Nông dân Dương Nội biểu tình. Ảnh Trịnh Bá Phương. |
Cho phép chính
quyền thu hồi đất của dân để giao cho doanh nghiệp làm dự án được quy định tại
Điều 62 Luật Đất đai là quy định thất đức nhất trong hệ thống luật pháp hiện
hành của nước ta. Quy định này không chỉ chống lại nhân dân, chống lại Hiến
pháp mà còn chống lại cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam, đe dọa sự tồn vong
của chế độ.
Về điều luật “vấy máu” này, tôi đã viết bài "Lợi ích nhóm nằm trong Luật Đấtđai" đăng trên Một Thế Giới, định “ngồi
49 ngày” không nói về chuyện này nữa, nhưng tin tức liên quan đến điều luật
này diễn ra không dứt.
Làng cổ Nam Ô bị
xóa sổ, hàng ngàn hộ hàng vạn dân rơi vào cảnh mất nhà mất đất chỉ tại một dự
án ở Đồng Nai mà báo Pháp luật Việt Nam phải gọi là “oán khí tại dự án tỉ đô”. Chính quyền tỉnh Quảng Ngãi thậm chí còn
“hỏa tốc” đề nghị dời cả đồn biên
phòng để giành đất cho doanh nghiệp làm dự án…cùng vô số những cảnh tương tự
diễn ra hàng ngày không bút mực nào tả xiết. Ngay cả cái làng phong Hòa Vân,
nơi sinh sống và chữa bệnh cho những người bị bệnh cùi dưới chân đèo Hải Vân
hơn nửa thế kỷ nay cũng bị chính quyền thành phố Đà Nẵng thời ông Nguyễn Bá
Thanh tước đoạt giao cho đại gia làm dự án… treo, người bệnh bị đuổi ra khỏi
môi trường sống.
Làng mạc mất dần,
bờ biển bị các đại gia lần lượt chiếm cứ, nông dân mất dần đất canh tác bị buộc
phải rời khỏi nơi chôn nhau cắt rốn mang theo mồ mả tổ tiên. Không ít người đã
chịu không nổi phải đứng lên giành lại đất, bị quy là “phản động”, bị đẩy vào chốn lao tù, kéo theo đó là hàng loạt đại
gia bất động sản trở thành tỉ phú đô la.
Theo Hiến pháp
thì đất đai thuộc “sở hữu toàn dân”. Điều
đó tuy khó nghe nhưng bảo rằng đó là nguyên nhân của tình trạng nông dân bị thu
hồi đất vô tội vạ thì không thể nào giải quyết được tình trạng nông dân mất
đất, vì phải thay đổi Hiến pháp. Mà chờ đến thay đổi Hiến pháp thì liệu ruộng
vườn của nông dân sẽ còn được bao nhiêu mảnh ? Hơn nữa, dù quy định đất đai
thuộc sở hữu toàn dân, nhưng từng người dân có “5 quyền” đối với mảnh đất của mình, do vậy về bản chất đất đai vẫn
là tài sản của người dân được Hiến pháp bảo hộ.
Tôi đương nhiên
cũng không ủng hộ việc lợi dụng vấn đề đất đai vì mục đích chính trị nhằm thay
đổi chế độ. Chế độ này đang theo cơ chế thị trường, dù là cơ chế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng chế độ tuyên bố xác lập cơ chế thị trường
đầy đủ, tất nhiên là tôi ủng hộ cơ chế thị trường đầy đủ đó. Không thấy ai
tuyển tôi làm “dư luận viên”, nhưng
nếu tuyển làm “dư luận viên” để tuyên
truyền cho cơ chế thị trường đầy đủ mà chế độ này đang quyết tâm xác lập, tôi
tự nguyện nhận lời liền à, mà không cần nhận thù lao đâu.
Để không lan man
lạc đề, tôi xin nhắc lại nội dung chính mà stt này đề cập : Vấn đề thu hồi đất.
