(Pierre Sautreuil, La Croix 12/12/2024) Trước sự sụp đổ của Bachar Al Assad, Matxcơva rơi vào tình thế không dễ chịu chút nào : phải làm thân với phe nổi dậy Syria mà Nga đã không ngừng oanh tạc trong gần 10 năm.
Vấn đề rất trầm trọng, với nguy cơ mất đi hai căn cứ quân sự Tartous và Hmeimim bên bờ Địa Trung Hải, vốn bảo đảm năng lực viễn chinh sang Cận Đông và xa hơn nữa.
Hôm thứ Tư 11/12, phát ngôn viên Kremlin Dmitri Peskov tuyên bố : « Chúng tôi giữ liên lạc với những người kiểm soát tình hình tại Syria, điều này là cần thiết, vì chúng tôi có căn cứ và đại diện ngoại giao ở đó. Các vấn đề liên quan đến an ninh của các cơ sở này vô cùng quan trọng ».
Một thỏa thuận ký năm 2017 cho phép Nga duy trì đến tận năm 2066. Nhà nghiên cứu Anton Mardasov khẳng định : « Rõ ràng các hiệp ước bất tương xâm về các cơ sở của Nga đã được ký kết với Thổ Nhĩ Kỳ thông qua các kênh ngoại giao và quân sự khác nhau. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là nga có thể giữ lại các căn cứ quân sự ở Hmeimim và Tartous ».
Không có giải pháp thay thế ổn thỏa
Dấu hiệu cho thấy sự lo ngại hiện thời, là những hình ảnh vệ tinh công bố những ngày gần đây trong đó các chiến hạm Nga ở Tartous neo ở các vị trí an toàn, ngoài khơi thành phố ven biển của người Alaouite, nơi Liên Xô mở một căn cứ năm 1971 sau khi thỏa thuận với Hafez Al Assad. Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov nói rằng chỉ đơn thuần là « tập trận ». Những chuyến bay khỏi căn cứ không quân Nga Hmeimim - thành lập năm 2015, nằm bên thành phố Lattaquié - cũng được nhìn thấy, dù tầm cỡ không tương xứng với một cuộc di tản đúng nghĩa. Có vẻ như đang trong lúc hy vọng vào những thương lượng trong hậu trường.
Việc mất các căn cứ này chắc chắn gây hậu quả. Tartous là căn cứ hải quân thường trực duy nhất của Nga ở Địa Trung Hải, không gian đối đầu chiến lược với các nước NATO. Phối hợp với căn cứ không quân Hmeimim, Tartous đóng vai trò chủ chốt về hậu cần cho các hoạt động của Nga tại châu Phi, nơi Matxcơva tăng cường ảnh hưởng trong những năm gần đây, thông qua hàng ngàn chiến binh Wagner và các lực lượng tay sai khác như Africa Corps. Kênh Telegram Rybar, thân cận với Bộ Quốc phòng Nga lưu ý : « Đặc biệt Hmeimim là điểm tiếp liệu cho các phi cơ chở thiết bị quân sự, chở người và hàng hóa ».
Libya, nơi Nga cũng hiện diện, được cho là giải pháp thay thế khả dĩ nhất. Theo Rybar, « Các phi cơ vận tải không thể bay từ Nga sang Libya mà không cần tiếp liệu, trừ khi bay không tải. Như vậy việc tiếp tế cho các hoạt động ở châu Phi thông qua Libya sẽ rất tốn kém và không bền vững. Tất nhiên có các căn cứ hải quân ở Tobrouk, nhưng có đến hai chính quyền kiểm soát. Tình hình có thể xấu đi bất cứ lúc nào, nên không thể trông cậy vào đây ».
Thương lượng phức tạp
Tác động từ việc mất các căn cứ này đối với hoạt động của Nga tại châu Phi tùy thuộc vào quyết tâm của Vladimir Putin trong việc duy trì chính sách tích cực ở châu lục, theo nhà phân tích Ivan Klyszcz. Chuyên gia về hoạt động Nga tại châu Phi và các nước phương Nam nhận định : « Do chẳng có cách nào khác, Nga sẽ phải thỏa thuận với các đối tác địa phương để tiếp liệu cho tàu chiến, phi cơ của mình hay để được vào cảng, nhưng tạm bợ hơn so với một căn cứ thường trực ».
Có bấy nhiêu lý do để thúc đẩy Matxcơva thương thảo việc duy trì căn cứ quân sự ở Syria. Chuyện này không phải dễ dàng. Các nhóm nổi dậy đã lật đổ Bachar Al Assad không quên sự yểm trợ mang tính quyết định của không lực Nga cho tổng thống Syria trong những năm qua, đã đè bẹp họ dưới những trận bom. Và việc tiếp nhận nhà độc tài hết thời, do các hãng tin Nga tiết lộ và chính quyền xác nhận vào tối thứ Ba, khiến Matxcơva không ở trong thế mạnh.
Ngược lại, việc duy trì các căn cứ được Kremlin dùng để đối đầu với châu Âu và Hoa Kỳ tại Địa Trung Hải và châu Phi, có thể làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa phương Tây và chính quyền mới ở Syria. Về phần Thổ Nhĩ Kỳ, Anton Mardasov nhận xét, nước này « cũng chẳng có lợi lộc gì trước sự hiện diện của chiến đấu cơ và chiến hạm Nga ở gần lãnh thổ mình ». Thế nên khó thể hình dung Nga giữ được các căn cứ này mà không có những đền bù đáng kể.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.