Mùa hè năm 2000, kỹ sư Trần Quốc Việt,
một người bạn vai anh, đồng hương Phan Rang với tôi từ Mỹ về Việt Nam lập công
ty viết phần mềm Ulysses tại TP Hồ Chí Minh. Thỉnh thoảng tôi cũng hay lên trụ
sở của Ulysses, đóng tại cao ốc Diamond Plaza chơi.
Một hôm, khoảng sau 12 giờ đêm, Việt
điện thoại cầu cứu tôi. Hôm đó, Việt đi nhảy đầm ở Vũ trường Phi Thuyền, góc
Hàm Nghi – Tôn Đức Thắng (nơi khởi phát mâu thuẫn dẫn đến vụ bắn Dung Hà), bị
móc mất ví. Tiền mặt mất không nhiều, nhưng quan trọng là toàn bộ giấy tờ tùy
thân, trong đó có cả Master Card, Visa Card, tài khoản tổng cộng chừng trên
dưới 50.000 USD tiền trả lương cho công ty đã theo ví biến mất.
Tôi đến ngay. Một mặt kêu Việt đến Công
an phường Nguyễn Thái Bình, Q.I trình báo ngay ; mặt khác tức tốc gọi điện
về Mỹ làm các thủ tục phong tỏa ngay hai tài khoản vừa bị mất card, đề phòng bị
dùng thẻ rút mất tiền.
Phần mình, tôi phóng xe lên đường Nguyễn
Công Trứ, gần chợ Cầu Ông Lãnh. Ở đó có một đám nhóc đánh giày, bán báo, tuổi
từ 14-20, vô gia cư, tối vẫn về đó thuê ghế bố giá 2.000 đồng qua đêm. Bọn nhóc
vừa uống cà phê, vừa coi phim chưởng chờ trời sáng sẽ túa đi mưu sinh khắp các
nẻo đường Sài Gòn. Không thích coi phim thì cứ quấn chăn ngủ vạ vật. Trên ghế
bố có che dù nên dù có mưa chúng cũng không ướt hết, ngủ tốt!
Tôi búng tay cái ‘’tróc”, lập tức hơn
chục đứa đệ tử ruột túa ra. Móc cho mỗi đứa 20.000 đồng, tôi giao: “Chia
nhau đi lục hết các nhà vệ sinh công cộng trong bán kính 1 km tính từ Phi
Thuyền, thấy bất kỳ cái ví nào cứ mang về đây cho chú. Cả mấy con hẻm tối ở gần
đó cũng phải chú ý. Đứa nào có đèn pin thì mang theo. Chú đợi tụi mày ở Công an
Phường Nguyễn Thái Bình”.
Khoảng 2 giờ sáng, bọn nhóc y hẹn quay
trở lại, mang theo chừng ba chục cái ví. Có cái rỗng, có cái vẫn đầy ắp giấy
tờ. Đáng tiếc là không có cái nào của Việt. Tôi giao hết mớ ví cho công an
phường rồi cho bọn nhóc về ngủ. Nhiều đứa đòi ngồi lại “chơi với sư phụ”,
tôi đuổi thẳng cẳng.
Trong khi Việt đang tiu nghỉu thì xe
Jeep công an phường thắng cái rét, tống xuống phường một gã móc túi vửa bị bắt
tại trận ở Phi Thuyền. Gã mặc quần short, áo pull, mang dép xẹp kẹp ngón, khá
trắng trẻo, đẹp trai và to con, trông như khách du lịch vừa bước ra khỏi khách
sạn, hoặc cán bộ đi nghỉ dưỡng chứ không giống bộ dạng một thằng móc túi. Vô
phường, thằng này vẫn cười, mặt nhơn nhơn, luôn mồm bảo mấy anh bắt lầm, bắt
lầm, rằng thì là mà… Tôi nhác thấy có vài kẻ lạ khác đi xe máy bám theo, nhưng
khi gã kia được đưa vào trụ sở công an phường thì họ quay xe.
