mercredi 4 avril 2018

Nguyễn Văn Phước - Một Đặng Lê Nguyên Vũ tôi biết



Ảnh FB Nguyễn Văn Phước.

Tôi là bạn của Vũ nhiều năm. Tôi từng lên núi rừng M’Drak, cùng đốt lửa trại thức thâu đêm trò chuyện với Vũ và tham gia đồng hành cùng Trung Nguyên nhiều chương trình xã hội. Vũ cũng tham dự nhiều sự kiện văn hoá của First News. Anh em gặp nhau thường trăn trở, chia sẻ rất nhiều về tình hình đất nước, vận mệnh dân tộc và hướng đi nào phù hợp cho các bạn trẻ Việt Nam. Vũ cùng tôi đặt tựa sách cho những cuốn tâm đắc. Vũ rất sáng ý, đột phá, mạnh mẽ và quyết liệt.

Tôi quen biết nhiều người có tầm ảnh hưởng tới cộng đồng, xã hội. Nhưng tôi phải ngạc nhiên thừa nhận rằng, có ít doanh nhân nào hoài bão như Vũ: luôn trăn trở đau đáu về tình hình xã hội, vận mệnh tương lai quốc gia và suy nghĩ về tinh thần quốc đạo của người Việt, dân tộc Việt. Vũ coi những điều đó như là sứ mệnh của bản thân, hơn cả kinh doanh, gắn liền với cuộc đời Vũ. 


Tôi cảm nhận những gì Vũ nói và chia sẻ thực sự là từ hoài bão, khát vọng cháy bỏng của Vũ chứ không phải đại ngôn hay vĩ cuồng như nhiều người phán xét. Tôi nhận thấy Vũ là một người có khả năng đặc biệt và tầm nhìn, suy nghĩ khác biệt với phần lớn những người xung quanh. 

Và - như một định mệnh - điều đó dường như đúng với một câu nói nổi tiếng: “Ai khác biệt và đi nhanh ắt phải đi một mình trong cô đơn”.

Vũ tâm đắc bài thơ của Lý Thường Kiệt: “Nam Quốc sơn hà Nam đế cư, Tiệt nhiên định phận tại thiên thư…” và khát khao về một nước Việt hùng mạnh - không thể thua kém các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á được - và không chỉ về cà phê...

Anh em chơi thân với nhau vì cùng quan điểm ở một số vấn đề cuộc sống, trong công việc nhưng cả hai đều không bao giờ đề cập đến chuyện gia đình riêng tư. Lần nào gặp dường như cũng không đủ thời gian chia sẻ.

Lần thiền nhịn ăn 49 ngày năm 2013, Vũ có mời tôi lên M’Drak – Đắk Lắk, nhưng vì công việc ở First News lúc đó đang tổ chức nhiều sự kiện lớn, nên tôi không tham gia được. Hơn một năm sau lần thiền đấy, tôi gặp lại Vũ ở Sài Gòn, cùng đi ăn rồi nghe một người bạn đàn piano. Lúc đó Vũ gầy hơn, trầm tĩnh, ít nói và suy tư nhiều hơn, nhưng mỗi lời Vũ nói ra, người đối diện cảm nhận được ở Vũ có rất nhiều năng lượng. Một thứ năng lượng vững vàng không thể khuất phục, không thể dịch chuyển. Thỉnh thoảng Vũ vẫn pha trò với giọng cười hào sảng như xưa. 

Một lần khác sau lần gặp đó, Vũ mời tôi về ngôi nhà sân vườn sát sông Sài Gòn uống trà chiều. Buổi trò chuyện hôm ấy cũng khá lâu. Những câu chuyện vẫn xoay quanh những chủ đề mà Vũ đau đáu từ đó đến giờ, và tôi cũng rất quan tâm.

Vũ thỉnh thoảng vẫn nhắn tin trò chyện với tôi lúc quá nửa đêm. Vũ rất quan tâm đến bạn bè. Tối 29 Tết năm kia, dù bận rộn, từ M’drắk Vũ nhờ trợ lý về Saigon mang tặng tôi một món quà nhỏ rồi đi ngay. 

Năm 2015, Trung Nguyên thực hiện dự án tặng 1,8 triệu cuốn sách cho 1,8 triệu chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam ; và tôi phải trực tiếp tham gia làm việc cùng với Nhà xuất bản (NXB) Quân Đội để hỗ trợ Trung Nguyên thực hiện dự án này. Dự án tặng sách cho các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam đã kéo dài hơn hai năm nay. Và đây là một hành trình vô cùng vất vả mà First News cùng Trung Nguyên thực hiện nhưng vẫn chưa đến đích. 

