samedi 7 avril 2012

Chương 1 : Viết, như một chứng nhân

Tháng Ba 2011. Những cánh cửa tự động sập lại, đoàn tàu chuyển động, và đường ke chờ tàu lướt qua trước khi tôi bị nuốt chửng vào miệng hầm tối đen. Tôi dán người vào cửa kính, thấy lòng trống vắng. Những luồng sáng thoảng qua trên vách tối - một chiếc kính vạn hoa dạng quảng cáo, chiếu lên một câu khẩu hiệu mà tôi không đọc nổi. Tất cả đều diễn ra quá nhanh tại Seoul, ngay cả trong métro.

Tôi 25 tuổi, tên tôi là Eunsun.

Trông tôi cũng giống như các nữ sinh viên khác, và nhờ vóc dáng nhỏ nhắn, không ai nhận ra là tôi già hơn các bạn học. Chừng 40 phút nữa, tôi sẽ đến trường đại học Sogang, một trong các trường đại học nổi tiếng nhất của Hàn Quốc. Trường tôi trông không ấn tượng bằng trường Korea University hay Yonsei danh giá, nhưng tôi cảm thấy thoải mái như ở nhà mình với những dấu mốc quen thuộc, với các bạn bè tôi đã có được.

Thủy triều đen: Total trắng án ?

Bài đăng : Thứ sáu 06 Tháng Tư 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 06 Tháng Tư 2012 
Mười hai năm sau khi chiếc tàu chở dầu Erika bị đắm, và hai phiên tòa sơ thẩm rồi phúc thẩm, công tố viên của Tòa phá án lại cho rằng không thể áp dụng luật lệ của Pháp trong vụ này vì chiếc tàu dầu treo cờ Malta lúc đó đang ở trong vùng đặc quyền kinh tế. Dư luận lo ngại cách phán đoán này sẽ giúp các tập đoàn dầu khí được miễn trừ trách nhiệm trong trường hợp gây ô nhiễm.

Bầu cử Tổng thống Pháp là chủ đề chính của các báo Paris hôm nay. Nhật báo cánh hữu Le Figaro chú ý đến việc : « Sarkozy lên án Hollande là chối bỏ cuộc khủng hoảng », còn tờ báo kinh tế Les Echos nhấn mạnh: « Sarkozy dùng lá bài khắc khổ trước Hollande ». Le Monde phân tích thành phần « Các cử tri quay sang bầu cho Nicolas Sarkozy » mà theo điều tra của Ipsop thì từ phe cực hữu và cánh trung. Nhật báo cộng sản L’Humanité tiếp tục cổ vũ cho ứng cử viên Mặt trận Cánh tả, tờ báo tỏ ra hào hứng trước màu cờ đỏ tràn ngập thành phố Toulouse, với 70.000 người đến dự buổi nói chuyện của ông Jean-Luc Mélenchon. Tờ báo công giáo La Croix phỏng vấn ứng viên cánh trung François Bayrou, bên cạnh đó cũng chú ý đến cuộc « Hành hương hòa bình tại Irak » nhân dịp thứ Sáu tuần thánh. Riêng nhật báo cánh tả Libération quan tâm đến vấn đề môi trường : « Thủy triều đen : Total trắng án ? »

Ngày 12/12/1999, chiếc tàu chở dầu Erika treo cờ Malta , chở thuê 31.000 tấn dầu nặng cho tập đoàn Total đang trên đường đi đến Ý, phải đối đầu với những đợt sóng cao đến 6 m và gió mạnh cấp 8. Chiếc tàu bị vỡ làm đôi, 20.000 tấn dầu tràn ra đại dương và duyên hải nước Pháp. Khoảng 400 km bờ biển Pháp bị ô nhiễm vì thủy triều đen. Nhờ có các tình nguyện viên giúp sức để thu nhặt những mảng dầu, đến năm 2001 đã gom được trên 230.000 tấn rác có dầu ma-zút. Nhưng thủy triều đen từ Erika đã giết hại từ 80 đến 150.000 con chim biển.

Phiên tòa tại Paris đầu tiên kéo dài từ tháng 2 đến tháng 6/2007. Đến đầu năm 2008 thì Total, công ty đăng kiểm Rina, công ty vận tải biển và đơn vị quản lý bị Tòa hình sự buộc phải nộp phạt ở mức tối đa vì tội làm ô nhiễm biển. Tháng 3/2010, Tòa phúc thẩm công nhận bản án của Tòa sơ thẩm, và đến tháng 10/2011 Rina bắt đầu chi trả bồi thường cho các nguyên đơn. Đến ngày 24/05/2012 tới, vụ việc sẽ được đưa ra trước Tòa phá án.

Mười hai năm sau vụ đắm tàu dầu Erika, và hai phiên tòa kết án tập đoàn dầu khí Total, Tòa phá án vẫn có thể hủy vụ kiện này. Theo Libération, đây là một sự kiện bất ngờ về mặt luật pháp, kinh tế, chính trị và đương nhiên là về sinh thái. Nếu Tòa phá án thuận theo đề nghị của công tố cũng như báo cáo viên, thì tất cả các nhân tố trong ngành vận tải biển và nhất là các tập đoàn dầu khí khổng lồ, có thể xoa tay phủi trách nhiệm.

Hai thắng lợi chủ yếu đã đạt được trong các phiên tòa năm 2007 và 2009 là việc nhìn nhận trách nhiệm của đơn vị thuê tàu, và hậu quả sinh thái, có nguy cơ bị chối bỏ. Theo Libération, đành rằng Tòa phá án là nơi các chuyên gia tranh luận với các lý lẽ thuần luật pháp. Nhưng đè nặng lên vụ này, là nghi vấn Nhà nước hậu thuẫn cho Total trong việc gây áp lực lên các địa phương, khiến họ phải chấp nhận bồi thường qua điều đình, thay vì theo bản án chính thức của tư pháp.

Nhật báo cánh tả cho rằng, kịch bản được Total mơ ước là vụ này không trở thành án lệ trong trường hợp lại xảy ra các thảm họa mới. Nếu giấc mơ này trở thành hiện thực, thì Nhà nước là đồng lõa, hoặc ít nhất là dối trá trong ý hướng quy trách nhiệm cho các công ty dầu khí, điều tiết một lãnh vực kinh tế đang phát đạt của ngành vận tải biển quốc tế, và mục tiêu bảo vệ môi trường sẽ bị hy sinh.

Buôn lậu sừng tê giác gia tăng do nhu cầu từ châu Á

Nhìn sang châu Á, Le Monde có bài viết mang tựa đề « Theo dấu vết của bọn mafia buôn sừng tê giác ».
Tại châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam, sừng tê giác được bán với giá đắt như vàng, đắt hơn cả ma túy. Cho dù việc buôn bán sừng tê giác, cũng như các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng đều bị cấm theo công ước Cites, nhưng nhu cầu đang tăng rất cao. Nhất là từ năm 2009, sau khi một chính khách Việt Nam kể lại trên mạng là nhờ nước sắc từ sừng tê giác mà đã khỏi được bệnh ung thư di căn.

Bọn trộm sừng tê giác tung hoành tại Pháp, Đức, Anh, Áo, Cộng hòa Sec, Mỹ…Cho đến nay, Europol, cơ quan cảnh sát châu Âu đã ghi nhận được 58 vụ. Các viện bảo tàng, địa điểm bán đấu giá, cơ sở nhồi rơm thú rừng, các bộ sưu tập tư nhân…đều được bọn đạo chích viếng thăm, thậm chí kể cả sở thú.

Hôm 23/2, chiến dịch « Crash » được tiến hành đồng loạt tại nhiều thành phố ở Hoa Kỳ với sự tham gia của nhiều nhân viên an ninh liên bang. Bảy tên buôn lậu đã bị bắt, và tại nhà các nghi can, cảnh sát Mỹ tìm thấy nhiều chiếc sừng tê giác đen và một triệu đô la tiền mặt, nhiều thỏi vàng và đồng hồ sang trọng.

Còn tại Pháp, hải quan phát hiện một số trường hợp sừng tê giác được giấu trong tượng đồng, ngụy trang trong xe…Theo Europol, thì chắc chắn đây là tội phạm có tổ chức, có mạng lưới trên khắp châu Âu. Từ việc chọn lựa địa điểm và cách thức hành động, tồn trữ và vận chuyển đến tận châu Á, bọn tội phạm đa quốc gia làm việc theo đơn đặt hàng. Khách châu Á có thể trả một chiếc sừng tê giác từ 25.000 đến 200.000 euro, tùy theo mức độ quý hiếm.

Theo nhận định của các nhà điều tra, thì có hiện tượng bọn mafia từ các hoạt động cổ điển như trấn lột, buôn bán ma túy, cướp giựt…chuyển sang tội phạm về môi trường. Thay vì đi cướp ngân hàng, nếu buôn các loài động vật bị cấm thì lợi nhuận cũng tương tự, nhưng nếu bị bắt thì hình phạt lại nhẹ hơn. Trộm cắp sừng tê giác được xếp vào tội nhẹ, còn mua bán ma túy là tội phạm hình sự có khung hình phạt cao.

Hoa Kỳ và Trung Quốc đối đầu ở Miến Điện

Phụ trang của Le Figaro dịch lại các bài báo nổi bật từ The New York Times, có bài nói về sự tranh giành ảnh hưởng của Hoa Kỳ và Trung Quốc tại Miến Điện.

Bài báo mở đầu bằng cảnh những chiếc xe ủi đất Trung Quốc đang đào xới ở miền Bắc Miến Điện, để xây dựng đường ống dẫn dầu khí. Tập đoàn khổng lồ China National Petroleum Corporation (CNPC) đã chi tiền mặt mua đứt những mảnh đất, cây cối nằm trên tuyến đường ống dẫn dầu tương lai, và cũng cho xây dựng trường học, bệnh viện tại vùng đất nghèo nàn này.

Sự bồi thường nhanh chóng của CNPC là do Bắc Kinh đã rút ra bài học từ vụ một dự án đập thủy điện bị ngưng hồi năm ngoái. Trung Quốc không thể để thua cuộc trong trận chiến tranh giành ảnh hưởng với Hoa Kỳ, khi Miến Điện đang bắt đầu mở cửa, sợ rằng sẽ bị mất đi một đối tác chiến lược. Miến Điện là cửa ngõ để Bắc Kinh tiến vào Ấn Độ Dương, một con đường tắt để vận chuyển dầu hỏa từ Trung Đông về.

