Năm 1979, tốt nghiệp Đại học Sư phạm, tôi được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy môn Văn học Việt Nam.
Một lần, giáo sư Mai Quốc Liên, thầy cũ của tôi, dẫn tôi đến thăm nhà phê bình Hoài Thanh (1909-82). Lúc ấy ông bà Hoài Thanh đã dọn vào sống ở Sài Gòn.
Nói chuyện một lát, không nhớ tại sao, cả Hoài Thanh lẫn thầy tôi (vốn từ Hà Nội vào) lại so sánh người miền Nam và người miền Bắc. Hoài Thanh nhận xét:
“Bản chất của chế độ ngụy là xấu vậy mà không hiểu sao nó lại đào tạo con người giỏi thế. Ai cũng lịch sự. Cứ mở miệng ra là cám ơn với xin lỗi rối rít. Ngồi ở trong nhà, có ai đi ngoài đường chõ miệng hỏi cái gì mà mình trả lời xong, cắp đít đi thẳng, không thèm cám ơn một tiếng, thì không cần nhìn, mình cũng biết ngay đó là dân ngoài Bắc vào.”
Năm 1996, lần đầu tiên về Việt Nam, tôi ở Hà Nội ba tuần. Suốt thời gian ấy, hầu như hàng ngày, tôi hay ra vào các tiệm sách để tìm các tài liệu mình cần cho công việc nghiên cứu ở Úc.
Mỗi lần vào tiệm, tôi đều gật đầu chào các cô bán sách. Tất cả đều trố mắt nhìn tôi, đầy ngạc nhiên. Sau khi trả tiền sách, tôi “cám ơn”, họ lại trố mắt nhìn tôi, vẫn đầy ngạc nhiên. Nhìn họ, tôi nhớ đến các hợp tác xã thời bao cấp. Ở đó, những người bán hàng là những kẻ đầy quyền lực. Họ bán như bố thí. Mặt họ lúc nào cũng lạnh tanh. Không bao giờ cười hay chào ai cả.
Mà không phải chỉ những người bán hàng. Dạo ấy, đi ra ngoài đường, tôi cũng hiếm nghe những tiếng “xin lỗi” hay “cám ơn”. Cực hiếm.
Ở trên toàn là những chuyện cũ, đã hơn 30 năm. Hy vọng bây giờ đã khác.
NGUYỄN HƯNG QUỐC 09.12.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.