lundi 7 octobre 2024

Hạ Trân - « Hãy nói cho mọi người cùng nghe, người đã cứu người »


 

(France Bleu ngày 05/10/2024 đưa tin có bốn người thiệt mạng trong hai vụ đắm thuyền của di dân vượt biển Manche từ Pháp qua Anh ngày hôm đó. Theo thông tin trên mạng xã hội, trong số đó có một thanh niên người Việt tên Trần Minh Nhật – TM)

Tháng 10 về trong những cơn gió lạnh nhè nhẹ. Mùa thu châu Âu đẹp lạ, tràn ngập chất thơ. Mùa thu, mùa lá vàng nhẹ bay. Mùa để khám phá vẻ đẹp Tạo hóa đã tặng ban. Mùa để trao nhau những hoài niệm. Mùa làm say lòng những bước chân lữ khách tha hương.

Nhưng! (Một chữ nhưng đầy ngang trái). Đó cũng là mùa của những chuyến hải trình cuối cùng vượt biển Manche vào Anh trước mùa lạnh giá.

Anh quốc nhiều năm gần đây nổi lên như là một “thiên đường trần thế” của di dân Việt Nam. Nhiều người miền Trung xem đó như là cứu cánh về mặt kinh tế - chính trị - xã hội, thoát cảnh đói nghèo triền miên của vùng đất cằn, chưa mưa đã lụt, chưa nắng đã hạn, chưa bão đã giông.

Và, cũng có thể là thoát khỏi Việt Nam đồng đang ngày càng mất giá, vàng thì liên tục leo thang và thoát khỏi cả những chú đạo tặc vẫn thường theo thói quen "bắn nhầm dê, bế nhầm dân"...

Đã gần 50 năm sau ngày "giải phóng" trong ngoặc, người quê tôi vẫn đi. Thực tế nhức nhối là hằng đêm vẫn có những con thuyền rục rịch rời Calais (Pháp) đi như chuyên chở giấc mơ “thoát nghèo” của người miền Trung.

Và quả đúng như thế thật, những ngôi làng duyên hải xác xơ đã mọc lên những căn nhà khang trang, những xóm làng trù mật, đường làng lắm xe cộ lướt đi bên những ngọn tháp vút cao.

Đâu đó những ngôi làng chỉ còn tiếng trẻ con bi bô học chữ, tiếng ra rả đọc kinh xen lẫn húng hắng ho của kẻ già. Lớp trẻ - thanh niên rủ nhau đi biền biệt nơi những phương trời xa xôi để kiếm những đồng tiền xanh - trắng gửi về mẹ cha.

Ai biết được rằng, trong những đồng kiều hối đó, có biết bao nhiêu đồng trộn lẫn mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của những anh chị em được đóng mác mỹ miều là “Việt kiều hải ngoại”, khúc ruột nối dài thân thương. Thử hỏi có đồng nào không dính mùi thực phẩm, mỡ dầu, quán xá, hóa chất tiệm nail?

Và có lẽ cũng không ai nỡ trách người miền Trung gió lào cát trắng quê tôi đi tìm no ấm cuộc đời. Nếu không táo tợn nỏ phải người xứ sở "kiêu binh". Nếu không mạnh bạo, nỏ phải người bên dải Lam Giang.

Thiên di bỗng chốc trở thành truyền thống của quê tôi những năm gần đây như ai đó từng nói người xứ Nghệ phải ra khỏi quê hương mới mong làm nên điều gì vĩ đại.

Biết bao nhiêu truy vấn được cất lên để giải quyết tình trạng “chảy máu chất xám”, bao nhiêu vụ « 39 » xảy ra nhưng cuối cùng thì những chiếc Cano vượt đại dương vẫn tiếp tục cỡi sóng dữ lên đường, bởi suy cho cùng vẫn chưa giải quyết được cái gốc: nỗi lo cơm áo gạo tiền muôn thuở chốn nhân sinh.

