mercredi 2 octobre 2024

Võ Xuân Sơn - Bất lực hay hư hỏng nặng ?


Tôi đã có bài viết về vụ cô giáo đòi phụ huynh phải góp tiền để cô mua laptop.

Rằng đó là những cá nhân lẻ tẻ, hành động không có tổ chức… sử dụng quyền lực để trấn lột người khác, nhưng vì quyền lực của chúng nhỏ nhoi, nên những đòi hỏi của chúng nó cũng vụn vặt.

Tuy nhiên, những vấn đề sau đó thì có vẻ không phải như vậy. Theo VTC, cô giáo này đã tỏ thái độ thách thức, gọi các phụ huynh là “đầu đường xó chợ”, “thứ gì đâu không”, “trở mặt như trở bánh tráng”… Giáo viên thì cũng người này người khác. Chuyện cô giáo ăn nói mất dạy, vô giáo dục cũng không phải là quá cá biệt, nhưng theo tôi, nó vẫn là chuyện lẻ tẻ.

Nhưng có một chuyện khác, hoàn toàn không thể coi là lẻ tẻ, không tổ chức. Đó là việc nhà trường đã xử lý chuyện này như thế nào. Cũng theo VTC, thì ông hiệu trưởng ngôi trường có cô giáo “đầu đường xó chợ, trở mặt như trở bánh tráng” kia, cứ luôn khẳng định là giải quyết tích cực, triệt để. Và ông ấy giải quyết tích cực, triệt để bằng cách báo cáo lên cấp trên, và thực hiện theo chỉ đạo của ủy ban, phòng giáo dục…

Thậm chí, ngay cả khi phóng viên hỏi ông hiệu trưởng về việc cô giáo này bán mì tôm, nước giải khát trong lớp, ông ấy cũng trả lời rằng đã báo cáo. Nói chung là cái gì cũng báo cáo và chờ chỉ đạo. Trong khi đó thì ngay cả khi có 24/38 học sinh nghỉ học vì không biết ai sẽ dạy lớp các cháu học, thì ông hiệu trưởng lại chống chế, rằng phải chờ họp xong.

Có thật là ông hiệu trưởng không có quyền xử lý giáo viên của mình khi sai phạm đã quá rõ ràng? Hay cô này là con của ông nào, cháu của bà nào, mà dù có sai phạm đến đâu, thì ông hiệu trưởng cũng không dám xử lý?

Nếu ông hiệu trưởng thực sự không có quyền xử lý giáo viên sai phạm, cả về pháp lý và đạo đức, thì cái hệ thống này là hệ thống bất lực. Còn nếu vì cô giáo này là con ông nọ, cháu bà kia, để ông hiệu trưởng không dám xử lý, cứ phải báo cáo và chờ ý kiến, thì cái hệ thống này nó bị hư hỏng nặng.

Nói chung, từ cách xử lý một trường hợp giáo viên lợi dụng quyền lực trấn lột tiền của phụ huynh, hành xử mất dậy, vô giáo dục, phát ngôn vô văn hóa, cho thấy hệ thống này bất lực hoặc hư hỏng nặng. Đó mới là cái gây “quan ngại” sâu sắc nhất.

VÕ XUÂN SƠN 01.10.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.