Nhiều người hay hỏi tôi, anh đi nhiều, anh thích thành phố nào nhất ? Tôi nói, tôi thích New York, nơi rèn luyện tôi thành người. Thích Hong Kong, nơi thiên đường ẩm thực. Tôi yêu Hà Nội, nơi có kỷ niệm một mối tình đầu trong trắng như pha lê và mối tình cuối nồng nàn như men rượu.
Và tôi yêu Paris, một thành phố lãng mạn mà sự thanh tao hiển hiện, văn hóa sống động hàng ngày, hàng giờ, hàng phút, hàng giây.
Nếu như đến Paris với một tâm trạng như đến với người tình, không phải đến để tham quan, thì bạn sẽ thu hoạch cho mình một trải nghiệm hiếm có. “Tình nhân trong mắt hóa Tây Thi “, đấy tức là trong mắt kẻ si tình, người tình luôn đẹp nhất. Bạn sẽ nhìn Paris bằng con mắt người tình, Paris sẽ không phụ bạn, sẽ ôm bạn vào lòng, thủ thỉ cùng bạn, chia sẻ với bạn những cảm xúc vui buồn, yêu ghét. Chắc chắn sẽ khiến bạn đê mê chìm đắm. Bởi thế, Paris được ví là "Thành phố của tình yêu".
Những người yêu thích Paris cũng nói: Chỉ cần thêm hai chữ cái, Paris trở thành thiên đường. Trong tiếng Pháp, thêm hai chữ a và d, Paris thành Paradis, có nghĩa là thiên đường.
Đi dạo trên đường phố Paris, bạn chắc chắn có thể cảm nhận được không khí nghệ thuật của thành phố, bởi Paris có rất nhiều di tích lịch sử và công trình kiến trúc nghệ thuật của các nền văn minh thế giới. Dù là ngồi ở quán cà phê bên bờ sông Seine chờ hoàng hôn, hay đi dạo trên đại lộ Champs-Élysées. Dù là đứng dưới tháp Eiffel hay Khải Hoàn Môn, dù là chìm đắm trong bảo tàng Louvre hay cung điện Versailles, mọi điểm tham quan đều cho bạn thấy khí chất độc đáo có một không hai của thủ đô lãng mạn này. Rồi những bãi cỏ hay lùm cây được cắt tỉa gọn gàng, cẩn thận, đều có thể khiến mọi người cảm thấy sự duyên dáng, hoa lệ và sang trọng của Paris.
Đúng vậy, tôi hiểu Paris theo tầm nhìn của một người có chút học vấn. Không phải Paris gắn liền với gia tộc tôi hơn 80 năm trước, không phải Paris đã từng thấp thoáng bóng hình cha tôi khi lưu học tại đây, không phải Paris quá thân thuộc với Việt Nam. Mà Paris lãng mạn, đẹp dịu hiền, và hơi thở của nó, nồng nàn những kiến thức văn hóa sâu rộng, tràn trề, tuôn chảy...
Những năm đầu 90, lúc ấy, tôi bươn chải và hầu như cuốn thân vào kinh doanh, và đó là những năm thu hoạch rất lớn về tiền tài. Nhưng đẫm mình trong tiền bạc rượu chè, nhiều lúc thấy mình quá tục. Cứ vài tuần, tôi lại bay sang Paris một lần, không phải gì khác, tôi muốn tắm mình trong không khí của một thành phố tràn đầy hơi thở của văn nhân. Để mình tịnh thân, gột rửa đi những mùi vị tanh tưởi của đồng tiền, để mình trở lại chính mình.
Cuộc sống của người Paris đơn giản, nhưng không đơn điệu, họ coi thường sự xa xỉ. Họ thích đi tản bộ trong công viên, ngồi nhấm nháp ly cà phê vỉa hè, đi thư giãn trong Cung điện và công viên Versailles, đắm mình ở viện bảo tàng Louvre, hay đi thưởng thức hòa nhạc, đi chợ đường phố...Trong tay họ, hầu hết đều cầm một cuốn sách. Sách là thứ không thể thiếu được của một người Paris gốc, sách là bạn thân nhất của người Paris.
Nghĩa trang Montparnasse (tiếng Pháp: Cimetière du Montparnasse) là một trong các nghĩa trang lớn và nổi tiếng của Paris. Nghĩa trang Montparnasse là nơi chôn cất rất nhiều các nghệ sĩ, chính khách và những người nổi tiếng không chỉ của nước Pháp mà còn của nhiều nước khác.
Trong số này có thể kể tới mộ của hai người mà dân Paris thường hay lui tới tặng hoa và mặc niệm. Đó là Jean-Paul Charles Aymard Sartre, triết gia nổi tiếng và Simone de Beauvoir, một nhà văn, nhà triết học và một nhà đấu tranh cho nữ quyền người Pháp. Sartre đã từng từ chối giải thưởng Nobel văn học vào năm 1964, ông nói rằng ông luôn từ chối những danh hiệu chính thức và "một nhà văn không nên cho phép mình trở thành người của một tổ chức".
Còn Beauvoir thì thoát tục siêu phàm, hai người yêu nhau thắm thiết nhưng lại không lấy nhau, những trải nghiệm cuộc đời của đôi tình nhân kiệt xuất này làm mọi người khó lý giải. Họ nằm lại đây, hai ngôi mộ gần nhau, giản dị, nhưng họ chiếm được lòng người dân Pháp, bởi phong cách sống, cũng như lý tưởng sống của họ đại biểu cho đa phần người dân Pháp.