Tôi không thể nhớ được bao nhiêu lần bản thảo cần sửa chữa, điều chỉnh theo yêu cầu từ NXB Quân Đội. Từ lời giới thiệu cuốn sách, lời đề tặng… Hơn hai năm trời ròng rã cho một dự án rất cao đẹp, tưởng chừng có thể thực hiện trong vài tháng. Thời gian là tiền bạc. Nhưng Vũ rất kiên trì để có thể thực hiện. Yêu cầu sửa một câu cũng xem xét để sửa, để bản thảo được NXB Quân Đội duyệt in. Rất hiếm doanh nhân nào ở Việt Nam có thể làm được như Vũ.

Tôi biết đích thân Vũ là người điều hành dự án này, chỉ đạo và trực tiếp kiểm duyệt để nội dung phù hợp với yêu cầu từ NXB Quân Đội mà không làm mất đi giá trị nội dung của những cuốn sách ấy. Mỗi lần thay đổi câu từ là mỗi lần tôi đọc lại bản thảo và biết chỗ nào là Vũ sửa. Không thể nói là Vũ có vấn đề gì đó không bình thường khi Vũ vẫn làm việc, kiểm duyệt từng bản thảo nội dung các cuốn sách để tặng cho thanh niên Việt.

Vũ và tôi còn bàn dự định sau đó liên hệ in tặng sách Đắc Nhân Tâm cho Lực lượng Công An Nhân Dân nữa. Chắc chắn không một ai nghĩ đến điều đó.

Từ năm 2016 tới nay, mọi người đều nhìn thấy hệ thống quán Trung Nguyên Legend thay đổi hoàn toàn; mô hình khởi nghiệp Trung Nguyên Family dành cho các bạn trẻ. Mới đây là E-Coffee và hành trình Khởi nghiệp Kiến quốc dành cho thanh niên Việt vẫn diễn ra ở khắp các trường Đại học… 

Những dự án, vận hành kinh doanh tạo ra hàng nghìn việc làm cho người lao động Việt, tạo ra cả giá trị vật chất, tinh thần cho cả cộng đồng xã hội, và theo đuổi dự án tặng sách vô cùng ý nghĩa… Phải nói bên cạnh Vũ là cả một đội ngũ anh em rất chuyên nghiệp, tâm huyết, trung thành và hết sức tận tâm với Vũ và Trung Nguyên từng ngày một.

Mọi người thắc mắc tại sao Vũ lại có thể im hơi lặng tiếng suốt nhiều năm qua, ít tiếp xúc với bên ngoài, trái ngược với trước đó. Tôi thì lại thấy đó là điều rất bình thường. Bất cứ ai trong chúng ta đến một lúc nào ngộ ra một điều gì đấy, cảnh giới nào đấy đều cần những khoảng không gian tĩnh lặng dành riêng cho mình, chỉ để tập trung nội tâm vào những điều mình muốn thực hiện. Cả bản thân tôi có nhiều giai đoạn cũng vậy. Và sóng gió, thăng trầm, đau ốm, buồn vui cuộc đời ai mà chẳng có lúc có.

Trở lại bài phỏng vấn của Thảo gần đây. Dư luận xôn xao, truyền thông dậy sóng phán xét. Nhưng tất cả chúng ta đều quên mất một điều quan trọng, Thảo có lý do để chia sẻ không gian nội tâm của riêng Thảo, Vũ có lý do giữ yên lặng cho không gian nội tâm riêng của Vũ; Trung Nguyên có không gian công việc và kinh doanh riêng bằng uy tín thương hiệu của Trung Nguyên. 

Không gian nào thì nên chia sẻ trong không gian đó. Chúng ta không thể cào bằng các không gian đó thành một mặt phẳng của một tờ báo - dù được thiết kế trau chuốt rất đẹp - để tạo nên những va chạm, xung đột, nghi ngờ, suy luận không đáng có, không lường trước được. Và cho mình chỉ dựa vào câu từ mà có quyền đánh giá, phán xét một chiều. 

Tôi hiểu vậy nhưng vẫn cảm thấy rất buồn. Vì câu chuyện thực tế cuộc sống do chính mỗi người chúng ta góp phần tạo nên đang ảnh hưởng đến không gian uy tín của nhiều bên khác liên quan. Cụ thể ở đây là thương hiệu Trung Nguyên – thương hiệu Quốc gia; hệ sinh thái Cà phê do Thảo – Vũ tâm huyết xây dựng suốt hơn 20 năm qua đang bị tổn thương, dù nó không liên quan trực tiếp tới câu chuyện cá nhân gia đình giữa Thảo và Vũ mà mọi người đang quan tâm.

