Ngày hôm qua Chúa nhật, nhiều nơi xuống đường
biểu tình. Biểu tình, đó là chuyện thường tình ở các nước khi người dân muốn
biểu đạt một nguyện vọng, một bức xúc, khi không có một chỗ đủ tin cậy để người
ta nói và nói có người nghe nghiêm túc, biết lắng nghe, biết đối thoại...
Tôi đã có một status về luật Đặc khu và nói đúng ba ý:
1) Đặc khu là một hình thức ít có tác dụng đối với
một đất nước đã mở cửa quá lâu. Những chính sách của Đặc khu chỉ có tác dụng tốt vào những
thập niên 90, nay ta nên tìm một hướng đi mới.
2) Tại sao ta không mở các chính sách thông thoáng nhiều hơn
cho Hà Nội và Sài Gòn...những nơi có điều
kiện về nhân lực, vật lực, vị trí giao thông thuận lợi có sẵn, có các nguồn lực
khác mạnh mẽ hơn, để dễ dàng phát huy có hiệu quả hơn cho nền kinh tế.
3) Điều thứ ba, tôi muốn Chính phủ và Quốc hội cần chú ý đến yếu tố Trung Quốc đối với ba đặc khu. Họ là một nhà đầu tư khó lường nhất đối với các vị trí xung yếu của đất nước mà người dân luôn buộc chúng ta phải cân nhắc, cẩn thận trước khi quyết định.
Tôi muốn nói thêm một điểm nữa mà hình như GS Trần văn Thọ trong Ban tư vấn của Thủ tướng đã nói rồi. Lúc này đây, ta tập trung có chính sách tốt hơn cho các nhà tư bản trong nước, bởi vì tiền của do họ làm ra sẽ ở lại đây, vì đây là đất nước của họ. Ngoài tiền bạc ra, con người nào cũng có tình yêu và khát vọng đối với Tổ quốc mình.
Còn về luật An ninh mạng, tôi là người làm báo nhiều năm và cũng nói thẳng ra rằng, tôi đã từng là nạn nhân của một thể chế không minh bạch thông tin.
Một hai người trong lãnh đạo cấp cao không hiểu
biết gì về báo chí đã nhân danh tập thể lãnh đạo cấp cao để trừng phạt hai tờ
báo có nhiều người đọc nhất Việt Nam. Chỉ vì một điều duy nhất là họ tin rằng
chúng tôi khó mà đứng về phía họ, khi một vài cá nhân đó thao túng quyền lực và
tạo ra cả một nhóm lợi ích vét kiệt tài nguyên và của cải của đất nước và nhân
dân, dưới cái vỏ bọc của chủ nghĩa dân túy, cộng với sự độc ác và thu vén cá
nhân dựa vào quyền họ có được.
Không ai làm nghề viết, mà không vui mừng trước thành tựu của công nghệ thông tin hiện nay. Anh có thể ngồi bất cứ ở xó xỉnh nào, đều có thể thông tin đến mọi nơi mọi người, mọi lúc, về suy nghĩ, về kết nối tình cảm, làm ăn thương mại và cả bày tỏ chính kiến cá nhân. Nhưng có lẽ cũng phải nghĩ đến sự chế tài đối với mặt trái của nó, là anh có thể xúc phạm và vu khống đối với bất cứ ai trên cuộc đời này mà chẳng cần đến bằng chứng và kết luận của một phiên tòa nào.
Không ai có thể ngăn cản được sự tiến bộ của
khoa học công nghệ của con người trong thế kỷ này đâu. Nhưng cũng chính sự tiến
bộ của con người phải bảo vệ cho được danh dự của đồng loại. Không ít người
phải tự tử vì những vu cáo và làm nhục đến từ những trang mạng cá nhân và
Facebook như lời trăn trối cuối cùng của các ngôi sao Hàn Quốc gần đây.
Điều cuối của stt này, tôi muốn nói đến chuyện biểu tình của một số nơi trong nước, ngày Chúa nhật vừa rồi. Nó thể hiện hai điều:
1) Tinh thần yêu nước của người dân vẫn không
bao giờ tắt nguội với những điều mà họ cho là dẫn đến an nguy của đất nước.
Nhiều nơi hành động ôn hòa, mục đích làm cho chính quyền phải biết lắng nghe
tiếng nói của người dân trong mọi quyết sách quan trọng.
2) Có những nơi người biểu tình quá khích và có
thể sẽ không khéo xử sự của một trong hai bên. Sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường
làm bất ổn xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của đất nước, và không
khéo lại mắc mưu của những nhân vật tham nhũng, tiêu cực đã bị loại và cả Trung
Quốc nữa.
Bởi vì không phải người nước ngoài nào cũng như
những nhân vật cầm quyền từng “nhúng chàm”, đều muốn Việt Nam mạnh lên và yên
ổn để phát triển. Dân tộc chúng ta đã trải qua hàng nghìn năm bị đô hộ và chiến
tranh, nên không người dân nào mà không biết quý trọng những khoảng thời gian
hòa bình, để làm cho đất nước chúng ta được an ổn cường thịnh và hưởng một cuộc
sống tự chủ và tự do.
FB NGUYỄN CÔNG KHẾ 11.04.2018
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.