Ca sĩ Ái Vân trong dịp giới thiệu cuốn hồi ký "Để gió cuốn đi". Ảnh Zing |
Giả sử là sự thật, thì sự thật để làm gì
và bạn có đối mặt được không?
Ái Vân, nữ ca sĩ gọi là nức tiếng của
Việt Nam thập niên 80, có một cuộc đời theo những gì chị từng chia sẻ, rất bão
tố. Nhiều giai thoại, đồn đoán và có cả việc người trong cuộc nói, thì chặng
đời bão tố nhất là sống với người chồng cũ. Chị ra sách, cũng tính kể một phần
nào những ngày được hiểu là "bão" ấy, nhưng suy đi tính lại,
chị quyết định không nói ra nữa. Không nói, nhưng chị vẫn đồng ý để trống 8
trang sách, và vẽ lên đó hình của những cơn bão.
Trong lịch sử xuất bản sách có lẽ điều
này là ngoại lệ. Thôi thì cứ để bão vờn trên trang giấy, hơn là bão kéo về
trong lòng người một lần nữa, dù câu chuyện đã trôi qua gần một nửa đời người.
Khi ra mắt, chị và phía đơn vị xuất bản
có một cuộc giao lưu với các nhân vật trong sách. "Tác giả"
của cơn bão năm xưa cũng "hiện hình", im lặng, nhận sách và
chắc chắn, sẽ xem những trang giấy trống ấy.
Sự bẽ bàng nhiều khi còn đắt giá hơn cảm
giác trả đũa cảm xúc, bởi vì cuộc đời rồi ai cũng phải nhìn lại quá khứ của
mình mà thôi. Nhưng thà thế đi, đôi khi còn hơn tỉ lần những kiểu huỵch toẹt
của người trong cuộc. Nhất là huỵch toẹt trên truyền thông. Đã cái miệng mình,
dốc hết nước mắt khóc cạn hôm nay cho quá khứ đau đớn. Nhưng nước mắt ấy, chảy
ngược vào tâm hồn con cái, thành vết thương không dễ gì lấp được.
Nhất là, câu chuyện cuộc đời bị đem ra
cho người đời nghi kỵ, mổ xẻ, bình phẩm. Tự dưng con cái cũng không hiểu thật
giả như thế nào ở những người sinh ra chúng.
Tôi từng là một người mà tự nhận là
phỏng vấn câu chuyện cuộc đời của nhân vật khá sâu. Tôi đủ khôn khéo và thậm
chí cả mánh lới để nhân vật phải khai cho bằng hết. Tôi từng tự hào về điều đó.
Nhưng sau này, như một bài trên báo Lao
Động, tôi viết rằng tôi rất ân hận về điều này. Có những nhân vật tôi để họ nói
nỗi đau của cuộc đời họ ra, rồi cuối cùng chính họ lại đau thêm. Tôi hay bạn
đọc với những giọt nước mắt cảm thông mơ hồ, cũng chẳng làm lành vết thương cả
cũ lẫn mới, cho họ.
Có những bí ẩn cuộc đời được nói hết ra,
dù nhân vật được giấu tên, nhưng tôi tự thấy, giá đừng kể sẽ hay hơn. Ừ, thì
nhân vật nhẹ lòng nhưng chuyện cũng là chuyện riêng. Giả sử có xác tín hai
chiều cũng chẳng để làm gì vì suy cho cùng đó là riêng tư, cuộc đời ai chẳng
có.
Khi xuất bản cuốn Thân phận và hào
quang, những bài trong sách báo chí đăng lại, một vài nỗi đau đâu đó lại
thoảng về. Chị Minh Anh, nhân vật được nhắc đến trong bài viết Sự thật về người
thứ ba bí ẩn trong cái chết của Lê Công Tuấn Anh, đã biên status dài và nói rõ
tâm trạng của chị khi thông tin xuất hiện lại. Tôi cùng các anh chị đồng nghiệp
hạ các bài báo ấy xuống, và tự hủy luôn cuốn Thân phận hào quang 2 - khi
chuẩn bị tung bản thảo để xuất bản.
Tôi dừng lại công việc phỏng vấn cuộc
đời nhân vật, rẽ nghề sang một hướng khác. Đời ai cũng có những sự thật, nhưng
khi người ta đã muốn quên - có thể là một trong hai người đó - thì mình cũng
đừng khơi lại làm gì. Nhất là khi mình chưa nằm trong cuộc đời họ và tâm can họ
để biết họ nói ra với mục đích gì.
Những bi thương ngày cũ với lòng vị tha
nào đó được bảo bọc trong từng ngôn từ bao dung vĩ đại, có khi là một phát đại
bác hủy diệt đến vô cùng. Vì ai cũng cần có nhu cầu được hồi sinh sau những cơn
địa chấn quá khứ, thì khơi lại làm gì khi những nham thạch nóng lại chảy vào
chính những người thân của những người liên quan trong câu chuyện ấy, ngay khi
câu chuyện được kể và mãi về sau...
Thực sự, nếu đưa ra một câu chuyện cuộc
đời không có một giá trị nhân văn hay giáo dục gì, ngoài sự tò mò cho chạm đủ
góc đời người ta, thì đừng viết. Nhu cầu của người đọc đôi khi muốn tò mò về sự
thật, nhưng khi mình đặt mình vào họ, cả người kể lẫn những người được nhắc
đến, hỏi xem bao người có thể đối mặt với sự thật ấy?
Một anh nhà báo cũng khá có tiếng, từng
ngồi lôi hai nhân chứng, một ông cựu tù và một ông cai tù ra đấu tố nhau trên
mặt báo sau 30 năm, ông này chỉ ông kia về những tội trạng quá khứ. Mặc dù ông
kia, sau giải phóng, ông đã tự trốn vào rừng sống xa lánh loài người vì cái quá
khứ mình đã gây ra cho đồng loại. Phỏng vấn hai chiều đấy, nhưng để làm gì cơ
chứ? Quên lãng và thứ tha không hiện ra, chỉ có nhớ dai và thù hận. Chúng ta
được gì?
Sau này, xem một số sự cố như chương
trình Phía sau hào quang, hay một số bài phỏng vấn gần đây, cũng như một
số cuốn hồi ký, ví dụ hồi ký Thương Tín, thì tôi thấy rằng, việc tôi dừng phỏng
vấn đời tư nhân vật, là một quyết định đúng đắn. Và tôi từng rất áy náy, bởi
một số đời tư dù đầy mưa gió bão bùng được đưa ra, nhưng chẳng mang một giá trị
hay bài học lớn nào để người đọc sống hướng thiện và nhân văn hơn cả.
Là chia sẻ cá nhân, còn các đồng nghiệp,
các bạn làm gì là việc của các bạn. Làm đau người khác thì dù chúng ta, nếu
càng giỏi trong nghề nghiệp, thì lại càng nguy hiểm.
FB HOÀNG NGUYÊN VŨ 04.04.2018
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.