Một chuyên gia ngoại giao Trung Quốc nhận định : « Hoa Kỳ là cường quốc hàng đầu thế giới, nên việc duy trì quan hệ với Miến Điện là điều dễ hiểu. Nhưng Trung Quốc đang ở thế độc tôn, giờ đây phải chia sẻ với người khác thì thật là khó nuốt, vì vậy mà chúng tôi rất bực tức ».

Bắc Kinh đã đầu tư nhiều tỉ đô la vào Miến Điện, và nếu Washington vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp trừng phạt kinh tế thì sẽ khó kìm hãm được ảnh hưởng của Trung Quốc. Tác giả bài báo cho biết, còn hiện nay, Bắc Kinh vẫn chưa hết giận dữ trước việc đập thủy điện Irrawaddy bị ngưng. Gần 90% lượng điện sản xuất sẽ được xuất sang Trung Quốc, trong khi theo Ngân hàng Thế giới, hiện chưa đến 20% hộ gia đình Miến Điện có được điện thắp sáng.

Nhiều tiểu bang Mỹ cho phép dùng vũ khí sát thương để tự vệ

Liên quan đến Hoa Kỳ, Le Monde nói về « Đất nước của những vụ sát nhân có thể biện minh ». Theo tờ báo, chính nhờ đạo luật mang tên « Hãy bảo vệ lãnh địa của mình », mà người đã giết chết một thanh niên da đen ở bang Florida vừa qua không phải trả lời trước công lý. Tại Mỹ, các đạo luật cho phép tự vệ vũ trang ngày càng nhiều, dưới ảnh hưởng vận động hành lang.

Vụ việc trên đây khiến người ta nhớ lại, Florida với 6 triệu người dân sở hữu vũ khí, trên tổng số 19 triệu dân, vốn là một trong các tiểu bang mà việc mang vũ khí rất phổ biến. Từ khi luật Stand Your Ground được ban hành vào năm 2005, số người đã sát nhân với lý do tự vệ nên không bị truy tố, hàng năm vẫn tăng lên tại Florida. Từ một vụ xung đột giữa hàng xóm, cãi nhau trong quán bar… đều có thể trở thành một vụ giết người, thậm chí có trường hợp do uống rượu say nên nhầm cửa nhà khi trở về cũng bị bắn. Một nghị sĩ Dân chủ đã bức xúc tuyên bố : « Chúng ta không thể tiếp tục nhắm mắt làm ngơ trước số sinh mạng mà đạo luật này đã cướp đi ».

Nhưng không chỉ có Florida, mà phân nửa trong tổng số năm chục tiểu bang của Hoa Kỳ, đều áp dụng các luật lệ tương tự trong những năm gần đây. Từ sau vụ anh thanh niên da đen Trayyon Martin bị bắn chết hôm 26/2, dư luận mới chĩa mũi dùi vào một hiệp hội tuy rất thế lực nhưng lại kín tiếng, đó là American Legislative Exchange Council (ALEC). Tiếng là hành động phi chính trị, nhưng các dự luật do ALEC soạn thảo cho nghị viện của các tiểu bang thường được thông qua. Nhiều đạo luật dành lợi ích cho các tập đoàn lớn, vốn đã đóng góp đến 98% ngân sách của ALEC.

tags: Dầu khí - Môi trường - Ô nhiễm - Pháp - Pháp luật - Điểm báo 
http://www.viet.rfi.fr/phap/20120406-thuy-trieu-den-total-trang-an

Chính quyền Bắc Kinh buộc Ngải Vị Vị phải gỡ bỏ webcam

Bài đăng : Thứ năm 05 Tháng Tư 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 05 Tháng Tư 2012 
Nghệ sĩ Ngải Vị Vị hôm 05/04/2012 cho biết chính quyền đã buộc ông phải gỡ các webcam mà ông đang đặt tại nhà ở Bắc Kinh, để phản ứng lại việc ông bị liên tục theo dõi. Lệnh này được đưa ra qua điện thoại và không cho biết lý do.

Theo nghệ sĩ, thì ông được « nghiêm khắc yêu cầu » cho ngưng các webcam, sau 46 giờ đưa vào hoạt động. « Họ không cho biết vì sao ra lệnh này, tôi không bao giờ biết được lý do của 81 ngày bị cầm tù ».
Bị chính quyền Bắc Kinh duy trì giám sát qua hệ thống camera, Ngải Vị Vị đã phản ứng bằng cách cho đặt bốn webcam trong nhà, để công khai các hình ảnh sinh hoạt hàng ngày trên mạng. Mọi người đều có thể tham khảo các hình ảnh này qua địa chỉ http://weiweicam.com.

Ông cho biết đã giải thích với cơ quan chức năng là : « Các vị cho thiết trí đến 15 camera chĩa vào tôi. Chiếc camera tôi đặt trong phòng ngủ cũng giống y như chiếc lắp đặt phía trên đầu tôi trong suốt 81 ngày tôi bị giam giữ. Như vậy tôi đã hỗ trợ quý vị trong việc duy trì quan sát thường xuyên tất cả các hành động của tôi ».

Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Stéphane Lagarde cho biết thêm chi tiết :

« Như vậy chương trình truyền hình thực tế về Ngải Vị Vị đã chấm dứt. Ngải Vị Vị ngồi trước máy tính cùng với chú mèo, Ngải Vị Vị trên giường ngủ, trong vườn của xưởng sáng tác… « Trang web chỉ duy trì được dưới 48 tiếng đồng hồ. Chúng tôi đã phải đóng cửa vào lúc 22 giờ tối qua, do áp lực của công an và chính quyền ». Một trong số các trợ lý của ông đã xác nhận với chúng tôi như trên.

« Đương nhiên là chúng tôi không muốn đóng trang web », nghệ sĩ khẳng định trên tài khoản Twitter. Đó là bằng chứng cho thấy cuộc sống riêng tư có thể bị xem như bí mật quốc gia tại Trung Quốc. Cho dù chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi, cách trả đũa này đã giúp Ngải Vị Vị tố cáo việc ông bị theo dõi.

« Có 15 camera hướng vào tôi, điện thoại và máy vi tính của tôi bị kiểm soát, và hàng ngày tôi đi đâu cũng bị theo sát gót ». Trước sự mập mờ về an ninh và nỗi ám ảnh giữ bí mật của chính quyền, Ngải Vị Vị đối phó lại bằng sự minh bạch trên internet. Ông vốn là một nghệ sĩ sử dụng Twitter thường xuyên như hơi thở.

Bị kết tội trốn thuế vào năm ngoái, Ngải Vị Vị đã được cư dân mạng hỗ trợ. Số tiền do 30.000 người dân Trung Quốc tặng đã giúp ông đóng phí bảo lãnh và kháng án ».

tags: Châu Á - Nghệ thuật - Nhân quyền - Trung Quốc - Văn hóa
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120405-chinh-quyen-bac-kinh-buoc-ngai-vi-vi-phai-go-bo-webcam 

Kim Jong Un học dốt và hay trốn học

Bài đăng : Thứ năm 05 Tháng Tư 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 05 Tháng Tư 2012 
Theo thông tin từ trang web Daily Record của Anh hôm qua 04/04/2012 thì lãnh đạo Bắc Triều Tiên hiện nay là Kim Jong Un, 29 tuổi, vào thời còn đi học tại Thụy Sĩ trong thập niên 90 thường trốn học, và học kém nhiều môn.

Tờ báo Anh dẫn ra các tài liệu được tiết lộ, cho biết trong năm đầu tiên học tại trường quốc tế ở Berne, Thụy Sĩ, Kim Jong Un đã vắng mặt đến 75 ngày. Khi lên năm thứ hai, số ngày vắng mặt tăng lên đến 105 ngày.
Người kế vị của chế độ Bình Nhưỡng vào học ở ngôi trường tư nổi tiếng International School có học phí 20.000 bảng Anh một năm, với cái tên giả là Pak Un và với danh nghĩa là con của một nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên.

Một bạn học cũ trước đây của Kim Jong Un kể lại rằng, nhà lãnh đạo tương lai của Bắc Triều Tiên thường xuyên không đến lớp cho đến tận buổi chiều, để ở nhà chơi game video hay xem các trận đấu bóng rổ trên truyền hình.

Có lẽ vì vậy mà kết quả học tập của Kim Jong Un bị ảnh hưởng. Cũng theo các tài liệu trên, Kim Jong Un thi rớt môn khoa học và chỉ đạt điểm tối thiểu môn tiếng Anh và tiếng Đức – hai ngôn ngữ chính được sử dụng tại thủ đô Berne của Thụy Sĩ, nhưng có điểm số khá về môn âm nhạc và kỹ thuật.

Lên kế vị cha là Kim Jong Il qua đời hồi tháng 12 năm ngoái, tân lãnh đạo Kim Jong Un vẫn là một ẩn số đối với các nhà quan sát nước ngoài, đặc biệt là vấn đề uy tín đối với quân đội đến đâu, và liệu nhà lãnh đạo họ Kim đời thứ ba này có ý hướng cải cách hay không.

tags: Bắc Triều Tiên - Châu Á - Xã hội 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120405-kim-jong-un-hoc-dot-va-hay-tron-hoc

Syria : Chính quyền khẳng định rút quân, nhưng vẫn tấn công phe nổi dậy

Bài đăng : Thứ năm 05 Tháng Tư 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 05 Tháng Tư 2012 
Hôm 05/04/2012, chính quyền Damas khẳng định đã bắt đầu rút quân ra khỏi một số khu vực. Nhưng quân chính phủ lại tăng cường tấn công vào quân nổi dậy, trong lúc đặc sứ Liên Hiệp Quốc Kofi Annan hy vọng sẽ tiến đến ngừng bắn hoàn toàn từ nay cho đến ngày 12/4.
Tờ báo thân cận với chính quyền Syria là Al Watan hôm nay cho biết, Damas đã gởi thư cho ông Kofi Annan, thông báo là « các đơn vị quân sự đã bắt đầu rút khỏi một số khu vực » như tại Zabadani và một số vùng thuộc tỉnh Idleb. Một phát ngôn viên của ông Annan nói rằng, đặc sứ của Liên Hiệp Quốc và Liên đoàn Ả Rập đang kiểm tra lại các thông tin trên đây.