Và sau cùng - ai cũng thấy rõ là chẳng có ai có lợi và cảm thấy thực sự hài lòng từ loạt bài phỏng vấn đó cả. Kể cả nhân vật, người thực hiện, các bên liên quan - dù ban đầu lượng view rất cao và bạn đọc chia phe tranh cãi nhau kịch liệt. Còn nói muốn xích lại gần nhau và hòa giải thì chắc chắn cách đưa hết lên mặt báo là không đúng và càng làm xa nhau rồi. Thật quá tiếc !

Tôi nhận thấy hầu hết chúng ta chỉ quan tâm tới những sự kiện mang tính thời điểm mà không quan tâm tới những quá trình tiến hóa, phát triển và tính logic, kế thừa. Theo tôi, nguyên nhân cốt lõi, sâu xa cho câu chuyện giữa hai người bất kỳ mà ít ai đề cập rất có thể là do nội tâm, suy tư, trăn trở, tầm nhìn, sứ mệnh, quan điểm, khát vọng và mục đích sống của hai bên đã từng bước dần rời xa nhau -  trong suốt hành trình đồng hành cùng nhau, mà cả hai bên đều hiểu và ý thức được trước đó. 

Cả hai người đều yêu và đam mê cà phê. Nhưng nếu chỉ có một điểm chung về cà phê Việt Nam; hệ sinh thái cà phê thì có thể hơi chật hẹp - với những gì tôi hiểu, cảm nhận về hoài bão của Vũ, mọi người biết về Vũ. Khi những khoảng không gian giữa chúng ta càng ít chạm được vào nhau, hay còn định kiến, bảo thủ, cố chấp thì chúng ta càng cách xa nhau. Đó là quy luật tất yếu của cuộc sống. Tất nhiên - nếu dung hòa, cân bằng được là một điều quá tốt, vì còn gia đình và những đứa con nữa.

Viết tới đây tôi tự nhiên nhớ đến bức tượng đồng vị anh hùng gốc Achentina Che Guavara mà Vũ nhờ đúc tặng tôi, người đã từ bỏ mọi thứ lợi danh đời thường vì lý tưởng, sứ mệnh của mình. Vũ rất thích Che.

Vũ trụ, vạn vật đều đang biến đổi, phát triển từng giờ. Con người cũng vậy. Chúng ta không thể đóng khung một người nào đấy trong cái khung ảnh chúng ta đã biết họ cách đây 20 năm. Nếu chúng ta không chấp nhận, không thích nghi, không hiểu hết được sự thay đổi, phát triển nội tâm của một ai đó thì có nghĩa chúng ta đã bị dừng lại. Hoặc chúng ta cũng đã phát triển theo một hướng khác, không cùng hướng với người chúng ta đã biết, dù từng có thời rất thân thương.

Riêng tôi, vượt ra khỏi những suy luận và cả thực tế, thật sự rất mong muốn một kết thúc có hậu - từng đẹp như câu chuyện cổ tích của Thảo – Vũ ; cho cả hai - nhất là cho những đứa con - và cho Trung Nguyên.

Thời gian ít gặp Vũ cũng là quá trình thực hiện dự án tặng sách cho Quân đội Nhân dân Việt Nam; cùng hàng loạt dự án lớn nhỏ mà Trung Nguyên đang thực hiện. Nhưng với tôi và những ai hiểu chuyện, quan tâm đến Vũ thực sự - chắc chắn Vũ vẫn đang trăn trở hoài bão những điều không chỉ dành cho riêng mình và điều hành Tập đoàn Trung Nguyên tâm huyết như từ khi khởi nghiệp.

Và tôi - cũng như rất nhiều người ở Việt Nam - thực sự rất mong ngày Vũ trở lại. Việt Nam hiện đang rất cần những người có tầm nhìn, có hoài bão và khát vọng lớn như Vũ.
Và trên cuộc đời này, đâu đó, vẫn luôn còn có những nghĩa tình bằng hữu, quý mến nhau hơn cả với đối tác, anh em. Cho dù có bất kỳ điều gì có thể xảy ra - Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng bạn nhé !

FB NGUYỄN VĂN PHƯỚC 02.04.2018

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.