Trong khả năng hiểu biết của mình, tôi mạnh dạn kết luận: Chị Ba không có bằng tiến sĩ nào hết, kể cả bên Bulgari lẫn bên Anh !
Dựa vào những giấy tờ mà chị Ba cung cấp cho báo chí nhờ lên tiếng cho rõ, thì phần rõ đã hiện lên sắc nét: Những giấy tờ đó không hề là bằng tiến sĩ. Chắc chắn luôn. Có giấy đã tạo nên trò cười bất đắc dĩ (học 124 giờ theo chương trình workshop mà ra... tiến sĩ !).
Tôi lấy làm tiếc cho một tượng đài sân khấu cải lương như chị Ba, chỉ vì muốn có được học vấn ngang bằng với sự nổi tiếng mà đã tạo cho mình một bi kịch hổm rày. Quá uổng. Cái nhìn về chị Ba ở một số khán giả hết trọn vẹn như xưa mà nó đã móp méo, rạn nứt, thậm chí đã sụp đổ một phần.
Không ai được như chị Ba. Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, chị được mệnh danh là "cải lương chi bảo" - từ một nhà báo chuyên viết về kịch trường định danh cho chị như vậy trong bài báo của mình, rồi lâu dần "chết tên" luôn chớ ko phải là giải thưởng gì cả. Chị Ba cũng là một trong số những nữ nghệ sĩ tài danh thời ấy được trao giải Thanh Tâm - giải danh giá của nghề. Sang chế độ mới, chị Ba được tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Hai vòng nguyệt quế lấp lánh. Nhưng chị chưa vừa lòng, chị muốn mình phải là tiến sĩ.
Thực ra, ai cũng vậy, ngành nghề nào cũng vậy, có thể học lên càng cao càng tốt, càng có điều kiện làm nghề chuyên sâu hơn, thành công hơn, dễ truyền cảm hứng hơn cho thế hệ tiếp nối. Cho nên, việc chị Ba nỗ lực đi học tiến sĩ ở nước ngoài, với tôi, đó là điều đáng nể trọng. Nhưng phải là chuyện có thiệt.
Học tới đâu nói tới đó. Bằng cấp cũng vậy. Có thì nói không thì thôi. Tuyệt đối không chắp vá, tô vẽ, thêm thắt, lèo lái cho mọi người "nghĩ đó là" cái mình đã đạt được ! Bây giờ vẫn có người, thậm chí cả nhà báo, vẫn cho rằng những giấy tờ kia có cái là... bằng tiến sĩ bên Bulgari. Tôi nghĩ, nên bắt buộc nhà báo học tiếng Anh !
Trong bi kịch này của chị Ba, chỉ báo Tuổi Trẻ là có thông tin riêng, có tác nghiệp thực sự. Thêm tờ Tri thức Znews có bài phỏng vấn một tiến sĩ người Anh về "cái bằng tiến sĩ" của chị Ba được cho là do trường RADA cấp. Nhờ hai tờ báo đó mà công chúng biết được chi tiết quan trọng: Trường này không đào tạo bậc học tiến sĩ ! Thế là người ta rào rào lên mạng lùng sục tìm kiếm thông tin.
Mọi sự dần dần được hé lộ. Dễ gì mà lấp liếm ở thời buổi này. Một số tờ báo còn lại thì đăng giống nhau, từ câu chữ đến hình ảnh, được "phía nghệ sĩ nhân dân Bạch Tuyết" cung cấp ! Riêng tờ Nông Thôn Việt "ưu tiên" có thêm cái hình chi tiết môn học, số giờ học tạo nên cú twist không thể hài hước hơn.
Khi chị Ba xuất hiện đâu đó, chỉ với danh hiệu "cải lương chi bảo", "nghệ sĩ nhân dân" thì chị Ba chiếm spotlight hết trọi. Tôi nhắc lại: Ai được như chị Ba ! Mới đây, chị Ba lại đăng đàn rổn rảng: Tôi gần chết rồi nên tôi nói hết, có hơi quá đáng cũng nói. Điều gây sự chú ý là, chị Ba dặn, muốn có trái tim minh triết thì mình phải sống thật. Ok luôn.
Sống thật nhen, chị Ba. Mình có tới đâu mình nói tới đó. Đừng buông lời xúc phạm tiền bối đã khuất, những đồng nghiệp cao niên, những tên tuổi đang tiếp nối chị Ba đứng trên sân khấu cải lương. Càng học cao hiểu rộng càng cần khiêm tốn. Chị Ba có nhiều vai diễn để đời mang hàm ý sâu sắc này, chị Ba quên rồi sao ? Mà chị Ba là người học Phật nữa chớ...
Tôi có bạn bè Facebook là tiến sĩ, ngành nghề khác nhau. Họ cũng là cộng tác viên ruột của báo Phụ Nữ, báo Tuổi Trẻ... nhưng khi có bài đăng báo, họ chỉ ghi vỏn vẹn cái tên, cái bút hiệu của mình, không kèm theo học vị tiến sĩ. Nhiều khi vì bài báo có nội dung chuyên môn quá, cần có học vị để tăng tính thuyết phục, nói mãi, họ mới chịu. Vậy đó.
LÊ THỊ BẠCH MAI 04.12.2024 (Tựa bài do
Thụy My đặt)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.