Hai tổng thống Mỹ-Pháp Donald Trump và Emmanuel Macron thường xuyên nói chuyện điện thoại với nhau, một điều hiếm thấy thời Obama-Hollande. |
Tổng thống Pháp công du Hoa Kỳ ba ngày, bắt đầu từ
hôm nay 23/04/2018. Chuyến viếng thăm cấp Nhà nước đầu tiên của một
nguyên thủ nước ngoài kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống
Mỹ, chiếm tựa chính của các báo Pháp hôm nay. La Croix chạy tựa « Trump-Macron, một sự thuận thảo đầy nghịch lý » Le Monde thuật lại « Macron-Trump, chuyện kể về một mối quan hệ đặc biệt »,Le Figaro nhấn mạnh đến « Thách thức Mỹ của Emmanuel Macron ». Riêng nhật báo thiên tả Libération dành hẳn một chuyên đề đặc biệt để mô tả «Ác mộng Mỹ».
Macron-Trump : Hai tính cách trái ngược
La Croix
phân tích, thoạt nhìn thì cả hai rất khác xa nhau. Emmanuel Macron, 40
tuổi, thuộc giới tinh hoa Pháp, lấy cô giáo cũ lớn hơn mình đến 24 tuổi,
theo chủ trương đa phương. Còn ông Donald Trump, 71 tuổi, tỉ phú địa
ốc, chủ casino và là người dẫn chương trình truyền hình đã có ba đời vợ,
mà người vợ hiện nay là cựu người mẫu trẻ hơn ông 24 tuổi ; chủ trương « Nước Mỹ trước hết ».
Mối
quan hệ đặc biệt giữa hai nhà lãnh đạo bắt đầu từ cái bắt tay mang tính
« nắn gân » nhau, tối thứ Năm 27/05/2017 tại Bruxelles, bên lề cuộc họp
thượng đỉnh NATO. Gần hai tháng sau, lời mời ông Donald Trump sang
Paris dự cuộc diễu binh nhân Quốc khánh Pháp đã siết chặt một tình bạn
mà ít ai ngờ đến.
Khác với La Croix, Le Monde cho rằng mối
quan hệ thân thiết giữa Macron và Trump thật ra khởi đầu từ ngày
08/05/2017, ngay sau hôm ứng cử viên trẻ tuổi đắc cử tổng thống Pháp.
Emmanuel Macron nhận được cú điện thoại của tổng thống Mỹ : «
Emmanuel, chiến thắng này và những gì anh đã thể hiện tại bảo tàng
Louvre thật là tuyệt vời ! Cả đêm qua tôi ngồi trước tivi. Những hình
ảnh tuyệt lắm, bravo ! » - Donald Trump hào hứng. Theo bản năng, hai con người cá tính này đã nhanh chóng đánh giá được nhau và thấu hiểu.
Trong bài xã luận mang tựa đề « Theo bước La Fayette », Le Figaro
nhận định được tổng thống Hoa Kỳ khoản đãi tại Mount Vernon - dinh thự
của George Washington, vị tổng thống đầu tiên của nước Mỹ và là nơi
tướng Pháp La Fayette từng trú ngụ - mang ý nghĩa đặc biệt đối với
Emmanuel Macron, vốn yêu thích lịch sử và các biểu tượng.
Đây
cũng là sự biệt đãi của Hoa Kỳ đối với đồng minh Pháp. Duyệt hàng quân
danh dự trên sân cỏ Nhà Trắng, dạ tiệc cấp Nhà nước, diễn văn trước Quốc
Hội : trong ba ngày thăm viếng, tổng thống Pháp được dành cho các vinh
dự mà chưa nguyên thủ nào có được từ khi ông Trump nhậm chức.
Tổng thống Mỹ và phu nhân trên khán đài danh dự hôm Quốc khánh Pháp 14/07/2017. |
« Emmaaanoueeel » của Donald Trump
Rõ
ràng là tổng thống Donald Trump rất hài lòng về chuyến thăm Paris nhân
dịp Quốc khánh Pháp 14/7 năm ngoái, nhất là cuộc duyệt binh gây ấn
tượng. Để qua một bên những khác biệt về phong cách và quan điểm chính
trị, hai nhà lãnh đạo rất thông cảm với nhau. Hai « outsider »,
xuất thân không phải là chính khách chuyên nghiệp nhưng đều giành chiến
thắng, hai nhân vật đã làm đảo lộn hệ thống chính trị truyền thống.
Theo Le Monde, chuyến thăm Paris của tổng thống Mỹ đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ. Kể từ đó, Donald Trump rất thích gọi « Emmaaanoueeel ».
