mardi 24 avril 2018

Dâm thư bôi nhọ danh nhân được tặng giải!



 Nguyễn Đình Bổn - Sách hay hay sách dơ?
Theo báo nhà nước, sáng ngày 19/4, Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ nhất đã được diễn ra tại Thư viện quốc gia Việt Nam. Sau hơn ba tháng chấm giải, các hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia đã xét chọn, công nhận 35 tác phẩm đạt giải Sách hay, giải Sách đẹp.

Trong dịp này có ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch hội Xuất bản Việt Nam, Chủ tịch hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia trình bày báo cáo về giải thưởng. Trong đó có cuốn sách dơ bẩn dưới đây.

Tôi nói nó dơ vì nó viết về chuyện làm tình một cách thô bỉ, thua cả các trang web đen. Tính dục trong văn chương là bình thường, nhưng viết theo cách như vậy chỉ làm bẩn tính dục, bẩn mắt người đọc. Tôi đưa lên đây để thấy cái bọn chấm giải này nó dơ ra sao, và cảnh báo các bạn đừng phí tiền rước của nợ này về nhà.

Bản thân tôi cho rằng tay "nhà văn" XHCN này mua giải!

Yêu cầu : Ông Hoàng Vĩnh Bảo - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản, và cái gọi là Hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia gồm 22 thành viên, trong đó có những ông như Trần Đăng Khoa, giải trình trước công luận vì sao trao giải cho cuốn sách có những trang bẩn thỉu mô tả về chuyện giao cấu nam nữ (mà đây là các nhân vật lịch sử thời Trần).

Các ông muốn gì? Đầu độc thế hệ thanh thiếu niên để dễ cai trị chăng?

Vì sự lành mạnh cần thiết cho môi trường văn hóa của con em chúng ta, mong các bạn tôi chia sẻ yêu cầu này!

Chú thích trong phần bình luận : Hội đồng gồm 22 thành viên, có đại diện Ban Tuyên giáo trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, trưởng các tiểu ban chấm giải chuyên ngành... Các cuốn sách từ Hội đồng Chung khảo đưa lên, phải nhận được ít nhất 50% phiếu bầu của Hội đồng Sách Quốc gia mới được giải. 

Đến tham dự lễ trao giải có đại diện lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các cơ quan, ban ngành Trung ương và Hà Nội; lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông; lãnh đạo Hội Xuất bản Việt Nam; thành viên các Hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia; các tác giả, dịch giả, họa sĩ, nhà xuất bản, nhà in, công ty phát hành sách, công ty sách; các cơ quan thông tấn báo chí.

FB NGUYỄN ĐÌNH BỔN 22-23.04.2018

Tuổi Trẻ - Chim ưng và chàng đan sọt: Đạp đổ thần tượng hay tự ngã dập mặt?

(TTO 24/04/2018) - Dịch giả Lê Quang có một bài viết xung quanh ồn ào Chim ưng và chàng đan sọt. Nhà văn Bùi Việt Sỹ cũng có ý kiến riêng. Tuổi Trẻ Online trích đăng cả hai quan điểm này để rộng đường dư luận.



Gần đây văn chương VN đã có những cởi trói để mở rộng cái gọi là "biên độ hư cấu" khi chạm đến chủ đề lịch sử hay danh nhân lịch sử, dĩ nhiên trong khuôn khổ "phải đạo", nghĩa là không phủ nhận hay phản lại các giá trị được xã hội đồng thuận.



Tuy nhiên, "biên độ" lại cũng là một khái niệm đáng suy nghĩ, và thủ pháp lấp đầy biên độ đó lại càng nên bàn.

Giải thiêng lịch sử là một thủ pháp văn chương

Cái cớ để tôi biên lại mấy suy nghĩ này là tiểu thuyết Chim ưng và chàng đan sọt của Bùi Việt Sỹ, xét về tuổi tác là cây đa cây đề trong Hội nhà văn, lại còn mang trọng trách nắn bút cho giới trẻ ở Trung tâm bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du.

Cuốn sách này đã gây chú ý với giải B (không có giải A) của Hội nhà văn từ cuộc thi tiểu thuyết IV cho giai đoạn 2011-2015. Năm nay lại được bồi thêm giải C Sách quốc gia cho mục Sách hay.

Phàm đã bước vào lãnh địa sáng tác, ai chả muốn gây sự chú ý cho đứa con tinh thần của mình, chứ dại gì bơi xuôi dòng như bọt bèo quán tính? Bùi Việt Sỹ có lẽ cũng nghĩ như vậy khi chọn cách gây hấn, mà cách gây hấn hữu hiệu nhất là bắn viên đạn súng lục vào những giá trị được xã hội im lặng nhất trí công nhận, biết đâu gặp may mà nhận lại viên đại bác?