Việc Nhà nước thu hồi đất vì những lý do được nêu tại Điều 61, 64 và 65 của
Luật Đất đai vì mục đích an ninh quốc phòng, vì tự nguyện trả lại đất, vì đe
dọa đến tính mạng con người … thì hợp lý và không có vấn đề gì lớn. Nhưng thu
hồi đất để “phát triển kinh tế-xã hội vì
lợi ích quốc gia, công cộng” quy định tại điều 62 thì là nguyên nhân của
mọi nguyên nhân của những vấn đề nghiêm trọng.
Dưới khái niệm mỹ
miều và mơ hồ để “phát triển kinh tế-xã
hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”, điều luật này cho phép chính quyền cấp
tỉnh trở lên quyền thu hồi đất của dân để giao cho các doanh nghiệp, bất kể là
doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân. Để làm các dự án được ghi rõ là
: khu đô thị mới, dự án khu dân cư nông thôn, dự án chế biến nông, lâm, thủy,
hải sản…Nghĩa là, bất cứ ngôi làng nào, bất cứ mảnh đất nào của dân đều có thể
bị chính quyền tước đoạt để giao cho các đại gia.
Bất cứ đại gia
bất động sản nào muốn cướp đất của dân để làm dự án, chỉ cần thuyết phục hoặc
mua chuộc Bí thư hoặc chủ tịch cấp tỉnh là xong (tôi không nói tất cả bí thư,
chủ tịch đều bị mua chuộc). Có không ít dự án được phân lô bán nền với giá bán
cao hơn hàng trăm lần giá mà doanh nghiệp bỏ ra “đền bù” để lấy đất của dân.
“Chạy dự án”
không có gì khó khăn cả, chỉ cần có tiền. Đối với các đại gia có thế lực, họ
còn có khả năng bịt miệng báo chí, đó là lý do có những tập đoàn đã chiếm lĩnh
đất đai khắp mọi nơi nhưng không có một dòng oan trái nào từ nông dân lọt lên
các mặt báo. Hơn 80% khiếu kiện của dân đưa lên các cơ quan trung ương là khiếu
kiện về đất đai, chủ yếu là các khiếu kiện về tình trạng vô luân này. Vì sao
tình trạng khiếu kiện triền miên không dứt ? Đơn giản là những kẻ cướp đất đều
được điều 62 này bảo vệ.
Đây là tình trạng
đầu cơ đất đai lớn nhất, nó bẩn thỉu và vô luân nhất vì được luật pháp tiếp
tay. Muốn làm dự án phát triển kinh tế gì đó thì doanh nghiệp phải mua lại sòng
phẳng của nông dân theo giá thuận mua vừa bán, cái lẽ công bằng đó hàng chục
năm nay người dân kêu không thấu trời.
Sửa điều luật này
được không ? Với cơ chế ban hành luật như hiện nay, xin trả lời là không. Bởi
vì, các nhóm lợi ích do các đại gia này chi phối có chân rết khắp các cơ quan
tham mưu soạn thảo luật, những người tham mưu này có mặt tận cửa phòng ngủ của
nhiều vị lãnh đạo cấp cao, họ được hậu thuẫn bởi nhiều giáo sư tiến sĩ. Các vị
lãnh đạo cấp cao chỉ được đọc các báo cáo do họ mang tới, cho ý kiến theo những
gì họ đã soạn sẵn.
Đó là lý do đã có
rất nhiều đại biểu Quốc hội phản đối điều khoản này, phản đối một cách gay gắt,
nhưng chẳng ăn thua. Điều khoản về thu hồi đất của Luật Đất đai trước và Luật
Đất đai hiện hành căn bản không có gì thay đổi. Tới đây, Bộ Đất đai còn công
khai ý đồ tăng phạm vi Nhà nước thu hồi đất trong quá trình rục rịch sửa đổi
Luật.
Chỉ còn một cách
là đưa cái điều 62 này vào “lò” để đốt. Để thúc đẩy biến điều luật này thành
củi, tôi không kỳ vọng nhiều vào vai trò của báo chí chính thống khi nhiều tờ
báo lớn đã biến thành công cụ của cac đại gia bất động sản. Tôi chỉ kỳ vọng vào
mạng xã hội.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.