samedi 19 mars 2016

Du lịch Việt Nam : Vấn đề an toàn trong các trò chơi mạo hiểm ?

Thác Datanla, một thắng cảnh của Đà Lạt.

Vào cuối tháng 2/2016, ba du khách người Anh đã tử nạn tại thác Datanla, tỉnh Lâm Đồng, do bị trượt chân té xuống thác nước. Dalat Tourist cho biết các du khách này mua tour của một công ty tư nhân, không mua vé trò chơi mạo hiểm đu dây vượt thác, do đó không được cung cấp những thiết bị an toàn. Chỉ hai hôm sau tai nạn trên, thêm một du khách người Belarus tử nạn tại thác Pongour cũng ở Đà Lạt.
Các sự kiện này đã gây ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch ở Việt Nam, đặc biệt là với những đơn vị có tổ chức các môn thể thao mạo hiểm. Tuy đã du nhập vào Việt Nam hơn hai chục năm qua, thế nhưng theo ông Nguyễn Văn Mỹ, chủ tịch Hội đồng quản trị công ty dã ngoại Lửa Việt ở Thành phố Hồ Chí Minh, thì vấn đề an toàn vẫn chưa được coi trọng đúng mức.


RFI : Thân chào anh Nguyễn Văn Mỹ, chủ tịch Hội đồng quản trị công ty dã ngoại Lửa Việt. Anh có nhận xét như thế nào về hoạt động được gọi là du lịch mạo hiểm ở Việt Nam ? 

Theo quan niệm của tôi thì không có cái gọi là du lịch mạo hiểm. Bởi vì đó là những trò chơi thể thao mang tính chất mạo hiểm, hay còn gọi là trò chơi cảm giác mạnh. Những trò chơi đó phải có huấn luyện viên, vì thể thao phải có người huấn luyện chứ, còn du lịch chỉ có hướng dẫn viên thôi. Khách du lịch có thể tham gia những trò chơi như vậy.

Với du lịch thám hiểm : thám hiểm Bắc Cực, rừng Amazon, tour thám hiểm đỉnh Everest…khách đi tour có thể mất một ngày hay một tuần lễ, toàn bộ cho mục đích vạch ra là thám hiểm những vùng đó.
Còn kiểu du lịch mà Việt Nam đang có, khách đi du lịch bình thường, họ chỉ bỏ ra một tiếng, hai tiếng đồng hồ hay giỏi lắm là một buổi để đi chơi một môn gì đó thì không thể gọi là du lịch mạo hiểm được, sẽ gây ngộ nhận. Đó chỉ là có tham gia những trò chơi mang tính cách mạo hiểm, thí dụ leo lên, leo xuống vách núi, chèo thuyền, vượt thác, đu dây, nhảy cầu bằng dây…ở các nước được gọi là thể thao mạo hiểm.
RFI : Theo anh, liệu có thể tránh được các rủi ro như hai tai nạn khiến du khách tử vong ở Đà Lạt gần đây hay không ? 

Tai nạn xảy ra đã báo động thực trạng là những loại hình này đều du nhập từ nước ngoài vào, phải có huấn luyện viên, phải được kiểm soát và giám sát. Nhưng rất tiếc là có một số trò chơi đơn giản, người ta có thể đi tắt, có thể tự làm, ví dụ môn thể thao leo vách núi. Chỉ cần hai sợi dây thừng chuyên dụng, bộ an toàn và một vài hướng dẫn viên có hiểu biết về chuyên môn là họ làm luôn. Đến khi gặp sự cố thì mới thấy vai trò của huấn luyện viên chuyên nghiệp cực kỳ quan trọng như thế nào.
Tôi đã từng làm việc với ông Didier Rexach, một chuyên gia người Pháp. Ông là người đã mang các môn thể thao mạo hiểm vào Việt Nam cách đây hơn hai mươi năm. Chúng tôi có gặp mấy sự cố.

Một sự cố ở thác Datanla, khu vực mà ba du khách đã tử nạn. Do không lường trước được, nên khi thu gom vật dụng xong thì ở dưới thung lũng trời tối ập xuống rất nhanh. Trường hợp thứ hai ở Ninh Bình. Khi chúng tôi tổ chức leo xuống vách núi ở Tam Cốc, vì vách lồi lõm nên khi đi ngang dây bị cuốn lại, vận động viên không thể xuống được. Loay hoay nửa tiếng đồng hồ, sau đó ông Didier sử dụng những thiết bị chuyên dùng, gỡ ra đưa họ xuống rất dễ dàng.