Cách đây vài ngày, tổng thống Mỹ đã điện thoại cho đồng nhiệm Pháp để
nói rằng ở Washington, ai cũng muốn được tham dự buổi dạ tiệc tại Nhà
Trắng tối 24/4 khoản đãi Macron. « Tất cả các ông bạn của tớ đều muốn đến ! Chắc là tớ phải bán vé quá ! » - ông Trump vừa cười vừa nói.
Riêng với « anh bạn »
Macron, tổng thống Mỹ thường cắt những bài báo nói về mối quan hệ tốt
đẹp Pháp-Mỹ, hay tình trạng kinh tế Pháp được cải thiện. Ông khoanh tròn
tựa bài, và chú thích bên cạnh bài báo « it’s true » (đúng rồi) hay « great job » (hay),
sau đó cho gởi sang Paris bằng va-li ngoại giao. Tuy không ngần ngại
chỉ trích thậm chí chế giễu nguyên thủ các nước khác, Donald Trump chưa
bao giờ công khai phê phán Emmanuel Macron.
Nhiều tờ báo Mỹ hay chỉ trích tổng thống Trump tỏ ra hoan nghênh tình bạn kỳ lạ này. New York Times viết : «
Emmanuel Macron là hy vọng cuối cùng cho các đồng minh của Mỹ, để hạn
chế bớt khía cạnh thảm họa trong tính cách của Donald Trump ». Tại thủ đô nước Mỹ, người Pháp cũng không còn bị coi là « cheese-eating surrender monkeys » (những
chú khỉ đầu hàng ăn toàn phô-mai) như hồi Pháp từ chối tham gia đánh
Irak. Cuộc can thiệp tại Mali năm 2013 đã thuyết phục được Ngũ Giác Đài
về quyết tâm của Pháp, và sự hiện diện của ngoại trưởng Jean-Yves Le
Drian, vốn là cựu bộ trưởng Quốc phòng, bên cạnh Emmanuel Macron cũng là
một ưu thế.
Macron, người đối thoại châu Âu của tổng thống Mỹ
Đại sứ Pháp tại Hoa Kỳ, Gérard Araud giải thích, đó là vì lợi ích của cả đôi bên. «
Đối với tổng thống Pháp, dù quan điểm chính trị thế nào, có quan hệ tốt
với tổng thống Mỹ - người quyền lực nhất thế giới - là rất quan trọng
».
Ngay từ khi bước vào điện Elysée tháng 5/2017, ông Emmanuel Macron đã khẳng định : «
Là thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và là cường quốc nguyên
tử, nước Pháp phải biết đóng vai trò đối trọng khi thấy xuất hiện tình
trạng mất cân bằng ».
Để đóng được vai trò người đối thoại của
châu Âu với tổng thống Mỹ, Emmanuel Macron đã tận dụng bối cảnh hai
đồng minh lớn châu Âu của Hoa Kỳ gặp bất lợi.
Thủ tướng Anh Theresa May đang bối rối với Brexit, khó duy trì được truyền thống « quan hệ đặc biệt » giữa
Luân Đôn và Washington. Và dưới mắt ông Trump, bà Angela Merkel, đang
bị yếu thế sau sáu tháng thương lượng lập chính phủ, là đại diện cho
Mercedes-Benz, BMW, các nhà sản xuất xe hơi « xấu xí » của Đức, cần phải
đe dọa tăng thuế hải quan. Thâm hụt thương mại – nỗi ám ảnh của ông
Trump – giữa Hoa Kỳ và Đức lên đến 70 tỉ đô la, còn đối với Pháp chỉ 4
tỉ đô la. Nữ thủ tướng Đức sẽ được tiếp đón tại Washington vào thứ Sáu
tuần này, nhưng không với vinh dự tương tự như tổng thống Pháp.
Ảnh vệ tinh Trung tâm nghiên cứu vũ khí hóa học Barzah ở Damas sau khi bị đồng minh không kích hôm 14/04/2018. |
Hậu trường vụ không kích Syria
Về cuộc không kích Syria, Le Monde
tiết lộ, tối Chủ nhật 08/04/2018 tầng một của điện Elysée vẫn sáng đèn :
Macron triệu tập các cố vấn thân cận cùng với đô đốc Bernard Rogel họp
khẩn. Trước đó ông đã yêu cầu bộ phận đối ngoại tổ chức cuộc điện đàm
với Donald Trump. Hai tổng thống Pháp-Mỹ trao đổi vào lúc nửa đêm, và
trong tuần lễ tiếp theo, hàng đêm cả hai đều nói chuyện điện thoại, cho
đến khi diễn ra cuộc không kích của ba đồng minh Mỹ-Pháp-Anh vào địa
điểm vũ khí hóa học của Syria đêm 13 rạng 14/4.