Nhưng ngay lập tức Pháp đã cho biết là « không lạc quan » về việc chính quyền Damas chấp nhận kế hoạch hòa bình. Còn phe nổi dậy đã bác bỏ thẳng thừng việc quân chính phủ rút lui, nêu ra các vụ tấn công mãnh liệt và các cuộc đụng độ giữa hai bên đã làm cho 12 người chết vào hôm nay.

Một chiến binh nổi dậy được AFP liên lạc qua Skype đã nói : « Khu vực Zabadani tiếp tục bị pháo kích. Nếu 200 xe tăng vẫn ở lại đây, và 40 chiếc được rút đi để đánh vào các nơi khác thì không phải là rút quân ». Chủ tịch Tổ chức Quan sát Nhân quyền tại Syria (ODSH) nhấn mạnh : « Không thể nói là rút quân ở Zabadani, trong khi có các vụ tấn công vào những thành phố lân cận của tỉnh Damas. Cần rút quân thực sự chứ không phải là ra vẻ rút quân nhằm tuyên truyền ».

Hôm thứ Hai, Liên Hiệp Quốc đã loan báo là chế độ Damas đã chấp nhận bắt đầu thực hiện kế hoạch hòa bình của ông Kofi Annan trước ngày 10/4, bằng cách rút quân nhất là tại các thành phố nổi dậy. Ông Annan bày tỏ hy vọng là 48 giờ sau thời hạn trên đây, « các hình thức bạo lực của tất cả các bên sẽ chấm dứt hoàn toàn ».

Nhưng hôm nay, một viên chức chính phủ Syria giấu tên lại nói với tờ Al Watan là không có hạn định nào, ngày 10/4 chỉ là ngày khởi đầu hoạt động giải trừ quân sự, chứ không phải hạn cuối rút quân. Matxcơva, đồng minh chủ yếu của chế độ Assad, cũng cảnh báo phương Tây không nên « đe dọa và đưa ra tối hậu thư » cho Damas.

Trong khi đó, các xe tăng quân chính phủ vẫn tấn công vào thành phố Douma, và thành phố Kafar Chamés thuộc tỉnh Deraa ở miền Nam, pháo kích vào khu vực Anadane thuộc tỉnh Alep ở miền Bắc.

Việc rút các xe tăng và các loại vũ khí hạng nặng ra khỏi các khu vực dân cư vốn là một trong các điểm chính của kế hoạch Annan. Hôm nay một ê-kíp chuyên gia Liên Hiệp Quốc, do tướng Na Uy Robert Mood dẫn đầu, đã đến Damas để thảo luận về việc triển khai từ 200 đến 250 quan sát viên giám sát ngừng bắn kể từ ngày 10/4.

tags: Bạo động - Liên Hiệp Quốc - Quân sự - Quốc tế - Syria 
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120405-chinh-quyen-syria-khang-dinh-bat-dau-rut-quan-nhung-lai-day-manh-tan-cong-vao-phe-n

Bắc Kinh kêu gọi « một môi trường khu vực hòa bình »

Bài đăng : Thứ năm 05 Tháng Tư 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 05 Tháng Tư 2012 
Trước sự kiện đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ đầu tiên đến Úc, vốn là giai đoạn đầu của việc tăng cường sự hiện diện của Hoa Kỳ tại châu Á - Thái Bình Dương, hôm nay 05/04/2012 Trung Quốc  đã kêu gọi « các nỗ lực mang tính xây dựng » hướng về « một môi trường khu vực hòa bình ».

Ông Hồng Lỗi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, khi được hỏi về vấn đề trên, đã tuyên bố : « Điều mong muốn nhất trong khu vực là một môi trường hòa bình ». Ông nói thêm, mà không nêu cụ thể quốc gia nào : « Chúng tôi hy vọng các nước liên quan sẽ có những nỗ lực mang tính xây dựng để làm nên một khu vực châu Á – Thái Bình Dương hòa hợp và hòa bình ».

Khoảng 200 lính thủy quân lục chiến Mỹ đã đến căn cứ Darwin của Úc vào tối thứ Ba rạng sáng thứ Tư. Đây là đợt đầu tiên, con số này có thể lên đến tổng cộng 2.500 quân nhân.

Lầu Năm Góc ngày càng xem trọng khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Người Mỹ lo ngại trước sức mạnh đang lên của Giải phóng quân Trung Quốc, một quân đội đông đảo nhất thế giới và chương trình hành động luôn là một bí mật lớn.

Hồi tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Barack Obama đã loan báo là Hoa Kỳ sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự tại Úc, một quyết định được Bắc Kinh xem là dấu hiệu của « tư duy thời kỳ chiến tranh lạnh ». Washington cũng muốn đưa các chiến hạm đến neo đậu tại Singapore, đồng thời tăng cường lực lượng ở Philippines và Thái Lan.

tags: An ninh - Châu Á - Hoa Kỳ - Quân sự - Quốc tế - Theo dòng thời sự - Trung Quốc 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120405-bac-kinh-keu-goi-%C2%AB-mot-moi-truong-khu-vuc-hoa-binh-%C2%BB

Các nghi phạm vụ khủng bố 11/9 có thể lãnh án tử hình

Bài đăng : Thứ năm 05 Tháng Tư 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 05 Tháng Tư 2012 
Tòa án quân sự Mỹ hôm 04/04/2012 đã công bố các tội danh đối với các nghi phạm đã tổ chức các vụ khủng bố ngày 11/9. Cả năm nghi phạm này sẽ được xét xử từ nay đến cuối năm, và tất cả đều có nguy cơ lãnh bản án tử hình.

Từ Washington, thông tín viên RFI Raphael Reynes cho biết thêm chi tiết :
« Khi công bố vào ngày hôm qua các tội danh đối với các bị cáo đã tổ chức các vụ khủng bố ngày 11/9, Lầu Năm Góc đã mở ra con đường xét xử năm người này bằng tòa án quân sự.

Nghi phạm được biết đến nhiều nhất là Khaled Cheikh Mohamed, được khẳng định là "bộ não" của các vụ khủng bố ngày 11/9. Cùng với bốn đồng phạm khác, người Koweit 46 tuổi này bị truy tố về tội tổ chức và thực hiện các vụ tấn công ngày 11/9, đã làm cho 2.976 người thiệt mạng. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết, nếu tòa án công nhận là có tội, cả năm người này có thể bị lãnh án tử hình.

Bị bắt vào ngày 11/03/2003, Khaled Cheikl Mohamed đã khai nhận tội, nhưng đó là trong tình trạng bị tra tấn. Như vậy những bản cung này không thể được sử dụng trước một ủy ban quân sự. Nhờ có một nhân vật thứ sáu là Majid Khan, người Pakistan, đã quyết định hợp tác với tư pháp Mỹ và buộc tội người tổ chức các vụ khủng bố ngày 11/9, mà phía công tố có được một hồ sơ khá vững chắc để đưa ra tòa.

Majid Khan đã thương lượng xin giảm án. Còn năm bị cáo kia phải ra trước tòa án quân sự đặc biệt trong vòng 30 ngày tới để được chính thức thông báo về việc bị truy tố, sau đó mới đến phiên tòa xét xử thật sự. Phiên tòa này chỉ có thể bắt đầu trong nhiều tháng tới ».

AFP nói thêm, thoạt đầu Tổng thống Barack Obama dự định đưa các nghi can này ra xử tại một tòa án dân sự ở New York, ở gần Ground Zero, nơi mà tòa tháp đôi World Trade Center bị sụp đổ vào năm 2001. Nhưng các đại biểu phe Cộng hòa ở Quốc hội đã phản đối mạnh mẽ, chống lại việc chuyển giao các nghi can khủng bố sang đất Mỹ.

Tòa án quân sự được thành lập dưới thời ông George W. Bush sau các vụ khủng bố ngày 11/9, với lý do các thành viên Al Qaida thuộc loại đặc biệt, không thể xét xử bằng tòa án dân sự thông thường. Chính quyền Obama đã có những thay đổi để các thủ tục của tòa án quân sự cũng gần giống với dân sự.

tags: Hoa Kỳ - Khủng bố - Quốc tế - Tư pháp 
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120405-cac-nghi-pham-vu-khung-bo-119-co-nguy-co-lanh-an-tu-hinh

Mười tám nhà ly khai Việt Nam bị kết tội âm mưu lật đổ chính quyền

Bài đăng : Thứ năm 05 Tháng Tư 2012 

Mười tám nhà ly khai Việt Nam đã bị truy tố vì mưu toan lật đổ chính quyền. Những người này là thành viên « Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn », một nhóm nhỏ cho đến nay ít ai biết đến, nhưng theo khẳng định của cơ quan chức năng thì đã hoạt động từ năm 1975. Hãng thông tấn Pháp AFP dẫn thông tin từ báo chí chính thức hôm nay 05/04/2012 cho biết như trên.

Những người kể trên hiện đang bị giam giữ tại tỉnh Phú Yên. Theo một tờ báo địa phương trên mạng, thì ban đầu họ bị bắt vì tội « lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân » theo điều 258 Luật hình sự. Nhưng sau đó Viện Kiểm sát tỉnh Phú Yên đã phê chuẩn quyết định thay đổi tội danh theo điều 79 Luật hình sự. Với tội danh đầu, mức án tối đa là bảy năm tù, nhưng theo tội danh mới, thì hình phạt tối đa dành cho người cầm đầu có thể là chung thân hoặc tử hình, và 15 năm tù cho đồng phạm.

Tờ báo này dẫn nguồn tin từ công an tỉnh Phú Yên cho biết, các bị cáo trong nhóm Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn «đã thú nhận tội âm mưu lật đổ chính quyền. Các chứng cứ và tài liệu tịch thu được cho thấy nhóm phản cách mạng này chuẩn bị lật đổ chính quyền nhân dân ». Những người ly khai trên đây bị bắt nhân một cuộc truy quét của công an hồi tháng Hai tại cơ sở hoạt động của họ.

Các tổ chức bảo vệ nhân quyền thường xuyên tố cáo tội danh « âm mưu lật đổ chính quyền » thường được sử dụng như công cụ để làm im tiếng những người bất đồng chính kiến.