Chỉ ít phút sau, trong khi công an
phường đang ghi lời khai kẻ bị bắt thì đám này quay lại, có thêm một gã tóc bom
bê, mập, mặt bự thịt, hao hao giống diễn viên Hồng Kong Hồng Kim Bảo, trông rất
quen. Gã này bước thẳng đến chỗ cán bộ công an phường đang trực ban, xuất trình
một mớ giấy tờ, giải thích nho nhỏ mấy câu. Anh cán bộ cầm mấy cái thẻ săm soi
một lát rồi đưa vào trình lãnh đạo. Vài phút sau, được trả lại mớ thẻ, gã ung
dung ra vỗ vai kẻ mới bị bắt bảo: “Về thôi. Xong rồi”. Thằng cà chớn này
còn nhoẻn cười, vỗ vai mấy anh công an, dân phòng mới bắt dẫn mình bảo: “Hiểu
lầm, hiểu lầm. Anh em không. Cảm ơn nhé…”, rồi ra xe, theo đường Phó Đức
Chính đi mất.
Đang ngồi bên ngoài quan sát nên khi họ
ra, tôi bí mật giữ khoảng cách và bám theo ngay. Hai chiếc xe chở bốn người đi
trước hầu như không quan tâm chuyện có thể bị theo, cứ chạy tà tà, rẽ trái
đường Bến Chương Dương (nay đã không còn), lên cầu Nguyễn Tất Thành, qua đường
Hoàng Diệu Quận 4 rồi chui tọt vào hẻm 20 thước gần cầu Hàn. Đã gần 3 giờ sáng,
tôi không mạo hiểm quẹo xe theo vì dư biết đó là địa danh khét tiếng giang hồ,
một lãnh địa cờ bạc của băng nhóm Năm Cam.
Quay xe lại công an phường Nguyễn Thái
Bình, tôi kêu Việt về ngủ lấy sức, mai... ngủ tiếp. Trình thẻ nhà báo, tôi hỏi
anh công an phường mấy câu. Anh này bảo: “Họ mang thẻ quân báo tới, bảo đang
làm nhiệm vụ. Thẻ thật. Làm sao tạm giữ được mà không thả?”.
Tôi hỏi: “Người đến bảo lãnh là sĩ
quan quân báo à?”. Anh công an phường lắc đầu: “Không, thằng đó bốc vác
ở chợ Cầu Muối, tụi tôi nhẵn mặt. Không hiểu sao nó lại có thẻ quân báo. Tụi
tôi có photo lại đây nè”. Anh chìa bản photo, tôi ghé xem và hoa mắt. Một
trong hai cái thẻ, tên của tay “cán bộ quân báo” là…Châu Phát Lai Em.
Thằng giang hồ bự này tôi khá rành, chỉ tại tức thời không nhớ ra, nhưng vẫn
máng máng thấy quen. Quen và rất nghi.
Phải hai năm sau, khi vụ án Năm Cam bước
vào cao trào bắt bớ hàng loạt, mối hoài nghi của tội mới được giải đáp. Ngày 22
- 6 - 2002, trung tá quân báo Võ Văn Ngọc, thường gọi là Ngọc “sọ não” bị quân
pháp lột lon, còng tay. Duy nhất thời điểm đó chỉ có VnExpress đăng tin và báo
ANTG đăng bài “Vì sao Ngọc “sọ não” bị khởi tố, bắt khẩn cấp?” do tôi
viết.
Các báo khác không đưa tin, bởi ngay khi
Ngọc bị xử lý, một lệnh không văn bản nào đó đã yêu cầu báo chí không được đề
cập đến nhân vật và vụ việc này. Báo ANTG đăng bài in trước khi có lệnh. Vì
thế, trong giao ban báo chí sau đó, báo ANTG đã bị Ban tuyên giáo Thành ủy điểm
tên, nhắc nhở. Tôi vì cầm đèn chạy trước ô tô, dù viết bài có nội dung không hề
sai cũng bị kỷ luật, bị xếp hai tháng loại C (nộp phạt bằng 2/3 lương tháng).
