mercredi 11 avril 2018

Nguyễn Thế Thịnh - Nền giáo dục giẻ lau bảng sản sinh ra nền văn hóa giẻ lau bảng



1.
Hôm qua, Báo Pháp luật TPHCM đưa tin, một cô giáo dạy lớp lá trường mầm non xỉa xói học sinh là đồ quái vật và dọa lấy tã trét c. vào mặt trẻ con, tô bức tranh giáo dục thêm một mảng màu ảm đạm.

Trước đó, một cô giáo trẻ, xinh đẹp ở Hải Phòng bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng (mà phải nước đặc mới được) còn chưa lắng xuống khi phụ huynh của cô này (là bà Phó phòng Giáo dục) xé tờ giấy kết quả khám sức khỏe của học sinh uống nước giẻ. Đúng là hổ cái phụ sinh hổ cái tử.


Một nền giáo dục phổ cập giáo sư đã sinh ra những cô giáo giảng bài câm, nữ sinh đánh nhau, lột đồ bạn học trong lớp một cách tàn nhẫn nhưng cả trai lẫn gái của lớp học đều đứng giương mắt ếch.

Họa tới rồi.

2.
Ngày 8.4, trên mạng lưu truyền clip về cảnh sát giao thông (CSGT) Thừa Thiên Huế mà ai coi cũng tức ói máu.

Một nhà xe Quảng Trị ký hợp đồng đưa khách vào tham quan Đà Nẵng, khi lưu thông qua địa phận Huế đã bị CSGT, Thanh tra giao thông và các lực lượng phối hợp ách lại, chỉ vì hợp đồng ghi chở khách đi Đà Nẵng sao lại đi qua Huế mà không thể hiện trong hợp đồng?

Nhà xe cố trình bày là họ không tham quan Huế, không dừng đỗ ở Huế thì sao phải thể hiện trong hợp đồng? Còn đi Đà Nẵng mà không qua Huế thì đi đường nào? Xe thì đâu bay được?

Thế nhưng CSGT vẫn không chịu.Kỳ lạ vô cùng.

Vụ việc làm cho CSGT Thừa Thiên Huế “danh bất hư truyền”, nói đến Huế ai cũng ngán ngẫm CSGT. Cả nước Huệ làm du lịch để thu hút khách nhưng CSGT đã làm điều ngược lại. 

Đó là sản phẩm của một nền giáo dục giẻ lau bảng và môi trường của một lực lượng kiếm tiền bằng cả đánh bạc liên lục địa.

3.
Một xã hội mà cái tạp chí của ngành Công an (Tạp chí Công an Nhân dân) nài ép Hội Người mù làm quảng cáo để lấy của họ 3 triệu đồng. Trong lúc bao nhiêu tờ báo và tổ chức khác lo làm từ thiện cho họ. 

Người mù được tập hợp trong một cơ sở sản xuất để làm nuôi thân. Họ tỉ mẫn chẻ từng cây tăm tre, bó từng cây chổi để bán lấy vài đồng, sao người sáng mắt nỡ ép họ để lấy 3 triệu đồng? Có còn liêm sỉ nữa không?

Ở một khía cạnh khác, ông Chủ tịch Hội Người mù Thừa Thiên- Huế sao lại sợ họ để có thể đạp lên công sức của hội viên mình? Ông có vấn đề chi để họ nắm thóp hay sao?

4.
Một xã hội mà vào quán ăn bánh xèo cũng đánh nhau tóe máu thì còn thể thống cống rãnh gì nữa không?

Nhân thể nói luôn, anh thanh niên đánh cô gái nói gì thì nói cũng sai lè lè rồi. Nhưng hỏi thiệt, nếu cô gái đó bưng dĩa bánh xèo sang bàn bên nói một cách nhẹ nhàng từ tốn, hai em vội thì dùng trước, chị ngồi chờ ăn sau cũng được, thì cậu ấy có vùng dậy đạp đấm cô ấy không? Nếu có thì chỉ có tâm thần hoặc ngáo đá.

Cũng dĩa bánh xèo đó, người cầm sang dằn lên bàn, bảo, đói thì ăn đi, ăn đi không chết đói giờ. Lại còn huých tay vào cô người yêu đi cùng anh con trai đó để khêu khích bằng lời lẽ ăn đi không chết đói, thì đến cục đất cũng phát điên chứ đừng nói người. 

Cậu thanh niên con ông đại tá quân đội mang công an ra dọa (bảo con ông này cháu ông kia) là loại giẻ lau bảng rồi, nhưng bỗng dưng cậu ta nói thế sao? Là vì bên gọi người (được mô tả là giang hồ) thì bên phải đưa công an ra. Giẻ lau bảng thế cơ chứ!

Lần ngược lại câu chuyện, nếu ai vào quán cũng ngồi gọi món và tuân theo thứ tự thì đâu sao đâu? Đằng này cô gái xông thẳng vào quầy giành bưng cho mình trước mới sinh chuyện. Giẻ lau bảng thế chứ lị!

Đất nước xuất hiện rất nhiều quái vật.Tội cho đất nước.

Mình đang sống trong đất nước đó, tội cho con cháu mình.

FB NGUYỄN THẾTHỊNH 11.04.2018

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.