mardi 22 mars 2016

Trung Quốc vung tiền thâu tóm các công ty phương Tây

Nghiên cứu bắp biển đổi gien trong phòng thí nghiệm của Syngenta tại Bắc Kinh, 19/02/2016. ChemChina đã bỏ ra đến 43 tỉ đô la để mua tập đoàn Thụy Sĩ này.

Thông tín viên Libération tại Bắc Kinh hôm nay 22/03/2016 có bài viết mang tựa đề « Trung Quốc thâu tóm nhiều công ty ngoại quốc ». Đang suy sụp về kinh tế, Bắc Kinh tung ra số dự trữ ngoại hối khổng lồ để mua lại các công ty lớn của phương Tây cùng với công nghệ của họ.
Libération nhận xét, Trung Quốc không còn bằng lòng với vai trò công xưởng thế giới nữa. Bắc Kinh đã cắm những lá cờ đỏ của mình tại khắp nơi trên thế giới, và không còn tự giới hạn ở việc tham gia góp vốn vào các công ty ngoại quốc, nhằm thương lượng chuyển giao công nghệ để đổi lấy thị phần nội địa. Các tập đoàn quốc doanh và tư nhân Trung Quốc nay không ngần ngại mua lại các tập đoàn đa quốc gia trong những lãnh vực chiến lược như năng lượng hay nông hóa.


Doanh nghiệp Trung Quốc không chờ đợi việc kinh doanh trong nước trở nên tệ hại hơn mới đầu tư ra nước ngoài. Từ nhiều năm qua, việc quốc tế hóa các tên tuổi hàng đầu Trung Quốc vẫn là ưu tiên của chính quyền Bắc Kinh. Đất nước có dự trữ ngoại hối khổng lồ đã thành công trong việc lăng-xê các tập đoàn đa quốc gia của mình như Hoa Vi (Huawei) trong ngành viễn thông, Haier về thiết bị điện tử gia đình.

Nhưng việc ChemChina tung đến 43 tỉ đô la để mua tập đoàn Syngenta của Thụy Sĩ vào đầu tháng Hai đã đánh dấu một bước ngoặt mới, là biểu tượng cho tham vọng quốc tế hóa của Bắc Kinh. Đây là vụ thâu tóm quan trọng nhất từ trước tới nay, so với vụ tập đoàn dầu khí Trung Quốc CNOOC mua công ty năng lượng Nexen của Canada với giá 15,2 tỉ đô la hồi năm 2013. Và đây không phải là vụ cuối cùng, vì kinh tế Trung Quốc cần tìm những lối thoát bằng cách vươn ra ngoài biên giới.

Libération nêu ra bối cảnh u ám hiện nay để giải thích. Xuất khẩu sụt giảm đến 25% vào tháng Hai (cao nhất kể từ tháng 5/2009), tăng trưởng chỉ còn 6,9% trong năm 2015 (tệ hại nhất từ một phần tư thế kỷ), hoạt động sản xuất công nghiệp tháng vừa rồi xuống thấp nhất từ bốn năm qua…Những đám mây xám xịt vần vũ trên bầu trời Trung Quốc vào đầu năm 2016, làm ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán thế giới.

Vẫn còn có một tin vui : sự năng động của các công ty Trung Quốc ở nước ngoài. Theo quỹ ACapital có trụ sở tại Bắc Kinh và Hồng Kông, các doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư 118 tỉ đô la ra ngoại quốc trong năm 2015, tăng 15% so với năm trước. Với các mục tiêu đa dạng : sở hữu được các nhãn hiệu nổi tiếng, công nghệ và chuỗi phân phối để tăng thêm giá trị, chiếm được thị phần tại các vùng đất chưa khai thác, đồng thời chia nhỏ rủi ro tài chính.

