Sáng nay, Tổng bí thư Tô Lâm đã nói ra điều mà nhiều vị thường né tránh, thậm chí tung hô ngược lại để tự sướng với nhau. Có lẽ nhìn đúng bệnh mới bốc đúng thuốc, chữa trị tốt để cơ thể mau khỏe:
"...Tôi được báo cáo là Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu điện thoại di động thông minh; đứng thứ năm thế giới về xuất khẩu linh kiện máy tính; đứng thứ sáu thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính; đứng thứ bảy thế giới về gia công phần mềm, đứng thứ tám thế giới về thiết bị linh kiện điện tử.
Đây là những con số có vẻ ấn tượng, hoành tráng, đáng tự hào, nhưng thử hỏi chúng ta đã bao giờ nhìn sâu vào bản chất những số liệu này chưa? Chúng ta đóng góp được bao nhiêu % giá trị trong đó?
Hay là mình đang ở phân khúc thấp nhất của chuỗi giá trị, chủ yếu là gia công cho nước ngoài. Một cái áo bán ra mà thiết kế, vải, nhuộm, chỉ, cúc đều của người khác thì mình được bao nhiêu? Có chăng chỉ là công lao động và sự ô nhiễm môi trường? Số liệu tôi nêu trên được trích dẫn từ báo cáo của các lãnh đạo về thành tích của ngành mình. Tôi cứ tự hỏi đây liệu có phải là "ngộ nhận", là "tự huyễn hoặc", là "tự ru mình" không?".
Nhân đây tôi muốn nói thêm ngành điện tử, sản xuất điện thoại và linh kiện, khu vực FDI xuất khẩu 100 % giá trị điện thoại và linh kiện nhưng nhập đến 89% giá trị linh kiện này. Samsung đầu tư vào Việt Nam từ 2008 đến nay, tại Thái Nguyên có 60 doanh nghiệp đối tác cấp I cung ứng cho Samsung thì tới 55 doanh nghiệp nước ngoài.
Tại Bắc Ninh có 176 đối tác cấp I thì có tới 164 doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp trong nước chủ yếu cung cấp dịch vụ an ninh, suất ăn công nghiệp, xử lý rác thải..."
Ông cho rằng ""Trong thực tế, sự đóng góp của khu vực FDI đối với việc nâng cao tiến bộ khoa học nội địa còn thấp. Trên 80 % doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ trung bình; 14 % sử dụng công nghệ lạc hậu, khoảng 5 % sử dụng công nghệ cao. Sắp tới đây chúng ta phải thu hút FDI có chọn lọc tốt hơn. Đừng để Việt Nam trở thành cứ điểm "lắp ráp - gia công", là bãi rác về công nghệ của thế giới, trong khi doanh nghiệp trong nước không học hỏi được gì". (Trích từ báo Tuổi trẻ)
Không chỉ việc này mà lâu nay, khá nhiều quan chức thường tự hào với những con số đẹp có khi được vẽ vời để vừa lòng cấp trên. Đứng thứ mấy hay thu bao nhiêu không quan trọng bằng việc thực chất đem lại những gì cho đồng bào, đất nước mình.
Chứ cứ hân hoan số 1 số 2 hô hào ầm ĩ mà tiền hầu hết chảy vào túi tư bản, đời sống số đông chật vật khó khăn thì hão huyền ấy chẳng tốt đẹp gì cho tương lai. Khi bị vắt kiệt sức, nhìn lại hoảng hốt với cơ thể rệu rã đã quá muộn...
Ngẫm việc này tôi lại nhớ những doanh nghiệp quảng bá um sùm lời ngàn tỉ, lãi khủng lợi nhuận cao nhất. Nhưng người làm công ăn lương thì cày vỡ mặt may ra mới nhận được đồng lương thoi thóp qua ngày. Từ nhận ra bản chất của những việc như thế đến sửa chữa đúng cách, nắn lại đúng đường sẽ cần thời gian và nỗ lực đủ thứ. Nhưng ít nhất dám nhận ra mới mong thay đổi.
HÀ PHAN 15.01.2025 (Tựa bài do Thụy My đặt)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.