AFP dẫn tin Thông tấn xã Việt Nam cho biết, nhóm « Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn » được thành lập từ năm 1975, sau khi Sài Gòn sụp đổ và trở thành Thành phố Hồ Chí Minh. Nhóm này tập hợp trên 300 thành viên từ nhiều tỉnh thành trên toàn quốc.


tags: Chính trị - Dân chủ - Tư pháp - Việt Nam - Xã hội 
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120405-muoi-tam-nha-ly-khai-viet-nam-bi-ket-toi-am-muu-lat-do-chinh-quyen

Cuộc sống ngư dân Việt tại Louisiana sau tai nạn dầu tràn ở vịnh Mêhicô

Thứ tư 28 Tháng Ba 2012 

Vụ nổ giàn khoan dầu Deepwater Horizon của tập đoàn dầu khí BP vào ngày 20/04/2010, ở cách 80 km ngoài khơi Nouvelle-Orléans, miền nam Hoa Kỳ, đã làm cho 11 người chết và hàng trăm triệu lít dầu thô tràn ra vùng vịnh Mêhicô. Bốn tháng sau đó, BP mới thành công trong việc đóng lại giếng dầu này. Thành phố Nouvelle-Orléans thuộc bang Louisiana là nơi có nhiều người Việt sinh sống, đa số là ngư dân chuyên đánh tôm, cá trên biển. Sau tai nạn dầu tràn, cuộc sống của họ ra sao ? 

Đến đầu tháng 3/2012, tập đoàn BP đã thỏa thuận bồi thường 7,8 tỉ đô la cho các công ty tư nhân và ngư dân tại vùng vịnh Mêhicô bị ảnh hưởng bởi nạn thủy triều đen. Đây là một bước tiến quan trọng của tập đoàn này trong việc giải quyết một phần hậu quả của thảm họa tràn dầu.

Tuy hãy còn phải đối mặt với đơn kiện của Bộ Tư pháp Mỹ và nhiều tiểu bang, nhưng như vậy BP đã đạt được thỏa thuận bước đầu bằng cách bồi thường thỏa đáng cho những người bị thiệt hại. Trước đó BP cũng đã bồi thường 20 tỉ đô la, trong đó có 6 tỉ để trả cho 220.000 người đồng ý nhận đền bù theo thủ tục khẩn cấp.

RFI đã trao đổi với nhà báo Vương Kỳ Sơn ở Nouvelle-Orléans về vấn đề đời sống của khoảng 20.000 ngư dân Việt Nam tại đây sau tai nạn thủy triều đen. Theo nhà báo Vương Kỳ Sơn, thì các chủ tàu nào được thuê đi vớt dầu thì có thu nhập khá, còn những ai không được thuê thì gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên họ cũng nhận được một số tiền đền bù và trợ cấp.

Nhà báo Vương Kỳ Sơn
28/03/2012


http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120328-cuoc-song-ngu-dan-viet-nam-tai-louisiana-sau-tai-nan-dau-tran-o-vinh-mehico

Nội bộ ASEAN bị chia rẽ về vấn đề Biển Đông

Bài đăng : Thứ tư 04 Tháng Tư 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 04 Tháng Tư 2012 
Thanh Phương / Thụy My
 
Trong khi đạt được đồng thuận về vấn đề Miến Điện, hội nghị thượng đỉnh ASEAN kỳ này lại bị chia rẽ trên hồ sơ Biển Đông, đặc biệt là do việc Cam Bốt bị cho là đã mời Trung Quốc tham gia đàm phán với ASEAN về Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông.

Từ Phnom Penh, đặc phái viên RFI Thanh Phương tường trình:



Đặc phái viên Thanh Phương - Phnom Penh
04/04/2012
RFI: Trước hết, vấn đề Biển Đông đã được nêu lên như thế nào tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Phnom Penh?

Thanh Phương: Trong những ngày trước hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Phnom Penh, đã có nhiều lời đồn đoán về việc vấn đề Biển Đông có sẽ được đưa vào chương trình nghị sự chính thức hay không. Thực tế là hồ sơ này đúng là không nằm trong chương trình chính thức, nhưng cuối cùng đây lại là một chủ đề đeo bám các lãnh đạo ASEAN cho tới cả bên ngoài phòng họp. Nhất là khi gặp Tổng thống Philippines Begnino Aquino, hầu như phóng viên nào cũng hỏi về lập trường của Manila trên vấn đề này, do tại các lãnh đạo Philippines lên tiếng mạnh mẽ nhất. 

Trong bản tuyên bố chung kết hội nghị thượng đỉnh, các lãnh đạo ASEAN đã cam kết sẽ tăng cường nỗ lực trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trên Biển Đông, khẳng định tầm quan trọng của Bản tuyên bố chung về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) được thông qua năm 2002, tức là cách đây 10 năm tại Phnom Penh. Nhưng trong bản tuyên bố của riêng Chủ tịch ASEAN, tức là Cam Bốt, thì vấn để Biển Đông không phải là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Các nước ASEAN đã bất đồng như thế nào trên hồ sơ Biển Đông?

Bất đồng này xuất phát từ việc người ta nghi ngờ Bắc Kinh gây áp lực lên Cam Bốt, bởi vì Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã viếng thăm nước này ngay trước ngày khai mạc Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Phnom Penh, và không ai nghĩ rằng đây là một sự trùng hợp về thời điểm. Do quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa Phnom Penh với Bắc Kinh ( Trung Quốc đầu tư vào Cam Bốt đến 1,1 tỉ đôla trong năm 2011), nên một số người nghĩ rằng chính phủ Hun Sen không thật lòng khi nêu vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông. 

Hôm qua, tại thượng đỉnh Phnom Penh, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario xác nhận đã có” bất đồng lớn” trong việc mời Trung Quốc tham gia đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), có tính chất ràng buộc hơn để thay thế cho Bản tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC).

Phía Trung Quốc trước đây đã từng tỏ ý muốn cùng với ASEAN soạn thảo Bộ quy tắc COC, nhưng ngay từ lúc đó Philippines, với sự ủng hộ của Việt Nam, dứt khoát không muốn điều đó.

Theo Ngoại trưởng Philippines, Cam Bốt nay muốn mời Trung Quốc tham gia cùng với ASEAN soạn bản dự thảo Bộ quy tắc ứng xử. Nhưng tại thượng đỉnh Phnom Penh, Philippines và Việt Nam ( có thêm sự đồng tình của Thái Lan ) vẫn yêu cầu là các nước ASEAN phải họp riêng với nhau và khi nào đạt được lập truờng chung, thì mới nói chuyện với Trung Quốc. Trả lời phóng viên sau cuộc họp thượng đỉnh hôm nay, Ngoại trưởng Thái cũng nhắc lại rằng ASEAN phải thoả thuận trong nội bộ rồi mới đàm phán với Trung Quốc. 

Trước những lời chỉ trích nói trên, Thủ tướng Hun Sen đã phản bác như thế nào?

Trong cuộc họp báo kết thúc hội nghị hôm nay, Thủ tướng Hun Sen, với tư cách chủ tịch ASEAN, đã phản bác những lời chỉ trích xung quanh vấn đề Biển Đông. Cũng xin nói thêm là những câu hỏi được đặt ra trong cuộc họp báo này có vẻ là những câu hỏi có tính chất cò mồi, để ông Hun Sen có dịp phản bác những lời chỉ trích nhắm vào Cam Bốt, nhất là những lời chỉ trích từ đảng Sam Rainsy đối lập. Thành ra, phần lớn thời gian họp báo gần như là ông Hun Sen độc diễn, để biện minh cho thái độ của chính phủ Cam Bốt tại cuộc họp thượng đỉnh ASEAN lần này.

Ông khẳng định là Cam Bốt không hề cản trở việc đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự. Nhưng ông nhắc lại lập trường đã được nêu lên trong bản tuyên bố chung Cam Bốt - Trung Quốc sau khi kết thúc chuyến viếng thăm của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Đó là trước mắt các nước ASEAN và Trung Quốc nên thực hiện nghiêm túc và đầy đủ bản hướng dẫn Tuyên bố chung về ứng xử trên Biển Đông, và tiến tới kỷ niệm 10 năm bản tuyên bố này nhân hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc vào tháng 11 tới tại Phnom Penh.Theo ông Hun Sen , đây là một tiến trình mà không ai có thể bỏ được. 

Ông rất giận dữ bác bỏ những lời cáo buộc là Cam Bốt đã chịu áp lực của Trung Quốc. Ông khẳng định rằng Cam Bốt là chủ tịch của ASEAN và với tư cách này Cam Bốt có quyền đề ra chương trình nghị sự của cuộc họp thượng đỉnh, không ai xen vào.

Nhưng ai cũng thấy là ASEAN, dưới quyền chủ tịch của Cam Bốt, năm nay rất có thể sẽ không tiến nhanh trong việc soạn thảo một Bộ quy tắc về ứng xử trên Biển Đông COC, có tính chất ràng buộc hơn so với Bản tuyên bố DOC và như vậy, Trung Quốc sẽ tiếp tục khai thác tình hình này để lấn lướt hơn nữa trên Biển Đông. 

Các nước ASEAN đã đề ra mục tiêu trở thành một cộng đồng hợp nhất vào năm 2015, nhưng với sự chia rẽ nội bộ do vấn đề Biển Đông, xem chừng khối Đông Nam Á khó mà đạt được mục tiêu này. 

Nhưng dầu sao thì chúng ta cũng phải nói về mục tiêu 2015 của ASEAN. Cụ thể, hội nghị thượng đỉnh ASEAN đã cam kết những gì để thực hiện mục tiêu này?

Tại cuộc họp thượng đỉnh ở Phnom Penh kỳ này, các lãnh đạo ASEAN đã cam kết sẽ đẩy nhanh tiến trình hội nhập khu vực, nhất là cố rút ngắn sự cách biệt giữa các nước thành viên. Và cũng trong chiều hướng trở thành một cộng đồng hợp nhất, các lãnh đạo Đông Nam Á cũng sẽ cố gắng thực kế hoạch gọi là “ Kết nối ASEAN”, tức là phát triển hệ thống thông tin và viễn thông giữa các nước thành viên. Các nước Đông Nam Á sẽ cố gắng tận dụng Quỹ Cơ sở hạ tầng ASEAN để thu ngắn khoảng cách về phát triển cơ sở hạ tầng giữa các nước trong khối này. 