Phi trường Toulouse-Blaignac của Pháp đang bị Trung Quốc kiểm soát 49,9% vốn.
Đua nhau đầu tư ra ngoại quốc để bảo toàn vốn

Lần đầu tiên trong lịch sử, đường cong biểu thị đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đã tiệm cận, và trong năm 2016 có thể vượt qua số vốn được các tập đoàn đa quốc gia trên khắp thế giới đầu tư vào nước này. Khoảng cách giữa hai con số nay chỉ có 8 tỉ đô la, so với 48 tỉ đô la của mười năm trước.
Chủ tịch ACapital, ông André Loesekrug-Pietri nhận định : « Các tập đoàn công nghiệp Trung Quốc không còn triển vọng tăng trưởng, mà nay tăng trưởng phải đi tìm ở nước ngoài ». 

Một nguồn tin phương Tây ở Bắc Kinh cho biết : « Liên Hiệp Châu Âu về mặt công nghệ, là một loại tiệc buffet được ăn xả giàn của người Trung Quốc ». Lợi dụng châu Âu bị khủng hoảng, Bắc Kinh đã thâu tóm được nhiều doanh nghiệp với giá rẻ ; đồng thời đặt chân được vào thị trường châu lục này.

Sau Anh và Đức, Pháp là nước thứ ba bị Trung Quốc dòm ngó. Chẳng hạn Phục Sơn (Fosun) mua lại công ty du lịch Club Med, Jinjiang kiểm soát Louvres Hotel Group, một tập đoàn khác chiếm được 49,9% vốn của phi trường Toulouse-Blagnac. Đang cần tiền, chính phủ Pháp không còn phản đối việc Trung Quốc mua lại các công ty được coi là chiến lược, với điều kiện phần góp vốn phải dưới 50%. Có thể kể tập đoàn xe hơi PSA, tập đoàn nguyên tử Areva, tập đoàn điện lực Pháp EDF…

Tuy nhiên tại Hoa Kỳ thì khó khăn hơn, chủ trương bảo hộ của Mỹ đã phần nào ngăn lại tham vọng của Trung Quốc. Năm 2005, CNOOC đành phải rút lui, không mua được công ty dầu lửa Unocal ; năm 2008 chính quyền liên bang Mỹ không cho Hoa Vi mua lại 3Com, và mới đây, chuỗi khách sạn Starwood đã chọn lựa đồng hương Marriott thay vì bán lại cho nhóm Angbang của Trung Quốc. Tuy vậy, đầu tư của Bắc vào Hoa Kỳ cũng đã tăng 30% so với năm 2014, và sẽ còn tiếp tục tăng.

Các tập đoàn quốc doanh muốn đáp ứng những nhu cầu chiến lược của Trung Quốc : tự cung ứng được thực phẩm, bảo đảm nguồn cung năng lượng, nâng cấp kỹ nghệ và công nghệ mới…Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tư nhân thì tìm cách bảo vệ nguồn vốn của mình, mang đi xa khỏi thị trường tài chính Trung Quốc đang chao đảo. Về phía các quỹ đầu tư Trung Quốc cũng không chịu bó tay, khi thị trường nội địa quá nhiều cạnh tranh, tỉ lệ lãi ít, lãnh vực đầu tư hạn chế.

Theo nhà phân tích Christine Lambert-Goué của ngân hàng Invest Securities, nếu cách đây bốn, năm năm, người Trung Quốc chủ yếu mua các công ty trong lãnh vực nguyên vật liệu, thì nay họ đã đa dạng hóa, từ nông sản thực phẩm, địa ốc cho đến công nghệ.

Đông đảo người dân La Habana chờ đón tổng thống Mỹ Obama, 21/03/2016.
Cuba mở cửa kinh tế nhưng không mở cửa chính trị

Nhìn sang Cuba, bài xã luận của Le Monde mang tựa đề « Obama là khuôn mặt vedette Mỹ ở La Habana » nhận định, tổng thống Hoa Kỳ đã can đảm mở ra một chương mới trong quan hệ Mỹ-Cuba.
Theo tờ báo, tất nhiên chuyến viếng thăm này không mang tầm quan trọng chiến lược như chuyến công du Bắc Kinh của ông Richard Nixon tháng 2/1972. Nhưng đây vẫn là chuyến thăm lịch sử, vì lần cuối cùng một tổng thống Mỹ - ông Calvin Coolidge - đến Cuba là năm 1928 !

