samedi 12 octobre 2024

Hoàng Quốc Dũng - Nghị quyết Francophonie và Việt Nam

Từ ngày Tô Lâm lên ngôi, ông đã có nhiều hoạt động thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong việc tăng cường hơn hợp tác với phương Tây.

Trong chuyến công tác tại Liên Hiệp Quốc, ngay từ Hà Nội, ông đã chuẩn bị kế hoạch gặp tổng thống Ukraina, và đã trực tiếp gặp Zelensky để khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện với Ukraina. Ông cũng thể hiện quan ngại về tình hình chiến tranh tại Ukraina, kêu gọi chấm dứt xung đột, khôi phục hòa bình…

Ông Tô Lâm cũng đã tuyên bố trong chuyến công du Mỹ : « Con đường phát triển của Việt Nam không thể tách rời xu hướng chung của thế giới và nền văn minh nhân loại, Truyền thống của chúng tôi là giầu vì bạn. Chúng tôi không thể đạt những mục tiêu cao cả nếu thiếu sự đoàn kết trong sáng và sự ủng hộ quý báu từ cộng đồng quốc tế ».

Sau chuyến công du Mỹ quốc, ông Tô Lâm đã đi Pháp quốc để dự Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 19, tại Paris ngày 04 và 05/10/2024. Nói về Francophonie thì dài dòng, tôi chỉ nói đến một vài vấn đề quan trọng có thể liên quan đến chúng ta.

Nói một cách ngắn gọn là sau hai ngày cùng làm việc của tất cả các đoàn đại biểu (thảo luận, thêm bớt ý kiến…), Hội nghị đã thông qua một Nghị quyết (Resolution) về các cuộc khủng hoảng, giải quyết khủng hoảng và củng cố hòa bình trong không gian Pháp ngữ.

Nghị quyết này tương đối dài, nhưng có 2 điểm then chốt :

1. Lên án mạnh mẽ các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm nhân quyền và luật nhân đạo do cuộc xâm lược của Nga vào Ukraina gây ra ; lên án các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự…

2. Kêu gọi Liên bang Nga rút toàn bộ và vô điều kiện các lực lượng quân sự ra khỏi Ukraina, tôn trọng đường biên giới đã được quốc tế công nhận, tiến tới một nền hòa bình công bằng và bền vững phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Khi nghị quyết này đã được thông qua thì điều đó có nghĩa là các nước (đương nhiên có Việt Nam) đã hoàn toàn đồng ý với nghị quyết và nghị quyết có hiệu lực ngay lập tức.

Như vậy, so với trước đây, lập trường của Việt Nam đã hoàn toàn thay đổi đối với cuộc chiến tranh Nga-Ukraina ?

Theo tôi được biết, thì trong chuyến công du vừa qua của ông Tô Lâm tại Pháp, Việt Nam yêu cầu nâng cấp quan hệ hai nước lên hợp tác chiến lược toàn diện chỉ được nước Pháp chấp thuận vào giờ chót khi mà Việt Nam đã có những biểu hiện thiện chí tại Hội nghị cấp cao Pháp ngữ.

Rõ ràng là từ ngày Tô Lâm lên ngôi, ông đã cho thấy rõ sự khác biệt của ông so với ông Trọng, mạnh dạn hơn, năng động hơn và rõ ràng hơn.

Nhưng đó chỉ là biểu hiện bề ngoài của Việt Nam trên trường quốc tế. Thực tế còn đặt ra cho chúng ta nhiều câu hỏi. Một số hoạt động và câu nói của ông ở nước ngoài nhiều khi bị cắt xén trên các phương tiện truyền thông của Việt Nam, và cụ thể nhất là văn kiện về Nghị quyết của Hội nghị đỉnh cao Pháp ngữ(mà tôi trích dẫn trên đây) hoàn toàn vắng bóng trên báo chí ở Việt Nam.

Phải chăng ở Việt Nam vẫn có các thế lực không muốn cho nhân dân biết chính những điều đã đồng thuận với phương Tây, đặc biệt những điều này trái ngược hẳn với lập trường của Việt Nam trước đây, gần với Trung Quốc hơn. Mà cũng không biết đây là những người chống ông Tô Lâm hay lại chính là những người của ông Tô Lâm, làm theo lệnh của ông ??? (Nói zậy, nhưng không phải zậy).

Thời gian sẽ cho chúng ta câu trả lời. Rất mong người hùng nào đó của Việt Nam (Tô Lâm ???) làm được một cuộc cải tổ sâu rộng, đưa Việt Nam vào quỹ đạo của các nước văn minh, phát triển.

HOÀNG QUỐC DŨNG 12.10.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.