Lần thứ ba, chúng tôi tổ chức huấn luyện cho nhân viên trong công ty thông qua một công ty Việt Nam, có mời Didier góp ý và giám sát thì huấn luyện viên Việt Nam không nghe. Ông bỏ về và cho rằng họ không đảm bảo độ an toàn tối thiểu. Vách núi đứng, trên đỉnh không có gì che chắn cả. Cả chục nhân viên lên đó ngồi, chỉ cần một người rớt xuống dưới hồ, có thể kéo theo hàng chục người, gây ra tai nạn hàng loạt. Ông đề nghị chỉ lên từng người một nhưng huấn luyện viên mình bỏ ngoài tai.

Đây là mặt kém nhất của các huấn luyện viên Việt Nam : coi thường an toàn. Đây cũng là căn bệnh của người Việt, từ giao thông cho tới thực phẩm…họ rất xem thường. Chuyện đó là văn hóa !

RFI : Qua một số trường hợp cụ thể đã trải nghiệm, anh có thể chia sẻ những kinh nghiệm gì ?

Trở lại chuyện du khách Anh ở trên, thật ra có thể họ không chết nếu hướng dẫn viên đó kiêm luôn huấn luyện viên, không cho khách vào khu vực ấy. Khu vực này được gọi là « vực tử thần » vì đường trơn và sâu, đã có một số khách trợt chân chết rồi. Một số người còn chọn chỗ đó để tự tử ! Cho nên trước đây gần như năm nào cũng có người chết cả.

Hướng dẫn viên nếu am hiểu và chuyên nghiệp, sẽ không cho khách tới bằng bất cứ giá nào – đừng có đổ tại khách ! Thứ hai, đơn vị tổ chức tour và kể cả (đơn vị quản lý) thác Datanla, đã biết nguy hiểm thì phải ghi bảng cảnh báo, cử người trực ở đó. Về mặt cứu hộ rất đ ơn giản, chỉ cần một cái phao dây – tức phao nhỏ có sợi dây thừng. Khi khách bị đuối nước, chỉ cần ném xuống và kéo họ lên, chứ còn khi đã bị té đập đầu vào đá rồi thì không cứu được.
Cho nên có ba yếu tố : thứ nhất là khách chủ quan, không tuân thủ các quy định an toàn. Họ chọn một công ty mà có thể do ham giá rẻ, không suy nghĩ gì cả, tưởng công ty nào cũng tốt ; nhưng ở Việt Nam các công ty bá láp thiếu gì !

Thứ hai là nhà tổ chức không có nghiệp vụ - chưa chắc đã có giấy phép, và hướng dẫn viên không có bằng chuyên nghiệp. Vì quản lý buông lỏng nên doanh nghiệp mạnh ai nấy làm, coi thường mạng sống của du khách. Điếc không sợ súng!

Còn các cơ quan quản lý, từ nơi quản lý Datanla cũng vậy luôn. Đã biết nguy hiểm như thế, tại sao không túc trực mà đổ « tại » với « bị ». Và ông quản lý cao nhất của nhà nước thì vô trách nhiệm. Cứ gào lên là « không quản lý nổi ». Ông làm quản lý mà không quản lý nổi thì thôi ông nghỉ cho người khác làm !

Cho nên ở đây có việc liên đới trách nhiệm. Kể cả chuyện sau đó một du khách người Belarus chết cũng ở Lâm Đồng, tại thác Pongour. Ông này thì lỗi của ông ấy là chính : đi một mình, thấy nóng quá chạy xuống tắm, nhưng không hình dung được cái hồ đó rất lạnh, trong khi người đang nóng rất dễ bị vọp bẻ. Thác Pongour không có người cứu hộ ở đó. Chỉ cần nhân viên cứu hộ và một cái phao dây là được.

Một điều cần báo động nữa là trong khi ở bãi biển Mỹ Khê, Đà Nẵng người cứu hộ đứng ngay sát mép biển, dùng còi yêu cầu khách tránh xa những vùng nguy hiểm, nhắc nhở khách tại chỗ ; thì rất nhiều nhân viên cứu hộ ở Việt Nam ngồi trên chòi cao. Cả bãi tắm dài mấy trăm mét, khi thấy người ta đuối nước, từ trên cái chòi đó nhảy xuống, chạy ra thì người ta đã chết rồi, không tài nào cứu được đâu !
RFI: Tóm lại như anh đã nói lúc nãy, chủ yếu là vấn đề an toàn chưa được chú trọng tại Việt Nam ?