Đới với tổng thống Barack Obama, đây là kết quả của quyết định táo bạo hồi tháng 12/2014, chấm dứt hơn nửa thế kỷ chiến tranh lạnh. Lý do : việc cấm vận đã không làm chế độ Castro sụp đổ sau cái chết của Liên Xô. Khi chìa tay ra với Cuba, người Mỹ chờ đợi một sự mở cửa cả về kinh tế lẫn chính trị.

Mở cửa kinh tế đã bắt đầu cả từ hai phía, nhưng còn đổi mới chính trị, theo Le Monde, sẽ rất khó khăn vì đảng Cộng sản Cuba không hề muốn. Ông Raul Castro muốn đi theo mô hình Trung Quốc : tự do hóa kinh tế nhưng siết chặt về chính trị. Cuba tiếp tục đàn áp mọi phong trào đối lập, và bóp nghẹt tự do ngôn luận.

Khác với Đức Giáo Hoàng Phanxicô và tổng thống Pháp François Hollande, ông Barack Obama trong chuyến viếng thăm này không ngần ngại tiếp xúc giới đối lập. Hoa Kỳ không còn đòi phải lật đổ chế độ La Habana, mà chờ đợi một sự thay đổi từ từ. Việc này cần có thời gian. Nhưng theo Le Monde, vấn đề là người dân Cuba mong muốn có được mọi thứ và ngay lập tức, qua việc bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba.

Người dân tụ tập để vào mạng  ở một công viên có wifi tại La Habana, 19/03/2016.
Internet luôn bị siết chặt ở Cuba

Bài phóng sự của Le Monde « Cuba, vào thời điểm Obama đến và web bị kiểm duyệt » mô tả, tổng thống Mỹ đến đảo quốc trong lúc internet vẫn bị chính quyền kiểm soát chặt chẽ.

Tại Cuba, chỉ có 150.000 người trong số 11 triệu dân có thể truy cập internet qua wifi, tỉ lệ thuộc loại thấp nhất trên thế giới. Phái đoàn Mỹ nhắc nhở, viễn thông là ưu tiên hàng đầu trong quan hệ, nhưng phía Cuba lại đưa ra 11 hồ sơ đàm phán : y tế, nông nghiệp, giao thông…nhưng không có viễn thông. . Daniel Sepulveda, một viên chức cao cấp Mỹ cho biết, it lâu trước chuyến thăm của ông Obama, Washington đã đề nghị thiết lập đường truyền cáp quang nhưng La Habana vẫn còn do dự.

Người nhập cư Cuba chờ đợi làm thủ tục ở biên giới Costa Rica - Panama, 21/03/2016.
Dân Cuba tiếp tục vượt biên sang Mỹ

« Người Cuba tiếp tục đổ xô đến Hoa Kỳ », đó là nhận xét của thông tín viên nhật báo La Croix tại New York, nói lên một nghịch lý : trong lúc hai nước đang đẩy nhanh bình thường hóa quan hệ, hàng chục ngàn người Cuba vẫn tìm mọi cách để nhập cư vào Mỹ.

Lâu nay nhờ một đạo luật, công dân Cuba được phép xin tị nạn ngay khi đặt chân lên đất Mỹ, và được cấp thẻ xanh sau một năm tạm cư. Cuba là quốc gia duy nhất trên thế giới được hưởng ưu đãi này, nhưng cho đến bao giờ ?

Cho dù hai phần ba số người Cuba nhập cư sang Mỹ hiện nay bằng đường hàng không, qua các nước Trung Mỹ và Mêhicô ; những người khác tiếp tục vượt biển bằng những chiếc thuyền đơn sơ, như trong cuộc khủng hoảng balsero (thuyền nhân) hồi năm 1994. Trong năm 2015, đã có trên 3.500 người Cuba bị chận bắt trên biển.