Em của anh cũng cất bước đăng trình đến vùng đất mới với ước vọng đổi đời. Thế nhưng, vĩnh viễn em nằm lại, kết thúc hành trình nơi mảnh đất xa lạ, phút cuối cuộc đời bên những người đa số không quen, đen-trắng-vàng lẫn lộn màu da.

Nghe tin em giữa đêm khuya, anh bàng hoàng sửng sốt. Anh cũng mong chờ một “tin vui giữa giờ tuyệt vọng” thế nhưng tất cả rồi cũng rơi vào trống rỗng và hư vô.

Với nét ngoại hình điển trai, ngoan, hiền lành, xởi lởi, tốt bụng, dễ mến và nhất là sống hết mình vì bạn bè, em đã tạo nên những dấu ấn đẹp trong lòng những ai mà em gặp gỡ. Và có lẽ cũng chính vì sự quảng đại cho đi ấy mà em đã không ngần ngại cho đi cả mạng sống là cái quý giá nhất của mình.

Bạn đồng hành em kể rằng: “Chuyến ca-nô phát xuất từ Calais trực chỉ đảo quốc sương mù. Chuyến đi bão táp ấy đã trở nên địa ngục đối với những người chưa quen sóng gió. Động cơ trục trặc, biển khơi chao đảo. Tất cả như những con mãnh thú nuốt chửng lấy phận người mỏng manh…”

Câu chuyện cứ tiếp diễn như từng trang phim được quay lại: “Nhật lúc đó ở vị trí an toàn. Một người bạn chân yếu tay mềm của Nhật trật chân ngã xuống bị đám đông xô lấn sùi cả bọt mép. Thoáng thấy bạn hiền lọt thỏm giữa những người không quen lạ mặt, Nhật đã lấy thân mình che chở cho người bạn đang bị giẫm đạp dưới những bước chân hoảng loạn, lo âu. Kết quả là Nhật chết, bạn sống”.

Giữa phút giây sinh tử ấy, em đã không chọn cho mình lối đi hèn nhát của một kẻ bỏ bạn khi hoạn nạn. Dân xứ Nghệ có câu hò điệu ví: “Rằng khi hoạn nạn, mới hiểu lòng nhau”. Điều này phải chăng đúng với em? Người ta khen em trượng phu, trượng nghĩa, xứng mặt đàn ông. Âu đó cũng là những lời khen xứng đáng với hành động quên thân của em.

Kể ra, cái chết của em thực sự không vô nghĩa. Một cái chết đẹp. Một cái chết theo gương Thầy Giêsu: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Em có thể lựa chọn sự sống nhưng em đành chấp nhận ra đi để bạn mình được sống. Nghĩa cử trên cao đẹp lắm thay!

Anh thương em trai! Tình thương của một người anh lạnh lùng, ít nói, ít thể hiện xúc cảm, ít hàn huyên tâm sự.

Giờ đây, em nằm lạnh lẽo cô đơn một mình nơi xứ người. Không còn được ngắm mùa thu Berlin đẹp như tranh vẽ. Không còn được đến những ngôi thánh đường nơi mảnh đất trời Tây để lắng mình lại trong từng lời kinh, tiếng nhạc. Không còn vẽ tiếp bức tranh của đời mình. Giấc mộng trời Tây đã khép...

Lòng anh thổn thức, không thốt lên lời. Dòng lệ thấm đẫm chợt chảy ngược vào tim.  Đau thương! Tiếc xót! Ngẩn ngơ!

Nhật còi ơi! Vầng Mặt trời nhỏ của anh ơi! Anh sẽ “nói cho mọi người cùng nghe, người đã cứu người”!

(Tưởng niệm em trai Anthony Trần Minh Nhật vừa được Chúa gọi về tại Calais, Pháp, thứ Bảy, ngày 5 tháng 10 năm 2024)

LM HẠ TRÂN 07.10.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.