ nợ là người trong nước. Các công ty bảo hiểm, các quỹ hưu bổng lúc nào cũng cần mang tiền đầu tư vào chỗ an toàn. Mà trên thế giới không có cách đầu tư nào an toàn bằng cho nhà nước Mỹ vay; biết chắc rằng thế nào cũng được trả lãi và vốn.

Nhưng một điều làm cho Tòa Bạch Ốc không lo bị ông Tập Cận Bình tấn công bằng bom nợ, là vì kẻ ném bom cũng có thể chết vì bom.

Trước hết, khi bán hàng trăm tỉ đô la công trái Mỹ khiến giá các công trái đó tụt xuống thì chính người bán đang tự gây lỗ lã cho chính mình, mua lúc đắt bán lúc rẻ. Khi bán công trái Mỹ, Bắc Kinh sẽ phải đầu tư vào chỗ khác. Chỗ nào khác? Mua công trái những nước khác hay mua vàng đều khiến các món đó tăng giá!

Nhưng riêng hành động bán và mua hàng ngàn tỉ đô la này cũng đủ làm xáo trộn các thị trường và cả nền kinh tế thế giới! Khi kinh tế toàn cầu xuống thì tất cả đều suy thoái, nhưng lâm nguy nặng nề nhất là những nước tùy thuộc vào việc xuất cảng. Trung Quốc đứng đầu trong đám này.

Nếu kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng vì quả bom nợ Trung Cộng tung ra, thì ngân hàng trung ương Mỹ sẽ phải đối phó. Bắc Kinh muốn bán bao nhiêu công trái Mỹ, Quỹ Dự Trữ Liên Bang sẽ in tiền ra mua không mệt, vì chính Federal Reserve vẫn là chủ nợ lớn nhất của chính phủ Mỹ!

Để chống lại tình trạng lãi suất ở Mỹ tăng, Quỹ Dự Trữ Liên Bang, Federal Reserve, sẽ thay đổi chính sách tiền tệ nhằm giảm lãi suất. Và họ có khả năng làm việc đó. Một hậu quả là giá trị đồng đô la Mỹ sẽ giảm cùng với lãi suất ở Mỹ. Hậu quả là giá trị đồng nguyên (nhân dân tệ - TM), tiền của Trung Cộng sẽ tăng lên so với đô la. Mà đó là điều mà các chính quyền ở Bắc Kinh đều muốn tránh. Bao năm nay, họ bán hàng cho Mỹ, thu đô la về rồi lại đem cho chính phủ Mỹ vay, dùng cách đó để giảm hối suất đồng tiền của họ. Bởi vì mỗi lần mua công trái chính phủ Mỹ lại cần đổi đồng nguyên sang đô la để mua, mà mua nhiều đô la thì đô la phải giá!

Một điều Bắc Kinh không thể nào chỉ huy được, là trong giao dịch thương mại quốc tế hiện nay người mua kẻ bán vẫn thanh toán với nhau bằng đô la Mỹ! Giá trị đồng nguyên lên tức là giá bán hàng xuất cảng của Trung Quốc sẽ tăng khi tính ra đô la, sẽ khó bán hơn. Nếu muốn vượt qua rào cản này, Trung Cộng có thể nhận các nước thanh toán bằng đồng nguyên của mình. Họ sẽ phải đi mua đồng nguyên để trả hóa đơn. Nhưng như thế thì giá trị đồng nguyên càng tăng thêm nữa, như một cầu thang xoáy trôn ốc lên cao!

Cuối cùng, nếu Bắc Kinh khởi động việc bán công trái chính phủ Mỹ hàng loạt thì không phải chỉ gây hại cho kinh tế Mỹ. Kinh tế nước Tàu cũng xính vính. Cuộc chiến tranh thuế quan biến thành chiến tranh tiền tệ, hai bên lâm chiến bước vào tình cảnh “chắc chắn tiêu diệt lẫn nhau” (mutually assured destruction) không bên nào thoát được.

Cho nên, ông Tập Cận Bình sẽ không dám đánh trả đũa bằng trái bom công trái Mỹ!

Năm 2012, Bộ Quốc Phòng Mỹ đã làm cuộc nghiên cứu về mối đe dọa trên an ninh quốc gia khi Trung Cộng mua quá nhiều công trái Mỹ. Nếu thấy có vấn đề, chắc chắn chính phủ Mỹ có quyền hạn chế không bán nữa. Nhưng cuộc nghiên cứu đi tới kết luận rằng Trung Cộng sẽ không thể nào đem các công trái Mỹ ra bán hàng loạt mà không tác hại cho chính mình.

NGÔ NHÂN DỤNG

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.