Sau vài ngày lấy lại sức và kiểm lại hàng ngũ, có lẽ đây là
thời điểm tốt để rút tỉa kinh nghiệm từ cuộc xuống đường đầu tiên của Mùa Hạ
2018.
Trước hết, phải nói ngay mức ứng dụng nhuần nhuyễn các kỹ
thuật biểu tình bất bạo động của bà con biểu tình vào ngày 9 và 10 tháng 6 vừa
qua là một ngạc nhiên lớn. Vì bẵng đi từ lần biểu tình Vì Môi Trường vào tháng
5/2016 đến nay, hầu như chúng ta không có cuộc xuống đường nào đáng kể. Hai năm
thao dợt, dù chỉ trong tư tưởng, đã dẫn đến những biểu hiện tuyệt vời.
(Trường hợp Bình Thuận có nhiều lý cớ đặc biệt phía sau nên
cần phân tích trong một bài riêng).
A. Những điều tuyệt vời
Sau đây là một số điểm đặc sắc nhất trong một danh sách rất
dài về hai ngày biểu tình vừa qua:
1. Ngay từ phút đầu, đã có sáng kiến không cần "dương
đông kích tây" mà "dương cả đông và tây rồi tùy tình hình mà
kích". Nghĩa là có mặt nhưng phân tán mỏng tại vài địa điểm. Nếu thấy
số công an tại nơi nào ít thì tụ lại tại đó và thông báo cho các nơi khác kéo
đến. Công an không dám bỏ trống các nơi kia, chuyển quân chậm hơn dân vì phải
chờ lệnh trên, và khi tới nơi thì đã quá trễ.
2. Kế đến, sáng kiến dùng cả hai phương tiện đi bộ và đi xe
hai bánh thật đặc sắc. Các anh chị em chạy xe có thể đóng góp trong nhiều chức
năng đặc biệt: dò đường phía trước xem có bao nhiêu công an đang chận để cố vấn
cho đại đoàn đi bộ nên theo lộ trình nào; hoặc chuyển đến cho đoàn đi bộ khi đã
đủ đông những vật liệu cần thiết để tránh bị an ninh giật từ sớm. Hoặc chở
những người cầm loa xướng các khẩu hiệu để khó cho an ninh cướp giật hơn; hay
ngay cả làm trạm cứu thương lưu động, làm xe tải thương.
3. So với các lần trước, lần này có sự tham gia đa dạng
nhất, bao gồm đủ loại thành phần bà con và đủ mọi lứa tuổi, từ trẻ em đến cụ
già. Đây là một thành công lớn vì chính sự đa dạng này làm gạch nối đến rất
nhiều gia đình, mở rộng vòng đai ủng hộ và từ đó gia tăng số người biểu tình
trong các lần tới. Để tiếp tục duy trì lợi điểm quan trọng này, chúng ta cần
quan tâm làm thêm một số việc như đề nghị trong phần B bên dưới.
4. Lần này chúng ta cũng đã có một số biểu ngữ tiếng Anh
viết rất gọn ghẽ và đúng cả văn phạm lẫn cách dùng chữ. Số biểu ngữ này không
cần nhiều, nhưng cần đủ chuyên môn để thu hút phóng viên nước ngoài và đủ nói
lên mục đích của cuộc biểu tình khi tin tức lên đến các đài truyền hình nước
ngoài.
5. Sáng kiến dùng nhiều băng-rôn ngắn cũng là đối sách rất
hay. Trong một cuộc biểu tình lớn, băng-rôn thật dài đi đầu có nhiều công dụng
đặc biệt. Tuy nhiên trong tình hình hiện nay chúng ta KHÔNG thể dùng cách này
vì tốn kém, rất khó giấu và khi bị giật băng rôn dài là mất hết. Thay vào đó,
các băng rôn chỉ dài tối đa khoảng 2,5 mét, rất dễ giấu, chỉ cần hai người cũng
giăng ra được, và khi cần thì các băng rôn nhỏ đứng sát lại với nhau để tương
đương với một băng rôn lớn.
6. Kỹ thuật hô khẩu hiệu lần này đã hoàn chỉnh. Người xướng
hô dài nhưng tập thể chỉ cần hô đáp lại mỗi lần bằng hai đến bốn chữ mà thôi.
Nhờ đó rất đồng bộ và khí thế. Đặc biệt có loại đối đáp ngắn như "Việt
Nam - Việt Nam", "Yêu nước - Xuống đường"...
Thể loại cũng rất đa dạng. Các câu hô với nội dung phản đối
được xen kẽ bằng các bản nhạc ngắn quen thuộc, trộn với những lời hô ca ngợi
đất nước, xiển dương tình đoàn kết. Đặc biệt các câu hô vui càng giúp không khí
biểu tình thêm lạc quan, hấp dẫn, như lời hô đối đáp "Chỉ cho nước -
Không bán nước".