Ứng cử viên Donald Trump, 21/03/2016.
Donald Trump, nhà tiên tri giả

Cũng liên quan đến Mỹ quốc, nhà văn Pháp Robert Littell trong bài viết « Donald Trump, nhà tiên tri giả » trên Libération cảnh báo, nếu ứng cử viên tai tiếng này lọt vào được Nhà Trắng, ông ta không thể nào thực hiện được chương trình mơ hồ và đầy nghịch lý của mình. Theo Littell, trước thất vọng não nề của cử tri, ông Trump sẽ cần có những con tốt thí, và nhà văn Pháp lo ngại cho tương lai của những người theo đạo Hồi, người Mỹ la-tinh và các dân tộc thiểu số khác tại Hoa Kỳ.

Tác giả viết, hãy tưởng tượng ông Donald Trump qua mặt bà Hillary Clinton để trở thành tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Bất kỳ ai biết được cách vận hành của liên bang đều hiểu rằng những lời hứa của ông Trump là bất khả thi.

Về năng lực thực tế, không thể nào trục xuất được 11 triệu người Mỹ la-tinh (trước đây Hitler được bầu lên với lời hứa sẽ lưu đày nửa triệu người Do Thái). Tòa án liên bang sẽ vô hiệu hóa quyết định trục xuất các trẻ em Mỹ la-tinh sinh tại Mỹ. Cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tất nhiên không thể chấm dứt ngay, « Vạn lý trường thành » trị giá 10 tỉ đô la dự định ngăn cách với Mêhicô sẽ không bao giờ được xây dựng. Tư pháp Hoa Kỳ sẽ không cho phép cấm những người thuộc một tôn giáo nào đó đặt chân lên đất Mỹ - hơn nữa, các ông hoàng Ả Rập, đều là người Hồi Giáo, vẫn luôn có quyền đến Washington…

Không giữ được lời hứa tranh cử, ông ta sẽ xoay qua tìm kiếm những đối tượng để đổ tội…Tác giả cho rằng dù thắng hay bại, Donald Trump vẫn để lại dấu ấn không hay trong lịch sử nước Mỹ.

Chủ tịch Cuba Raul Castro đón tiếp tổng thống Mỹ Obama và phu nhân, 21/03/2016.
Hồi giáo cực đoan, Obama thăm Cuba : Tựa chính báo Pháp

Khủng bố tiếp tục là đề tài được các báo Paris hôm nay bàn luận. « Sinh tại Pháp, chết ở Syria » Libération nói về số phận của 168 thanh niên đi thánh chiến trong hàng ngũ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) hay Al Qaida. Cũng về chủ đề này, La Croix đăng ảnh một người đang cầu nguyện trong khu vực thể thao của nhà tù được chuyển đổi thành nơi cầu kinh của tù nhân Hồi giáo, với dòng tựa « Tiêu diệt tư tưởng cực đoan là ưu tiên hàng đầu ».

Nhật báo cánh hữu Le Figaro cho rằng « Tước quốc tịch, thất bại của ông Hollande » : do không giành được đa số, tổng thống Pháp phải từ bỏ biện pháp mang tính biểu tượng đã được trịnh trọng loan báo sau các vụ khủng bố Paris ngày 13 tháng 11. Còn tờ báo cộng sản L’Humanité kêu gọi « Ông Hollande, hãy chấm dứt việc chính thức hóa tình trạng khẩn cấp trong Hiến pháp ». 

Le Monde chạy tựa trang nhất « Chuyến thăm lịch sử Cuba của ông Obama, giai đoạn mới trong việc xích lại gần nhau ». Chủ đề này cũng được nhiều tờ báo khác đề cập đến ở trang trong.

Trên lãnh vực kinh tế, nhật báo Les Echos cho biết « Bruxelles tuyên chiến với gian lận thuế trị giá gia tăng (VAT) », trước thiệt hại được ước tính lên đến 50 tỉ euro một năm.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160322-trung-quoc-vung-tien-thau-tom-cac-cong-ty-phuong-tay

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.