Vậy ông nhắc đến các anh hùng dân tộc như Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão… trong mấy chi tiết rất "kém thiêng." Không may cho tác giả, cuốn sách chìm nghỉm trong cái bể dư luận im lìm đáng sợ... Vậy thì giải thiêng lịch sử, ví dụ bằng cách miêu tả các vụ loạn luân chẳng hạn, không được bạn đọc chào đón?

Nhân thể cũng phải nói thêm sự to gan tấn công thần tượng của Bùi Việt Sỹ cũng chỉ nửa vời, khi ông tự nguyện đổi đầu đề gốc Chim ưng và vịt (theo danh ngôn chân thành mà thô bỉ của Nhân Huệ vương: "Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ?") thành Chim ưng và chàng đan sọt. Có lẽ ai đó quá thịnh tình với tác giả để hô hấp nhân tạo cho nó từ giải B 2015 lên giải C 2018?

Viết dâm thư cũng là thủ pháp văn chương

Haruki Murakami, nhân vật bền bỉ chờ giải Nobel cả chục năm nay cũng không phải ngoại lệ. Văn học Nhật, như ta biết, rất coi trọng miêu tả tình dục, nhưng là tình dục… kiểu Nhật.

Người Nhật có mối quan hệ rất tự nhiên với tình dục và thể hiện tình dục trong nghệ thuật, song họ khác với Murakami ở chỗ chỉ thưởng lãm tình dục trong bốn bức tường riêng tư. Chỉ Murakami mở đường riêng, chả trách bị người ta ghét?

Elfriede Jelinek, Nobel văn chương 2004 cũng chịu số phận tương tự. Thực tế là cách viết trần trụi, tục tĩu của Jelinek đôi khi khó nhằn. Song có lẽ vì thế mà bà được Hội đồng giải Nobel Thuỵ Điển chú ý?

Hai cây bút đình đám trên chỉ là ví dụ cho thành công văn chương nhờ, một phần, đưa sex lên giấy.

Đã vận đến "dâm thư" theo mọi cách hiểu, không thể không nhắc đến Kim Bình Mai từ thoại, nổi tiếng qua các đoạn dài miêu tả chuyện tình dục phóng đãng, đồng thời hấp dẫn người đọc bởi nỗ lực thoát khỏi vòng kim cô lịch sử để hôm nay được coi như nguồn tham khảo về văn hóa xã hội đời Minh chân thực nhất.

Viết dở không bao giờ là thủ pháp văn chương

Các thủ pháp nêu trên có lẽ không xa lạ gì với tác giả Bùi Việt Sỹ, khi chính ông là người dạy viết lách của Hội nhà văn Việt nam.

Nhà văn Daniel Kehlmann trong Đo thế giới đã ép hai nhân vật lịch sử là nhà khoa học Humboldt và thiên tài toán học Gauss gặp nhau trong đời. Ông ấn vào mồm họ những danh ngôn và triết lý hoàn toàn không được minh chứng. Ông không ngần ngại đánh tiếng về chứng liệt dương của Humboldt.

Nhưng người đọc vừa cười vừa khóc khi đọc về các danh nhân, cảm thương khi đứa con bất hiếu Humboldt thở phào thấy mẹ qua đời, thích thú đọc đi đọc lại đoạn Gauss vùng dậy ghi lại công thức toán học về vạn vật hấp dẫn và bỏ mặc cô vợ nằm tơ hơ trên giường tân hôn, rùng mình chứng kiến đại triết gia bệnh hoạn Immanuel Kant giữa khung cảnh tối tăm bẩn tưởi…

Thủ pháp, nói cho cùng là mẹo dẫn cơm, để dụ người đọc vào bữa tiệc văn chương thịnh soạn. Thức ăn dở đã đáng trách, mẹo dẫn cơm dở thì lại càng không bao giờ đáng được gọi là thủ pháp viết văn.

Chim ưng và chàng đan sọt không thiếu những đoạn rẻ tiền và hạ cấp như đã trích ở trên, ngôn ngữ không chỉ tục tĩu mà ngô nghê như sách cấp ba loại bốn. Tiếc cho chừng ấy cây rừng bị thành giấy lộn. Tiếc cho cả một hội đồng chấm giải hình như ngủ gật triền miên.

Dịch giả Lê Quang

Nhà văn Bùi Việt Sỹ: Tả sex như vậy mới hợp với Trần Khánh Dư!

Tối 23-4, nhà văn Bùi Việt Sỹ trao đổi với Tuổi Trẻ Online quanh phản ứng gay gắt của dư luận về những chi tiết tả cảnh làm tình thô tục trong cuốn sách của ông mới được trao giải C Sách hay quốc gia.