Cũng nhằm cho ASEAN thật sự là một khối thống nhất, hội nghị thượng đỉnh Phnom Penh còn cam kết sẽ thực hiện chế độ miễn visa toàn diện cho công dân ASEAN, cũng như lập ra một visa ASEAN chung, dành cho những người không phải là công dân ASEAN xin nhập cảnh vào các nước Đông Nam Á. 

Về mặt chính trị, các lãnh đạo ASEAN cam kết sẽ thúc đẩy dân chủ, Nhà nước pháp quyền cũng như bảo vệ nhân quyền và công bằng xã hội. Với tư cách Chủ tịch ASEAN, Cam Bốt cho biết là Ủy ban liên chính phủ về nhân quyền đã bắt đầu soạn thảo Bản tuyên ngôn nhân quyền ASEAN, mà theo dự kiến sẽ được thông qua tại cuộc họp thưọng đỉnh vào tháng 11 năm nay. 

Đối với quốc tế, một trong những cam kết của các lãnh đạo ASEAN tại Phnom Penh là sẽ bảo đảm cho ASEAN thành một vùng không có vũ khí hạt nhân, cũng như những vũ khí hủy diệt hàng loạt.

tags: ASEAN - Biển Đông - Lãnh hải - Phỏng vấn 
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120404-noi-bo-asean-bi-chia-re-ve-van-de-bien-dong

Một thẩm phán mới cho Tòa án xét xử Khmer Đỏ

Bài đăng : Thứ bảy 31 Tháng Ba 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 31 Tháng Ba 2012 
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon sẽ chỉ định một thẩm phán mới thay thế cho thẩm phán người Thụy Sĩ đã từ chức, không tham gia Tòa án quốc tế xét xử Khmer Đỏ, vì bất đồng với chính quyền Cam Bốt. Nguồn tin từ Liên Hiệp Quốc ngày 31/03/2012 cho biết như trên.

Thẩm phán Laurent Kasper-Ansermet hôm 19/03/2012/3 đã thông báo từ chức kể từ ngày 04/05/2012 do không thể « tự do » thực hiện nhiệm vụ của mình trong hai hồ sơ ông phụ trách. Ông tố cáo việc phá rối của các đồng nhiệm người Cam Bốt.

Hồi tháng 10/2011 thẩm phán Laurent Kasper-Ansermet đã được chỉ định thay thế thẩm phán Đức Siegfried Blunk, cũng đã từ chức và tố cáo chính quyền Cam Bốt làm áp lực về hai hồ sơ trên. Nhưng Phnom Penh từ chối công nhận vị thẩm phán mới người Thụy Sĩ.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon quyết định tiến hành chọn lựa một thẩm phán quốc tế mới, và một thẩm phán dự bị. Ông kêu gọi chính phủ Cam Bốt hợp tác tích cực với các tân thẩm phán.

Thủ tướng Hun Sen vốn là cựu lãnh đạo Khmer Đỏ, đã nhiều lần tuyên bố công khai là sẽ không để xới lên hai hồ sơ gây tranh cãi, liên quan đến năm cán bộ Khmer Đỏ đã tham gia vào cuộc diệt chủng làm cho hai triệu người chết từ năm 1975 đến 1979. Ba viên chức cao cấp nhất của chế độ Khmer Đỏ vẫn còn sống hiện đang bị xét xử. Theo các nhà quan sát, những người này sẽ là những bị cáo cuối cùng, sau khi tòa phúc thẩm vào tháng trước đã tuyên án chung thân cho tên Douch, trưởng trại tù nổi tiếng ở Phnom Penh.

tags: Cam Bốt - Châu Á - Liên Hiệp Quốc - Theo dòng thời sự 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120331-mot-tham-phan-moi-cho-toa-an-xet-xu-khmer-do

Mỹ sẵn sàng tăng cường trừng phạt Iran về dầu lửa

Bài đăng : Thứ bảy 31 Tháng Ba 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 31 Tháng Ba 2012 
Ngày 30/03/2012 Tổng thống Barack Obama tăng cường áp lực lên chương trình nguyên tử của Iran. Hoa Kỳ khẳng định trữ lượng dầu lửa thế giới đủ để các nước ngưng nhập khẩu dầu từ nước Cộng hòa Hồi giáo này, và áp dụng các biện pháp trừng phạt kể từ tháng 6/2012. Thổ Nhĩ Kỳ loan báo giảm 20% lượng dầu nhập của Iran.

Theo Tổng thống Obama : « Trong trạng huống kinh tế hiện nay, một số nước đã tăng sản xuất dầu, bên cạnh đó còn có lượng dầu dự trữ chiến lược và một số nhân tố khác. Sản lượng dầu và sản phẩm từ dầu hỏa của các quốc gia khác có thể làm giảm đáng kể nhu cầu mua dầu của Iran ».

Chính quyền Mỹ cho biết có thể tăng cường trừng phạt các nước nào tiếp tục mua dầu lửa của Teheran. Ông Obama tuyên bố sẽ theo dõi chặt chẽ để đảm bảo rằng thị trường có thể bù đắp lại lượng cung từ Iran.

Một đạo luật được thông qua từ tháng 12/2011 buộc Tổng thống Mỹ vào ngày 30/03/2012 và sau đó sáu tháng mọt lần, phải quyết định có tiếp tục trừng phạt Iran hay không, trong khi vẫn đảm bảo giá cả và trữ lượng dầu đáp ứng được nhu cầu của người tiêu thụ Mỹ. Đạo luật này cũng cho phép từ sau ngày 28/06/2012, trừng phạt các ngân hàng ngoại quốc nào tiếp tục giao dịch với Ngân hàng Trung ương Iran về các mặt hàng liên quan đến dầu hỏa, và khai trừ khỏi hệ thống tài chính Hoa Kỳ.

Thông báo trên đây của Nhà Trắng được đưa ra trong bối cảnh giá dầu thô thế giới đang tăng do tình hình căng thẳng ở Trung Đông. Giá xăng dầu tại Hoa Kỳ đang tiến dần đến mức lịch sử, có thể là một mối đe dọa cho sự phục hồi kinh tế cũng như cho việc tranh cử tiếp một nhiệm kỳ của ông Obama.

Cũng ngày 30/03/2012, Thổ Nhĩ Kỳ, một trong những đồng minh chủ yếu của Washington nhưng có chung đường biên giới trên bộ với Iran, loan báo sẽ giảm 20% lượng dầu thô mua từ Teheran.

Tuần trước Hoa Kỳ đã đe dọa sẽ trừng phạt các khách hàng mua dầu của Iran nếu không giảm đáng kể đơn đặt hàng. Thổ Nhĩ Kỳ vốn là nhà nhập khẩu dầu từ Iran đứng hàng thứ 5, lâu nay vẫn từ chối tẩy chay Teheran với lý do quá lệ thuộc vào dầu hỏa của nước láng giềng. Nhưng rốt cuộc Ankara đã nhượng bộ trước sức ép của Washington.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, xuất khẩu dầu lửa của Iran có thể bị giảm xuống phân nửa, sau khi lệnh cấm vận của châu Âu có hiệu lực, cùng với việc các khách hàng lớn như Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc giảm lượng mua. Trung Quốc nay là khách hàng quan trọng cuối cùng không hề cam kết giảm nhập khẩu dầu từ Teheran.

tags: Dầu khí - Hoa Kỳ (Mỹ) - Iran 
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120331-my-san-sang-tang-cuong-trung-phat-iran-ve-dau-lua

Báo chí Miến Điện đưa tin về bầu cử bằng mọi giá

Bài đăng : Thứ bảy 31 Tháng Ba 2012 

Để đưa tin về cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung sẽ diễn ra ngày 01/04/2012, các nhà báo Miến Điện bằng mọi giá tránh né các hạn chế do chính phủ áp đặt, đặc biệt là nhờ Facebook và Twitter. Pháp, Mỹ kêu gọi bầu cử "công bằng và tự do".

Cách đây nửa thế kỷ, tập đoàn quân sự cầm quyền đã quốc hữu hóa tất cả các nhật báo và ngày nay báo chí tư nhân đều là tuần báo. Open News, một trong các báo tư nhân xin được giấy phép đặc biệt của chính quyền để ra một ấn bản ngay sau hôm bầu cử, cho biết tất cả các báo đều muốn ra số ngày thứ Hai.

Các tờ báo khác thông báo cho độc giả theo dõi tin tức trên Facebook và Twitter. Tờ 7Day News, một tuần báo lớn với 1,5 triệu độc giả, nhấn mạnh sẽ cập nhật liên tục từng giờ, kể từ lúc các phòng phiếu mở cửa.
Lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi mới cách đây một năm vẫn vắng bóng trên báo chí Miến Điện, nay ảnh của bà chiếm trang nhất của nhiều tờ báo. Nhiều đề tài trước nay vẫn là cấm kỵ, đang dần dần được báo chí đề cập đến, như các trận đánh giữa quân đội và một số quân nổi dậy người thiểu số.

Chính quyền đã hứa sẽ bãi bỏ chế độ kiểm duyệt, nhưng đối với các tuần báo thì bài vở vẫn phải đem trình duyệt trước. Ngày càng có nhiều tuần báo gánh lấy rủi ro là không đem duyệt một số bài, còn trên Facebook và Twitter thì họ cứ đăng mà không hề đưa kiểm duyệt.

Nhưng nếu các viên chức kiểm duyệt không thể ngăn trở việc đưa tin bài về bầu cử trên internet, thì các nhà báo lại lo ngại vấn đề trục trặc kỹ thuật, vốn thường xảy ra tại Miến Điện trong các thời điểm nhạy cảm, nhất là đường truyền internet chậm chạp. Tờ Eleven Media dự kiến thông báo cho khách hàng bằng tin nhắn SMS hôm bầu cử, nghĩa là sử dụng mọi phương tiện có thể. Tổng biên tập tờ báo trên cho rằng, dưới sự quan sát của quốc tế, cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung lần này là một thử nghiệm cho tự do báo chí tại Miến Điện.

Hoa Kỳ và Pháp kêu gọi Miến Điện bầu cử công bằng và tự do 

Ngày 30/03/2012 Hoa Kỳ đã kêu gọi bầu cử công bằng và tự do tại Miến Điện, nhấn mạnh là việc này sẽ có tác động lên quan hệ song phương trong tương lai. Về phần mình, nước Pháp cho biết đang chờ đợi chính quyền Miến Điện đảm bảo một cuộc bầu cử « dân chủ và minh bạch ».

