Nhật báo cánh tả Libération đưa tựa lớn : « Syria : Chính quyền bị tấn công ngay đầu não », và đăng hình một khu phố thủ đô Damas đầy lửa khói. Tờ báo cánh hữu Le Figaro chạy tựa trang nhất : « Syria : Phe cánh Assad bị đánh vào ngay trung tâm chỉ huy»,
với ảnh chân dung Assef Shawkat, anh rể của Tổng thống Assad và Daoud
Rajha, Bộ trưởng Quốc phòng, hai nhân vật cao cấp đã thiệt mạng hôm qua.
Còn tờ Le Monde ra từ chiều qua cũng đã kịp đưa lên trang nhất các
tấm ảnh chiến binh phe nổi dậy đang chiến đấu, và các xe tăng đang chạy
trên đường phố thủ đô, với dòng tựa chính : « Chiến tranh đã ngự trị tại Damas ».
Libération cho rằng đây là đòn khủng khiếp nhất kể từ 16 tháng qua
của phe nổi dậy. Đó cũng là cuộc tấn công táo bạo nhất, được chuẩn bị kỹ
càng nhất, bất ngờ nhất, vì đánh vào ngay đầu não của một chế độ vốn có
đến hơn một chục cơ quan tình báo, với nỗi ám ảnh : an ninh bằng bất cứ
giá nào.
Theo tờ báo, nếu cái chết của Bộ trưởng Quốc phòng Daoud Rajha -được
đặt vào vị trí này để thu phục người Thiên chúa giáo - không gây hậu quả
nghiêm trọng, thì việc Assef Chawkat, anh rể của Tổng thống Bachar Al
Assad, bị tử nạn, sẽ gây thiệt hại nặng nề cho chế độ Damas.
Cùng một nhận xét trên, trong bài viết « Assef Shawkat, quả đấm sắt của chế độ »,
nhật báo Le Figaro cho biết, Shawkat là một người con người máu lạnh
rất cứng rắn, và không bao giờ xuất hiện trước báo chí phương Tây. Nắm
cơ quan tình báo quân sự đầy quyền lực suốt một thời gian dài, Shawkat
đã giúp Assad rất đắc lực vì thông thạo mọi đường đi nước bước. Assad đã
nhiều lần gởi ông ta đến Homs và Al Zabadany để giám sát các hoạt động
đàn áp phe nổi dậy. Shawkat cũng đã thiết lập được một mạng lưới trong
quân đội, giúp tránh tình trạng đào ngũ hàng loạt, và cài người vào tất
cả các lực lượng tình báo khác
.
Quyền lực của người anh rể Assad còn vượt ra ngoài biên giới Syria,
cũng theo Le Figaro, với việc truy sát các « kẻ thù của chế độ » ở nước
ngoài. Ông ta cũng từng cộng tác với tình báo phương Tây, khi « đôi bên
cùng có lợi ». Chính cơ quan của Assef Shawkat đã giúp truy tìm và gởi
về Pháp, Anh, Mỹ những kẻ khủng bố Hồi giáo chủ trương thánh chiến.
Trong bài xã luận với tựa đề « Biểu tượng », Libération nhận
định, sự kiện hôm qua cho thấy chế độ Assad đang nguy ngập. Những khuôn
mặt quan trọng bị triệt hạ, thủ đô tưởng chừng nằm ngoài cuộc nổi dậy
nay trở thành chiến trường, và biểu tượng của quyền lực Assad đang chao
đảo. Các đơn vị còn trung thành không kiểm soát nổi lãnh thổ, nạn đào
ngũ tăng cao.
Còn nhật báo công giáo La Croix trong bài xã luận mang tên « Bước ngoặt »,
nhận định vụ tấn công ngoạn mục hôm qua có thể là một bước ngoặt mang
tính quyết định, trong một cuộc nội chiến đã làm hơn 17.000 người chết.
Vào lúc mà các trận đánh giữa quân chính phủ và phe nổi dậy đang tiến
gần thủ đô, phe phản kháng đã chứng tỏ khả năng với đến cấp cao nhất
trong trung tâm quyền lực Damas.
Tuy vậy, chế độ độc tài Syria vẫn nắm trong tay các phương tiện để
đáp trả bằng đàn áp quân sự mạnh mẽ hơn. Có thể lo ngại bạo lực sẽ ngày
càng tăng, khi gia đình Assad đang bị dồn vào chân tường.
Tương tự, Libération cho rằng cuộc chiến còn lâu mới giành được thắng
lợi. Chế độ đang bị thương tích sẽ không ngần ngại đàn áp mạnh hơn
những người đối lập, và một số thông tin đang gây lo ngại về khả năng sử
dụng vũ khí hóa học.
La Croix nhận định, từ hơn một năm qua, áp lực quốc tế chưa thể làm
ngưng lại con đường đi xuống địa ngục của chế độ Syria. Vị trí địa chiến
lược của Syria (nằm gần Israel, Irak và Liban, đồng minh của Iran), và
sự phức tạp của các thành phần xã hội, tín ngưỡng đã khiến mọi người đều
phải thận trọng. Nhất là khi tính đến hậu quả của các cuộc can thiệp
quân sự quốc tế trong thời gian mười năm gần đây tại Irak, Afghanistan
hay Libya.
