mercredi 11 avril 2018

Vũ Kim Hạnh - Chơi với Hoa, chuyện khó đỡ


Trái cây bày bán tại một chợ ở Bắc Kinh.

Anh bạn tôi, Việt kiều Canada về làm ăn trong nước đã lâu, hẹn tôi đi ăn tối. Anh nói, thấy chị ca ngợi công nghệ Phigital của Alibaba hai số liền của Thế giới Tiếp thị, tôi muốn gặp chị, nói chuyện thực tế làm ăn với họ. Tôi có một câu hỏi cho anh và anh có một lời chê cho tôi. 

Tôi hỏi anh về dự báo cuộc chiến mậu dịch Trung-Mỹ. Anh nói, Mỹ-Hoa đánh nhau hả, cứ từ từ, chuyện đâu còn có đó (anh quen gọi là Mỹ-Hoa, không gọi là Trung Quốc, cũng không gọi là Tàu). Còn lời chê cho tôi, anh thẳng thắn, chị viết về cách buôn bán với người Trung Quốc  không thực tế: chuyển từ tiểu ngạch qua chính ngạch, nói thiệt với chị, chơi với Hoa, không dễ như nói lý thuyết nhé. Tôi làm thinh nghe.

Anh hỏi, chị biết là chưa nổ ra cuộc chiến thương mại là chính phủ Hoa đã buộc thực phẩm Việt nhập vô xứ họ phải có CO không? Đó là chặn trước hàng Mỹ đi vòng qua Việt Nam vô xứ họ. Tôi cãi, họ mới là chúa rửa nguồn, toàn nhập bán thành phẩm hay nguyên liệu qua Việt Nam rồi đóng gói dán nhãn “made in Vietnam” xuất đi mát trời. Anh nói tại Việt Nam không cấm hay phạt, nhiều khu công nghiệp còn chào đón. Nhưng hôm nay tôi nói chuyện thực tế của tôi, “chơi với Hoa nhiều chuyện khó đỡ” đây. Chị biết là tôi có mấy trang trại hữu cơ trên Daklak, Bảo Lộc, Gia Lai, đúng không? Tôi nhổ neo khỏi Gia Lai vì dính chưởng của Hoa.

Tôi trồng mít cả trăm hecta ở đây. Mở hai xưởng sơ chế. Họ đến, nói muốn mua lại vì thấy mít tốt quá. Dĩ nhiên tôi không bán. Rồi bỗng một hôm mọc lên ba cái xưởng sơ chế mít chung quanh, và nông dân thì tìm đủ cớ không bán cho mình nữa. Họ đã lặng lẽ bỏ tiền đặt cọc mua mít giá cao hơn và dựng xưởng với chính công nhân của tôi, lương gấp đôi.

Trang trại tôi ở Bảo Lộc cũng suýt bị y chang vậy. Một nhóm người Hoa khác cũng xin mua trang trại. Tôi không bán và lập tức đề phòng, siết chặt ngay hàng ngũ nông dân vệ tinh, báo động với chính quyền địa phương chuyện phải coi chừng những xưởng chế biến không giấy phép được mở.

Tôi chặn anh, hỏi. Ở Việt Nam, địa phương quản lý lỏng lẻo nên họ dám quậy vậy thôi, nơi khác họ dám không? Anh cười, truyền thống mà chị. Bài của họ ở đâu cũng vậy. Tôi có hùn với anh bạn làm nhà máy chip điện tử ở Đài Loan. Bọn thương nhân Hoa thấy làm ăn được là “cướp người” ngay. Các quản đốc của chúng tôi được trả lương gấp đôi, rồi họ bơm tiền cho mở nhà máy ngay bên cạnh. Mất người coi như mất hồn, ứng biến không kịp, nhà máy chúng tôi sập.

Anh bạn kể tiếp, một người bạn khác của tôi có một mặt hàng bán chính ngạch rất thành công bên họ. Là họ mò về tận cái nôi sản xuất, gom các đầu mối sản xuất nguyên liệu, mở nhà máy (máy móc thì họ luôn sẵn) và ác hại hơn là cả bộ máy phân phối cũng bị họ mua đứt luôn từ hồi nào. Đó, tụi tôi gọi là chơi kiểu “cướp 3 trong 1”: cướp nguồn nguyên liệu, công nghệ sản xuất và cả thị trường. Tất cả bằng kỹ năng mua chuộc và...tiền, tiền vô thiên lủng là tiền. Họ chỉ thiếu một thứ: đạo đức kinh doanh. Cho nên tôi vẫn làm ăn với họ nhưng bây giờ, biện pháp an ninh bảo toàn tình mạng cho trang trại, cho nhà máy tôi giương lên 24/24. Ngơ ngơ như mấy ông Mỹ với Úc là bị nó ăn thịt chị ơi.

Tôi chợt nghĩ tới cô bạn trẻ năng động tài hoa, chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Đà Lạt, cô Hà Thúy Linh có trang trại và xưởng trà Ô long ở Cầu Đất của tôi. Thân gái dặm trường, một mình qua xứ đó đòi nợ và phải bỏ mạng. Anh bạn tôi nói, thị trường họ lớn qáa, ai cũng ham nhưng sức mua không cao và trận đồ bát quái thì quá nguy hiểm, doanh nhân Việt cần hiểu rõ để khỏi sập tiệm hay bỏ mạng.

Tôi lại hỏi anh bạn về kinh nghiệm mà môt anh bạn Mỹ kinh doanh công nghệ ở Trung Quốc thành công đã truyền lại. Rằng nếu bạn muốn đem sản phẩm qua kinh doanh ở Trung Quốc, ngoài các chi phí chính thức thì phải tính thêm: chi phí dưới bàn, chị phí thiệt hại khi hàng bị nhái, bị làm giả, chi phí đi kiện tụng, chi phí thuê vệ sĩ khi đi kiện đối tác...Cộng tất cả, cộng cho đủ, nếu mà thấy còn lời thì OK, go!

Anh cười, cũng có lý, tuy nhiên, những khoản chi phí “đặc thù” đó lại quá linh hoạt, đâu dễ tính đủ. Chắc thấy mặt mày tôi có phần ủ dột, anh an ủi. Nhưng đừng lo chị, miễn mình biết trước và đề phòng đầy đủ. Vỏ quít dày có móng tay nhọn. Vả lại, đừng bỏ hết trứng vô một giỏ, giỏ của anh Hoa này khó chơi, vừa tham vừa ác. Chị giúp doanh nghiệp mở thêm thị trường đi Hàn, Nhật, Úc, Mỹ, châu Âu...họ không có khó chơi như chơi với Hoa đâu.

FB VŨ KIM HẠNH 11.04.2018

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.