Ông Mark Toner, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã tuyên bố với báo chí: “Chúng tôi muốn thấy cuộc bầu cử tự do và công bằng vào Chủ nhật này, điều đó chắc chắn sẽ mang lại sức bật cho quan hệ đôi bên. Tuy nhiên chúng tôi cũng ghi nhận có một số bất hợp lệ trước khi bước vào cuộc bầu cử ».

Ngày 28/03/2012 Hoa Kỳ loan báo việc gởi đến Miến Điện hai quan sát viên xuất thân từ các hiệp hội xúc tiến dân chủ. Ông Mark Toner cũng chia sẻ mối lo âu của lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi, ngày 30/032012 bà đã cho biết ghi nhận được « rất nhiều trường hợp bị đe dọa ».

Về phía Paris, ông Bernard Valero, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pháp cho biết đang tập trung chú ý đến một cuộc bầu cử « dân chủ và minh bạch » tại Miến Điện ngày mai. Một nhà ngoại giao tại đại sứ quán Pháp ở Miến Điện sẽ tham gia phái đoàn quan sát của Liên Hiệp Châu Âu.

Chế độ Naypyidaw đã cho phép các quan sát viên các nước ASEAN, Liên Hiệp Châu Âu, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc đến tham gia giám sát bầu cử. Cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung lần này nhằm chọn ra 45 đại biểu, giải Nobel hòa bình Aung San Suu Kyi tham gia ứng cử tại một đơn vị bầu cử ở nông thôn, gần Rangoon. Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ tố cáo nhiều trường hợp bất hợp lệ trong việc lập danh sách cử tri, cũng như hăm dọa và phá hoại.

tags: Bầu cử - Châu Á - Miến Điện
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120331-cac-nha-bao-mien-dien-xoay-so-de-dua-tin-ve-bau-cu-bang-moi-gia 

Châu Âu nâng quỹ đối phó khủng hoảng tài chánh lên 800 tỉ euro

Bài đăng : Thứ bảy 31 Tháng Ba 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 31 Tháng Ba 2012 
Sau nhiều cuộc thương lượng gay go, tại Copenhagen ngày 30/03/2012, khối euro đồng ý nâng quỹ cứu trợ tài chính lên mức 800 tỉ euro, tương đương 1.000 tỉ đô la. Mục tiêu nhằm giúp các thành viên đối phó với nguy cơ khủng hoảng nợ công. Eurozone đáp ứng đòi hỏi của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tuy ở mức tối thiểu.

Ủy viên châu Âu phụ trách kinh tế Olli Rehn nhận định, cuối cùng Eurozone đã đưa ra một quyết định quan trọng về dài hạn. Ông Jörg Asmussen, thành viên Hội đồng Quản trị Ngân hàng Trung ương châu Âu (BCE) cho rằng các nước khu vực đồng euro đã « làm tròn nhiệm vụ », và sẽ có vị thế tốt trong đối thoại với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ họp lại vào tháng Tư.

Bà Christine Lagarde, Tổng giám đốc IMF và Bộ Tài chính Hoa Kỳ đều lên tiếng hoan nghênh quyết định trên đây. Định chế tài chính quốc tế này đã đặt điều kiện cho khu vực đồng euro phải tăng cường công cụ cứu trợ tài chính trước khi được IMF hỗ trợ.

Tuy vậy, số 800 tỉ euro nói trên là giải pháp tối thiểu, vì trong đó gồm cả 300 tỉ euro đã cấp hoặc đã hứa hỗ trợ cho ba nước Hy Lạp, Ai Len và Bồ Đào Nha. Trên thực tế, châu Âu không thể cho vay quá 500 tỉ euro.
Cho đến phút cuối, các nước khu vực đồng euro vẫn chia rẽ giữa hai phe : một bên muốn tăng cường tối đa quỹ cứu trợ tài chính để trấn an thị trường, bên kia muốn giới hạn ở mức thấp nhất để tiết kiệm chi phí.

Đức và Phần Lan từ chối việc nâng khả năng cho vay toàn bộ lên 940 tỉ euro, bằng cách tính vào cả Cơ chế Ổn định châu Âu (MES) và Quỹ Ổn định Tài chính châu Âu (FESF). Giải pháp được chọn lựa là gộp 500 tỉ của cơ chế ổn định dài hạn với 200 tỉ euro đã cam kết dành cho quỹ hỗ trợ ngắn hạn, thêm vào khoảng 100 tỉ euro các khoản cho vay cũ, để đạt đến tổng số 800 tỉ euro.

Hãng tin AFP nhận định, số tiền này hãy còn khiêm tốn để có thể cứu trợ một nước như Tây Ban Nha hiện đang bị thâm hụt ngân sách nặng nề. Tuy vậy thỏa thuận trên sẽ giúp các quốc gia khu vực đồng euro có thể hy vọng nhận được sự giúp đỡ của các định chế quốc tế.

tags: Châu Âu - Euro - Kinh tế - Tài chính 
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120331-chau-au-nang-quy-cuu-tro-khung-hoang-len-800-ti-euro

mardi 3 avril 2012

Tháng Chạp năm 1997 : Cái chết ở tuổi mười một

(Chương mở đầu tác phẩm hồi ký « Bắc Triều Tiên, 9 năm để thoát khỏi địa ngục » - Eunsun Kim & Sébastien Falletti)

Từ gần một tuần qua, tôi đơn độc trong căn hộ lạnh lẽo tại Eundeok, ngôi làng nhỏ nơi tôi sinh ra ở Bắc Triều Tiên. Cha mẹ tôi đã bán hết tất cả đồ đạc trong nhà, chỉ trừ một chiếc bàn thấp và một tủ ngăn vách, để mua thức ăn. Gạch lót sàn cũng đã bị bán đi, tôi ngủ ngay trên nền xi-măng, trong một túi ngủ tạm bợ làm bằng quần áo cũ. 

Trên các vách tường trơ trụi, chỉ còn lại mấy khung ảnh đặt cạnh nhau - chân dung « Chủ tịch vĩnh cửu » Kim Il Sung và tướng quân Kim Jong Il. Cả hai nhìn thẳng vào tôi. Nhưng đem bán các ảnh chân dung này sẽ bị xem là báng bổ, có nguy cơ bị tử hình.

Trời tối sẫm, dù vậy tôi vẫn đọc được những gì mình viết ra. Điện đóm không có, vả lại các bóng đèn đã biến mất từ lâu. Đêm nhẹ xuống sau buổi chiều tháng Chạp. Không còn lò sưởi nữa, nhưng tôi không thấy lạnh mấy, vì đã sức tàn lực kiệt. Tôi không có gì ăn từ nhiều ngày qua, tôi sẽ chết đói. Vì vậy mà tôi cố viết lại bản di chúc của mình. Tôi mười một tuổi.

vendredi 30 mars 2012

Cam Bốt liệu có trung lập về vấn đề Biển Đông, trước sự ve vãn của Trung Quốc?

Bài đăng : Thứ sáu 30 Tháng Ba 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 30 Tháng Ba 2012 
 
Hôm nay 30/03/2012 Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào bắt đầu chuyến viếng thăm chính thức Cam Bốt, trong bối cảnh hội nghị thượng đỉnh ASEAN sắp diễn ra tại thủ đô Phnom Penh. Cam Bốt hiện đang là chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Phải chăng Trung Quốc đang cố gây sức ép để nước chủ nhà gạt bỏ hồ sơ Biển Đông ra khỏi chương trình nghị sự?

Chúng tôi đã đặt câu hỏi này với thông tín viên Phạm Phan ở Phnom Penh.

RFI: Xin chào thông tín viên Phạm Phan. Chuyến viếng thăm của ông Hồ Cẩm Đào là một sự kiện quan trọng đối với chính phủ Phnom Penh phải không thưa anh?

Phạm Phan: Theo thông tin chính thức của Tân Hoa Xã và viên đại sứ Pan Guangxue (Phan Quảng Học) của Trung Quốc tại Phnom Penh, thì chuyến viếng thăm chính thức của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đến Phnom Penh kéo dài bốn ngày là một sự kiện quan trọng nhất từ 12 năm qua.

Phát biểu của Đại Sứ Trung Quốc ở Phnom Penh trong một cuộc họp báo như sau: “Chuyến viếng thăm sẽ củng cố sâu rộng trên mọi phương diện trong quan hệ song phương như kinh tế, thương mại, văn hóa, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị. Mối quan hệ Trung Quốc – Cam Bốt là mối quan hệ của những người anh em tốt, đối tác tốt, láng giềng tốt, và là người bạn tốt”.

Trong thời gian lưu lại Phnom Penh, khi Thượng đỉnh ASEAN diễn ra, ông Hồ Cẩm Đào sẽ có cuộc diện kiến với Quốc vương Sihamoni. Theo nhận xét của Tân Hoa Xã, thì đây là sự kiện rất quan trọng trong tiến trình đắp xây quan hệ Bắc Kinh – Phnom Penh.

Trong chương trình nghị sự, ngoài các cuộc gặp mặt những nhân vật lãnh đạo xứ Chùa Tháp, một số hợp đồng sẽ được ký kết, phần lớn là Trung Quốc sẽ tiếp tục đổ đô la vào cho Phnom Penh. Giai đoạn hiện nay được đánh dấu như một thời kỳ phát triển tốt đẹp giữa Bắc Kinh – Phnom Penh vốn đã được thiết lập từ thập niên 1950.

Nhân vật quyền uy tột đỉnh của Trung Quốc cũng sẽ bay đi Siêm Riệp để viếng đền Angkor. Tại đây, ông đến thăm công trình trùng tu đền Ta Keo mà các chuyên gia khảo cổ học người Trung Quốc đang cùng các chuyên viên Cam Bốt làm việc với sự tài trợ của Trung Quốc.

Đại sứ Trung Quốc tại Phnom Penh cho biết Bắc Kinh cám ơn Cam Bốt về sự giúp đỡ chung thủy cho Trung Quốc, về các vấn đề liên hệ đến quyền lợi thiết yếu, và cam kết tiếp tục phụ giúp cho Phnom Penh trong nhiều lĩnh vực kinh tế trong tương lai như cơ cấu hạ tầng, đào tạo nhân lực, phòng chống thiên tai..

Liệu sự hiện diện của ông Hồ Cẩm Đào có là sức ép để Cam Bốt gạt chủ đề Biển Đông ra khỏi chương trình nghị sự?