* Dư luận phản ứng gay gắt vì cho rằng ông miêu tả cảnh làm tình giữa Trần Khánh Dư với công chúa Thiên Thụy là thô tục. Ông nghĩ sao?

Tôi không hề dùng từ ngữ thô tục. Tôi chỉ tả một cách gián tiếp và có hình tượng nghệ thuật. Tại sao cuốn sách này ra đời từ năm 2016, được Hội nhà văn Việt Nam trao giải nhì tiểu thuyết xuất sắc mà không thấy ai nói gì? Đến bây giờ, hơn hai năm rồi, khi được trao giải thưởng Sách hay quốc gia thì mọi người lại ùa vào "đánh" những chi tiết này.

Đánh giá như thế nào về những chi tiết này là do tầm văn hóa và suy nghĩ của từng người. Tôi không phê phán họ. Đó là quan điểm của từng người. Tôi không thể cấm mọi người chê tôi, cũng không thể nịnh để mọi người khen tôi.

Nhưng rất nhiều người ở tầng văn hóa cao thì khi đọc sẽ thấy rằng những chi tiết miêu tả cảnh làm tình đó hoàn toàn có tính chất hình tượng chứ không có gì là thô tục, bẩn mắt, bẩn tai... Trong cuốn sách này cũng chỉ có đoạn đó miêu tả cảnh làm tình như vậy.

* Nhưng cũng có người đọc sách rồi nhận định, tổng thể cuốn sách chưa xứng đáng với giải thưởng quốc gia, chứ không phải chỉ ở chi tiết đó?

- Bây giờ văn chương viết kém lắm. Nhưng cuốn sách này của tôi cực kỳ có giá trị văn chương. Cuốn sách này của tôi ra thể hiện tình yêu nước và tôn vinh sự oanh liệt trong việc chống xâm lược. Nhà Trần ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông là trang lịch sử vàng đẹp đẽ nhất của dân tộc.

Tôi đã phản ánh chân thực, hùng hồn câu chuyện này. Tôi cũng lý giải vì sao nước ta thời đó có thể chiến thắng một đế quốc hùng mạnh đánh đâu thắng đó từ châu Á sang châu Âu như vậy. Tôi viết về thời kỳ ấy oanh liệt lắm.

* Ông có nghĩ những trang sách tả cảnh làm tình thô như vậy sẽ làm mất hình tượng nhân vật lịch sử Trần Khánh Dư hay không?

- Nhân vật lịch sử Trần Khánh Dư là nhân vật rất đa chiều. Ông ấy là người có công với nước. Tôi viết trong sách rất rõ rằng Trần Khánh Dư là người có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, chỉ sau Trần Hưng Đạo, Trần Nhật Duật, Nguyễn Khoái và Phạm Ngũ Lão.

Nhưng Trần Khánh Dư là người có tính trăng hoa. Đại Việt sử ký toàn thư viết rõ, hai vua biết rõ Trần Khánh Dư là con người tham bỉ. Nhưng vì là người có tài, lúc đất nước cần người tài nên vẫn sử dụng.

Ông không có vợ nhưng có vài trăm người con rải khắp nơi. Nên tôi viết chi tiết tả cảnh làm tình của Trần Khánh Dư với công chúa Thiên Thuỵ như vậy để phù hợp với con người ông. Phải đọc hết cuốn sách mới thấy được.

Nhân vật Trần Khánh Dư đa diện, hay lắm. Cảnh làm tình như vậy cũng để nói nên một khía cạnh trong sinh hoạt của ông. Khi đánh giặc ông ấy thể hiện tính cách khác thường thì chuyện phòng the ông cũng thể hiện tính cách khác mọi người, chứ không có gì dung tục.

Còn nếu chỉ đọc những chi tiết miêu tả cảnh làm tình mà đánh giá cuốn sách thì chỉ như thầy bói xem voi!

* Ông có lo rằng sau sự việc này, hội đồng giám khảo sẽ thu hồi lại giải thưởng với cuốn sách?

- Tôi cho rằng điều đó không bao giờ xảy ra nên tôi không nghĩ ngợi gì về chuyện này. Vì hội đồng giám khảo với nhiều nhà văn có tên tuổi, nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhiều nhà hoạt động khoa học... đã đọc kỹ rồi mới chấm giải. Tôi còn cảm ơn sự việc này sẽ làm tôi nổi tiếng hơn!

Ông Hoàng Vĩnh Bảo, thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, trưởng Ban giám khảo giải Sách hay quốc gia 2018 cho biết ông đã nắm được thông tin dư luận phản ứng về cuốn sách này.

Ông đã giao cho các đơn vị thẩm định lại những thông tin về các chi tiết sex trong cuốn sách. Nếu cảm thấy không đảm bảo có thể thu hồi lại giải thưởng.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.