Sự thật là tay quân báo giang hồ Ngọc
“sọ não”, lợi dụng chức vụ, đã cấp hàng trăm thẻ quân báo cho bọn lưu manh,
giang hồ Sài Gòn làm bùa hộ mệnh khi có dính líu với luật pháp. Một nửa đàn em
loại gộc trong băng đảng Năm Cam – những tên chuyên bảo kê, cho vay nặng lãi,
gá bạc... có thẻ quân báo, bị ban chuyên án thu lại hết.
Trong số này có anh em Châu Phát Lai
Anh, Châu Phát Lai Em, Châu Phát Lai Út và hung thần giang hồ Nguyễn Văn Thọ,
kẻ cầm đầu vụ giết Thượng sĩ Phan Lê Sơn và người bạn Hồ Phước Hưng tại quán
Cấm Chỉ, đường Hải Triều, Quận I đêm 26 - 1 - 2000. Thọ là cháu gọi Năm Cam
bằng cậu ruột (mẹ của Thọ là bà Trương Thị Điệu, chị ruột Năm Cam). Biệt danh
Thọ “đại úy” chỉ xuất hiện trên giang hồ từ khi Thọ cầm được tấm thẻ quân báo
này. Giang hồ gọi những tên có thẻ lụi này là đám “sĩ quan đồng hoa”. Già
tuổi thì gọi thiếu tá, đại úy, còn loại mặt rô búng ra….mụn trứng cá thì gọi
trung úy, thiếu úy, dù trên thẻ không hề ghi bậc hàm nào cả.
Như vậy, chuyện “sao vạch đồng hoa”
nôm na trong giang hồ, trước hết là để chỉ những người được xem là làm việc cho
lực lượng vũ trang, nhưng xuất thân không phải từ sĩ quan chính quy trong quân
ngũ. Cách gọi sặc mùi giang hồ, song về bản chất, đây lại là cả một chính sách
nghiêm túc, hợp pháp, cần thiết, chỉ là trong một số trường hợp bị lợi dụng làm
bậy.
Có nhiều loại “sĩ quan đồng hoa”.
Thứ nhất, đó là những người có chuyên môn cao, là chuyên gia khoa học, kỹ thuật
thuộc lĩnh vực nào đó, được quân đội hoặc công an tuyển dụng, đồng hóa quân hàm
để phục vụ lâu dài. Trong thời chiến, điều này rất bình thường, quốc gia nào
cũng áp dụng. Nếu đọc cuốn “Hai số phận” của bậc thầy tiểu thuyết người
Anh Jeffrey Archer, bạn sẽ thấy hai nhân vật chính Kane và Abel, một nhà tài
chính và một ông chủ khách sạn đều tham gia chiến tranh thế giới II với bộ quân
phục đóng lon trung tá và lon đại úy, dù trước chiến tranh họ chưa từng một
ngày trong quân ngũ.
Mô típ nhân vật “sao vạch đồng hoa” này
tiếp tục được tác giả lặp lại trong cuốn “Quyền lực thứ tư”, với hai sĩ
quan cùng mang lon đại úy trong quân đội Hoàng gia Anh là Richard Arstrong và
Keith Townsend. Tôi viết bạn có thể hoài nghi, vì tôi chỉ là một gã cầm bút vô
danh. Nhưng Jeffrey Archer nói thì đáng tin đấy. Không những là nhà văn nổi
tiếng, ông thần này còn từng là nghị sĩ Nghị viện Anh Quốc, thậm chí đã có giai
đoạn giữ chức Thủ tướng. Lẽ tất nhiên, người như ông ấy thì không thể nói, viết
bừa bãi, xạo hay thiếu hiểu biết.