Các dữ kiện do Hội đồng Phát triển Cam Bốt trưng ra cho thấy, tính đến cuối năm 2011, Trung Quốc đã có 317 dự án đang được thực hiện tại Cam Bốt với tổng số tiền là 8, 9 tỷ Mỹ kim. Con số này đã nâng Trung Quốc lên vị trí nhà đầu tư lớn nhất ở xứ chùa Tháp. Về thương mại song phương đạt đến 2,5 tỷ Mỹ kim, cao gấp 11 lần so với năm 2000. Mối quan hệ song phương Bắc Kinh – Phnom Penh được đưa lên tầm hợp tác chiến lược toàn diện sau chuyến đi Bắc Kinh của Thủ tướng Hun Sen vào tháng 12/2010.

Mỹ và các quốc gia Châu Âu luôn kèm viện trợ phát triển với điều kiện phải tôn trọng nhân quyền, một chương trình viện trợ không hào phóng và có thể gây khó chịu cho những người đang cai trị ở Phnom Penh. Về mặt ngoại giao thì Bắc Kinh luôn miệng phát biểu chỉ viện trợ cho Cam Bốt mà không áp đặt bất kỳ điều kiện nào. Điều này có nghĩa là chuyện của Cam Bốt, Trung Quốc không can thiệp vào, dù có vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Nhưng trong thực tế, liệu Trung Quốc chỉ bỏ tiền ra mà không cần điều kiện gì hết?

Chuyến đi của ông Hồ Cẩm Đào diễn ra trước Thượng đỉnh ASEAN có hai ngày, trông có vẻ gấp rút, và không có bất kỳ chuyến viếng thăm của vị nguyên thủ trên thế giới nào diễn ra trong một thời điểm quan trọng như thế.

Vì sao? Vài thành viên trong khối ASEAN đang có vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, trong khi đó, Trung Quốc là nước duy nhất tự cho rằng: hầu hết lãnh hải ở Biển Đông là của họ.

Đây chính là một điều mà Trung Quốc rất cần ở Cam Bốt, một nước nhỏ nhưng năm nay làm chủ tịch luân phiên ASEAN, và điều quan trọng hơn là Cam Bốt có vị trí địa lý sát cạnh phía Tây của Việt Nam, cũng là một đồng minh chiến lược của Phnom Penh.

Thưa anh, Cam Bốt với vai trò chủ tịch ASEAN 2012 và đang ngấp nghé một chiếc ghế Hội đồng Bảo an, liệu có thể né tránh vấn đề Biển Đông?

Tại một hội nghị cách nay một tuần bao gồm 26 viên đại sứ và tổng lãnh sự của nhiều ngoại giao đoàn, Thủ tướng Hun Sen nói, năm nay Cam Bốt trong vai trò chủ tịch luân phiên khối ASEAN và đang nỗ lực kiếm một ghế thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, cho nên trong các xung đột tiềm tàng tại khu vực như tranh chấp Biển Đông, nước chủ nhà Cam Bốt chỉ làm công việc điều phối ở vị thế trung lập, không đứng về bên này hay bên kia trong cuộc tranh chấp.
Theo nhận xét của ông Ou Virak, nhà hoạt động nhân quyền ở Cam Bốt, nếu Cam Bốt đứng trung lập thì tốt, nhưng điều này khiến một số thành viên ASEAN sẽ không hài lòng.

Ông Arata Mahapatra, một nhà phân tích, đang làm việc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược có trụ sở tại Ấn Độ, trong cuộc phỏng vấn với ban tiếng Cam Bốt của đài VOA cho rằng, một khi Cam Bốt đứng ở vị thế trung lập sẽ làm tăng uy tín Cam Bốt trên trường quốc tế. Nhưng trong khi phân nửa thành viên khối ASEAN đang có vấn đề tranh chấp về Biển Đông, tất nhiên họ không vui về quan điểm trung lập này.

Trong cuộc họp báo trước khi ông Hồ Cẩm Đào đến Phnom Penh, tòa đại sứ Trung Quốc tại Phnom Penh cho biết: “ Trung Quốc sẽ giải quyết vấn đề Biển Đông với những nước đòi hỏi chủ quyền trong khuôn khổ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông gọi tắt là DOC, và Trung Quốc có ý định hợp tác với các bên liên hệ nhằm giải quyết sự khác biệt để tìm kiếm công cuộc phát triển chung. Tuy nhiên, Trung Quốc mạnh mẽ phản đối ý định quốc tế hóa sự tranh chấp ở Biển Đông, và không cho phép các lực lượng bên ngoài can thiệp vào cuộc tranh chấp này”.

Trong tình hình hiện nay, liệu rằng Cam Bốt có giữ được vị thế trung lập giữa lúc Hà Nội, một đồng minh lâu đời của Phnom Penh, đang có tranh chấp về lãnh hải với Bắc Kinh?

Người ta cũng đặt một câu hỏi rằng, trong khi Biển Đông là một vùng biển liên hệ đến nhiều nước và là một tuyến hải hành tự do từ trước đến nay, và khi cộng đồng quốc tế, với Trung Quốc là một thành viên trong đó, đã có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (United Nations Convention on Law of the Sea - UNCLOS), vậy tại sao Bắc Kinh không cho phép các nước liên hệ quốc tế hóa hồ sơ này?

RFI Việt ngữ xin rất cảm ơn thông tín viên Phạm Phan từ Phnom Penh, đã cho biết thêm chi tiết về chuyến viếng thăm Cam Bốt của ông Hồ Cẩm Đào.

Thông tín viên Phạm Phan - Phnom Penh
 
30/03/2012
 
 
tags: ASEAN - Biển Đông - Cam Bốt - Châu Á - Phỏng vấn - Trung Quốc 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120330-cam-bot-lieu-co-trung-lap-ve-van-de-bien-dong-truoc-su-ve-van-cua-trung-quoc
 

Thượng đỉnh Ả Rập không đòi Assad ra đi, cũng như vũ trang cho phe nổi dậy

Bài đăng : Thứ năm 29 Tháng Ba 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 29 Tháng Ba 2012 
 
Các nhà lãnh đạo Ả Rập họp thượng đỉnh hôm 29/03/2012 tại Bagdad nhằm thảo ra một nghị quyết kêu gọi chính quyền và đối lập tiến hành đối thoại. Tuy nhiên dự thảo nghị quyết của Liên đoàn Ả Rập không yêu cầu Tổng thống Bachar Al Assad phải ra đi, cũng như không đòi hỏi phải vũ trang cho quân nổi dậy Syria.

Có 10/21 nguyên thủ quốc gia thuộc Liên đoàn Ả Rập tham gia hội nghị, thành viên thứ 22 của Liên đoàn là Syria đã bị khai trừ do đàn áp đối lập. Các nước còn lại được đại diện bởi các Ngoại trưởng hay đại sứ. Riêng Ả Rập Xê Út và Qatar chỉ gởi các đại diện hạng hai để bày tỏ sự phản kháng, vì hai nước này ủng hộ việc trang bị cho quân nổi dậy.

Hội nghị thượng đỉnh lần này đánh dấu sự chính thức quay lại khối Ả Rập của Irak, với sự hiện diện lịch sử của Quốc vương Koweit, hơn 20 năm sau khi đất nước này bị quân đội của Saddam Hussein xâm lăng. Bài diễn văn khai mạc do Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Chuyển tiếp Libya (CNT) Moustapha Abdeljalil đọc. Libya hiện là chủ tịch luân phiên của Liên đoàn Ả Rập, sự hiện diện của ông Abdeljalil là thành quả của làn sóng nổi dậy trong thế giới Ả Rập.

Chính quyền Irak đã huy động đến trên 100.000 quân nhân và cảnh sát để bảo đảm an ninh cho hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Ả Rập. Đa số mạng điện thoại di động không hoạt động được trong suốt ngày hôm qua, nhưng không có thông báo chính thức nào. Tuy vậy một quả đạn súng cối đã nổ ngay cạnh địa điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh, không gây thiệt hại nhân mạng.

Bản « Tuyên bố Bagdad » ủng hộ « khát vọng chính đáng về tự do dân chủ của nhân dân Syria muốn chọn lựa tương lai của mình », và « một sự chuyển đổi chính quyền trong hòa bình ». Các nước Ả Rập « tố cáo bạo lực, tàn sát đẫm máu, ủng hộ một giải pháp chính trị thông qua đối thoại quốc gia, từ chối một sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc khủng hoảng Syria ».

Dự thảo nghị quyết của Liên đoàn Ả Rập nhấn mạnh đến vai trò của ông Kofi Annan trong việc xúc tác thương lượng giữa chính quyền Syria và đối lập, trên cơ sở các sáng kiến đã được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Liên đoàn Ả Rập thông qua. Kế hoạch hòa bình gồm sáu điểm của ông Annan dự kiến việc chấm dứt các hành động bạo lực từ tất cả các bên, cung cấp viện trợ nhân đạo, trả tự do cho những người bị bắt bớ một cách tùy tiện.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon tham dự hội nghị, đã kêu gọi Damas áp dụng « ngay lập tức » kế hoạch của ông Kofi Annan. Chính quyền Syria, tuy theo Liên Hiệp Quốc thì đã chấp nhận kế hoạch hòa bình này, nhưng lại cảnh báo là sẽ bác bỏ tất cả các đề nghị do hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Ả Rập ở Bagdad đưa ra.

Trong khi đó, quân đội chính phủ Syria tăng cường tấn công phe nổi dậy trên khắp nước. Chỉ trong ngày hôm nay đã có ít nhất 14 thường dân Syria thiệt mạng, tám lính chính phủ và một quân nổi dậy tử thương tại Idleb, Homs, Deraa, Alep và Hamas. Theo Hoa Kỳ, thì điều này là vi phạm kế hoạch hòa bình của đặc sứ Kofi Annan.

Bà Navi Pillay, Cao ủy Liên Hiệp Quốc phụ trách về nhân quyền cảnh báo Tổng thống Bachar Al Assad là « đã khá đầy đủ bằng cớ » để truy tố về tội ác chống nhân loại. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhận định, rõ ràng là ông Assad đã không « áp dụng những biện pháp cần thiết » để áp dụng kế hoạch hòa bình, kêu gọi « duy trì áp lực » lên chế độ Damas. Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain cùng với bốn thượng nghị sĩ khác đã soạn thảo một dự thảo nghị quyết kêu gọi các nhà lãnh đạo khối Ả Rập vũ trang cho quân nổi dậy Syria.