Một nhà ngoại giao Pháp cho biết : «
Vào đầu tuần, Donald Trump rất phấn khích. Ông viết nhiều tweet, cân
nhắc các giải pháp khác nhau. Rồi đến khi quyết định tấn công được đưa
ra, Trump hiểu rằng cần phải kín đáo hơn. Qua điện thoại, Donald Trump
bỗng trở nên thận trọng hơn, nói theo cách ẩn dụ. Nơi ông ấy vẫn có điều
gì mang tính kịch sĩ ». Trong suốt chiến dịch, Donald Trump tỏ ra là một đối tác khả tín.
Le Figaro
nhận định, nếu không có cuộc không kích chung này, Emmanuel Macron
chẳng có mấy thành tích để chứng tỏ với đồng minh Mỹ. Macron là lãnh đạo
châu Âu có thể « thì thầm » vào tai ông Trump, nhưng vấn đề là có được
lắng nghe hay không. Cho đến nay mối quan hệ ưu ái này vẫn chưa mang lại
kết quả ngoạn mục nào, trừ loạt hỏa tiễn trên bầu trời Trung Đông.
Syria, Nga…các hồ sơ mà tổng thống Pháp phải bàn bạc đối tác Mỹ không hề
thiếu. Emmanuel Macron còn phải cố thuyết phục Donald Trump quay lại
với hiệp định khí hậu Paris, và đừng xé bỏ hiệp ước nguyên tử với Iran.
Chuyên gia Sébastien Jean, giám đốc Trung tâm nghiên cứu thông tin quốc tế (CEPII), trên La Croix
cho biết thêm một mối quan ngại chung khác, đó là Trung Quốc. Những vi
phạm quy định thương mại quốc tế mà trước đây có thể bỏ qua đối với các
quốc gia mới nổi, nay không còn có thể chấp nhận với nền kinh tế thứ nhì
thế giới. Châu Âu và Hoa Kỳ không thể tiếp tục để Bắc Kinh làm mưa làm
gió với pin mặt trời vốn được trợ giá rất nhiều chẳng hạn, và sắp tới có
thể là xe hơi điện. Tuy nhiên, tổng thống Pháp phải cố gắng thuyết phục
ông Trump rằng một thỏa thuận đa phương là phương cách tốt nhất để giải
quyết.
Cho đến nay, chính sách ngoại giao thực dụng của tổng
thống Pháp đã mang lại cho ông hình ảnh tốt đẹp trên trường quốc tế,
nhưng hiệu quả đến đâu ? Theo Le Figaro, không phải là dễ dàng cho Macron, trong một thế giới cũng bất định như chính bản thân ông Trump.
Phiên họp trù bị cho hội nghị Hiệp ước giải trừ hạt nhân 2020 tại Genève, 23/04/2018. |
Cánh cửa hòa giải cho hồ sơ Iran ?
La Croix trong bài xã luận « Một cánh cửa hòa giải »
nhận xét, thế giới trong những ngày gần đây trải qua những trạng thái
nóng lạnh khác nhau. Nếu Bắc Triều Tiên bỗng trở nên hòa hoãn, với thông
báo hôm thứ Bảy 21/4 cho biết sẽ ngưng thử nguyên tử và hỏa tiễn liên
lục địa, thì Iran lại đe dọa sẽ cho làm giàu uranium trở lại, nếu đến
giữa tháng Năm Hoa Kỳ ngưng hiệp ước hạt nhân như tổng thống Trump đã
nói.
Chắc chắn các hồ sơ này sẽ được hai tổng thống Pháp-Mỹ đề cập
đến. Ông Trump tự cho rằng nhờ mình to tiếng mà Bình Nhưỡng mới biết
điều hơn - việc này thì về sau lịch sử sẽ soi rọi. Tuy nhiên không thể
quên vai trò trung gian kín đáo của tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In.
Cung cách gây hấn của Donald Trump đã mang lại kết quả bất ngờ, là thu
hút những nỗ lực hòa giải.
La Croix đặt câu hỏi, liệu cuộc
khủng hoảng Iran-Mỹ có tìm được nhà hòa giải nào hay không ? Đó là một
trong những thách thức trong chuyến công du Hoa Kỳ của tổng thống Pháp.
Cần phải có được tất cả sự nhiệt thành của một Emmanuel Macron, sự mạnh
mẽ của một Angela Merkel để có thể gây ảnh hưởng. Tất cả niềm tin và sức
mạnh của một « lục địa củ» từng hiểu hơn ai hết, rằng nền hòa bình xứng
đáng để tập trung mọi nỗ lực. Số phận của hiệp định nguyên tử Iran sẽ
là thử nghiệm cho trọng lượng của châu Âu trong trật tự thế giới mới.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.