7. Điều làm nhiều người cảm động là một số chị vừa tình
nguyện đi đầu vừa giải thích cho người chung quanh: "Tụi nó hổng dám
đánh tụi tui đâu". Thật vậy, không phải vì phái nam nhút nhát nhưng
rất nhiều cuộc biểu tình bất bạo động trên thế giới đã biết tận dụng lợi thế
này. Đó là hình ảnh một chính quyền bạo hành các phụ nữ biểu tình ôn hòa có tác
động rất lớn đối với công luận cả trong và ngoài nước, vừa vạch trần bản chất
thô bạo của kẻ cầm quyền vừa là dòng điện giật cả dân tộc đứng lên.
8. Kỹ thuật biểu tình bất bạo động cũng đã thấm vào bà con
một cách rất tự nhiên. Hầu như mọi người đều ý thức được tầm quan trọng của
việc duy trì mật độ đông đảo và đồng đều trong toàn đoàn biểu tình, không để
khúc nào thưa thớt vì dễ trở thành cơ hội cho công an cắt lìa. Ngay khi có khúc
nào hơi thưa thớt, bà con kêu ngay nhóm đi trước chậm lại hay dừng hẳn để chờ
nhóm sau có giờ đi tới.
9. Khi có vụ an ninh bắt lẻ nào, bà con dừng ngay lại, hô
lớn để nhiều người tới giải cứu. Khi thấy số người biểu tình đông áp đảo, đám
an ninh thường thụt lùi. Đặc biệt các anh chị em chụp hình cần lưu ý điều này.
Nhiều khi vì quá mải mê tác nghiệp hoặc muốn lấy cảnh rộng của cả đoàn người
đi, các bạn này có lúc đứng cách quá xa đoàn biểu tình và trở thành "mồi
ngon" cho an ninh. Nếu muốn chụp từ xa, người chụp hình nên có thêm một
đồng đội làm nhiệm vụ nhìn ngang ngó dọc để nhanh chóng trở vào đoàn biểu tình
khi thấy an ninh xấn tới.
10. Có lẽ đặc sắc nhất trong cuộc biểu tình lần này là sự
ứng biến tại chỗ về đường đi. Lộ trình đã không được thông báo trước và không
cố định nên đã tránh được nhiều chốt chận. Khi thấy công an dàn ngang phía
trước, đoàn biểu tình rất bình tĩnh lượng giá. Khi thấy số công an ít, bà con
cứ từ từ tiến tới. Khi công an chận một người thì 5, 7 người chung quanh vượt
qua lằn ranh. Khi số người vượt qua đã quá đông, công an đành chịu thua. Nhưng
khi thấy số công an đông đảo, đoàn biểu tình rẽ sang đường khác, không cần đối
đầu nếu không cần thiết.
Điều cần lưu ý là có lúc chính các công an đang chận đường
chỉ hướng cho đoàn biểu tình rẽ đi lối khác. Chúng ta không nên tin vào hướng
của họ vì hướng đó có thể là cái bẫy chờ sẵn của CSCĐ hoặc ngõ cụt. Đoàn biểu
tình cứ lượng giá tình hình theo tương quan lực lượng và các dữ kiện trinh sát
từ các anh chị em chạy xe hai bánh cho biết, rồi quyết định hướng đi theo ý
mình.
Và còn nhiều điều tuyệt vời nữa ...
Ngay cả những nơi không thành tựu được cuộc biểu tình cũng
đã góp phần không nhỏ vào nỗ lực chung trên cả nước. Rõ ràng vì các cố gắng
biểu tình của các anh chị em tại Hà Nội, dù không thành, mà số lượng CSCĐ bị
cầm chân tại đó, giảm bớt sức ép cho bà con Bình Thuận và có thể cả Sài Gòn và
các nơi khác. Cũng vậy, mỗi nhà hoạt động bị canh giữ tại nhà đã gỡ được cho bà
con biểu tình từ 4 đến 10 tên công an - an ninh. Ta cứ nhân lên sẽ thấy tổng số
và hệ quả.
B. Những điều chưa tới mức tuyệt vời
Sau đây là một vài điều chúng ta còn có thể làm tốt hơn nữa
trong tương lai:
1. Một điểm tuy nhỏ nhưng đáng lưu ý. Đó là có nên cầm cờ
nước ngoài trong cuộc biểu tình của ta không? Cho mục đích gì? Có lẽ chỉ nên có
hai trường hợp ngoại lệ sau đây: (1) Cầm cờ của các định chế quốc tế như Liên
Hiệp Quốc trong những dịp đặc biệt như ngày Quốc Tế Nhân Quyền, v.v... để thu
hút sự quan tâm của thế giới; (2) Có người ngoại quốc tham gia đoàn biểu tình
và muốn cầm cờ nước họ để bày tỏ lòng ủng hộ từ nhân dân nước đó.