Hôm nay Bỉ loan báo việc đóng cửa đại sứ quán nước này tại Damas vì lý do an ninh, và để phản đối tình trạng đàn áp tại Syria. Trước đó, các nước Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Anh, Hà Lan, Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản và các vương quốc vùng Vịnh cũng đã đóng cửa đại sứ quán tại Syria.

tags: Chính trị - Liên Đoàn Ả Rập - Quân sự - Quốc tế - Syria 
 
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120329-thuong-dinh-a-rap-khong-doi-hoi-su-ra-di-cua-ong-assad-lan-vu-trang-cho-phe-noi-day
 

Một nhà sư Tây Tạng tự thiêu tại Tứ Xuyên

Bài đăng : Thứ năm 29 Tháng Ba 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 29 Tháng Ba 2012 
 
Một nhà sư Tây Tạng 20 tuổi đã tự thiêu hôm qua 28/03/12 tại huyện A Bá, Tứ Xuyên, Trung Quốc. Tổ chức phi chính phủ Free Tibet có trụ sở tại Luân Đôn hôm nay cho biết như trên.

Nhà sư này tên là Sherah, trước đó đã ở lại vài ngày tại tu viện Kirti, nơi có phong trào phản kháng Trung Quốc mạnh mẽ. Các tu sĩ lưu vong tại Ấn Độ đã xác nhận tin tức về vụ tự thiêu trên, trong khi chính quyền địa phương né tránh trả lời hãng thông tấn AFP.

Kể từ tháng 3/2011 đến nay, đã có khoảng 30 người Tây Tạng tự thiêu tại các khu vực người Tây Tạng ở Trung Quốc, đại đa số là các tu sĩ Phật giáo. Họ phản đối việc Bắc Kinh đàn áp tôn giáo, tìm cách triệt tiêu nền văn hóa dân tộc Tây Tạng, và sự thống trị của người Hán tộc.

Xin nhắc lại, tháng Ba là thời điểm nhạy cảm đối với người Tây Tạng. Lãnh tụ tinh thần Đạt Lai Lạt Ma vào tháng 3/1959 đã phải vượt qua dãy núi Himalaya trốn sang Ấn Độ sống lưu vong, sau thất bại của cuộc nổi dậy chống lại Trung Quốc. Đến tháng 3/2008, các cuộc biểu tình của các nhà sư Tây Tạng tại thủ phủ Lhassa nhân kỷ niệm 49 năm sự kiện nói trên, đã biến thành bạo động, lan ra các tỉnh kế cận có đông người Tây Tạng sinh sống, và đã bị thẳng tay đàn áp.

Còn hôm qua tại Ấn Độ, một thanh niên Tây Tạng 27 tuổi tên là Jamphel Yeshi đã qua đời, sau khi bị phỏng nặng vì tự thiêu trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc, nhân dịp ông Hồ Cẩm Đào đến New Delhi tham dự hội nghị thượng đỉnh các nước đang trỗi dậy BRICS. Anh đã trở thành người Tây Tạng đầu tiên ngoài Trung Quốc tử vong vì tự thiêu phản đối Bắc Kinh.

Phong trào phản kháng Trung Quốc của người Tây Tạng là mảng tối phủ lên hội nghị thượng đỉnh BRICS lần này, với áp lực từ cộng đồng 80.000 người Tây Tạng lưu vong hiện đang sinh sống tại Ấn Độ. Cảnh sát New Delhi đã bắt giữ hàng trăm người biểu tình.

Chính phủ Ấn Độ muốn tránh rắc rối trong thời điểm diễn ra cuộc viếng thăm hiếm hoi của Chủ tịch Trung Quốc, mà chuyến công du gần nhất là vào năm 2008. Quan hệ Ấn – Trung vẫn khá căng thẳng, cho dù thương mại đôi bên có tăng trưởng.
tags: Châu Á - Nhân quyền - Tây Tạng - Trung Quốc 
 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120329-mot-nha-su-tay-tang-tu-thieu-tai-tu-xuyen
 

Ông Putin bị tố cáo tham nhũng, khi còn làm việc tại St-Pétersbourg

Bài đăng : Thứ năm 29 Tháng Ba 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 29 Tháng Ba 2012 

Nhiều tài liệu của một ủy viên hội đồng thành phố Saint-Pétersbourg, vừa qua đời vì bệnh tim, đã được công bố trên Facebook, tố cáo Tổng thống Nga tương lai Vladimir Putin liên can đến một vụ tham nhũng lớn, trong thời kỳ ông này làm việc tại Tòa Thị chính Saint-Pétersbourg vào thập niên 90.

Từ Matxcơva, thông tín viên Anastasia Becchio cho biết thêm chi tiết :

« Khoảng 250 ảnh chụp tư liệu từ kho lưu trữ riêng của Marina Salié đã xuất hiện trên trang Facebook của người quá cố. Các tài liệu này liên quan đến các sự kiện xảy ra từ thập niên 90.

Saint-Pétersbourg vào thời đó bị thiếu thốn hàng hóa nghiêm trọng : các kệ hàng đều trống rỗng, và các loại tem phiếu lại được tái lập. Vì vậy mà Tòa Thị chính đã lập ra một kế hoạch đổi nguyên vật liệu lấy thực phẩm.
Các giấy phép xuất khẩu được Vladimir Putin, lúc đó là người phụ trách ủy ban quan hệ kinh tế đối ngoại của Tòa Thị chính, phân phát một cách vô tội vạ. Nhưng nếu dầu hỏa, gỗ, quặng mỏ hiếm được xuất khẩu ra nước ngoài với tổng giá trị khoảng 100 triệu euro, thì thực phẩm lại chưa bao giờ được trao lại.

Ủy viên hội đồng thành phố Marina Salié bèn đặt vấn đề, và lập ra một ủy ban để điều tra về các hoạt động này. Ủy ban do bà đứng đầu đã đưa ra ánh sáng những vi phạm tài chính nghiêm trọng và các thủ đoạn tham nhũng. Trong số các tài liệu được công bố trên trang Facebook của Marina Salié, có lá thư của một người có trách nhiệm thuộc Phủ Tổng thống đề nghị Bộ trưởng Kinh tế Đối ngoại cách chức Vladimir Putin.

Yêu cầu trên đây chưa bao giờ được đoái hoài đến. Việc công bố các tài liệu này trên internet đã được Dimitri Peskov, phát ngôn viên của Thủ tướng bình luận là không thấy thông tin nào bất lợi, còn về các sự kiện bị tố cáo thì, theo ông Peskov, những điều này đã nhiều lần được cải chính. »

tags: Nga - Quốc tế - Tham nhũng - Tư pháp - Xã hội
 
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120329-vladimir-putin-bi-to-cao-tham-nhung-luc-lam-viec-tai-st-petersbourg-trong-thap-nien 

Tổng đình công và biểu tình tại Tây Ban Nha chống kế hoạch khắc khổ

Bài đăng : Thứ năm 29 Tháng Ba 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 29 Tháng Ba 2012 

Hôm 29/03/2012 là ngày tổng đình công chống việc cải cách chính sách lao động và kế hoạch thắt lưng buộc bụng của chính phủ cánh hữu Tây Ban Nha, với các cuộc biểu tình tại nhiều nơi. Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh Tây Ban Nha lại rơi vào suy thoái, thâm hụt ngân sách ngày càng cao, mặc dù đã cắt giảm nhiều khoản.

Ngay trước khi đoàn biểu tình tập hợp lại, nhiều nhóm người đi biểu tình tại trung tâm Madrid đã bị lực lượng an ninh phân tán từ sáng sớm. Vài ngàn người đã phong tỏa một đại lộ chính, trong khi cảnh sát được triển khai tại quảng trường Puerta del Sol, vốn là trung tâm thương mại và du lịch. Những tốp đình công xung kích bám trụ trước các nhà máy, các ngôi chợ bán sỉ ở Madrid và Barcelona, các ngân hàng và trạm vận chuyển công cộng.


Các nghiệp đoàn nhanh chóng loan báo cuộc tổng đình công là một « thành công rực rỡ », trong khi Bộ Nội vụ cho rằng rất ít người tham gia. Trước đó, sự đối mặt giữa người đình công và cảnh sát tối qua đôi khi khá căng thẳng. Có 58 người đã bị câu lưu, sáu cảnh sát bị thương nhẹ.

Các nghiệp đoàn Comisiones Obretas (CCOO) và UGT đã kêu gọi người Tây Ban Nha biểu tình tại hàng trăm thành phố, tố cáo kế hoạch cải cách thị trường lao động được thông qua vào ngày 11/2 chỉ làm nạn thất nghiệp thêm trầm trọng. Tỉ lệ này hiện nay là trên 22%, riêng đối với giới trẻ thì lên đến gần 40%.

Một trăm ngày sau khi chính phủ cánh hữu lên nắm quyền, tình hình vẫn không được cải thiện. Tổng thống Mariano Rajoy biện minh : « Không có chính phủ nào trong vòng 100 ngày đã làm được nhiều điều như thế, có lẽ vì vậy mà chúng tôi phải đối mặt với cuộc tổng đình công ».

Cuộc đình công này diễn ra vào thời điểm rất bất lợi cho chính phủ Mariano Rajoy, khi các đối tác châu Âu đang lo ngại về tình hình tài chính công của Tây Ban Nha. Ngày mai, Hội đồng Bộ trưởng sẽ biểu quyết thông qua ngân sách 2012, đã bị cắt giảm nặng nề. Mục tiêu là giảm thâm hụt ngân quỹ xuống còn 5,3% tổng sản phẩm nội địa, sau khi đã bị tăng lên 8,5% trong năm 2011.

Tuy vậy, tác động của cuộc tổng đình công cũng chỉ giới hạn, nhờ vào thỏa thuận giữa các nghiệp đoàn và chính phủ, nhằm duy trì dịch vụ vận chuyển công cộng ở mức tối thiểu trong thời gian đình công. Thêm vào đó, không ít người lao động Tây Ban Nha cũng không muốn mất đi một ngày lương trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay.

tags: Châu Âu - Kinh tế - Tây Ban Nha - Xã hội 
 
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120329-tong-dinh-cong-va-bieu-tinh-tai-tay-ban-nha-chong-ke-hoach-khac-kho