An toàn ở Việt Nam đang bị xem nhẹ. Không riêng gì khách nước ngoài đâu mà cả khách Việt Nam cũng vậy. Ví dụ như vừa rồi đứt cáp treo qua sông ở Bò Cạp Vàng đó, người du khách lại không mặc áo phao, rớt xuống là chết ngay.

Những trò chơi càng nguy hiểm thì người ta có xu hướng càng dè chừng, đề phòng, nhưng hầu hết trường hợp bị chết lại ở những chỗ không nguy hiểm lắm. Ví dụ họ đi ra đùa giỡn rồi trợt chân té, thì thật ra đâu phải tại chơi trò chơi. Thành ra những trò chơi mạo hiểm thật ra không nguy hiểm lắm nếu chúng ta tuân thủ tất cả những nguyên tắc, và trò chơi càng khó thì chuyên gia nước ngoài lại càng kỹ. Hầu hết tai nạn là do những nơi do người Việt vận hành, bỏ qua quy trình đảm bảo an toàn.

Cho nên vấn đề này là hồi chuông cảnh báo để Việt Nam nhìn lại, và cũng phải xác định những chuẩn mực tối thiểu. Những ai có thể tổ chức được các trò chơi đó ? Trước hết phải có các huấn luyện viên được đào tạo bài bản, nếu Việt Nam chưa có thì cử đi nước ngoài học. Và phải tuân thủ, chứ không phải ai cũng làm được cả.

Thứ ba là phải có quy định. Về phía du khách phải tự chịu trách nhiệm về mình, không đùa giỡn với mạng sống mình khi tham gia trò chơi mà không lượng sức. Những trò chơi cảm giác mạnh có thể làm cho mình đứng tim, nhồi máu cơ tim, rất nguy hiểm đến tính mạng, phải cẩn trọng cái đó.

Các công ty du lịch phải tự lượng sức mình để tổ chức, và khuyến cáo khách phải đủ sức khỏe mới được tham gia các trò chơi đó. Về phía quản lý nhà nước phải có nhưng quy chuẩn tối thiểu mang tính ràng buộc với các công ty tổ chức, không thể để mạnh ai nấy làm. Vừa rồi Lâm Đồng mới tổ chức đi kiểm tra, nhưng trước đó đâu có kiểm tra !

RFI: Với phong cảnh thiên nhiên đa dạng như Việt Nam, có lẽ loại hình du lịch với các hoạt động mang tính phiêu lưu mạo hiểm cũng rất hấp dẫn nếu được tổ chức tốt ?

Tôi đã tham gia tour khám phá hệ thống hang động ở Quảng Bình. Tôi chưa đi Sơn Đoòng, nhưng đi hang động Tú Làn ba ngày hai đêm – ngủ hai đêm trong hang động. Tour đó đi và về 18 km, phải bơi hai cây số rưỡi rồi leo trèo đủ thứ, thậm chí có những cái vách dựng đứng mình phải đi thang nhưng vẫn đeo dây an toàn.
Tôi thấy rằng công ty Oxalis ở Quảng Bình, một công ty của người Việt có chừng bốn trăm nhân viên, tổ chức hết sức chuyên nghiệp. Thậm chí chuyên nghiệp hơn cả những tour thám hiểm mà tôi đã từng tham dự ở Thái Lan, Malaysia hay Brunei, thì mới hiểu rằng sau lưng các bạn này là hàng chục chuyên gia Hang động Hoàng gia Anh. Họ chuyên nghiệp từ chương trình, thiết bị cho đến lộ trình ; tham vấn và kể cả huấn luyện trực tiếp.

Hay những tour như tour lặn biển hiện nay vẫn gần như do người nước ngoài đảm nhận. Khi tham gia bất cứ một tour nào có tính chất trò chơi mạo hiểm thì phải chọn lựa đơn vị tổ chức, tìm hiểu kỹ dịch vụ ở đó, và cũng phải xem xét khả năng mình.

RFI : Xin chân thành cảm ơn ông Nguyễn Văn Mỹ, chủ tịch Hội đồng quản trị công ty dã ngoại Lửa Việt ở Thành phố Hồ Chí Minh, đã vui lòng dành thì giờ trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ hôm nay.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160318-du-lich-viet-nam-van-de-an-toan-trong-cac-tro-choi-mao-hiem 



Ông Nguyễn Văn Mỹ - Saigon
(09:31)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.