Ở Paris có hai quán cà phê mà người Paris cho rằng, một đời người nhất thiết phải đến đấy một lần, đó là Café de Flore và Les Deux Magots, cũng vì hai quán này là nơi đôi tình nhân Sartre và Beauvoir thường hay lui tới.
Rất nhiều hiệu sách đã góp phần dựng lên một Paris ngập tràn tố chất văn hóa. Đi đến đâu cũng bắt gặp tiệm sách, người ra vào nườm nượp, có hiệu sách mở cửa đến nửa đêm. Như đã nói, người Paris thích đọc sách, trên xe buýt, tầu điện ngầm, quán cà phê...thường thấy mọi người chăm chú vào cuốn sách. Chính vì không khí văn hóa nồng hậu ấy đã ươm mầm ra nhiều nhà tư tưởng, triết gia, nghệ thuật... lãnh đạo trào lưu của thế giới, từ trường phái ấn tượng, đến trường phái hiện thực, từ Chủ nghĩa hiện sinh cho đến Chủ nghĩa siêu hiện thực...
Người Paris không những yêu thích văn hóa và nghệ thuật, còn rất yêu hưởng thụ ẩm thực, đa phần đều tự tay xuống bếp biểu diễn vài món nhậu tinh tế. Họ thích đi chợ đường phố, thích những đồ người dân quê đem ra bán ở đầu đường, gầm cầu. Hoặc ở một chợ nổi tiếng có tên là Marché Bastille, ở đây là một nơi tập trung tất cả sản phẩm thực phẩm, từ rau củ quả, hàng tươi khô, thịt thà, hải sản cho đến tất cả các loại đồ hộp khắp nơi trên thế giới.
Tôi thích ăn kem tươi ở Paris, đa số cửa hàng kem đều làm thủ công, tươi mát, ngon bổ, rẻ. Một thương hiệu kem nổi tiếng của Paris là Berthillon, tiệm kem này tháng Tám thường đóng cửa cả tháng để đi nghỉ mát. Nếu các bạn tháng Tám đến Paris mà vẫn thấy tiệm kem này mở cửa thì chắc chắn là hàng nhái.
Thẩm mỹ quan và giá trị quan của dân tộc Français rất đáng để chúng ta học tập, nhưng sự lãng mạn và tùy tâm của họ rất khó để ta bắt chước. Có ai lại được rỗi thì mua một bó hoa, tha thẩn đến bãi tha ma lúc nửa đêm để tưởng niệm thần tượng của mình, miệng lẩm bẩm toàn những triết học và văn học?
Sau cùng, tôi muốn nhắc đến vị Đại Sư xứ Paris, người thầy mà tôi yêu quý - Victor Hugo. Lúc mới 14 tuổi, ông nói: "Tôi muốn trở thành Chateaubriand * hoặc không là gì cả!". Hai tác phẩm của ông "Nhà thờ Đức Bà Paris" (Notre-Dame de Paris) và "Những người khốn khổ" (Les Misérables) đã làm tôi bái phục và tôn thờ.
Mỗi khi đi trên đại lộ nổi tiếng của Paris - Champs-Élysées, tôi đều nhớ về ông, nhớ về những nhân vật mà ông tạo dựng nên, tôi cảm thấy như họ đang kéo đàn kéo đám đi sau tôi. Trong số họ bao gồm cô gái Esméralda xinh đẹp, có phó Giám mục nhà thờ Claude Frollo, có người kéo chuông nhà thờ Đức Bà thằng gù Quasimodo, thi sĩ Gringoire, có đại úy Phoebus...Có Jean Valjean (Giăng Van-giăng), Linh mục Myriel ( Quý ngài Bienvenue) , thanh tra Javert (Gia-ve), Fantine (Phăng-tin), Cosette (Cô-dét), Gavroche (Ga-vơ-rốt)...và tất cả những kẻ khốn cùng khác.
Tôi như có xúc cảm muốn dẫn đoàn người này đến cung điện Panthéon, nơi yên nghỉ của ông, dâng lên ông một bó hồng, để cảm nhớ ông - nhà đại văn hào lãng mạn đệ nhất nước Pháp - Người thầy mà tôi sùng bái và yêu quý.
Là thủ đô lãng mạn, thủ đô nghệ thuật và kinh đô thời trang của thế giới, Paris thu hút nhiều khách du lịch bởi sự tùy ý có chút đỏng đảnh, sang chảnh, có chút kiêu ngạo, với sự nhã nhặn. Mọi con phố ở đây đều đáng để la cà thưởng thức kỹ càng.
Phong thái của Paris đến từ di sản văn hóa độc đáo của nó, không thể thay thế bởi bất kỳ diện mạo và cảnh quan nào, và không thể có được ở các thành phố khác. Nếu có cơ hội, Paris xứng đáng là một trong những thành phố bạn nhất định phải đến một lần trong đời!
(*François-René, Tử tước Chateaubriand (4 tháng 9 năm 1768 - 4 tháng 7 năm 1848) là một nhà văn, chính trị gia và nhà ngoại giao người Pháp. Ông được coi là người sáng lập ra trào lưu lãng mạn trong văn học Pháp).
PHÓ ĐỨC AN 10.12.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.