samedi 7 avril 2012

Chương 1 : Viết, như một chứng nhân

Tháng Ba 2011. Những cánh cửa tự động sập lại, đoàn tàu chuyển động, và đường ke chờ tàu lướt qua trước khi tôi bị nuốt chửng vào miệng hầm tối đen. Tôi dán người vào cửa kính, thấy lòng trống vắng. Những luồng sáng thoảng qua trên vách tối - một chiếc kính vạn hoa dạng quảng cáo, chiếu lên một câu khẩu hiệu mà tôi không đọc nổi. Tất cả đều diễn ra quá nhanh tại Seoul, ngay cả trong métro.

Tôi 25 tuổi, tên tôi là Eunsun.

Trông tôi cũng giống như các nữ sinh viên khác, và nhờ vóc dáng nhỏ nhắn, không ai nhận ra là tôi già hơn các bạn học. Chừng 40 phút nữa, tôi sẽ đến trường đại học Sogang, một trong các trường đại học nổi tiếng nhất của Hàn Quốc. Trường tôi trông không ấn tượng bằng trường Korea University hay Yonsei danh giá, nhưng tôi cảm thấy thoải mái như ở nhà mình với những dấu mốc quen thuộc, với các bạn bè tôi đã có được.

Thời khóa biểu trong ngày đã được định sẵn. Tôi sẽ ôn thi trong thư viện, với chiếc máy tính xách tay Samsung hai màu đỏ trắng, và đôi khi bấm nghịch chiếc iPhone có vỏ bao màu tím, để tìm ra các bạn bè đang ngồi ở quán cà phê Starbuck trong trường. Tôi thích uống caffe latte, vì đối với tôi thì cà phê expresso quá đắng. Rồi tôi quay lại thư viện, cố không ngủ gục trên chồng sách.

Tôi học ngành ngôn ngữ và văn minh Trung Hoa, bạn đọc sẽ hiểu lý do ở những chương sau. Tại Hàn Quốc, phải ganh đua rất dữ dội để có được điểm cao, nhưng tôi cố gắng tối đa. Rất ít bạn cùng lớp biết được rằng tôi không được đến trường trong nhiều năm trời, nên tôi phải phấn đấu để rút ngắn lại sự chậm trễ của mình.

Tôi thích học hành, nhất là vào học kỳ đầu tiên, khi các giảng viên đều mới mẻ và nhiệt tình nên học hỏi được rất nhiều thứ. Khoảng 10 giờ tối, tôi trở về căn hộ nhỏ nằm lạc loài trong trung tâm đô thị lớn, gặp lại chị Keumsum và mẹ.

***
Tác giả Eunsun Kim tại Seoul.
Seoul là một thủ đô khổng lồ có 15 triệu dân, đầy những tòa nhà chọc trời, với những xa lộ mênh mông băng ngang. Một dòng sông lớn - sông Hàn - chảy qua giữa thành phố, với những chiếc cầu cao đến chóng mặt. Nhưng vào mùa đông khi dòng sông đóng băng, gần như có thể đi bộ qua sông mà không cần đến cầu. Phía sau nổi bật lên những dãy núi nhọn hoắt, trên một đỉnh núi sừng sững một ngọn tháp truyền hình to lớn. Tháp Nam Sơn là biểu tượng của thành phố đã cưu mang tôi.

Tất nhiên là ở đây đôi khi bị kẹt xe nhiều tiếng đồng hồ dưới cơn mưa dầm tháng Bảy, và tiền thuê nhà hết sức đắt đỏ. Nhưng cuộc sống thì thú vị biết bao, thực tiễn biết bao, và trôi đi rất nhanh. Internet tốc độ cao có mặt ở khắp nơi. Mỗi góc phố, ngày cũng như đêm, đều có nơi giải trí. Tại khu phố sinh viên Sinchon, buổi tối tôi thường đi với bạn bè uống Maekju, một loại bia nội địa, trong những quán bar không đóng cửa bao giờ. Chúng tôi thưởng thức mực khô và choukoumi, ngon kinh khủng, có thể nuốt chửng cả miếng.