2. Khi số người biểu tình đã lên đến số ngàn, chúng ta nên
tận dụng số đông bao vây các xe buýt đang chở người bị bắt. Cần bao xe buýt cả
bốn phía với độ dày từ năm vòng người trở lên. Vừa hô hoán, vừa chụp hình tài
xế và các công an chìm nổi trên xe, vừa vỗ, vừa lắc xe... cho đến khi chúng
phải thả tất cả người bị bắt ra.
3. Thỉnh thoảng nên đề nghị tất cả bà con ngồi xuống nghỉ
chân từ 3 đến 5 phút (đừng ngồi quá lâu có thể làm giảm khí thế) rồi đứng lên
đi tiếp. Việc xen kẽ những lúc nghỉ ngơi ngắn này rất cần thiết để giữ các em
nhỏ, các vị lớn tuổi, tức duy trì sự đa dạng, trong hàng ngũ biểu tình. Hơn thế
nữa, đây cũng là một cách để thể hiện sức mạnh của số đông. Bên cạnh các thông
điệp mạnh mẽ là sự đồng bộ, ngàn người như một trong đoàn biểu tình, bảo nhau
đi là cùng đi, đứng là cùng đứng, ngồi là cùng ngồi.
4. Một bài học chúng ta đã rút được từ nhiều lần trước. Đó
là: Đừng biểu tình tới giọt xăng cuối cùng. Nếu kéo dài quá 3 tiếng, đặc biệt
khi trời nắng, sẽ có hiện tượng bà con đuối sức, lác đác bỏ về dần. Do đó, cho
mỗi lần biểu tình rất cần chính thức giải tán khi đạt tới một cao điểm thành
công nào đó. Các anh chị em hoạt động cần hội ý trước một số tình huống được
xem là thành công và lấy quyết định Tuyên bố thành công tại hiện trường trước
khi giải tán.
5. Và nhìn rộng rơn, giải pháp cho đất nước là một tiến
trình của nhiều nỗ lực. Mỗi nỗ lực cần được đánh dấu bằng một thành công để tạo
động lượng cho nỗ lực kế tiếp. Và quan trọng không kém là khoảng thời gian
dưỡng sức, rút kinh nghiệm, và chuẩn bị giữa hai nỗ lực.
Trên căn bản đó, chúng ta cần đối diện với câu hỏi: có nên
biểu tình liên tục mỗi ngày hay mỗi tuần không?
• Trước hết, dù có biểu tình hay không ta vẫn phải rục rịch
làm như sắp có biểu tình để duy trì mức căng thẳng và sự mệt mỏi của lực lượng
trấn áp. Việc cầm chân lực lượng trấn áp tại những nơi không có biểu tình càng
lúc càng hệ trọng vì nay không chỉ Sài Gòn và Hà Nội có khả năng biểu tình. Cần
Thơ, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Nghệ An, Tây Nguyên ... cũng đã bắt đầu xuống đường.
• Quyết định có biểu tình hay không nên là ý chung và được
lấy vào giờ chót, trong khoảng 12 tiếng trước giờ biểu tình. Xin đừng tiếc công
chuẩn bị vì không tuần này thì có thể tuần sau.
• Và quyết định biểu tình hay không nên dựa trên ít là ba
yếu tố sau đây để gia tăng xác suất thành công:
1/ Mức uất hận và mức mệt mỏi của bà con trong vùng. Đây là
hai điều khác biệt và cả hai cần được lượng giá.
2/ Mức sẵn sàng của giới hoạt động, bao gồm từ sự đồng thuận
và các chuẩn bị công việc.
3/ Mức phân tâm của giới cầm quyền, từ các bận rộn cho một
sự kiện ngoại giao lớn đến tình hình đấu đá nội bộ đến cảnh đối phó với nhiều
đám cháy cùng lúc...
Có nhiều điều đáng nhớ, đáng quí, đáng mừng trong hai ngày 9
và 10 tháng 6 năm nay, nhưng có lẽ mừng nhất là LÒNG YÊU NƯỚC TUYỆT VỜI CỦA DÂN
TỘC CHÚNG TA vẫn còn đó, vẫn sôi sục dù cả nhà cầm quyền VN lẫn TQ đã cố gắng
xóa nhòa suốt mấy thập niên qua.
FB VŨ THẠCH 14.06.2018
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.