Tuy nhiên theo La Croix, ít nhất các cường quốc cần có tiếng nói
thống nhất để đòi các bên tham chiến phải xuống thang. Điều này không
bao giờ được thực hiện, do sự ủng hộ kiên quyết của Nga và Trung Quốc
đối với chế độ Damas. Vấn đề ở đây là liệu cuộc tấn công cảm tử hôm qua
có thúc đẩy được Bắc Kinh và Matxcơva thay đổi quan điểm, để có thể
không mất tất cả một khi người đồng minh của họ bị chết chìm.
Libération nhận xét, sự thù địch giữa các cộng đồng, và khung cảnh một
cuộc nội chiến hiện nay khiến viễn cảnh về một Syria hậu Assad không lấy
gì làm tốt đẹp, vì nhà độc tài đã làm tất cả để tiêu diệt đất nước và
dân tộc của mình.
Bên cạnh đó, trong bài phân tích mang tựa đề « Quân đội Syria Tự do, một lực lượng sẵn sàng nắm quyền », tờ báo cho rằng đội quân gồm những quân nhân bỏ ngũ này ngày càng được tổ chức tốt hơn.
Thất vọng trước sự bất lực của cộng đồng quốc tế - Liên Hiệp Quốc,
Liên đoàn Ả Rập, các nước láng giềng và phương Tây, người dân Syria đang
ủng hộ những người cầm súng bảo vệ các thành phố, trước sức tấn công
của quân chính phủ và dân quân do chế độ tổ chức. Hôm thứ Hai, việc hình
thành Bộ chỉ huy chung của Quân đội Syria Tự do quốc nội cũng đã gây
ngạc nhiên. Một nhà đối lập Syria nhận định, nếu sự sụp đổ của chế độ
Assad diễn ra trong những ngày tới, thì Quân đội Syria Tự do đã làm nên
một phép lạ mà cách đây vài tuần chưa ai có thể tin được.
Pháp hợp tác với Trung Quốc để làm ăn ở châu Phi ?
Trên lãnh vực kinh tế, nhật báo Les Echos đề cập đến việc Ubifrance,
cơ quan phụ trách phát triển hoạt động của các doanh nghiệp Pháp ở nước
ngoài, tính đến việc hỗ trợ các công ty Pháp hợp tác với Trung Quốc để
làm ăn ở thị trường châu Phi.
Ưu thế của các công ty Pháp là hiểu biết rất nhiều về lục địa đen, có
mối quan hệ lịch sử gắn bó, và các tiêu chuẩn chất lượng mà các công ty
Trung Quốc còn thiếu thốn. Một số ví dụ : tập đoàn Cahors chuyên về
mạng lưới điện của Pháp nắm giữ nhiều kinh nghiệm quý báu, vì hệ thống
điện lực tại các nước châu Phi nói tiếng Pháp đều được xây dựng theo
tiêu chuẩn Pháp.
Còn ngân hàng Société Générale khi liên kết với Bank of China, đã làm
dịch vụ giúp ngân hàng này tại Bắc Phi vì người dân tại đây không nói
tiếng Anh. Còn lợi ích về phía Pháp khi bắt tay với Trung Quốc, là có
thể được hưởng sự hỗ trợ tài chính, vì đối với các dự án xuất khẩu trang
thiết bị, chỉ cần đối tác Trung Quốc nắm phân nửa số vốn là được hưởng
ưu đãi.
Iran kiểm duyệt quảng cáo về thịt gà
« Thịt gà bị Teheran kiểm duyệt trên truyền hình vì quá đắt ».
Đó là tựa đề một bài viết trên phụ trang kinh tế của Le Figaro. Bị cấm
vận, thịt gà trở nên đắt đỏ tại Iran. Lo ngại người nghèo sẽ oán ghét
người giàu, giám đốc cảnh sát đã yêu cầu truyền hình cắt bỏ tất cả những
cảnh trong đó diễn viên đang gặm một chiếc đùi gà chẳng hạn.
Vị chỉ huy cảnh sát này cho rằng : « Điện ảnh phản ánh hiện thực
xã hội. Khi nhìn thấy hố sâu ngăn cách giữa các giai cấp, một số người
có thể tự nhủ, ta phải đi giành lại từ người giàu những gì lẽ ra chúng
ta phải được hưởng ».
Thịt gà giờ đây được liệt vào hàng xa xỉ tại Iran, do quốc tế cấm vận
vì Teheran theo đuổi chương trình nguyên tử. Để hạn chế tăng giá, chính
quyền đã quyết định chốt giá trần ở mức rất thấp so với giá thị trường,
khiến cho nhiều nhà chăn nuôi phải phá sản vì bán lỗ. Hậu quả là chỉ trong vòng một tuần lễ, giá thịt gà từ 1,4 euro một ký
đã leo lên 4 euro. Vẫn còn có những hợp tác xã của nhà nước bán thịt gà
với giá 2 euro một ký, nhưng có khi phải xếp hàng suốt cả ngày mới mua
được.
Đây không phải là lần đầu truyền hình Iran bị kiểm duyệt, không cho
chiếu một sản phẩm nào đó. Hồi năm 1986, giá quít tăng vọt khiến loại
trái cây này cũng bị biến mất trên màn ảnh nhỏ.
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120719-syria-buoc-ngoat-quyet-dinh