Nhưng các bạn không chịu tin lời tôi là các loại hải sản ở Bắc Triều Tiên ngon hơn, tuy điều đó là sự thật. Họ không hiểu tôi, vì tôi đến từ một thế giới khác. Và cái thế giới đó, họ thậm chí còn không thể tưởng tượng ra được.

Toa tàu lao với tốc độ nhanh làm rung chuyển dưới chân. Xung quanh tôi, các ajuma có mái tóc xoăn đang đọc những truyện dài nhiều kỳ, qua điện thoại di động có ăng-ten đã được gập lại. Ở đây, người ta gọi các bà nội trợ là ajuma. Vịn tay vào các thanh kim loại, các nữ sinh viên đi những đôi giày gót nhọn lơ đãng thả hồn theo nhạc, chiếc iPod đeo bên tai. Số khác chuốt lại mascara trên mi, rút ra những chiếc gương bỏ túi. Các cô làm ngơ trước người bán rong dĩa CD đang cố bán bộ sưu tập đĩa Frank Sinatra cho ông cụ trong toa, nhờ những thùng loa gắn trên bánh xe. Các ga tàu mênh mông lần lượt diễu qua một cách máy móc.

***
Métro Hàn Quốc làm cho tôi mơ mộng. Chìm vào kỷ niệm, tôi nhớ lại những nhà ga ở Bình Nhưỡng mà tôi đã được ba dẫn đến, cách đây lâu lắm rồi. Các nhà ga này sang trọng tuyệt vời, với những chùm đèn màu tím như trong phim. Ánh đèn néon nhợt nhạt ở đây không thể sánh kịp.

Tôi nhớ mãi chuyến đi đến thủ đô Bình Nhưỡng. Hồi đó tôi lên chín tuổi, đi với ba và chị Keumsun, còn mẹ muốn ở lại coi nhà. Chuyến đi thật là tuyệt, cho dù chúng tôi chả có gì để ăn. Không thấy có nhà chọc trời ở đó, nhưng chúng tôi nhìn thấy một khách sạn đang được xây dựng mà đã cao đến 150 mét. Trên đỉnh công trình này, máy móc và con người chao động, có vẻ bé nhỏ như những con kiến !

***
Chỉ còn ba trạm nữa là đến trường, tim tôi đập nhanh với bản hợp âm của toa tàu. Tốc độ này làm cho lòng tôi dậy sóng, nó nhắc nhở rằng tôi đến từ một hành tinh khác. Ở đó, phải mất hai ngày dài vô tận trên tàu hỏa để đến được Chongjin, nơi ông bà tôi cư ngụ, chỉ cách thành phố nhỏ Eundeok của tôi có 95 cây số. Một chuyến đi vắt cạn sức lực trong thời tiết giá lạnh ; chen chúc nhau như những con vật, chúng tôi tiểu tiện vào những hộp sắt vì sợ mất chỗ. 

Cùng một khoảng cách đó, tại Hàn Quốc tôi chỉ mất không đầy 20 phút, trên một chuyến tàu cao tốc tiện nghi. Ở Bắc Triều Tiên, chỉ có thủ đô mới được hưởng những tiện nghi hiện đại, như là trạm métro ở Bình Nhưỡng đã làm tôi lóa mắt.

Tôi hồi tưởng lại về tất cả những người tôi đã bỏ lại sau lưng, không có bất cứ tin tức gì kể từ ngày tôi trốn khỏi đất nước để tìm phương sống sót. Lúc đó tôi 11 tuổi, bụng trống rỗng, nhà cửa không còn. Các cô dì, chú bác, các bạn học cùng trường lớp của tôi có sống sót qua trận đói đó hay không ?