Nhưng mà thôi, kệ mẹ nước Anh với nước
Mỹ thời chiến, hãy quay lại với Sài Gòn, Việt Nam, thời bình. Năm 1996, Trung
tâm điện toán quân đội được thành lập, trụ sở gần sân bay Tân Sơn Nhất. Giám
đốc Trung tâm lúc đó là Thượng tá, Tiến sĩ Lê Trường Tùng. Trung tâm đã tuyển
một người làm phó giám đốc là Tiến sĩ toán học Dương Kiều Hoa. Quân hàm đầu
tiên của chị Hoa là Thiếu tá. Phải thôi, trình của nữ Phó Giám đốc này chắc là
rất cao, trước đó đã có 14 năm du học ở Đức.
Chị từng có nhã ý giúp dạy tại gia một
người anh họ của tôi món Auto Cad. Bài học đầu tiên, chị bắt dùng con chuột nối
chính xác 2 điểm 180 lần/ phút khiến học trò phồng tay, hoa mắt… và chạy mất
dép. Cô giáo đuổi thẳng cổ, bĩu môi bảo: “Quá xoàng, biến! Bà giáo bên Đức
còn bắt tao nối được những 300 lần/phút mời cho theo học đấy!”. Mở ngoặc
nói thêm, chị Dương Kiều Hoa là em gái của nhà văn nổi tiếng Dương Thu Hương.
Loại sao vạch đồng hoa thứ hai thường
được tuyển ngay từ trường đại học, theo tỉ lệ đăng ký xuất phát từ nhu cầu đáp
ứng chuyên môn của công an hoặc quân đội. Thời chúng tôi học đại học (đầu thập
niên 1990), trước khi tốt nghiệp, sinh viên đều phải ký cam kết tham gia sĩ
quan dự bị, nếu được động viên là nhập ngũ ngay với quân hàm thiếu úy hoặc
trung úy (nếu kết quả tốt nghiệp xuất sắc).
Những người này chỉ là sĩ quan kỹ thuật,
mang quân hàm gãy, không phải là sĩ quan chỉ huy. Thời gian phục vụ tại ngũ có
thể từ 3-5 năm. Sau đó nếu cá nhân có nhu cầu hoặc quân đội có yêu cầu, họ có
thể phục vụ quân đội vĩnh viễn, thành sĩ quan thực thụ, tất nhiên là sau khi đã
kinh qua các khóa đào tạo nghiệp vụ quân đội, công an lên đến bậc học viện để
trở nên chính quy, bài bản.
Loại thứ ba, chủ trương tham gia làm
kinh tế trong thời bình đã khiến trong quân đội hình thành nên một loạt công
ty, được phiên ngang tương đương cấp trung đoàn hoặc binh đoàn, làm trong các
lĩnh vực sản xuất, xây dựng, thương mại. Ở Công an ít hơn, nhưng cũng có một số
đơn vị hoạt động kinh tế, gọi là công ty bình phong, chủ yếu phục vụ cho hoạt
động tình báo. Nâng lên cấp Tổng công ty hoặc Tập đoàn, quy mô của các đơn vị
này sẽ tương đương Sư đoàn. Lẽ tất nhiên, lãnh đạo công ty, tập đoàn phải là sĩ
quan trung – cao cấp, với chức vụ tương đương đi kèm với quân hàm có số sao và
vạch tương ứng.
Út Trọc Đinh Ngọc Hệ, trước khi được
điều động về Tổng công ty Thái Sơn năm 2009 và giữ chức Chủ tịch HĐQT của Công
ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn (gọi tắt là Công ty Thái Sơn) đã từng
công tác ở Tổng công ty xây dựng công trình hàng không ACC (Quân chủng Phòng
không - Không quân). Về Thái Sơn, ông ta là Phó Tổng giám đốc phụ trách đối
ngoại của Công ty này. Việc Đinh Ngọc Hệ mang quân hàm Thượng tá là bình
thường, phù hợp với chức vụ, có quá trình phục vụ và thăng tiến trong các đơn
vị kinh tế của quân đội một cách…đúng quy trình. Như vậy, đây là trường hợp sĩ
quan quân đội phạm tội và bị xử lý, hoàn toàn không phải là tội phạm xuất thân
chui sâu leo cao vào quân đội như dư luận hoài nghi.