Trong toa tàu, một hành khách liếc nhìn tôi, như thể tôi là người ngoại quốc…Trong khi tôi đã làm mọi cách để trông giống như một thiếu nữ Hàn Quốc, với đôi giày cao gót, chiếc váy ngắn và áo blouson bó sát. Thực ra tôi sinh ngày 15 tháng 8 năm 1986 tại Eundeok, thành phố công nghiệp nhỏ bé thuộc tỉnh Hamgyong ở miền Bắc. Sau cuộc hành trình đầy sóng gió kéo dài 9 năm xuyên qua Trung Quốc và Mông Cổ, tôi đã thành công trong việc tìm được tự do. Tại Seoul, tôi có được hộ chiếu, không còn là một người không giấy tờ sống lén lút nữa, và bắt đầu một cuộc sống mới.

Tuy vậy, những kỷ niệm thường xuyên quay lại đè nặng lên tôi, và một câu hỏi luôn ám ảnh : Vì sao dân tộc Bắc Triều Tiên của tôi lại phải khổ đau đến như thế ?

Câu trả lời, tôi tìm được trong sách báo từ khi đến được nơi đây : đó là do một chế độ độc đoán vô nghĩa. Do sự điên cuồng của một triều đại khát máu, triều đại họ Kim, đã chà đạp trong biển máu tất cả những ai chống đối. Do một thảm họa kinh tế, hậu quả của một hệ thống cộng sản chủ nghĩa bị đẩy đến mức cùng cực. Tuy vậy các câu trả lời này không làm tôi hài lòng, không thể làm trái tim tôi dịu lại.

Nhất là, chúng làm cho tôi cảm thấy mình hoàn toàn bất lực. Dù chỉ sống cách vùng biên giới tua tủa những rào kẽm gai chia cách vùng đất quê hương tôi chưa đầy 40 km, tôi không thể làm gì để giúp đỡ các đồng bào mình, đang kiệt quệ vì nạn đói và sự trấn áp của một quyền lực nghiệt ngã. Bắc Triều Tiên đã trở thành một hố đen sâu thẳm đối với 22 triệu cư dân, bị những người trên hành tinh này, cũng như người anh em Hàn Quốc cùng dòng máu bỏ quên. Nỗi đau dâng ngập lòng tôi.

***
« Trạm Sinchon ».

Giọng nói máy móc xé toang sự im lặng trong toa tàu, kéo tôi ra khỏi dòng suy nghĩ. Tôi thất thểu bước xuống bến tàu, tìm lối ra, leo lên những bậc cầu thang như một cái máy. Tôi quyết định rằng kể từ lúc này, một khi chui lên mặt đất, tôi sẽ không còn giữ thái độ thụ động nữa. Không thể kéo dài tình trạng này !

Tôi cần phải kể lại câu chuyện của mình. Để quá khứ đáng sợ không trôi vào quên lãng, để nói lên tiếng nói của hàng triệu người Bắc Triều Tiên đang chết dần chết mòn từng ngày trong im lặng. Và để tố cáo sự khổ đau của hàng trăm ngàn người đã từng cố thoát khỏi địa ngục như tôi, nay đang trốn chui trốn nhủi ở Trung Quốc. Hai mươi hai ngàn người đã đến được vùng đất hứa Hàn Quốc. Và ở đây, chúng tôi bị xem như những công dân hạng hai, trong khi sai lầm duy nhất của chúng tôi là đã chối từ nguy cơ bị chết đói.

Vì những người anh em Bắc Triều Tiên của tôi không có quyền nói lên tiếng nói, tôi sẽ nhân danh họ mà viết. Tôi tin rằng đến một ngày nào đó, hai nước Triều Tiên sẽ được thống nhất, tuy phức tạp, nhưng rồi cũng sẽ đạt được. Để thành công trong việc hợp nhất, chúng tôi cần có sự giúp đỡ của toàn thế giới. Nhưng nếu muốn tìm ra giải pháp, thì cần phải hiểu được nguồn cội của cái ác.

Tôi đã khám phá được một số, cùng với mẹ và chị, vào cái ngày đáng nhớ mà tôi cứ ngỡ mình sẽ thở hơi cuối cùng.

1 commentaire:

  1. Sự thật vẫn là sự thật, không ai có thể che giấu nổi! Thế giới ngày nay là THẾ GIỚI PHẲNG mà!

    RépondreSupprimer

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.