Loại thứ tư, do nhu cầu hợp tác phát
triển, một số đơn vị thuộc lực lượng vũ trang đã liên doanh liên kết với các
đơn vị kinh tế tư nhân bên ngoài theo tỉ lệ góp vốn nhất định. Sau khi sáp nhập,
lẽ đương nhiên tùy theo tỉ lệ góp vốn, doanh nhân ngoài quân đội sẽ trở thành
giám đốc hoặc phó giám đốc đơn vị liên doanh.
Đã là chỉ huy của một đơn vị thuộc quân
đội, công an thì anh ta phải trở thành người của lực lượng vũ trang, được phiên
quân hàm tương đương theo chức vụ, trở thành sĩ quan cấp tá, nếu đơn vị mới
tương đương trung đoàn, binh đoàn. Kể từ đây, viên sĩ quan mới sẽ buộc phải
trải qua các khóa đào tạo, bắt đầu là từ các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ gọi nôm na
là “tráng men”, sau đó nâng dần lên theo tiêu chuẩn đào tạo bắt buộc đối với sĩ
quan chỉ huy. Và cũng tất nhiên, kể từ đây thì theo sự thăng tiến, mức lương,
sao và vạch sẽ được nâng dần, theo luật là 4 năm một lần cho cấp hàm từ đại tá
trở xuống.
Một người quen của tôi sinh năm 1974, đi
nghĩa vụ quân sự và phục viên năm 1995. Trở về, anh này dần dần trở thành một
doanh nhân thành công, có vài đoạn không hẳn đã hoàn toàn minh bạch. Năm 2008,
một cú liên doanh đã giúp anh ta trở thành thượng tá, chánh văn phòng của một binh
đoàn có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh. Bây giờ, anh ta đã tiến xa hơn nhiều, đã tốt
nghiệp học viện quân sự và đang – nghe nói – có cơ hội lên cao hơn nữa để đeo
lon tướng.
Trường hợp Vũ nhôm phải được xếp vào
loại thứ 5, không hề giống bất kỳ trường hợp nào trong bốn loại trên. Vũ chưa
tốt nghiệp phổ thông trung học, dĩ nhiên không đủ điều kiện, tiêu chuẩn đào tạo
để thành sĩ quan chỉ huy với quân hàm thượng tá. Có quân hàm này là do sự lập
lờ, tự công nhận công ty của Vũ là công ty bình phong, đem ông chủ công ty với
bí danh AV75 ra phiên ngang quân hàm hoàn toàn sai luật.
Âm mưu, lòng tham của một vài cán bộ cao
cấp đã giúp Vũ, một kẻ luôn âm mưu phạm tội trong làm ăn kinh tế có cơ hội chui
sâu, có được tấm thẻ Thượng tá Công an. Tất cả là nhờ cái mác công ty bình
phong, trong ngành tình báo đặc thù gần như ít ai có điều kiện phanh phui, phát
giác. Nếu là ở một đơn vị khác ngoài ngành tình báo quá bí hiểm đối với xã hội,
Phan Văn Anh Vũ sẽ tuyệt đối không có cơ hội này, dù có rải bao nhiêu tiền. Đây
sẽ là một tình tiết ly kỳ và quan trọng mà các cơ quan luật pháp đang tích cực
điều tra làm rõ.
Đại khái, câu chuyện sao vạch đồng hoa
của Vũ nhôm cũng không khác mấy về độ tào lao và trắng trợn như vụ thẻ quân báo
20 năm trước trong đường dây Ngọc “sọ não”. Khác chăng là về quy mô, nó lớn hơn
bội phần, được thực hiện trắng trợn và nguy hiểm cho xã hội hơn bội phần.
P/S: Bản photo tấm thẻ quân báo của Châu
Phát Lai Em tìm mãi không ra. Khi nào tìm được, bổn giang hồ sẽ post bổ sung.
Tìm không được khỏi post.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.